Luật xuất bản | Chương III - Lĩnh vực in xuất bản phẩm
Điều 31. Cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
1. Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm gồm:
a) Giám đốc hoặc chủ cơ sở in là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; có nghiệp vụ về in và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật;
b) Có mặt bằng sản xuất, thiết bị để in xuất bản phẩm;
c) Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự;
d) Phù hợp với quy hoạch phát triển in xuất bản phẩm.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
Đơn xin cấp giấy phép ghi tên, địa chỉ cơ sở in, mục đích, sản phẩm chủ yếu;
Tài liệu chứng minh về việc có mặt bằng sản xuất, danh mục thiết bị chính, lý lịch trích ngang của giám đốc hoặc chủ cơ sở in;
c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở in có công chứng;
d) Bản cam kết thực hiện các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:
a) Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép cho cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở Trung ương;
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ sở in của địa phương.
4. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 32. Điều kiện nhận in xuất bản phẩm
1. Việc in xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với xuất bản phẩm của nhà xuất bản thì phải có quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản;
b) Đối với tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải có giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;
c) Đối với tài liệu không kinh doanh của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam không thực hiện qua nhà xuất bản của Việt Nam thì phải có giấy phép xuất bản do Bộ Văn hoá - Thông tin cấp;
d) Đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài tại cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở trung ương thì phải có giấy phép in gia công do Bộ Văn hoá - Thông tin cấp; đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài tại cơ sở in của địa phương thì phải có giấy phép in gia công do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp.
2. Việc in xuất bản phẩm phải có hợp đồng. Việc in nối bản xuất bản phẩm phải được sự đồng ý của nhà xuất bản và phải có hợp đồng.
Điều 33. Hoạt động của cơ sở in xuất bản phẩm
1. Cơ sở in chỉ được in xuất bản phẩm sau khi được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.
2. Cơ sở in chỉ được nhận in xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 32 của Luật này.
3. Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ, chủ sở hữu, chia tách hoặc sáp nhập thì cơ sở in phải làm thủ tục đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.
4. Khi thay đổi giám đốc hoặc chủ cơ sở in, cơ sở in phải thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm kèm theo lý lịch trích ngang của giám đốc hoặc chủ mới của cơ sở in.
Điều 34. In gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài
1. Cơ sở in xuất bản phẩm được in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài. Việc in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài phải được Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép ghi tên, quốc tịch người đại diện của tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt in, tên xuất bản phẩm đặt in, số lượng in, cửa khẩu xuất;
b) Hai bản mẫu xuất bản phẩm đặt in;
c) Bản sao giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm có công chứng.
2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 35. Phát hiện xuất bản phẩm vi phạm trong quá trình in
1. Khi phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này thì cơ sở in phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, đồng thời thông báo với nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in.
2. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quyết định đình chỉ in xuất bản phẩm thì nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có xuất bản phẩm bị đình chỉ in phải bồi thường thiệt hại cho cơ sở in; nếu quyết định sai thì cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải bồi thường thiệt hại cho nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có xuất bản phẩm bị đình chỉ in.
Điều 36. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực in xuất bản phẩm
Cơ sở in, tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực in xuất bản phẩm có hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị đình chỉ in xuất bản phẩm đang in, tạm đình chỉ hoạt động in xuất bản phẩm, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1. In xuất bản phẩm không có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm;
2. In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản của nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản;
3. In xuất bản phẩm gia công cho nước ngoài không có giấy phép in gia công;
4. In xuất bản phẩm đã có quyết định đình chỉ in, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ;
5. In xuất bản phẩm không đúng với bản thảo đã được nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản ký duyệt; không có hợp đồng in hoặc in vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét