Trước thời điểm khó khăn hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động. Số lượng DN ngừng hoạt động gần bằng với lượng DN thành lập mới. Thế nhưng, các ngành chỉ chú ý công tác cải cách hành chính, ưu tiên nhân sự làm nhiệm vụ cấp phép chứ ít quan tâm đến thủ tục giải thể cho DN. Vì vậy, nhiều trường hợp DN đã “chết” nhưng không được thừa nhận...
Thành lập: 1 tuần, giải thể: 2 tháng!
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên địa bàn TPHCM liên tục được cải cách, rút ngắn, tạo thuận lợi “tận răng” cho DN. Người dân muốn đăng ký kinh doanh chỉ cần có chứng minh, điền mẫu nộp chỉ một tuần là có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để phục vụ tốt hơn cho DN, Sở KH-ĐT cùng liên thông với cơ quan thuế, công an thực hiện “một cửa” trong cấp mã số thuế, con dấu cho DN ngay khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khách hàng chờ đợi tại quầy phát số và chỉ dẫn phòng đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN |
Thế nhưng, thủ tục giải thể doanh nghiệp thì vô cùng khó khăn. Anh Nguyễn Bá Hào (quận 12) than vãn, anh vừa thành lập DN chưa được vài tháng, chưa đi vào hoạt động, nhưng vì trúng thời điểm khó khăn, không tìm được khách hàng, anh muốn tiến hành thủ tục giải thể mới thấy không đơn giản chút nào. Phải viết đơn, nộp cam kết, xác định không nợ thuế, sau đó phải sang cơ quan công an làm thủ tục trả con dấu, rồi xin xóa mã số thuế... đến giờ hơn 2 tháng vẫn chưa xong.
Anh ngán ngẩm nói: “Mặc kệ ra sao thì ra, tôi không thể theo đuổi thủ tục này, vì sự thật là DN của chúng tôi không hề hoạt động...”. DN mới thành lập chưa hoạt động thì thế, còn đối với DN đã hoạt động thì càng phức tạp. Trong đó, điều khó khăn nhất chính là phải quyết toán thuế, vì thủ tục quyết toán thuế khá tốn thời gian.
Trong khi đó, DN muốn nhanh, tự thuê kiểm toán thực hiện vẫn không được chấp nhận. Ai cũng hiểu DN đã đi đến giải thể đều rơi vào cảnh khó khăn về thời gian, công sức, tiền bạc, nếu thủ tục càng nhiêu khê thì chắc chắn vi phạm pháp luật càng nhiều.
Do vậy, nếu nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiến hành thủ tục giải thể, đăng báo công khai, thu hồi con dấu thì sẽ hạn chế được những vi phạm phát sinh. Còn ngược lại, thủ tục khó khăn, những DN ngưng hoạt động có thể lợi dụng con dấu, giấy phép kinh doanh, mã số thuế để tạo hóa đơn giao dịch bất hợp pháp.
Cần liên thông trong thủ tục giải thể
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 42.000 DN đăng ký thành lập mới thì có đến 35.000 DN giải thể, ngưng hoạt động. Sở dĩ có nhiều DN “ma” là vì phần lớn DN ngưng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể. Do vậy, con số thống kê tình hình DN giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh luôn chênh lệch nhau.
Trên giấy tờ quản lý của cơ quan cấp phép thì DN vẫn tồn tại, nhưng quản lý của cơ quan thuế thì DN không nộp báo cáo thuế, không có mặt tại điểm đăng ký kinh doanh, đi đâu, làm gì không rõ. Điều này càng làm cho thị trường trở nên bát nháo, công tác quản lý thêm khó khăn.
Do vậy, thiết nghĩ, các bộ ngành cần ngồi lại ký kết thông tư liên tịch thực hiện liên thông trong thủ tục giải thể, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp được “chết” một cách hợp pháp.
Cụ thể, giao cho cơ quan thuế làm đầu mối liên thông trong việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu, xóa mã số thuế khi DN giải thể đã hoàn thành các thủ tục thuế, thanh toán các khoản nợ. Ngay những DN không nộp báo cáo thuế nhiều tháng liền, không tồn tại tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì cơ quan thuế cũng cần công bố công khai, sau đó tự xử lý xóa mã số thuế DN.
Đó cũng là cách hạn chế được DN “ma” hoạt động bất hợp pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét