Tòa buộc phía bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 75 triệu đồng. Fafilm đồng ý hủy hợp đồng bán phim cho Phượng Tùng hoàn trả tiền để công ty này lấy tiền bồi thường cho Ảnh Vương chứ không bồi thường thay…
Theo hồ sơ, Công ty Ảnh Vương khởi kiện Công ty Phượng Tùng bởi đã cung cấp bộ phim Đấu sỹ Thiên Vương cho một số đài truyền hình phát sóng trong khi bộ phim này Ảnh Vương giữ bản quyền…
Đòi hơn 800 triệu đồng
Năm 2008, Ảnh Vương mua quyền phát sóng bộ phim trên từ Công ty San Yang (Đài Loan) với giá 39.000 USD. Công ty đã xin giấy phép, làm thủ tục nhập khẩu phim theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi mua, công ty không thể cung cấp cho các đài truyền hình để phát sóng vì phim đã được Phượng Tùng cung cấp trước đó.
Công ty Ảnh Vương cho rằng mình bị xâm phạm quyền phát sóng hợp pháp bộ phim nên khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại toàn bộ tiền mua bản quyền phát sóng và tổn thất về cơ hội kinh doanh là hơn 800 triệu đồng.
Phần mình, Phượng Tùng xác nhận là bán quyền phát sóng bộ phim cho năm đài thu được 345 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty từ chối bồi thường bởi tháng 12-2007 công ty đã mua quyền phát sóng bộ phim từ Fafilm Việt Nam. Đồng thời do Fafilm Việt Nam hợp tác nhập khẩu phim từ nước ngoài nên mọi trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm bản quyền thuộc Fafilm Việt Nam. Do đó, Fafilm Việt Nam mới là bị đơn của vụ án chứ không phải Phượng Tùng.
Phía Fafilm Việt Nam thừa nhận mình cũng đã mua bản quyền bộ phim và bán lại cho Phượng Tùng với giá 135 triệu đồng… Nay Fafilm đồng ý hủy hợp đồng bán phim cho Phượng Tùng, hoàn trả tiền để công ty này lấy tiền bồi thường cho Ảnh Vương chứ không bồi thường thay…
Cả hai cùng có lỗi
Xử sơ thẩm hồi đầu năm, TAND TP.HCM nhận định qua những chứng cứ trong hồ sơ nhận thấy Công ty Ảnh Vương có quyền sử dụng bộ phim Đấu sỹ Thiên Vương, có bản quyền phát sóng… Công ty này cho rằng Công ty Phượng Tùng không có bản quyền hợp pháp mà lại bán quyền phát sóng cho các đài truyền hình là xâm phạm quyền và lợi ích của mình là có cơ sở xem xét. Công ty Phượng Tùng ký hợp đồng bán phim cho các đài dù là vô tình cũng đã xâm phạm quyền của chủ sở hữu quyền tác giả mà Công ty Ảnh Vương có được.
Công ty Ảnh Vương đòi bồi thường toàn bộ giá mua bộ phim 39.000 USD, tương đương 750 triệu đồng nhưng Công ty Phượng Tùng và Fafilm Việt Nam nói giá chuyển nhượng trên là không có thật… Do đó, tòa chấp nhận lấy giá chuyển nhượng bộ phim giữa Fafilm Việt Nam và Công ty Phượng Tùng (135 triệu đồng) làm căn cứ xét xử.
Cạnh đó, sau khi nhập phim, Công ty Ảnh Vương cũng không có hành động nào thể hiện mình đã thực hiện mục đích kinh doanh thu lại giá trị chuyển nhượng như lồng tiếng Việt, tiếp thị… Vì thế giá trị bộ phim bị giảm sút là lỗi của hai bên. Công ty Phượng Tùng phải chịu trách nhiệm đối với phần thiệt hại của Công ty Ảnh Vương và phải bồi thường hơn 75 triệu đồng.
Tòa bác yêu cầu của Công ty Ảnh Vương về khoản đòi bồi thường tổn thất cho cơ hội kinh doanh do công ty không thực hiện hành vi kinh doanh nào khai thác lợi nhuận của bộ phim.
Công ty Ảnh Vương đã kháng cáo yêu cầu xem xét lại việc bồi thường. Tới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sẽ đưa vụ án ra xét xử…
Cần có thêm hướng dẫnLuật chưa quy định cụ thể cách thức xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ bị xâm hại. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” trong Bộ luật Dân sự thì sẽ không thỏa đáng. Hơn nữa, theo nguyên tắc, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh mức độ thiệt hại thực tế và thiệt hại tiềm tàng của mình do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra. Nhưng để chứng minh được điều này là không đơn giản với nguyên đơn.Hiện các tòa cũng lúng túng khi giải quyết vấn đề bồi thường này. Hầu hết các vụ án, tòa xác định mức bồi thường cho nguyên đơn là chưa thỏa đáng. Vì thế cần sớm có hướng dẫn thống nhất trong toàn ngành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét