Luật dân sự | Chương II - Những nguyên tắc cơ bản
Điều 4. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận
Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.
Điều 5. Nguyên tắc bình đẳng
Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.
Điều 6. Nguyên tắc thiện chí, trung thực
Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào.
Điều 7. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
Các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp
Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Việc giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được khuyến khích.
Điều 9. Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự
1. Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
a) Công nhận quyền dân sự của mình;
b) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;
c) Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
d) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
đ) Buộc bồi thường thiệt hại.
Điều 10. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 11. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật
Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải tuân theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật.
Điều 12. Nguyên tắc hoà giải
Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.
Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.
Điều 13. Căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự
Quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:
1. Giao dịch dân sự hợp pháp;
2. Quyết định của Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
3. Sự kiện pháp lý do pháp luật quy định;
4. Sáng tạo giá trị tinh thần là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ;
5. Chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật;
6. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;
7. Thực hiện công việc không có uỷ quyền;
8. Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;
9. Những căn cứ khác do pháp luật quy định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét