Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THEO QUY ĐỊNH CỦA WTO: LỢI ÍCH QUỐC GIA HAY UY TÍN QUỐC TẾ?


Bài viết đề cập đến nội dung thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo quy định “mở” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với các quốc gia thành viên. Việc chọn “ngưỡng” nào trong phạm vi “mở” đó là tùy thuộc vào mỗi quốc gia nhưng phải tuân theo nguyên tắc có thể “vượt trần” nhưng không được “dưới sàn”. Trong quá trình hoạch định chính sách, tùy từng thời điểm, quốc gia thành viên có thể chọn việc đặt uy tín quốc tế (khi quy định “trên sàn” hoặc “vượt trần”) lên trên lợi ích quốc gia (nếu quy định “ngang sàn”) và ngược lại. Một câu hỏi được đặt ra là: Trong chính sách về SHTT, ViệtNam đã đặt uy tín quốc tế lên trên lợi ích quốc gia hay ngược lại? Khó có thể trả lời câu hỏi này khi đứng trước các thông tin tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế nước nhà sau hơn 2 năm gia nhập WTO.

Nhắc đến hoạt động của WTO, người ta thường đề cập đến hoạt động của các Hội đồng thương mại dưới quyền của Đại hội đồng. Có ba Hội đồng thương mại (có tài liệu còn coi đó là ba “trụ cột” của WTO) là: Hội đồng thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại. Trong đó, Hội đồng các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại chịu trách nhiệm đối với các hoạt động thuộc phạm vi của Hiệp định về các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS), cũng như việc phối hợp với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực quyền SHTT.
Tại Hội thảo khoa học “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO – Những thành tựu và thách thức” do Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế tổ chức vào tháng 10.2009, TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã phát biểu: “Cái đáng tiếc nhất rút ra sau 2 năm gia nhập WTO là ta đã quá hứng khởi. Hứng khởi quá mức để rồi lúng túng về chính sách… Vì vậy mới nảy sinh những biện pháp cứng rắn đến mức không cần thiết, ở mức độ nào đó có gây ra hiệu ứng bất lợi”1. Có thể TS Võ Trí Thành đã đề cập chung đến cả ba lĩnh vực là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và SHTT.
Một số thành tự có liên đến SHTT sau 2 năm gia nhập WTO
Theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS, mỗi quốc gia thành viên hoặc xin gia nhập WTO phải dành sự bảo hộ quyền SHTT một cách đầy đủ và hữu hiệu cho công dân của các nước thành viên WTO khác theo nguyên tắc đối xử quốc gia và tối huệ quốc. Cụ thể là, các thành viên phải có hệ thống pháp luật và bộ máy để bảo hộ quyền SHTT (bao gồm: Quyền tác giả và các quyền liên quan, sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh) đáp ứng các chuẩn mực tối thiểu của Hiệp định TRIPS về nội dung, phạm vi, thời hạn và bảo đảm thực thi quyền.
Việt Nam đã cam kết tuân thủ đầy đủ mọi quy định của Hiệp định TRIPS ngay từ ngày gia nhập WTO (11.1.2007) mà không có thời gian chuyển tiếp, cụ thể là vấn đề đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc; vấn đề đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ, mức độ và thời hạn bảo hộ, thủ tục xác lập và duy trì quyền, phí và lệ phí, các biện pháp kiểm soát hành vi lạm dụng quyền SHTT; cơ chế, thủ tục và chế tài thực thi quyền. Bên cạnh cam kết tổng quát trên đây, Việt Nam còn có những cam kết cụ thể với WTO, đó là cam kết về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự để bảo đảm xử lý hình sự đối với các hành vi cố ý vi phạm bản quyền và giả mạo nhãn hiệu ở quy mô thương mại; ban hành công cụ pháp lý để bảo đảm các cơ quan của Nhà nước chỉ sử dụng các phần mềm hợp pháp và các đài truyền hình chỉ phát sóng các chương trình hợp pháp.
Cộng đồng quốc tế đã đánh giá hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam đáp ứng đủ các quy định của WTO, đó là một nỗ lực đáng kể của chúng ta trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nhưng trong 2 năm qua, Việt Nam vẫn nỗ lực để tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp luật về SHTT, tháng 6.2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Việc sửa đổi phần có liên quan đến SHTT trong Bộ luật Hình sự cũng được tiến hành. Hai bộ luật này có mối liên quan tương hỗ với nhau vì trong những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia khi gia nhập WTO, những vi phạm về làm giả nhãn hiệu, vi phạm sao chép các quyền tác giả… cũng phải xử lý như một tội phạm. Như vậy, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự sẽ có tác dụng răn đe tốt hơn đối với các vi phạm về SHTT.
Một số điểm tồn tại sau 2 năm gia nhập WTO
Qua các tài liệu được công bố cũng cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, vừa kém hiệu quả, vừa tăng gánh nặng pháp lý lên người dân và doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh của nước ta, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), vẫn đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng (thứ 91/181). Trong đó, các tiêu chí về thời gian nộp thuế, làm thủ tục hải quan, thời gian cần thiết để gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp là những khâu có vị trí xếp hạng thấp hơn cả. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta cũng bị tụt 4 bậc, xếp thứ 68/131 so với vị trí 64 của năm trước khi gia nhập WTO 1 năm2. Hay một thông tin khác: Trước khi gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sau 2 năm gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu lên đến 30%.
Về SHTT, có thể thấy, tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thấp so với nước ngoài. Hầu hết những sáng chế mang tính đột phá và có giá trị lớn đều không phải của người Việt Nam. Trong Top 1.000 nhãn hiệu mạnh trên thế giới đều không có bóng dáng của Việt Nam. Trong khi đó, tài sản trí tuệ của Mỹ đạt đến con số khoảng 60%. Điển hình như hãng Microsoft, tài sản trí tuệ của họ lên đến 97,5%. Đối với ViệtNam, con số ước tính chỉ khoảng 10-20%3.
Trả lời cho câu hỏi nghiên cứu
Đến đây, chúng ta có quyền đặt các câu hỏi: Tại sao tỷ lệ nhập siêu lại cao? Tại sao tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam lại thấp so với nước ngoài? Có rất nhiều giả thuyết để trả lời cho các câu hỏi nêu trên, tác giả chỉ xin đưa ra một giả thuyết nhỏ: Có mối liên quan giữa biện pháp kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tại biên giới với các câu hỏi vừa nêu.
Trước khi gia nhập WTO, bằng sự nỗ lực cao nhất, trong một khoảng thời gian ngắn nhất, chúng ta đã ban hành được Luật SHTT, là một trong những cơ sở cho việc đàm phán gia nhập WTO. Điều 216.1. Luật SHTT quy định về “Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT”, theo đó các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT; Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Cần lưu ý là chúng ta quy định việc kiểm soát cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến SHTT. Mặt khác cũng cần lưu ý rằng, theo pháp luật Việt Nam, các đối tượng của quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch (xin lưu ý 2 đối tượng là quyền tác giả và nhãn hiệu để tiện so sánh với quy định của Hiệp định TRIPS).
Trong khi đó, điều 51 của Hiệp định TRIPS chỉ quy định: “Các thành viên phải ban hành, một cách phù hợp với các quy định sau đây, các thủ tục cho phép chủ thể quyền, khi có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng việc nhập khẩu các hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giả mạo hoặc vi phạm bản quyền có thể xảy ra, được đệ đơn cho các cơ quan có thẩm quyền, là cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử, yêu cầu đình chỉ thông quan tại các cơ quan hải quan để ngăn chặn các hàng hoá đó vào lưu thông tự do”. Như vậy, Hiệp định TRIPS chỉ quy định về thủ tục kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền tác giảvà nhãn hiệu. Quy định của TRIPS đã mở ra khả năng thực thi rất cao của cơ quan thực thi quyền SHTT, bởi lẽ với khả năng có hạn và trang bị không đầy đủ, cơ quan thực thi quyền SHTT tại biên giới chỉ có thể kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vi phạm nhãn hiệu và bản quyền.
So sánh với quy định của Hiệp định TRIPS, ta thấy pháp luật Việt Nam về SHTT đã quy định vượt quá yêu cầu của Hiệp định TRIPS đối với các quốc gia thành viên của WTO. Điều 51 của Hiệp định TRIPS không yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu vi phạm quyền SHTT, bởi có thể hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tại quốc gia xuất xứ nhưng lại không xâm phạm quyền SHTT tại thị trường của quốc gia nhập khẩu. Quy định như vậy có thể sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi quyền SHTT sẽ phải đối mặt với hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra trong tương lai.
Khi ban hành Luật SHTT trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, có lẽ chúng ta phải quy định như vậy là nhằm làm tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế để WTO dễ chấp nhận chúng ta là quốc gia thành viên. Quy định này rõ ràng không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, có thể dẫn đến tỷ lệ nhập siêu cao trong 2 năm vừa qua. Nhưng trong Luật sửa đổi (2009) Luật SHTT Quốc hội đã thông qua vào tháng 6.2009 cũng không sửa đổi quy định tại Điều 216.
Phù hợp với Luật SHTT trong việc quy định về quyền kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền SHTT tại biên giới, Nghị định số 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ, tại khoản 6 Điều 64 đã chỉ rõ: “Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định về các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu”. Sau đó, Luật Hải quan năm 2001 tại Chương III, Mục 5 (các Điều 57, 58, 59) đã quy định việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT. Luật sửa đổi (2005) Luật Hải quan cũng không sửa đổi các quy định trên.
Chúng ta thử so sánh với một số quốc gia trong khu vực đã quy định vấn đề tương tự như thế nào? Khảo sát Luật Hải quan của các nước: Indonesia, Philippin, Australia, Trung Quốc thì chỉ có Luật Hải quan Indonesia là có quy định về quyền của Hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu xâm phạm quyền SHTT, 3 quốc gia còn lại chỉ quy định như WTO yêu cầu, có nghĩa là họ không quy định kiểm soát hàng xuất khẩu xâm phạm quyền SHTT. Qua đây phần nào cũng giải thích được nguyên nhân tại sao hàng hóa xâm phạm quyền SHTT có xuất xứ Trung Quốc lại có thể dễ dàng lọt qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc để vào thị trường của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam hàng ngày phải chứng kiến xe máy mang nhãn hiệu HONGDA, DREÂM… được sản xuất tại Trung Quốc (rõ ràng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu HONDA, DREAM của Nhật Bản đang còn hiệu lực bảo hộ tại Việt Nam) ngang nhiên được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 quốc gia thành viên WTO, tại sao hải quan Việt Nam lại bắt giữ hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam (không vi phạm pháp luật của quốc gia nhập khẩu), trong khi đó hải quan Trung Quốc không có hành động tương tự?
KẾT LUẬN
Mặc dù Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 26.9.2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp và Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13.5.2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, phù hợp với Điều 51 Hiệp định TRIPS là chỉ quy định xử phạt hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Các nghị định này không đề cập đến hành vi xuất khẩu hàng hóa có yếu tố xâm phạm quyền. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng như trên đã nêu, cần xây dựng các quy định của pháp luật về SHTT sao cho phù hợp với quy định của WTO và nhanh chóng loại bỏ những quy định không có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập (cụ thể là loại bỏ việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu có các yếu tố vi phạm quyền SHTT). Đề xuất này có vẻ cực đoan, song không vi phạm các nguyên tắc của WTO vì hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS như trên đã phân tích.
Nêu lên vấn đề này chỉ để góp thêm tiếng nói vào nội dung Thực tiễn vai trò của Nhà nước Việt Nam sau khi gia nhập WTO…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến