Chuyên ngành: Kinh tế chính trị; Mã số chuyên ngành: 5.02.01; Người hướng dẫn khoa học: TS Đinh Sơn Hùng, TS Trương Thị Hiền; Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế của cả nước. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, thị trường SLĐ trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện sớm nhất so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Bởi vậy, đồng thời với việc nghiên cứu các điều kiện kinh tế khách quan cần thiết phải nghiên cứu các chính sách tác động tới sự hình thành và phát triển thị trường SLĐ trên địa bàn Thành phố. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển thị trường SLĐ ở nước ta.
Để thị trường SLĐ ở Thành phố tiếp tục hoàn thiện và phát triển, hệ thống chính sách tác động tới thị trường này cần được bổ sung và hoàn thiện một số chính sách cơ bản sau:
1. Vấn đề chính sách tiền lương: đây là khâu đột phá kéo toàn bộ thị trường SLĐ ra khỏi sự rơi rớt, níu kéo của cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp và thúc đẩy thị trường này phát triển nhanh hơn nữa. Luận án kiến nghị chính sách tiền lương gắn với hiệu quả công việc, theo đó cơ cấu tiền lương chỉ gồm 2 phần:
- Tiền lương tối thiểu: thực hiện theo quy định của pháp luật
- Tiền lương gắn liền với hiệu quả công việc: phần tiền lương này được xác định trên cơ sở mức giá khoán cho mỗi công việc, vì hiệu quả công việc phản ánh chính xác nhất giá trị hàng hoá SLĐ.
Chính sách tiền lương này một mặt đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, tác dụng của quy luật kinh tế thị trường, mặt khác vẫn đảm bảo sự quản lý điều tiết của Nhà nước, góp phần giảm thiểu những bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương hiện nay.
2. Vấn đề chính sách đào tạo:
- Để đáơ ứng đòi hỏi của thị trường SLĐ trên địa bàn thành phố trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đến năm 2020, chính sách đào tạo, dạy nghề phải hướng tới phát triển các ngành cơ bản như cơ khi, điện tử, tin học, ngoại ngữ, ngân hàng, tài chính, ngoại thương, marketing, du lịch, luật sư, bưu chính viễn thông, y tế, sư phạm, quản lý hành chính, phim ảnh, sân khấu nghệ thuật …
- Cần phân biệt học phí theo ngành đào tạo, bởi mỗi ngành đòi hỏi những chi phí đào tạo khác nhau.
- Cần đổi mới quy trình thực hiện chính sách miễn giảm học phí theo hướng vừa đảm bảo công bằng trong hoạch toán kinh tế vừa đảm bảo công bằng xã hội, theo đó, sinh viên trong diện ưu tiên vẫn phải đóng học phí toàn phần cho cơ sở đào tạo, nhưng họ được nhận phần miễn giảm từ ngân sách Nhà nước thông qua Uỷ bản nhân dân phường, xã.
3. Về chính sách quản lý thị trường SLĐ
- Uỷ ban nhân dân phường xã phải là nơi cấp phát sổ lao động cho người lao động, vì đây là cấp chính quyền cơ sở có khả năng quản lý chặt chẽ nhất vấn đề nhân lực lao động và biến động dân số.
- Cần có cơ chế phối hợp giữa ngành thống kê, lao động thương binh xã hội và cơ quan hành chính địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã trong công tác quản lý thị trường SLĐ.
4. Về chính sách bảo hiểm và trợ cấp thất nghiệp
- Trên cơ sở khái niệm thất nghiệp phù hợp với điều kiện Việt nam, cần quy định đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp và xây dựng trợ cấp thất nghiệp.
- Cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên về nghĩa vụ và lợi ích của người lao động trong việc khai báo thất nghiệp
- Để đảm bảo tính chính xác, thuận lợi, tránh chồng chéo, cần quy định thống nhất cấp phường, xã là nơi thực hiện công tác thống kê ban đầu tình hình thất nghiệp.
===========================
TÌM ĐỌC LUẬN ÁN TẠI THƯ VIỆN ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH/ THƯ VIỆN QUỐC GIA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét