Hiện nay vấn đề bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính đang được dư luận và giới chuyên môn quan tâm nhiều như là giải pháp đối với sự sống còn và phát triển công nghiệp sản xuất phần mêm máy tính của nước ta. Điều 747 khoản 1 Bộ luật dân sự CHXHCN Việt nam (BLDS) đã xác định phần mềm máy tính là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Điều 4 Nghị định số 76/CP ngày 29-12-1996 còn xác định “phần mềm máy tính gồm chương trình máy tính, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, cơ sở dữ liệu”. Tuy nhiên, khái niệm phần mềm máy tính rộng hơn, bao hàm các đối tượng, tài liệu không thuộc phần cứng liên kết với việc xây dựng và hoạt động của chương trình máy tính và có thể phân loại thành:
1. các tài liệu thiết kế bước đầu thí dụ như sơ đồ khối, biểu đồ, các đặc tả, mẫu biểu bảng …
2. các chương trình máy tính bao gồm mã nguồn và mã đối tượng
3. các phương tiện xây dựng phần mềm như các chương trình dịch, chương trình bổ trợ…
4. thông tin được lưu trữ trên máy tính thí dụ như các tác phẩm viết, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc… được lưu trữ ở dạng số
5. cơ sở dữ liệu
6. các thông tin đầu ra của máy tính như âm thanh, các file, các trang in …
7. hiển thị màn hình
8. các tài liệu hướng dẫn, tra cứu in trên giấy hay ở dạng số
9. các ngôn ngữ lập trình
Mỗi loại hình có một phạm vi bảo hộ khác nhau nên việc xác định đầy đủ, chi tiết các đối tượng thuộc phần mềm máy tính cũng như phạm vi bảo hộ của chúng là hết sức cần thiết. Một số loại hình được được bảo hộ rộng (như chương trình máy tính), một số đựoc bảo hộ hạn chế hoặc không bảo hộ vì sự phát triển chung (như các ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu…). Xu hướng chính hiện nay trên thế giới bảo hộ bản thân chương trình máy tính cùng các tài liệu thiết kế ban đầu, tài liệu hướng dẫn sử dụng…như tác phẩm viết theo nghĩa của Công ước Bern và các đối tượng khác như âm thanh, hiển thị màn hình… còn được bảo hộ riêng như tác phẩm âm nhạc, điện ảnh hay nghe nhìn.
1. Cơ sở pháp lý để bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính:
Quyền tác giả đối với phần mềm máy tính bao gồm các quyền tài sản và quyền nhân thân được ghi nhận tại Điều 751 BỘ luật dân sự 1995 (BLDS), bao gồm các quyền:
a, Các quyền nhân thân
Theo khoản 1 Điều 751, Bộ luật dân sự, các quyền nhân thân bao gồm 2 dạng:
Quyền nhân thân không thể chuyển giao:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng;
3. Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm.
Các quyền này được bảo hộ vô thời hạn
Quyền nhân thân có thể chuyển giao:
1. Công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình;
2. Cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình;
Các quyền này được bảo hộ như các quyền tài sản: suốt cuộc đời tác giả và 50 tiếp theo năm tác giả chết. Các quyền này cũng không thuộc về tác giả trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, trong trường hợp này quyền nhân thân có thể chuyển giao thuộc về chủ sở hữu tác phẩm. Luật bản quyền của nhiều nước thường quy định các quyền nhân thân có thể chuyển giao này vào nhóm quyền tài sản.
b, Các quyền tài sản
Được quy định tại khoản 2 Điều 751, Bộ luật dân sự, bao gồm:
1. Được hưởng nhuận bút;
2. Được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng;
3. Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức sau đây:
- Xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh;
- Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể;
- Cho thuê;
4. Nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả, trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ.
Tuy nhiên khi tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, tác giả chỉ được hưởng quyền tài sản 1, 2 & 4 nói trên. Ở đây dễ có sự nhầm lẫn giữa nhuận bút, thù lao và lợi ích vật chất. Thực chất chỉ là một: lợi ích vật chất khi tác phẩm được kinh doanh và cần thiết phải làm rõ trong các văn bản chuẩn bị ban hành.
Các quyền tài sản có thời hạn bảo hộ tính theo đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết hoặc 50 năm kể từ thời điểm công bố (đối với tác phẩm điện ảnh và các quyền liên quan) (Điều 776, 777, 779 BLDS).
Thông thường luật bản quyền các nước quy định các độc quyền kinh tế thuộc chủ sở hữu bản quyền tác giả theo hình thức khai thác, sử dụng:
1. quyền sao chép, tái tạo tác phẩm (bao gồm cả các bản sao trong bộ nhớ của máy tính);
2. quyền phân phối, phổ biến tác phẩm thông qua phát hành, bầy bán, biểu diễn, cho thuê..;
3. quyền biểu diễn đối với các tác phẩm viết, âm nhạc, sân khấu hoặc quyền trưng bầy (right to display) đối với các tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh…;
4. quyền phát sóng (bao gồm cả việc đưa tác phẩm lên mạng Internet);
5. quyền cho phép làm các tác phẩm phái sinh thông qua dịch, cải biên, chuyển thể.
Hiện nay, Dự thảo 6 Luật sở hữu trí tuệ đã ghi nhận các quyền kinh tế theo hướng này.
Ngoài ra, để chống việc xâm phạm một sản phẩm phần mềm, chủ sở hữu có thể vận dụng các quy định luật pháp khác để bảo vệ sở hữu của mình như đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp hay quyền tác giả để bảo hộ trình bầy đóng gói cho sản phẩm của mình, đăng ký sáng chế hay giải pháp hữu ích nếu chương trình máy tính là một bộ phận không thể tách rời của sáng chế và đặc biệt là các điều khoản của hợp đồng lao động với các lập trình viên làm thuê, hợp đồng li-xăng, về chống cạnh tranh không lành mạnh và bí mật thương mại. Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP của chính phủ ngày 3/10/2000 quy định bí mật kinh doanh được bảo hộ là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin có đủ các điều kiện sau:
1. Không phải là hiểu biết phổ thông
2. Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Điều 7 Nghị định này còn quy định chủ sở hữu quyền đối với bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân đã đầu tư để tạo ra và là bên thuê trong trường hợp bí mật kinh doanh được bên làm thuê hay bên thực hiện hợp đồng tạo ra. Như vậy rõ ràng các bí mật liên quan đến phần mềm máy tính thuộc quyền sở hữu của bên đầu tư xây dựng phần mềm đó và bên làm thuê không có quyền tiết lộ hay sử dụng để xây dựng các phần mềm cho người chủ khác.
Ngoài các quy định của BLDS và Nghị định 76/CP, Bộ luật hình sự CHXHCN Việt nam năm 1999 cũng quy định một số hình phạt áp dụng trong các trường hợp vi phạm bản quyền mang tính chất nghiêm trọng. Đối với các trường hợp vi phạm bản quyền gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay đã bị kết án mà chưa được xoá án tích mà lại vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 131 “Tội xâm phạm quyền tác giả”.
2. Điều kiện xác lập quyền tác giả, tác giả và chủ sở hữu bản quyền:
a) Điều kiện xác lập bản quyền tác giả:
Để được bảo hộ, các tác phẩm phải có tính nguyên gốc (được trực tiếp sáng tạo ra, không vi phạm bản quyền của ai) và được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng tác phẩm, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ (Điều 754 BLDS và Điều 6 Nghị định 76/CP). Luật bản quyền không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ sự thể hiện đã được định hình ở một dạng vật chất để có thể cảm nhận được bằng giác quan và/hoặc thông qua một thiết bị kỹ thuật.
b) Tác giả:
Điều 745 BLDS và Điều 2 Nghị định 76/CP quy định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Những người dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, tuyển chọn được coi là tác giả của các tác phẩm phái sinh đó đối với phần sáng tạo của mình. Quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gôc.
c) Chủ sở hữu quyền tác giả:
Pháp luật về quyền tác giả Việt Nam quy định chủ sở hữu tác phẩm là tác giả, các đồng tác giả hoặc là tổ chức hoặc cá nhân được chuyển giao toàn bộ hoặc một phần các quyền tài sản, quyền cho phép sử dụng và quyền công bố theo hợp đồng chuyển giao, hợp đồng thuê sang tác, hợp đồng lao động hoặc theo thừa kế (xem Điều 746 BLDS, Điều 3 Nghị định 76/CP).
3. Thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính
Thực trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay vẫn mang tính nghiêm trọng mà phổ biến là dưới các hình thức sau:
1. Việc kinh doanh các bản sao trái phép các loại chương trình máy tính được thực hiện ngang nhiên và rộng rãi, đặc biệt là các công ty buôn bán máy tính sao chép sẵn các chương trình trên đĩa cứng bán cho khách hay cài đặt miễn phí cho các mạng máy tính được cung cấp theo hợp đồng và các cửa hàng kinh doanh đĩa vi tính trực tiếp thực hiện sao chép và bán bất cứ chương trình máy tính nào theo yêu cầu của khách hàng.
2. Việc sao chép, phổ biến trái phép các phần mềm máy tính như các chương tình ứng dụng, trò chơi vi tính của các chủ sở hữu trong nước cũng như nước ngoài không nhằm mục đích kinh doanh diễn ra rộng rãi, công khai và được coi là chuyện bình thường
3. Phần lớn các tổ chức, công ty của nước ta hiện nay sử dụng các phần mềm máy tính không có li-xăng trong hoạt động, sản xuất và kinh doanh của mình
4. Nhiều công ty, tổ chức xây dựng phần mềm vi phạm bản quyền hoặc sử dụng bí mật thương mại cùng nhân viên của các tổ chức khác, nhất là cải biên, chuyển thể hay sao chép phần quan trọng các chương trình của nước ngoài và sử dụng các chương trình công cụ không có li-xăng.
Trong thực tế thường ngày khi xây dựng, khai thác và sử dụng phần mềm máy tính thường xẩy ra các tình huống tranh chấp sau:
1. Tranh chấp về quyền tác giả giữa các nhân viên lập trình và công ty phần mềm, về quyền đứng tên, nhận giải thưởng, quyền sở hữu, quyền cho phép chỉnh sửa, nâng cấp chương trình;
2. Một cựu nhân vỉên làm thuê có thể sử dụng những gì thuộc các chương trình máy tính hay tài liệu của chủ cũ? Người cựu nhân viên đó có được phép xây dựng một chương trình máy tính thực hiện các chức năng như chương trình mà anh ta đã viết cho chủ cũ?
3. Các sản phẩm phần mềm máy tính được xây dựng bằng các chương trình công cụ như MS Windows, MS Visual Studio, AutoCAD, Corel DRAW… không hợp pháp có bản quyền hay không?
4. Phạm vi bảo hộ đến đâu? Những đối tượng nào như hiển thị trên màn hình, cấu trúc chương trình và file, hệ thống bảng chọn lệnh, các biểu tượng … được bảo hộ?
5. Có thể phân tích ngược (reverse analysis) hay không một chương trình máy tính để tìm hiểu cách nó làm việc hay tương tác với các chương trình khác hoặc với phần cứng của máy tính? Thông tin nhận được có thể sử dụng để thiết kế chương trình máy tính mới hay không?
Các vi phạm diễn ra không chỉ đối với các phần mềm của nước ngoài mà còn đối với rất nhiếu phần mềm máy tính của các chủ thể trong nước như Vietkey, MTD2002, MISA, LEMON 3…Nhiều vi phạm đã bị xử lý hành chính và nhiều tranh chấp đã được khiếu nại lên các cơ quan chức năng và khiếu kiện ra tòa án. Thức trạng này đang cản trở sự phát triển công nghiệp phần mềm trong nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Trong khi đó vấn đề quản lý và các quy định pháp lý về bảo hộ phần mềm máy tính ở nước ta còn nhiều bất cập gây cản trở cho việc thực thi quyền.
4. Một số vấn đề còn tồn tại và các biện pháp thực thi quyền
Cùng với việc ban hành Nghị định số 63/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá – Thông tin, Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP, thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả được phân cho Bộ Văn hóa – Thông tin quản lý quyền tác giả các tác phẩm văn học – nghệ thuật và Bộ Khoa học – Công nghệ quản lý sở hữu trí tuệ (không bao gồm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật); Cục Bản quyền tác giả được đổi tên thành Cục Bản quyền tác giả văn học – nghệ thuật và Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân định này không khả thi và Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục chỉ quản lý các đồi tượng sở hữu công nghiệp, còn Cục Bản quyền tác giả tiếp tục quản lý và đăng ký quyền tác giả đối với tất cả các loại hình tác phẩm bao gồm cả các tác phẩm khoa học và phần mềm máy tính. Trong khi đó Bộ Bưu chính-Viễn thông là cơ quan quản lý nhà nước về tin học lại hầu như không tham gia vao việc quản lý, xây dựng các khung pháp lý về bảo họ bản quyền phần mềm máy tính.
Một quy định khác tại Điều 31 Nghị định 76/CP của Chính phủ ngày 29 tháng 11 năm 1996 “Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin hướng dẫn hoạt động bảo hộ quyền tác giả thuộc lĩnh vực khoa học, kể cả phần mềm máy tính, trong đó có hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, phần mềm máy tính trước khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Bản quyền tác giả.” cũng không đi vào cuộc sống và cho đến ngày hôm nay, tức gần 9 năm sau chúng ta vẫn chưa có được văn bản nào hướng dẫn các vấn đề nêu trên.
Các tồn đọng nêu trên đã tạo ra nhiều khó khăn không nhỏ cho việc bảo hộ bản quyền tác giả một số loại hình tác phẩm, đặc biệt là phần mềm máy tính. Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ (TRIPS) ràng buộc tất cả các nước thành viên của Tố chức Thương mại thế giới cũng như Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa kỳ ràng buộc Việt Nam bảo hộ phần mềm máy tính như tác phẩm viết theo nghĩa của Công ước Bern (xem Điều 4 khoản 1 tiết A Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa kỳ). Tuy nhiên, điều này chưa được thể hiện ở bất kỳ văn bản pháp luật nào của Việt Nam, kể cả dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất. Trong khi đó, các nước có điều kiện phát triển giống nước ta như Trung quốc, Nga .. đều có một đạo luật riêng về bản quyền phần mềm máy tính. Việc bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính đã phức tạp lại càng khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan. Trong đó nổi cộm nhất là 2 vấn đề:
- Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tác giả của các chương trình máy tính là các cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình. Các tác giả có tất cả các quyền nhân thân như tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác như quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Thời hạn bảo hộ được tính theo đời người của các tác giả là 50 năm sau khi tác giả cuối cùng chết. Trong khi đó, phần mềm máy tính được bảo hộ theo luật bản quyền tác giả “như tác phẩm viết theo nghĩa của Công ước Bern” là một loại hình “tác phẩm” rất đặc thù.
Thứ nhất, số lượng người tham gia xây dựng chương trình thường rất lớn, nhất là các chương trình có quy mô nên không khả thi đảm bảo quyền đứng tên của tất cả các tác giả.
Thứ hai, việc đặt tên cho phần mềm máy tính thường do các tổ chức đầu tư xây dựng phần mềm thực hiện trong một kế hoạch tổng thể xây dựng thương hiệu và marketing.
Thứ ba, các chương trình máy tính thường xuyên được cập nhật, nâng cấp và do nhu cầu sử dụng nên vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn là không khả thi, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến các cựu nhân viên như đã nêu ở trên.
Thứ tư, chương trình máy tính được loại trừ khỏi sử dụng chính đáng không nhằm mục đích kinh doanh không phải xin phép và trả tiền (xem Điều 761 khoản 2 Bộ luật dân sự) nên cần có những hạn chế hợp lý để đảm bảo quyền của người sử dụng và công cộng. Trên thực tế, nhiều nước như Mỹ, Trung quốc, EU… đã khắc phục tình trạng trên bằng việc công nhận pháp nhân đầu tư xây dựng chương trình là “tác giả” nắm giữ tất cả các quyền nhân thân và tài sản và thời hạn bảo hộ được tính từ khi công bố chương trình. Hiện nay, theo các quy định hiện hành, nhiều chương trình máy tính của nước ngoài như các chương trình của Microsoft, Norton…sẽ không xác định được tác giả và thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.
- Về vấn đề bồi thường thiệt hại, vì sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nên các thiết hại thực tế liên quan thường rất khó xác định và chứng minh. Ngoài ra, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường rất phức tạp nên phí luật sư thường rất cao. Trên thực tế đã có các phán quyết của trọng tài thương mại Việt Nam công nhận bồi hoàn phí luật sư cho bên bị hại. Trong Hiệp định thương mại Việt-Mỹ chúng ta đã cam kết sẽ đưa ra các quy định cho phép yêu cầu bồi thường theo luật định và cả phí luật sư. Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề nay chưa được đề cập đến trong bất kỳ văn bản nào, kể cả các văn bản đang được soạn thảo. Chính vì lẽ đó nên việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên khó khăn hơn và tâm lý ngại đưa tranh chấp ra tòa do sợ tốn kém và không hiệu quả, chỉ giới hạn bằng xử lý hành chính đang chiếm ưu thế.
Trong các lĩnh vực khác của quyền SHTT cũng tồn tại nhiều vấn đề tương tự mà trong khuôn khổ tham luận này chúng ta chưa thể xem xét hết. Mong rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ mong chóng khắc phục để có thể theo kịp yêu cầu của thực tế trong nước cũng như yêu cầu của hội nhập quốc tế. Chúng tôi hy vọng thông qua tham luận này sẽ góp một phần vào công việc xây dựng và hòa thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện để nền công nghệ thông tin của chúng ta tăng cướng thu hút được đầu tư, công nghệ, thúc đấy sáng tạo và nhanh chóng theo kịp sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin toàn cầu.
Cuối cùng, chúng tôi hy vọng rằng các chuyên gia tin học, các công ty tin học và phần mềm sẽ nhận thức được vai trò của mình và chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ tài sản SHTT của mình, tích cực tham gia vào các quá trình xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống thực thi, giám định chuyên môn vi phạm…Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang sọan thảo Luật sở hữu trí tuệ mới và hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO. Cần thiết phải thành lập Ban pháp chế thuộc Hội tin học Việt Nam để tập hợp ý kiến, chất xám của tất cả các hội viên và tham gia trực tiếp vào các quá trình soạn thảo các dự luật, kiến nghị với các cơ quan chức năng cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đặc biệt pháp luật về SHTT, trực tiếp bảo vệ, hòa giải các tranh chấp giữa các hội viên liên quan đến bản quyền phần mềm máy tính, SHTT cũng như các vấn đề pháp lý khác.
Tìm hiểu và nghiên cứu văn bản pháp luật, luật việt nam, luật, luật sư, tư vấn luật, - tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân, thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý về doanh nghiệp...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
Chia sẻ tài liệu học lớp Luật sư. BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN HỒ SƠ DS06 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT I. ...
-
Tham khảo thêm: 5 Phần mềm trắc nghiệm sát hạch thi lý thuyết lái xe ô tô miễn phí hay nhất Toàn bộ các văn bản, bài viết có liên quan đến L...
-
Tham khảo thêm: Hướng dẫn chèn hình nền, Slide template, ClipArt cho Word, Powerpoint Hình nền, themes trang trí cho desktop và cách tự động...
-
Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất Tải về sách Ebook hư...
-
Tải về sách Ebook Luật Cán bộ, công chức, viên chức và biểu mẫu đính kèm Quy định về phụ cấp Nghị định 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công ...
-
Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở ...
-
BỘ NỘI VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: 08/2008/TT-BNV Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 T...
-
Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về) Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới...
-
THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (còn gọi là chế độ tài sản giữa vợ chồng) l...
-
Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét