Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Tôi phải làm gì để bảo vệ con tôi


Tôi phải làm gì để bảo vệ con tôi

Hỏi: Thưa luật sư, tôi mới kết hôn được 1 năm và hiện giờ tôi sắp sinh đứa đầu lòng. Từ sau khi kết hôn, vợ chồng tôi có mượn tiền của bố mẹ đẻ của tôi làm ăn, còn tôi từ khi có thai đã phải về nhà bố mẹ đẻ nghỉ ngơi. Việc làm ăn chồng tôi đảm trách, có sự hỗ trợ của bố tôi nữa, nhưng hầu như tôi không nhận được chu cấp gì từ anh ta, tình trạng sức khỏe khiến tôi phải dựa hoàn toàn vào gia đình.

Giữa tôi và chồng tôi xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi từng bàn đến chuyện ly hôn và anh ta nói rằng sau khi tôi sinh con, con cứng cáp rồi anh ta sẽ mang con bỏ đi. Quả thật tình cảm vợ chồng chẳng còn, tôi và gia đình tôi đã giành hết tình cảm yêu thương cho đứa con trong bụng này, nên hơn ai hết, anh ta hiểu tôi sợ mất đứa con này đến thế nào. Trách nhiệm với vợ anh ta không có, mặc dù được gia đình bên vợ giúp đỡ và động viên rất nhiều, nhưng tính tình trẻ con, bảo thủ, dễ tự ái, luôn cho mình là trên hết khiến cho mọi người chẳng chịu nổi nữa.

Hiện giờ tôi rất lo sợ, đứa con còn trong bụng tôi ngày nào tôi còn yên tâm ngày đó, tôi lo sau khi sinh nó ra, anh ta sẽ về bế trộm nó đi mất. 

Luật sư cho tôi hỏi, quyền làm mẹ và nuôi con của tôi có được pháp luật đảm bảo? Anh ta chưa nuôi mẹ con tôi được ngày nào thì có quyền mang con đi khi chưa có sự đồng ý của tôi không? Mong luật sư tư vấn giúp tôi.

Trả lời:
Chị nói chồng tính tình trẻ con nhưng chị cũng chưa được chín chắn. Chị lo sợ mất con một cách không bình thường nên anh chồng trẻ con mới vịn vào đó mà gây áp lực, đừng nói trẻ sơ sinh, ngay cả việc nuôi dạy trẻ lên 3, lên 5 đối với đàn ông cũng là việc rất khó. Do đặc điểm giới tính, dù thương yêu con trẻ tới đâu người cha cũng không thể chăm sóc con suốt ngày như Mẹ được. Chị thử thay đổi quan điểm từ lo sợ mất con sang mong ngóng nó mau ra đời để giao cho cha nó xem thái độ của chồng chị thế nào ? Con chị cũng là con anh ta, hùm dữ không ăn thịt con, việc gì chị phải lo bảo vệ khi con mình nằm trong vòng tay của cha đẻ của nó ?

Cuộc sống vợ chồng trẻ đòi hỏi cả 2 bên phải biết thông cảm, tha thứ mới có thể sống với nhau tới cuối đời, chị nên bỏ suy nghĩ chồng chưa nuôi được mẹ con chị ngày nào thì bị mất quyền làm chồng, làm cha, chị nên hiểu tự ái cao, luôn cho mình là trên hết là những tính xấu thường gặp ở hầu hết đàn ông trẻ chứ không riêng gì chồng chị, cần có thời gian mới điều chỉnh được tính xấu này. Gia đình trước sự rạn nứt tình cảm vợ chồng của con cái cũng nên tâm sự, hướng đôi trẻ tới những suy nghĩ chín chắn, đừng can thiệp, đừng bênh con một cách mù quáng để tránh làm tan vỡ 1 gia đình mà người chịu thiệt thòi nhất là những đứa trẻ vô tội.

Về mặt pháp luật chị cứ an tâm. Khỏan 2 Điều 85 Luật hôn nhân gia đình qui định khi vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn và khoản 2 và điều 92 Luật HN-GĐ qui định khi ly hôn về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho Mẹ nuôi nếu không có thỏa thuận nào khác ( ví dụ chị không thỏa thuận giao con cho chồng cũ nuôi chẳng hạn ). Như vậy, về mặt pháp luật, chị còn yên ổn với con mình hơn 3 năm nữa, hy vọng sau thời gian không phải ngắn đó gia đình nhỏ của chị sẽ lại hạnh phúc hơn khi có đứa con làm cầu nối cho cha mẹ nó.
Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến