Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH


I. Quy định pháp luật về biện pháp hành chính xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
1. Tại sao sử dụng biện pháp hành chính để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Khác với quyền sở hữu tài sản thông thường, quyền sở hữu trí tuệ có đặc điểm là đối tượng quyền tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin, do đó có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng hoạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người, cũng như của cả xã hội. Do vậy, một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm đó, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.

Như vậy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng là hành vi vi phạm pháp luật về bảo hộ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Nhà nước đã xác lập quyền cho chủ thể quyền và nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu trí tuệ) và gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể quyền, lợi ích của người tiêu dùng và gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội cần phải loại trừ. Do vậy, trong một số trường hợp nhất định, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể coi là hành vi vi phạm hành chính.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định về việc Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm pháp luật. Một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây tổn hại cho chủ thể quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, mà còn có thể gây thiệt hại đến lợi ích của người thứ ba – người tiêu dùng trong xã hội và có thể nói là gây tổn hại cho lợi ích của xã hội. Ví dụ, việc xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu hàng hoá, thì hành vi xâm phạm quyền đó không chỉ gây tổn hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm (giảm thị phần, giảm lợi nhuận, làm suy giảm lòng tin của khách hàng vào sản phẩm mang nhãn hiệu đó…), mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng hoá đó (như chất lượng không được như hàng thật nhưng phải trả tiền với giá trị tương đương với hàng thật; đôi khi còn gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng nếu hàng giả, hàng nhái đó liên quan đến thực phẩm hoặc dược phẩm…).
Trong bối cảnh trình độ công nghệ ngày càng cao, việc sản xuất các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được tiến hành với quy mô lớn và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được lưu thông với phạm vi rộng, khiến cho số người bị ảnh hưởng hoặc bị tổn hại cũng sẽ chiếm số đông trong xã hội. Vì vậy, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng thuộc loại hành vi chống lại lợi ích xã hội. Do đó, bên cạnh quan hệ dân sự, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem xét và xử lý theo khía cạnh hành chính. Mục tiêu của biện pháp hành chính trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích của người thứ ba và của xã hội, cũng chính là gián tiếp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền.
2. Cơ sở pháp lý sử dụng biện pháp hành chính để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Khái niệm “biện pháp hành chính” được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Văn bản luật này được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực sửa đổi hệ thống pháp luật quốc gia để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS, nhằm mục tiêu trở thành thành viên của WTO. Có thể nói rằng, việc đưa khái niệm “biện pháp hành chính”, bên cạnh “biện pháp dân sự”, “biện pháp hình sự”, “biện pháp kiểm soát biên giới” vào văn bản luật nói trên[2] là thể hiện sự chuyển thể các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS vào thành vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia.
Khái niệm biện pháp hành chính, theo nghĩa rộng, có thể hiểu là bao quát hết các khái niệm thường dùng trong hệ thống pháp luật hành chính của Việt Nam như chế tài hành chính, hình thức xử lý hành chính, biện pháp xử lý hành chính, thủ tục xử lý hành chính .v.v. được áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong một lĩnh vực nhất định. Theo nghĩa này, biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là bao gồm toàn bộ các thủ tục hành chính, hình thức hay biện pháp xử lý hành chính mà có thể áp dụng đối với các hành vi đó theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, bao gồm cả Luật Sở hữu trí tuệ và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Khái niệm biện pháp hành chính, theo nghĩa hẹp, có thể hiểu bao gồm các hình thức xử lý hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo nghĩa này, biện pháp hành chính bao gồm các hình thức xử phạt hành chính (biện pháp xử lý hành vi xâm phạm) và biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm) quy định tại Điều 214 của Luật Sở hữu trí tuệ.[3] Thêm vào đó, nhằm để thực hiện các biện pháp hành chính, các quy định về thẩm quyền xử phạt,[4] thủ tục xử phạt[5] và các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính[6] theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.
3. Điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Những điều kiện cơ bản để thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính gồm:
(i) Có quy định pháp luật về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nói cách khác cần có căn cứ pháp lý để áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền.
(ii) Có cơ quan/người được trao thẩm quyền tiến hành biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người có thẩm quyền xử lý phải được trang bị kiến thức chuyên môn và/hoặc có sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ về mặt chuyên môn để có đủ khả năng xác định hành vi xâm phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đối với hành vi xâm phạm.
(iii) Có thủ tục cho phép chủ thể quyền yêu cầu cơ quan thực thi áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm; cho phép người có thẩm quyền chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý của mình; cho phép công dân tố cáo và đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính.
4. Nội dung biện pháp hành chính áp dụng đối với vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ
Bản chất biện pháp hành chính là sử dụng sức mạnh quyền lực của các cơ quan hành chính (nằm trong hệ thống hành pháp) thông qua các quyết định hành chính và tổ chức thực hiện các quyết định hành chính đó để xử lý các vi phạm hành chính. Như vậy, có hai yếu tố cấu thành nên biện pháp hành chính, đó là: vi phạm hành chính và quyết định của cơ quan hành chính xử lý vi phạm hành chính.
- Vi phạm hành chính:
Vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, có lỗi, xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước, nhưng mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính”.
Như vậy, vi phạm hành chính có bốn điểm cơ bản sau:
(i) Hành vi trái pháp luật vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước;
(ii) Hành vi do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý;
(iii) Mức độ nguy hiểm của hành vi thấp hơn tội phạm;
(iv) Pháp luật quy định hành vi đó phải bị xử phạt hành chính.
Như vậy, biểu hiện trước hết của vi phạm hành chính chính là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân hoặc tổ chức (chủ thể hành vi) vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hay của công dân và gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; là biểu hiện tiêu cực cần phải loại trừ.
Biểu hiện thứ hai của vi phạm hành chính là mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Vì hành vi vi phạm hành chính và tội phạm đều là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước và thường là các điều pháp luật ngăn cấm, song tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm hành chính thấp hơn tội phạm, tức là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Một điểm quan trọng nữa là hành vi vi phạm hành chính phải được pháp luật quy định. Nói cách khác, nếu pháp luật không quy định hành vi vi phạm pháp luật đó phải chịu trách nhiệm hành chính thì không coi hành vi đó là vi phạm hành chính. Hiện nay, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã giao thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính cho Chính phủ, do vậy nếu không có Nghị định của Chính phủ quy định hành vi vi phạm pháp luật đó phải chịu trách nhiệm hành chính, thì không được coi hành vi vi phạm pháp luật đó là vi phạm hành chính.
- Quyết định áp dụng biện pháp hành chính:
Cơ quan hành chính, gồm cả người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, chính là chủ thể áp dụng biện pháp hành chính. Về bản chất, đó là việc cơ quan quản lý Nhà nước nằm trong hệ thống hành pháp dùng sức mạnh của quyền lực Nhà nước để ra những quyết định mệnh lệnh hành chính đơn phương buộc người vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định hành chính đó. Hành vi vi phạm hành chính bị xử lý thông qua quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền.
Ngoài các quyết định hành chính xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ của người có thẩm quyền thuộc các cơ quan hành chính, biện pháp hành chính trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn bao gồm cả các quyết định, thủ tục nhằm bảo đảm việc thi hành các quyết định hành chính đó. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền có thể ra các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính, nhằm bảo vệ chứng cứ hoặc duy trì các điều kiện vật chất của tổ chức, cá nhân vi phạm.[7]
Trong thời hạn nhất định, nếu đối tượng bị áp dụng quyết định xử phạt hành chính không tự giác thực hiện quyết định đó thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, và trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu tổ chức tín dụng, ngân hàng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản thực hiện việc thanh toán các khoản tiền phạt theo quyết định xử phạt.[8]
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ có thể bao gồm các hình thức, biện pháp xử lý sau:
(i) Hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;[9]
(ii) Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ;[10]
(iii) Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.[11]
Tuy nhiên, không phải bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và được xử phạt bất kỳ loại vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ có những cơ quan Nhà nước được pháp luật quy định mới được thực hiện quyền xử phạt và chỉ có quyền xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực được pháp luật giao cho. Mặt khác, không phải bất cứ ai trong cơ quan hành chính có thẩm quyền xử phạt đều được xử phạt và mức độ xử phạt là như nhau, mà pháp luật chỉ quy định một số chức danh nhất định của cơ quan hành chính đó mới có thẩm quyền xử phạt và quyền hạn xử phạt cũng khác nhau tuỳ theo chức danh mà pháp luật quy định.[12]
5. Các hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính
Trên cơ sở quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định cụ thể về các hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính, gồm:
(i) Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT;
(ii) Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
(iii) Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;
(iv) Nghị định số 57/2005/NĐ-CP ngày ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 172/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 11 năm 2007.
Theo các văn bản pháp luật nói trên, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính gồm:
* Về sở hữu công nghiệp: (1) hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; (2) vi phạm quy định về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp; (3) vi phạm quy định trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp; (4) vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (5) vi phạm nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm khi nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm; (6) cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp; (7) hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; (8) hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại; (9) sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vi phạm; (10) sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý; (12) cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm bí mật kinh doanh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
* Về quyền tác giả, quyền liên quan: (1) hành vi vi phạm quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; (2) hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể; (3) hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; (4) hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức tư vấn, dịch vụ; (5) hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về quyền tác giả, quyền liên quan; (6) hành vi vận chuyển hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; (7) hành vi tàng trữ, chứa chấp hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; (8) hành vi quảng cáo hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm; (9) hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; (10) hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm; (11) hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh; (12) hành vi xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; (13) hành vi xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính; (14) hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm; (15) hành vi xâm phạm quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; (16) hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng; (17) hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm; (18) hành vi làm tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo; (19) hành vi bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo; (20) hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả; (21) hành vi chiếm đoạt quyền tác giả; (22) hành vi xâm phạm quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn; (23) hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn; (24) hành vi xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn; (25) hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn; (26) hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình; (27) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn; (28) hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình; (29) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình; (30) hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại đã công bố; (31) hành vi xâm phạm quyền công bố, sản xuất và phân phối bản ghi âm, ghi hình; (32) hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng; (33) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng; (34) hành vi xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng; (35) hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng; (36) hành vi trích ghép chương trình phát sóng; (37) hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền liên quan; (38) hành vi chiếm đoạt quyền liên quan.
* Về giống cây trồng: (1) hành vi vi phạm các quy định về xác lập quyền đối với giống cây trồng, gồm các hành vi sau: (a) vi phạm về việc giữ bí mật các thông tin liên quan đến đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng của người nộp đơn; (b) làm sai lệch kết quả thẩm định dẫn đến việc cấp, từ chối cấp, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng; (c) công bố kết quả khảo nghiệm DUS về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định không đúng sự thật; (d) không thực hiện đúng quy phạm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc chấp nhận; (2) hành vi vi phạm về sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng sau: (a) sản xuất hoặc nhân giống; (b) chế biến nhằm mục đích nhân giống; (c) chào hàng; (d) bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường; (đ) xuất khẩu; (e) nhập khẩu; (g) lưu giữ để thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e; (h) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e đối với giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ; (i) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng không có sự khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ; (k) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e đối với giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác; (3) hành vi vi phạm các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng, gồm các hành vi sau: (a) sử dụng giống cây trồng có tên trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ; (b) sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 của Luật Sở hữu trí tuệ; (c) sửa chữa, tẩy xoá một trong các loại giấy tờ sau: Bằng bảo hộ giống cây trồng; hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng và các quyết định liên quan đến quyền đối với giống cây trồng; (d) sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng giả; Bằng đã hết hiệu lực; Bằng bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng; (đ) tác giả giống cây trồng không thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ; (e) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (f) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thoả thuận; không nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định; (h) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ; không cung cấp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và không duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo quy định; (i) cung cấp tài liệu, thông tin, chứng cứ sai sự thật khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp đình chỉ, huỷ bỏ hoặc xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; (k) không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng sau khi chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng đã thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó.
II. Kết quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn 3 năm: 2006 – 2008
Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ từ các báo cáo của các ngành, các địa phương vào đầu năm 2009 về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong 3 năm 2006-2008, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ và các địa phương đã xử lý trên 19.167 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 16 tỷ đồng, tịch thu xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác (chưa kể số vụ việc do lực lượng quản lý thị trường xử lý trong 2 năm 2007, 2008 do chưa có số liệu báo cáo).
Một số kết quả của các lực lượng thực thi trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến sở hữu trí tuệ:
(i) Lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã kiểm tra đã xử lý trên 5.667 vụ việc liên quan đến việc sao chép băng đĩa, in sách lậu, chương trình máy tính, đã xử phạt cảnh cáo 519 trường hợp, phạt tiền đối với các cơ sở còn lại với số tiền lên đến trên 10 tỷ đồng.[13]
(ii) Thanh tra chuyên ngành KH&CN đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 trường hợp, phạt tiền 307 trường hợp với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hoá.
(iii) Lực lượng thanh tra ngành thông tin, truyền thông đã thực hiện thanh tra về bản quyền sử dụng phần mềm máy tính trong doanh nghiệp, thanh tra bản quyền của các phần mềm do doanh nghiệp sản xuất và việc cài đặt, xây dựng các trang Web cho các tổ chức, cá nhân.
(iv) Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.
(v) Lực lượng hải quan (Bộ Tài chính, đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi…). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.
(vi) Lực lượng quản lý thị trường riêng trong năm 2006 đã phát hiện và xử lý 12.885 vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền, xử phạt hành chính lên đến 4,3 tỷ đồng.[14]
Có thể thấy trong các năm từ 2006 – 2008, hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về SHTT do lực lượng chức của các Bộ, ngành địa phương đã được triển khai rộng rãi và ở hầu khắp các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương. Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
III. Hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi bằng biện pháp hành chính
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc Hội thông qua ngày 19/6/2009 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10/2010. Trong số các điều khoản sửa đổi, có một số quy định liên quan đến biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có thay đổi căn bản. Ví dụ, quy định về điều kiện “thông báo” của chủ thể quyền cho đối tượng vi phạm trước đây đã bị huỷ bỏ. Thay vào đó, biện pháp hành chính được áp dụng khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại” cho tác giả, chủ sở hữu. Quy định cần được chi tiết hoá cũng như hướng dẫn thi hành trong văn bản Nghị định.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng có quy định mới về hình thức phạt tiền, theo đó quy định về mức phạt tiền theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 (tối đa đến 500 triệu đồng cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ) được áp dụng, thay vì mức phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hoá vi phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Quy định mới này cũng cần được hướng dẫn thi hành trong văn bản Nghị định.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang gấp rút soạn thảo văn bản nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 nói trên.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
(i) Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được cụ thể hoá cho phù hợp với xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tránh “dân sự hoá” các quan hệ hành chính, đồng thời tránh “hành chính hoá” các quan hệ dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Phân biệt rạch ròi phạm vi, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền áp dụng các chế tài dân sự và chế tài xử phạt hành chính trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
(ii) Làm rõ sự khác biệt giữa thủ tục/biện pháp hành chính và thủ tục/biện pháp dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tụê, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ động của cơ quan hành chính trong phát hiện và xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tụê; trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước và của các bên (bên yêu cầu xử lý, bên bị áp dụng biện pháp hành chính) trong xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
(iii) Tìm ra giải pháp thống nhất giữa các ngành để giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đặc biệt quy định pháp luật liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý hàng giả, xử lý hàng xuất, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đề xuất giải pháp hợp lý nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ và hiệu quả của công tác thực thi.
(iv) Trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của các văn bản pháp luật hiện hành và thực tế áp dụng các quy định liên quan đến xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua, đồng thời xem xét các câu hỏi, chất vấn, bình luận của các nước thành viên WTO đối với VN trong thời gian 3 năm kể từ khi VN gia nhập WTO đến nay, đề xuất các quy định sửa đổi, bổ sung cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước và yêu cầu thực thi “hiệu quả” quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Theo kế hoạch Dự thảo Nghị định trên sẽ được trình ký ban hành trong Quý IV năm 2009 để đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi vào đầu năm 2010.
Ngoài việc hoàn thiện văn bản pháp luật như một công cụ pháp lý cần thiết cho việc áp dụng các biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan thực thi cần kết hợp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, về áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền nói riêng. Đồng thời, bên cạnh những nỗ lực nội sinh từ bản thân các cơ quan thực thi, cần mở rộng các chương trình hợp tác và hỗ trợ thực chất và hiệu quả từ phía các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan và đội ngũ cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến