Luật phá sản | Chương III - Nghĩa vụ về tài sản
Điều 33. Xác định nghĩa vụ về tài sản
Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được xác định bằng:
1. Các yêu cầu đòi doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà nghĩa vụ này không có bảo đảm;
2. Các yêu cầu đòi doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ về tài sản có bảo đảm được xác lập trước khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng quyền ưu tiên thanh toán đã bị huỷ bỏ.
Điều 34. Xử lý các khoản nợ chưa đến hạn
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn, nhưng không được tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn.
Điều 35. Xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố được xác lập trước khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được ưu tiên thanh toán bằng tài sản đó; nếu giá trị tài sản thế chấp hoặc cầm cố không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị của tài sản thế chấp hoặc cầm cố lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 36. Hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước
Doanh nghiệp đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn không phục hồi được mà phải áp dụng thủ tục thanh lý thì phải hoàn trả lại giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt cho Nhà nước trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
Điều 37. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự sau đây:
a) Phí phá sản;
b) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
c) Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
a) Xã viên hợp tác xã;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Các thành viên của công ty; các cổ đông của công ty cổ phần;
3. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 38. Xác định giá trị của nghĩa vụ không phải là tiền
Trường hợp đối tượng nghĩa vụ không phải là tiền thì theo yêu cầu của người có quyền hoặc của doanh nghiệp, hợp tác xã, Toà án xác định giá trị của nghĩa vụ đó vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản để đưa vào nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 39. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh
1. Trường hợp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ liên đới về một khoản nợ mà một hoặc tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã đó lâm vào tình trạng phá sản thì chủ nợ có quyền đòi bất cứ doanh nghiệp, hợp tác xã nào trong số các doanh nghiệp, hợp tác xã đó thực hiện việc trả nợ cho mình theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản thì người được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với người nhận bảo lãnh.
3. Trường hợp người được bảo lãnh hoặc cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh đều lâm vào tình trạng phá sản thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với người nhận bảo lãnh.
Điều 40. Trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý
1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định mở thủ tục thanh lý, chủ sở hữu tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý thuê hoặc mượn tài sản để dùng vào hoạt động kinh doanh phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn với Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý đã trả trước tiền thuê nhưng chưa hết thời hạn thuê thì chủ sở hữu chỉ được nhận lại tài sản sau khi đã thanh toán lại số tiền thuê còn thừa do chưa hết thời hạn để Tổ quản lý, thanh lý tài sản nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
3. Trường hợp tài sản thuộc quyền đòi lại đã bị doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý chuyển nhượng cho người khác thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi thường đối với tài sản đó như khoản nợ có bảo đảm.
Điều 41. Cấm đòi lại tài sản
Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đã giao tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản trước khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đều không được đòi lại nếu việc giao tài sản đó nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 42. Nhận lại hàng hoá đã bán
Người bán đã gửi hàng hoá cho người mua là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nhưng chưa được thanh toán và người mua cũng chưa nhận được hàng hoá thì người bán được nhận lại hàng hoá đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét