Chuyên ngành:Lý luận và lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Mã số: 62.38.01.01; Người hướng dẫn PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, TS. Trịnh Đức Thảo; Cơ sở đào tạo: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
1. Luận án đã xây dựng khái niệm quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng là quá trình các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng công cụ pháp luật tác động vào các đối tượng quản lý để định hướng và điều chỉnh các hành vi xã hội nhằm bảo vệ bền vững tài nguyên rừng .
2. Luận án đã chỉ rõ bốn đặc trưng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng gồm: sự kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước của các cộng đồng dân cư trong quản lý bảo vệ rừng; ưu thế nổi trội của các biện pháp pháp lý trong phòng ngừa hành vi xâm hại rừng; sự kết hợp giữa biện pháp kinh tế - xã hội với biện pháp pháp lý trong quản lý bảo vệ rừng; tính đặc thù của các biện pháp kỹ thuật trong quản lý bảo vệ rừng.
3. Từ các mô hình quản lý bảo vệ rừng của một số nước và tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, luận án đã rút ra một số bài học có thể áp dụng cho Việt Nam như: tổ chức hệ thống các cơ quan quản lý bảo vệ rừng (Kiểm lâm) thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phân chia lâm phận quốc gia thành ba loại rừng (trong khi các nước chia thành hai loại rừng) gắn với việc quy định chế độ quản lý tương ứng; xã hội hóa công tác bảo vệ rừng; kinh nghiệm về việc xử lý vi phạm trật tự quản lý bảo vệ rừng.
4. Luận án đã đề xuất và luận giải lộ trình thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng đến năm 2020. Trong đó, đề xuất bốn giải pháp mới là:
- Cần hệ thống hoá luật tục truyền thống, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng dân cư xây dưng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng; kết hợp sử dụng có hiệu quả công cụ pháp luật với luật tục, hương ước của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng;
- Đề xuất các quy định về trách nhiệm quản lý rừng đối với chính quyền các cấp như: quản lý quy hoạch rừng bền vững, tổ chức các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
- Xác định chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với Công an, Quân đội trong các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng;
- Đề xuất chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho lực lượng Kiểm lâm (20% cho công chức công tác ở Chi cục Kiểm lâm đến 50% cho công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã); áp dụng chính sách thương binh liệt sĩ cho công chức kiểm lâm bị thương, bị hy sinh trong khi thi hành công vụ; đồng thời quy định chế độ trách nhiệm đối với công chức kiểm lâm khi để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại trên địa bàn quản lý.
==================
TÌM ĐỌC LUẬN ÁN TẠI THƯ VIỆN ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, THƯ VIỆN QUỐC GIA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét