Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Chỉ được giải thể công ty khi thanh toán hết các khoản nợ

“Tôi là cổ đông chiếm 10% tại một công ty cổ phần. Do bất đồng trong điều hành nên tôi nghỉ việc. Công ty không thanh toán số tiền tôi đóng góp và có ý định giải thể. Nếu không có sự chấp thuận của cổ đông hoặc không giải quyết tồn đọng về tài chính thì có giải thể được không?”. (Tam, Hà Nội)


Theo Điều 157 Luật doanh nghiệp 2005 quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được giải thể trong các trường hợp sau:

Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo quyết định của đại hội đồng cổ đông; công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 (Công ty cổ phần chỉ còn dưới 3 cổ đông) trong thời hạn 6 tháng liên tục hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Như vậy, công ty cổ phần nơi bạn làm việc chỉ được giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp nêu trên. Việc bạn nắm giữ 10% cổ phần nhưng không ký vào biên bản của Đại hội đồng cổ đông mà đa số các cổ đông khác vẫn đồng ý giải thể thì quyết định giải thể vẫn được thông qua và có giá trị thực hiện. Việc giải thể chỉ được tiến hành khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Là cổ đông của công ty nên theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật doanh nghiệp 2005, khi công ty giải thể hoặc phá sản, bạn sẽ được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty.

Nếu công ty không giải thể, bạn sẽ “không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần”. Trong trường hợp bạn không muốn tham gia hoạt động tại công ty nữa, bạn chỉ có thể chuyển nhượng lại số cổ phần của mình cho người khác theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến