Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: VỤ ĂN CẮP THÔ BẠO BẢN QUYỀN TÀI LIỆU GIÁO KHOA

Lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ ăn cắp bản quyền trắng trợn bằng cách lấy công trình nghiên cứu khoa học của người khác đem in dưới tên mình thành hàng chục ngàn bản để đem bán, thu lợi bất chính số tiền lớn.

Đó là bộ vở bài tập thực hành âm nhạc dành cho học sinh và giáo viên các khối bậc THCS. Đáng nói, thủ phạm là một giáo viên.

“Hồn” cô dạy nhạc, “da”" thầy thể dục

Bước vào năm học mới 2008-2009, tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh xuất hiện những tập vở Học và bài tập thực hành âm nhạc (BTTHAN) dành cho giáo viên và học sinh các khối cấp THCS, được nhiều GV-HS mua và sử dụng.

Bộ vở tập này của 2 tác giả: Trần Ngọc Oanh và Trần Phúc Hoàng, do Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng cấp phép, in tại Nhà máy in của Cty CP in và dịch vụ Quảng Nam, nộp lưu chiểu tháng 8.2008 với số lượng được in phát hành là 55.000 bản, trong đó tập vở dành cho mỗi khối lớp 6, 7 và 8 là 15.000 bản, riêng khối lớp 9 là 10.000 bản.



Nhiều GV, HS đánh giá, bộ tập vở trình bày đẹp, nội dung sát với chương trình, rất phù hợp, thu hút sự chú ý của HS, tạo tính năng động, sáng tạo, tích cực trong học tập. Nhiều người càng ngạc nhiên hơn khi biết 1 trong 2 tác giả bộ tập vở dạy – học âm nhạc rất “hot” này là một GV dạy thể dục ở miền núi.

Đó chính là thầy giáo Trần Phúc Hoàng, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Tiên Châu, huyện núi Tiên Phước (Quảng Nam). Tuy nhiên, nhiều người phát hiện bộ vở BTTHAN trên giống y chang một công trình nghiên cứu khoa học đã đăng ký sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của cô Võ Thị Xuân Phượng – GV Trường THCS Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam).

Các trang trong bộ đề tài SKKN của cô Phượng và các trang của những bản BTTHAN được xuất bản giống nhau gần như… in.

Cô Phượng cho biết: “Tôi vốn dạy nhạc nên từ năm học 2001-2002, khi bắt đầu cải cách sách giáo khoa ở cấp THCS, tôi cũng bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Sử dụng vở bài tập âm nhạc lớp 6 để nâng cao chất lượng dạy và học”.

Đề tài này đăng ký SKKN và được xếp loại B cấp tỉnh. Những năm tiếp theo, tôi không đăng ký SKKN nữa, nhưng vẫn tiếp tục hoàn thành đề tài này ở các khối lớp còn lại là 7, 8 và 9 theo chương trình cải cách hằng năm.

Đến năm học 2005-2006, tôi tổng hợp tất cả lại thành một bộ và đăng ký SKKN với đề tài “Sử dụng vở bài tập âm nhạc để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc THCS” được Phòng GDĐT TP.Tam Kỳ xếp loại B”.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

“Có lẽ vì tôi hay chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với nhiều đồng nghiệp nên SKKN trên mới bị ăn cắp. Vì vậy, hiện tôi đang sao lục các giấy tờ, hồ sơ liên quan để làm rõ chuyện” – cô Phượng nói. Theo các lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Du và Phòng GDĐT TP.Tam Kỳ, thì: “Chúng tôi đang giúp đỡ cô Phượng thu thập hồ sơ chứng minh. Nếu SKKN của cô Phượng mà người khác tự ý đem in với số lượng lớn phát hành rộng rãi là quá sai trái”.

Riêng Trần Phúc Hoàng, khi chúng tôi hỏi về vấn đề bản quyền bộ vở bài tập, thì nói: “Tôi thấy đây là tập SKKN rất hay, đang được nhiều trường photocopy để HS sử dụng, nên tôi sưu tầm để tổng hợp lại in ấn, nhằm mục đích giúp các GV, HS thuận lợi hơn trong việc dạy-học môn âm nhạc”.

Quanh co mãi ông Hoàng mới thừa nhận mình đã cướp bản quyền với mục đích vụ lợi: “Thấy photocopy SKKN chẳng đem lại bao nhiêu đồng, nên em đã “sưu tầm” trọn bộ đem đi nhờ người chạy cho giấy phép và rủ người cùng đứng tên để in bán lấy tiền”. Nhưng “tác giả” này viện lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn cần “cải thiện” và sự thiếu hiểu biết pháp luật nên khi NXB đòi có tên tác giả mới cấp phép nên “thế là em đã điền tên em vào”.

Thực tế, số tiền Hoàng bỏ ra đầu tư cho “phi vụ” này đến 137.500.000 đồng (2.500 đồng/bản x 55.000 bản). Tất cả các bản BTTHAN đã được phát hành hết với giá bìa 6.000 đồng/bản, sẽ thu về 330.000.000 đồng, Hoàng bỏ túi 192.500.000 đồng.

Rõ ràng đây là hành vi ăn cắp bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự. Được biết, Trần Phúc Hoàng đã gửi bản tường trình đến “tác giả thật” và Sở GDĐT để giải thích với những lý do như trên, thoả thuận xin được trả bản quyền. Tuần này, Sở GDĐT sẽ họp giải quyết vụ việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến