Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Không có lợi nhuận, tiền đâu nộp thuế?

TT - Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức ngày 16-4, thảo luận và cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: AN AN
 
Tại phiên họp này, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề xuất mức giảm thuế đối với doanh nghiệp cao hơn mức đề nghị của Chính phủ. Cũng liên quan đến vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Nói thật, cái anh mà khó khăn thì không có lợi nhuận đâu, có sản xuất đâu mà có lợi nhuận, có lợi nhuận đâu mà bảo mất tiền thuế. Các đồng chí bảo giảm 1% thì mỗi năm mất 6.000 tỉ đồng, tôi thấy doanh nghiệp người ta có làm ra đâu mà mất, không có tiền đóng thuế thì mất cái gì? Mình tuyên bố giảm thuế sớm thì cái anh chưa làm ăn được sẽ phấn khởi đầu tư mà làm ăn”.

Bất động sản chờ được cứu

Căn cứ để Chính phủ đề nghị giảm thuế, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: “Bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một loạt khó khăn như sức mua thị trường giảm, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn”.
Theo bà Mai, đến ngày 31-12-2012, qua báo cáo của 50 tỉnh, thành thì tổng giá trị tồn kho trong lĩnh vực bất động sản gần 112.000 tỉ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư hơn 26.000 căn, nhà thấp tầng gần 16.000 căn, văn phòng 92.800m2, mặt bằng thương mại 98.407m2, đất nền xây dựng nhà ở gần 8 triệu m2 và gần 2 triệu m2 đất nền thương mại khác. Tổng giá trị tồn kho một số vật liệu xây dựng (gạch ốp lát xây dựng, kính xây dựng, gạch bêtông khí chưng áp, ximăng) gần 7.000 tỉ đồng.

“Để hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế, đặc biệt lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cũng thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước đối với những người có thu nhập thấp trong việc mua nhà ở thì cần thiết phải có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế” - bà Mai nhấn mạnh.

“Chỉ có tác dụng động viên”

Chính phủ đề nghị: “Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014. Cùng thời gian, giảm 30% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2”. Chính phủ cũng đề nghị áp dụng mức thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội của doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội.

Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng với tổng giá trị gói hỗ trợ hơn 2.600 tỉ đồng thì chính sách này “chỉ có tác dụng động viên”, đồng thời đề nghị: “Những đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đều là những đối tượng chưa phải thu nhập cao. Do vậy, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng: “Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường như nội dung tờ trình của Chính phủ. Thời hạn áp dụng kéo dài đến hết năm 2014”.
“Giảm thuế thì có thật sự tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp không, có đúng cái doanh nghiệp đang cần không? Vì qua thảo luận ở Quốc hội, chúng tôi thấy doanh nghiệp cần vốn, cần giải quyết nợ đọng...” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn. Trong khi đó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu băn khoăn khác: “Cho phép chia nhỏ chung cư ra bán sẽ làm tăng áp lực về dân cư lên cơ sở hạ tầng, môi trường, cảnh quan...? Điều này đã được tính toán chưa? Rồi nó thay đổi kiến trúc, kết cấu các tòa nhà, phá vỡ quy hoạch. Tôi e rằng cho thực hiện tràn lan thì sẽ phải gánh hậu quả sau này”.

“Xuống ngay 20% thì tốt”

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã được chỉnh lý theo hướng giảm mức thuế suất xuống 22% từ đầu năm 2016, thay vì 23% như đề nghị ban đầu của Chính phủ. “Ghi rõ lộ trình từ năm 2014 là 22%, đến năm 2016 xuống 20%, năm 2020 còn 18% thì rất tốt. Công bố như vậy thì người ta phấn khởi, yên tâm đầu tư. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay mà xuống ngay được 20% thì tốt” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 22% ngay từ 1-7-2013.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Kết quả thu quý 1 mới đạt 20,6% dự toán cả năm, thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Dự báo thu năm nay rất khó khăn, nếu áp dụng mức thuế suất 22% từ ngày 1-7 sẽ thất thu thêm 9.000 tỉ đồng, rất khó cho cân đối ngân sách”.
Các vấn đề nêu trên sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp tháng 5.

Ai nghe Mặt trận phản biện?
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn trước quy định về “phản biện xã hội” lần đầu tiên được đưa vào Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi). “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN các cấp chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” - dự luật viết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: “Hậu quả pháp lý của phản biện là gì? Hay là anh nêu cứ nêu ra, còn nghe hay không là chuyện của tôi. Ai đứng ra phân xử một kết luận phản biện đúng hay sai?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới được đặt ra trong dự luật này, kỳ họp cuối năm nay trình Quốc hội xem xét
LK.

 Nguồn Tuoitre online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến