Thuật ngữ sở hữu trí tuệ (SHTT) được dùng nhiều lần trong Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhưng có thể có những cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này, bởi vậy phải bàn về cách sử dụng thuật ngữ SHTT và các thuật ngữ khác có liên quan đến SHTT trong Luật KH&CN (sau đây gọi tắt là Luật) thiết nghĩ là một việc nên làm.
1. “Công nghệ ngược” có thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật không?
Luật định nghĩa: “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”. Từ định nghĩa này, có thể đặt câu hỏi: quá trình từ sản phẩm mà tìm ra các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện… thì có gọi là “công nghệ” không? Trong lĩnh vực SHTT người ta gọi quá trình này là Reverse Engineering[2] (tạm dịch là “công nghệ ngược”), nó có liên quan đến 2 đối tượng được bảo hộ quyền SHTT là sáng chế và bí mật kinh doanh.
Phải bàn đến “công nghệ ngược”, bởi lẽ một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế thì hành vi dùng “công nghệ ngược” để tìm ra các kỹ năng, bí quyết… của quy trình hay sản phẩm là hành vi bất hợp pháp. Nhưng mọi thông tin có liên quan đến công nghệ được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh thì hành vi dùng “công nghệ ngược” để tìm ra các kỹ năng, bí quyết… của quy trình hay sản phẩm lại là hành vi hợp pháp.
Bởi vậy, “công nghệ ngược” có thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật hay không là một việc nên xem xét, còn gọi cụ thể nó là thì cần một nghiên cứu khác sâu hơn.
2. Xác định các sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học
Luật định nghĩa: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng”.
Theo các quy định về SHTT thì các sản phẩm của hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy là các tác phẩm khoa học (ví dụ phát minh khoa học), chúng được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản[3]. Còn các sản phẩm của quá trình sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng…
Việc bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học nói trên theo quy định của Luật SHTT rất khác nhau. Bởi vậy việc xác định các sản phẩm cụ thể của quá trình nghiên cứu khoa học như những đối tượng điều chỉnh của Luật là một việc nên làm.
3. Tổ chức khoa học và công nghệ
Theo điều 9.1 của Luật, thì các tổ chức KH&CN bao gồm:
a) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;[4]
b) Trường đại học, học viện, trường cao đẳng;
c) Tổ chức dịch vụ KH&CN.
Trong các tổ chức trên thì Tổ chức dịch vụ KH&CN được hoạt động dịch vụ KH&CN, đó là “các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến SHTT, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức KH&CN và kinh nghiệm thực tiễn”.
Mặc dù tiến hành các hoạt động liên quan đến SHTT, nhưng cần nhấn mạnh rằng các hoạt động này của Tổ chức dịch vụ KH&CN không tạo ra các sản phẩm là các đối tượng được bảo hộ quyền SHTT. Dẫn đến việc quy định Tổ chức dịch vụ KH&CN “Được bảo hộ quyền SHTT;…” tại điều 15.4 của Luật là không chính xác. Quy định này chỉ đúng với trường hợp Tổ chức KH&CN là Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học, học viện, trường cao đẳng.
Bởi vậy, cần quy định lại mục 1 chương II của Luật hoặc cần có quy định loại trừ tại điều 15.4 của Luật.
4. Giá trị quyền sở hữu trí tuệ đã là một loại tài sản
Khi nói về quyền của tổ chức KH&CN, quyền của cá nhân hoạt động KH&CN tại các điều 15.3 và 17.4, Luật quy định được“… góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền SHTT để tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
SHTT trong tiếng Anh là Intellectual Property, vì vậy bản chất quyền SHTT đã là một dạng quyền tài sản. Theo các quy định của pháp luật thì tài sản gồm có tài sản hữu hình (động sản và bất động sản), tài sản vô hình (trong đó có tài sản trí tuệ). Như vậy tài sản trí tuệ là một bộ phận của tài sản nói chung, vì thế khi viết “… góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền SHTT…” là chưa thật chính xác [5].
Bởi vậy, có lẽ cần chỉnh lại các quy định tại các điều 15.3 và 17.4 của Luật cho chính xác.
5. Quyền sở hữu, quyền tác giả hay quyền của chủ sở hữu, quyền của tác giả?
Điều 26 của Luật viết: “Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: 1. Tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình KH&CN là tác giả của công trình đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng KH&CN”.
Trong lĩnh vực SHTT, quyền SHTT bao gồm 3 nhóm:
1. “Quyền tác giả” đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;
2. “Quyền sở hữu công nghiệp” đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;
3. “Quyền đối với giống cây trồng”.
Khi dùng thuật ngữ “quyền tác giả” tại điều 26 rất dễ nhầm lẫn rằng Luật chỉ điều chỉnh các sản phẩm nghiên cứu khoa học thuộc nhóm 1, trong khi đó các sản phẩm nghiên cứu khoa học có thể thuộc cả 3 nhóm trên. Cũng cần nói thêm rằng quyền tác giả và quyền của tác giả, quyền sở hữu và quyền của chủ sở hữu là các thuật ngữ rất khác nhau.
Bởi vậy, nên sửa lại phần mở đầu điều 26 của Luật là Quyền của chủ sở hữu, quyền của tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nhân đây cũng nên bàn thêm là, nếu chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN thì tác giả cũng đầu tư để thực hiện công trình KH&CN, nhưng tác giả thì đầu tư trí tuệ, còn chủ sở hữu thì đầu tư tài chính, cơ sở vật chất… để tạo ra sản phẩm. Bởi vậy, điều 26.1 của Luật nên viết lại là “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…”.
Trên đây là một số góp ý có liên quan đến thuật ngữ SHTT được dùng trong Luật KH&CN để hoàn thiện Luật. Tác giả không có ý muốn dùng Luật SHTT để điều chỉnh Luật KH&CN, nhưng cần phải hiểu chính xác thuật ngữ SHTT và một số thuật ngữ khác có liên quan đến SHTT là một việc cần thiết.,.
Tìm hiểu và nghiên cứu văn bản pháp luật, luật việt nam, luật, luật sư, tư vấn luật, - tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân, thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý về doanh nghiệp...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
Chia sẻ tài liệu học lớp Luật sư. BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN HỒ SƠ DS06 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT I. ...
-
Tham khảo thêm: 5 Phần mềm trắc nghiệm sát hạch thi lý thuyết lái xe ô tô miễn phí hay nhất Toàn bộ các văn bản, bài viết có liên quan đến L...
-
Tham khảo thêm: Hướng dẫn chèn hình nền, Slide template, ClipArt cho Word, Powerpoint Hình nền, themes trang trí cho desktop và cách tự động...
-
Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất Tải về sách Ebook hư...
-
Tải về sách Ebook Luật Cán bộ, công chức, viên chức và biểu mẫu đính kèm Quy định về phụ cấp Nghị định 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công ...
-
Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở ...
-
BỘ NỘI VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: 08/2008/TT-BNV Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 T...
-
Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về) Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới...
-
THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (còn gọi là chế độ tài sản giữa vợ chồng) l...
-
Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét