Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Công chức làm thêm cái gì mà giàu thế!

Làm thêm là quyền của tất cả mọi người nhưng cán bộ làm thêm mà thu nhập tiền tỉ mỗi năm mà không dám kê khai công việc làm thêm thì người dân có quyền nghi ngờ.
Công chức làm việc mỗi ngày 8 giờ vậy thời gian đâu mà có thể làm thêm và làm thêm cái gì mà hầu hết đều giàu có quá nhanh. Nhiều bạn đọc cho rằng hầu hết công chức đều giàu, chức càng lớn càng giàu trong khi phần lớn người dân vẫn còn chạy ăn từng bữa thì cảm giác rất bất thường.

Khó công khai thu nhập từ làm thêm

Trong điều tra xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tại 10 tỉnh, thành và 5 bộ, ngành thì có đến 79% cán bộ đều có thu nhập thêm ngoài lương. Trong đó, phần lớn cán bộ có thu nhập thêm từ tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp và tiết kiệm các khoản chi theo định mức. Nhưng ai cũng có thể hiểu nguồn thu này chẳng lớn, chẳng thể sắm nhà, ô tô như phần lớn cán bộ hiện nay. Phần đáng nói nhất là thu nhập từ nguồn khác. Phần này đối với cán bộ thì rất khó nói đến và cũng không thể công khai.
Bạn đọc Trần Trung, cho rằng: “Thời buổi khó khăn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể, nhiều người thất nghiệp nhưng công chức thì đua nhau “làm thêm” và thu nhập do “làm thêm” chiếm phần lớn thu nhập cao ngất ngưởng của họ!

Ví dụ cho việc này là một công chức thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có tài sản tăng thêm trong năm 2012 là 3 căn nhà diện tích 900m2, 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, 3 khu đất trồng cây lâu năm diện tích 20.765m2, 2 ô tô trị giá 2 tỷ đồng. Thử làm phép so sánh khối tài sản làm thêm của gia đình cán bộ trên với tiền lương của tổng thống Nga (116.000 USD/năm) và tổng thống Mỹ (400.000 USD/năm, chưa kể phải đóng thuế) mới thấy cán bộ ta giỏi thế nào. 
Bạn đọc lấy tên Dao Cạo, cảm thán: “Cán bộ và công chức nhà mình phải nói là giỏi thiệt. Ngoài giờ hành chính ra vẫn tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập mà toàn thu nhập khủng. Chỉ là không biết những cán bộ này làm thêm cái gì mà hay thế. Tôi đi làm thuê cho công ty tư nhân và buổi tối cũng làm thêm đến 10 giờ nhưng nuôi một con ăn học thôi mà thiếu trước hụt sau”.

Chán với kiểu nói úp úp, mở mở về việc làm thêm của cán bộ, công chức bạn đọc lấy tên Bà Con, huỵch toẹt: “Đố dám cán bộ giàu có nào mà dám nói rõ việc làm thêm của mình là gì để có được những khối tài sản lớn như vậy. Nhưng làm thêm mà giàu có thì chỉ có những cán bộ “bự” chứ mấy anh công chức quèn thì cuộc sống cũng khó khăn, thiếu thốn, có làm thêm còng lưng cũng chỉ sống qua ngày mà thôi. Bạn đọc này cho biết: Ký hợp đồng xây dựng trụ sở công ty, hạ tầng giao thông, công trình công cộng thì đơn vị thi công chi hoa hồng 3%; cấp phép hoạt động cho một doanh nghiệp tiền lót tay cả tỉ bạc; hợp đồng mua sắm trang thiết bị: 10%, chưa kể muốn kê khống hóa đơn cỡ nào thì đối tác sẵn sàng ghi như thế… Những cách làm thêm này liệu có dám khai.
Quản không được hay không muốn quản
Việc kê khai tài sản của cán bộ đã được thực hiện rầm rộ thời gian qua nhưng kết quả ra sao? Ai kiểm tra về tính trung thực việc kê khai? Có cán bộ nào phải giải trình về tài sản của mình chưa?… Chỉ hô hào bề nổi thì việc có kê khai tài sản của cán bộ hay không cũng không có tác dụng thực tế.
Bạn đọc Trần Thạch chỉ rõ những bất cập: “Điều 53, Luật Phòng chống tham nhũng ban hành năm 2005 quy định: “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng văn bản này vẫn chưa thành hiện thực”. Theo ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP), việc niêm yết tài sản tại nơi cư trú đã đưa ra bàn luận nhưng không được chấp nhận do đây là chuyện nhạy cảm”. Từ những bất cập trên thì cũng dễ dành thấy được việc kê khai tài sản của cán bộ cũng chỉ là hình thức.
Bạn đọc Sao Mai nói thẳng vào vấn đề: “Tất cả việc kê khai tài sản cán bộ, công chức rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu khi có các vụ làm thêm này. Tôi không phải suy nghĩ tiêu cực nhưng ngoài một số rất ít cán bộ trung thực, có thu nhập thêm với đồng tiền chính đáng, còn lại thì… rấ khó nói”. Một bạn đọc khác dẫn chứng: “Tôi làm lại giấy tờ nhà mất hơn 2 tháng nhưng không xong. Cán bộ quận cứ đòi hết giấy tờ này đến giấy tờ khác. Thế là tôi nhờ luôn cán bộ nhà đất làm giấy tờ nhà. Chi phí được thỏa thuận là 8,5 triệu đồng. Chỉ sau một tháng cán bộ này mang giấy tờ nhà đến. Khi xây nhà tôi nhờ luôn cán bộ này xin giấy phép xây dựng, chi ít tiền cho thanh tra đô thị… Tôi nghĩ đây là thu nhập làm thêm của cán bộ!”.
Nhiều bạn đọc cho biết: Cán bộ làm thêm cái gì chắc không khó hình dung. Chỉ cần hỏi một doanh nghiệp thì sẽ rõ, nhưng họ không dám nói cụ thể thôi. Chừng nào cơ quan chức năng quy định rõ việc kê khai thu nhập của cán bộ có kiểm tra, giải trình và xử lý cụ thể thì mới có thể nói đến việc ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng. Ngay cả việc kê khai có trung thực hay không mà đến nay vẫn còn chưa làm được thì làm sao nói chuyện giám sát tài sản cán bộ.
Bạn đọc Phạm Ngọc Hùng, dẫn chứng: “Lương công chức không đủ sống nhưng người ta sẵn sàng chi hàng trăm triệu để được làm công chức. Chuyện này rất trái ngược với các nước phát triển. Điều này cũng đã nói lên nhiều điều về thu nhập và tiền lương của cán bộ, công chức”.
Khuyến khích làm thêm chính đáng
“Từ năm 2003-2012, Chính phủ đã 8 lần điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 210.000 đồng lên 1.050.000 đồng (tăng 400%), cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (154%) nhưng mức lương tối thiểu hiện hành mới chỉ đạt 37,5% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Câu trả lời thật dễ hiểu là lạm phát ở Việt Nam quá cao. Lương không đủ sống thì phải làm thêm và tìm mọi cách để làm thêm. Vấn đề là là làm thêm có chính đáng hay không thôi” – bạn đọc Nguyễn Đẹp.
“Đừng vơ đũa cả nắm. Lương không đủ sống, công chức đi làm thêm là việc bình thường. Người ta làm thêm đàng hoàng, không phạm pháp là được rồi. Muốn đánh tham nhũng, hối lộ thì phải có chứng cứ, đúng người, đúng tội. Nói công chức đi làm thêm là xấu xa, tham nhũng là phiến diện. Luật pháp đã rõ, ai phạm pháp thì bị xử lý” – bạn đọc Mai Kiều Liên.

Phạm Hồ
Nguồn: nld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến