Nguyễn Thế Vinh
Giám đốc Công ty TNHH Hà Vinh-Bắc Ninh
PHẦN 1: NGUYÊN NHÂN VÀ HÀNH VI VI PHẠM CỦA HẢI QUAN
Vụ việc liên quan đến việc áp mã thuế cho Công ty TNHH Hà Vinh kéo dài từ năm 2002 đến nay qua nhiều cấp từ Chi Cục Hải Quan đến Cục Hải Quan, Viện Nghiên Cứu Hải Quan,Vụ Kiểm Tra Tính Thuế, Vụ Pháp Chế, Thanh tra Tổng Cục.
Công ty TNHH Hà Vinh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, mọi hoạt động của doanh nghiệp chấp hành theo luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2000 sau khi khảo sát thị trường thấy giấy tráng sáp trong nước chưa sản xuất, hoàn toàn phải nhập ngoại trong khi chính sách nhà nước khuyến khích đầu tư trong nước đồng thời chi nhánh XNK Hưng Yên đặt dây chuyền sản xuất giấy tráng sáp ghép đầu lọc và điếu thuốc lá tại phố mới thị xã Lao Cai.
Công ty Hà Vinh sau khi xem dây chuyền sản xuất của Chi nhánh XNK Hưng Yên, thuế nguyên liệu đã được nhập khẩu thường xuyên qua cửa khẩu Quốc Tế Lao Cai. Để cẩn thận Công ty lấy mẫu giấy gửi Chi Cục Hải Quan Lao Cai, Chi Cục Hải Quan Lao Cai cho giám định tại Viện Giấy và Xenluylô theo đúng quy định về giám định cấp nhà nước. Sau khi có giám định Chi Cục Hải Quan Lao Cai phân tích phân loại áp mã 4805 6000 vì giấy có trọng lượng dới 150 gam/m2 cùng mã với Chi nhánh XNK Hưng Yên đang thực hiện nhập khẩu bình thường (Chi nhánh XNK Hưng Yên giám định mẫu giấy tại VINACONTRON ) Như vậy với hai kết quả giám định đều được Chi Cục Hải Quan phân tích phân loại đều áp mã 4805. Công ty tiến hành đầu tư dây chuyền sản xuất giấy tráng sáp công dụng làm phụ liệu cho sản xuất giấy ghép đầu lọc thuốc lá và giấy tráng bao gói chống ẩm chống dính khác...
Từ tháng 8 năm 2000 Công ty Hà Vinh chính thức nhập khẩu giấy về để sản xuất và được áp mã 48056000 thuế xuất 5% để tính thuế nhập khẩu, như vậy Công ty TNHH Hà Vinh chấp hành theo đúng quy trình của Tổng Cục Hải Quan quy định cho công tác xuất nhập khẩu.
Tháng 7/2001, Công ty TNHH Hà Vinh không đáp ứng yêu cầu một số cán bộ Hải quan Lao Cai và mã số thuế bắt đầu thay đổi từ 48056000 lên 48052900 thuế xuất 10% mặc dù bất hợp lý nhưng Công ty vẫn chấp nhận không khiếu nại và công việc nhập khẩu vẫn bình thường.
Tháng 6/2002, mặt hàng này lại bị chuyển sang áp mã 48139000 thuế xuất 30% để tính thuế trong khi luật thuế biểu thuế xuất nhập khẩu không hề thay đổi, Công ty TNHH Hà Vinh phản đối ngay và nhận được cách giải quyết là nếu đồng ý ký vào thông báo thuế thì cho thông quan, để có nguyên liệu cho sản xuất Công ty chúng tôi phải chấp nhận và khiếu nại, sau gần một tháng ân hạn thuế nhập khẩu và khiếu nại Công ty chúng tôi nhận đợc quyết định điều chỉnh thuế từ 48139000 thuế xuất 30% sang mã 48025190 Thuế xuất 40% và không được biết nguyên nhân và nhận được trả lời là làm theo sự chỉ đạo của Tổng Cục Hải Quan, yêu cầu người khai Hải Quan chấp hành không cho biết lý do. Ngay lập tức Công ty TNHH Hà Vinh làm đơn khiếu nại yêu cầu Chi Cục Hải Quan ra quyết định chính xác mã số thuế 48025190 là đúng cho Công ty chúng tôi lấy cơ sở khiếu nại tiếp theo đến Thanh Tra Cục Hải Quan Lao Cai , Cục Trưởng Cục Hải Quan Lao Cai. Trong thời gian chưa có trả lời, việc nhập hàng vẫn cứ tạm áp mã cho đến tháng 10, Công ty Hà Vinh mới nhận được công văn trả lời của Chi Cục Hải Quan Lao Cai là căn cứ vào kết quả phân tích phân loại của Viên Nghiên Cứu Hải Quan làm cơ sở.
Để cho Viện Nghiên Cứu trả lời khách quan Công ty TNHH Hà Vinh tạm dừng nhập khẩu sử dụng Công ty TNHH Thuận Phát là Công ty tiêu thụ đứng ra nhập khẩu cho Công ty TNHH Hà Vinh theo tờ khai số 3835 ngày 25/11/2002 và ngay lập tức bi lập biên bản giữ hàng không cho thông quan đến ngày 4/12/2002 ra quýêt định giữ hàng hoá, cả biên bản của Chi Cục Hải Quan và Quyết định của Cục Hải quan đều không hẹn ngày giải quyết, sau đó Công ty Thuận Phát được Viện Kiểm sát tỉnh Lao Cai mời, Công ty Thuận Phát phải làm đơn đề nghi giải toả hàng. Viện Kiểm sát tỉnh Lao Cai đồng ý nhng Phòng tham mưu chống buôn lậu Cục Hải Quan Lao Cai đồng ý trả hàng với điều kiện phải đặt cọc tiền phạt là: 57.600.000đ. Công ty cũng đành phải nộp để lấy hàng cho sản xuất. Trong khi chưa có quyết định mã số thuế chính xác, Cục Hải Quan ra quyết định tạm giữ hàng, xử phạt hoàn toàn tùy tiện trái pháp luật cho đến nay số tiền đặt cọc không xử lý và cũng không trả lại.
Thấy việc nhập khẩu qua đơn vị khác không ổn Công ty Hà Vinh lại tiếp tục nhập trên tờ khai Công ty tự khai mã 48056000 kiểm hoá Hải Quan kết luận mã 48139000 bộ phận tính thuế áp mã 48025190. Nh vậy chỉ có 1 loại hàng mà trên tờ khai áp 3 mã khác nhau với những mã đều do Chi Cục Hải Quan Cửa khẩu Lao Cai ban hành.
Ngày 8/3 Cục Hải Quan Lao Cai làm việc Công ty Hà Vinh ban lãnh đạo Cục Hải Quan Lao Cai không thừa nhận việc áp mã 48025190 là đúng biểu thuế nhập khẩu hiện hành lấy lý do làm theo chỉ đạo của Tổng Cục Hải Quan.
Ngày 3/7/2003 Công ty TNHH Hà Vinh được làm việc trực tiếp với một số cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Hải quan[1]. Tại buổi làm việc này chưa có câu trả lời việc áp mã thuế 48025190 là đúng hay không đúng với chính sách thuế, biểu thuế XNK hiện hành.
Từ khi xảy ra sự việc thay đổi mã số thuế nói trên, doanh nghiệp bị ra quyết định giữ hàng không cho thông quan, xử phạt vi phạt hành chính, thế chấp tiền phạt mới cho thông quan hàng hoá. Doanh nghiệp khiếu nại kéo dài đến 15 tháng nhưng không nhận được bất cứ quyết định giải quyết khiếu nại từ cấp Chi Cục, Thanh Tra Cục, Cục Hải Quan, Trung Tâm Phân Tích Phân Loại, Vụ Kiểm Tra Tính Thuế, Vụ Pháp Chế, Thanh Tra Tổng Cục, Tổng Cục Hải Quan.
Quá trình khiếu nại, Công ty đã có 4 lần đối thoại với các cơ quan chức năng
Lần 1: ngày 08/3/2003 tại Cục Hải quan Lao Cai
Lần 2: ngày 30/5/2003 tại trung tâm phân tích phân loại miền Bắc có sự chứng kiến của Thanh tra tổng cục Hải quan.
Lần 3: ngày 10/6/2003, Hội thảo chuyên ngành do Trung tâm phân tích, phân loại Miền Bắc và các ban ngành trong và ngoài Tổng cục Hải quan.
Lần 4: ngày 3/7/2003 Tổng Cục Phó Lê Mạnh Hùng, Đ/c Chuẩn - Chánh Thanh tra, Đ/c Xương Phó Thanh tra, Đ/c Xuân Giám đốc Trung tâm phân tích phân loại Miền Bắc, Đ/c Hồng Vụ phó Vụ Pháp chế, Đ/c Tâm Vụ Trưởng kiểm tra tính thuế Tổng cục Hải quan.
Ngày 26-9-2003 Thanh tra Tổng cục Hải quan trả lời Công ty và báo Đầu tư theo công văn gửi khẳng định do Hải quan không tuân thủ các quy định về pháp luật, huỷ các quyết định xử phạt và biên bản vi phạm hành chính và hướng dẫn cụ thể theo mặt hàng và thuế nhập khẩu.
Ngày 3 tháng 10 năm 2003 theo biên bản Công ty làm việc với Cục Hải quan Lao Cai theo chỉ đạo của Thanh tra Tổng cục đều thống nhất huỷ bỏ quyết định xử phạt và biên bản vi phạm hành chính theo kết luận của thanh tra, như vậy về thủ tục hành chính doanh nghiệp không vi phạm Công ty yêu cầu hoàn trả tiền thuế tiền phạt tiền thuế phạt đặt cọc hải quan Lao Cai hoãn xem lại.
Ngày 6-2-2004, theo biên bản Công ty khiếu nại nhiều lần hải quan Lao Cai mới làm việc với Công ty. Kết qủa thống nhất phần trả tiền phạt, tiền thuế phạt đặt coc, tiền bồi thường các khoản trên còn tiền thuế hải quan không chấp nhân chờ ý kiến trên.
Ngày 16-4-2004 Cục Hải quan Lao Cai lại thay đổi sang một mã thuế nhập khẩu 4823 với tên hàng giống các lô hàng mà công ty đang tranh chấp mã số thuế, nhng thực tế tại mã số thuế nhập khẩu mới không đúng với tên hàng công ty nhập từ trước tới nay và bắt công ty phải chấp nhận và phạt hành chính bất chấp sự phản đối và khiếu nại của Công ty.
Năm 2005 khi Pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp có hiệu lực, Công ty Hà Vinh khởi kiện ra Toà hành chính và đã được xử nhiều lần. Toà án và Hải quan đi trưng cầu đơn vị không có chức năng giám định tư pháp và đây cũng là nguyên nhân bước sang một tên hàng mới không đúng nội dung theo quyết định xử phạt và từ đó phần thắng luôn thuộc về hải quan phần thua thuộc về doanh nghiệp. Tại thời điểm này Công ty Hà Vinh mất hết niềm tin vào Luật khiếu nại, Tố cáo vì khi chuyển Toà, Hải quan lại thông đồng với toà án “hành” doanh nghiệp.
Kết luận tại nhiều kỳ đối thoại trực tiếp không một cấp nào, lãnh đạo nào khẳng định việc áp mã số thuế xuất nhập khẩu đang áp đặt cho 3 Công ty Hà Vinh, Công ty Thuận Phát, Công ty Hưng Phát là đúng chính sách và Luật thuế xuất, nhập khẩu hiện hành, đồng thời không một lãnh đạo nào khẳng định việc xử lý của Cục Hải quan Lao Cai là đúng Luật Hải quan, Nghị định 101, Luật khiếu nại, tố cáo là đúng luật pháp và pháp lệnh cán bộ, công chức.
Luật khiếu nại, tố cáo đã được Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành số 09/1998/QH 10 ngày 02/12/1998 trong đó các Điều từ 34 đến 38 của Luật ghi rõ thời hạn giải quyết khiếu nại, đến nay việc giải quyết khiếu nại của Tổng Cục Hải quan đã quá thời hạn theo luật định.
Kính thưa hội nghị.
Cùng một mặt hàng giấy nguyên liệu chúng tôi nhập về để sản xuất mà bị áp thuế như sau:
Năm 2000 thuế 5%
Tháng7 /2001 lên thuế nhập khẩu 10%
Tháng 6/2002 lên thuế nhập khẩu 30% và sau đó lên 40%
Tháng 10-2003 xuống 20% với mã số thuế mới không đúng với tên hàng theo biểu thuế
Đầu năm 2005 khi khởi kiện tại Toà, lập tức tên hàng lại được thay đổi theo đúng với biểu thuế hiện hành.
Năm 2007 khi Công ty tiếp tục khiếu nại và đối thoại tại Bộ Tài chính và ngay lập tức tên hàng lại thay đổi về đúng với giấy nguyên liệu [Hải quan kết luận giấy làm nền sản xuất giấy gói đầu lọc thuốc lá] và ngược lại nhiều lần doạ làm biên bản nhưng khi doanh nghiệp quy trách nhiệm thì Hải quan không phản hồi.
Trong khi theo Luật thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế xuất nhập khẩu không hề thay đổi dẫn đến sự việc khiếu nại kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất của Công ty Hà Vinh đồng thời làm mất uy tín của ngành Hải quan. Đến nay 5 năm 1 tháng, Viện Nghiên cứu Hải quan là người xây dựng các mã thuế cũng không thừa nhận là mã thuế nào đúng chính sách thuế xuất nhập khẩu hiện hành trong khi doanh nghiệp vẫn phải chấp hành, xử phạt một cách trái pháp luật do một số công chức Hải quan không làm đúng pháp luật.
Khi có các văn bản của Tổng cục, Thanh tra Hải quan đến nay chưa trả hoàn toàn và mới trả một phần trong số thuế được trừ và Hải quan không trừ ngay. Trong khi doanh nghiệp nộp thuế chậm thì bị phạt nhưng Hải quan hoàn thuế chậm thì lại không bị chế tài gì.
Trên các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt, bản án của Toà không chứng minh được doanh nghiệp vi phạm luật Hải quan, nhưng vẫn bị phạt và Toà án vẫn bảo vệ Hải quan.
- Những sai sót của Hải quan và Toà án: Vi phạm luật hải quan, nghị định, quy chế, quy trình, Pháp lệnh giám định tư pháp, Nghị quyết toà án nhân dân tối cao.
- Về thiệt hại: Do việc ách tắc gây cho doanh nghiệp thiệt hai nhiều về mất cơ hội kinh doanh, mất thị trường, mất uy tín doanh nghiệp, thiệt hại vì phải trả lãi suất ngân hàng, chi phí đi lại, bảo quản hàng hoá, phạt hợp đồng.
-Quá trình giải quyết thniệt hại: Công ty đề nghị nhiều lần họ không giải quyết vì ho biết sai nhưng do trình độ thấp, cấp trên chỉ đạo sao nghe vậy không giám trái lệnh. Doanh nghiệp luôn luôn yêu cầu bồi thường với số tiền thiệt hại và mong muốn qua hội nghị này đề nghị các cơ quan hữu quan có biện pháp để doanh nghiệp được bồi thường thoả đáng.
Kiến nghị:
Việc xây dựng Luật Bồi thường nhà nước đối với doanh nghiệp là hoàn toàn cấp bách và cần thiết cho toàn dân và các doanh nghiệp. Khi xây dựng phải mang tính chất công bằng ví dụ như sau. Theo luật thuế thì khi doanh nghiệp nợ thuế bị phạt chậm ngược lại khi tiền bồi thường, và các khoản tiền thu sai phải trả cũng phải tính phạt chậm theo luật thuế. Đề nghị phải có tổ chức giám sát vi phạm bồi thường độc lập nếu không khi các cơ quan nhà nước sai họ không nhận ngay mà Toà lại đứng về phía cơ quan nhà nước thì người dân và doanh nghiệp biết kêu ai.
Thay mặt Công ty Hà Vinh, Công ty Thuận Phát, Công ty Hưng Phát
Chúc hội nghị lời chúc sức khoẻ .
Xin Chân thành Cảm ơn.
CÔNG TY HÀ VINH BẮC NINH
-------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
SỰ VIỆC CỦA CÔNG TY TNHH HÀ VINH (ĐÌNH BẢNG BẮC NINH)
Phóng sự-Điều tra
Nhập nhằng áp mã thuế
(Nguồn: Báo Đầu tư)
Kỳ 1
Một mặt hàng do một doanh nghiệp (DN) nhập về qua chỉ một cửa khẩu, nhưng trong vòng chưa đầy 4 năm đã bị hải quan tỉnh Lào Cai áp tới 5 mã số thuế khác nhau và tương đương với nó là 5 mức thuế suất. Doanh nghiệp (DN) càng thắc mắc, thuế suất nhập khẩu càng... tăng lên và các cơ quan đầu ngành của Tổng cục Hải quan đã phải vào cuộc để tháo gỡ. Nhưng điều này lại khiến cho sự việc rắc rối thêm. Chủ DN đã không hề ngoa khi nói rằng “đây là vụ việc tiêu biểu cho tình trạng một số cán bộ hải quan lợi dụng chức quyền sách nhiễu DN”.
Đầu năm 2000, khi thấy giấy tráng sáp vàng đầu lọc thuốc lá là sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, phải nhập ngoại, ông Nguyễn Tiến Vinh, một doanh nhân ở tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập Công ty TNHH Hà Vinh (DN Hà Vinh) để gia công sản xuất loại giấy sáp vàng đầu lọc thuốc lá từ nguồn giấy nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc.
Trước khi chính thức bắt tay vào sản xuất, ông Vinh đã lấy mẫu giấy nguyên liệu nhập khẩu gửi Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, còn gọi là Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai để cơ quan này chuyển đi giám định tại Viện Giấy và Xenluylô theo đúng quy định về giám định cấp nhà nước. Sau khi có kết quả giám định, Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai phân tích phân loại áp mã 48056000 với thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.
Vậy là từ tháng 8 năm 2000, Công ty Hà Vinh bắt đầu nhập khẩu giấy nguyên liệu về để sản xuất. Mọi chuyện diễn ra ổn thoả cho cho đến tháng 7 năm 2001 – thời điểm mà Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai có sự thay đổi ở cấp lãnh đạo. Khi đó, ông Nguyễn Trung Tĩnh được Cục Hải quan Lào Cai điều về làm Chi cục trưởng Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai. Theo ông Vinh, những sách nhiễu, gây khó dễ cho DN Hà Vinh được ông Tĩnh thực hiện qua việc thay đổi mã số thuế đối với mặt hàng giấy nguyên liệu nhập về, từ 48056000 thành 48052900. Điều này có nghĩa là DN Hà Vinh đã bị nâng thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng giấy nguyên liệu nhập về thành 10%, thay vì mức 5% như lúc đầu.
“Khi đó, tuy nhận thấy việc thay đổi mã số thuế như nói trên là bất hợp lý, nhưng vì mỗi tấn giấy nhập về thuế chỉ tăng thêm hơn 2 triệu đồng và do không muốn mất thời gian, tiền bạc vào việc khiếu nại, khiếu kiện nên DN đành chấp nhận”, ông Vinh giải thích. Nhưng sự nín nhịn này chẳng giúp Công ty TNHH Hà Vinh yên ổn. Đầu tháng 6 năm 2002, khi ông Tĩnh được thăng chức Cục phó Cục Hải quan Lào Cai thì cũng là lúc mức thuế đánh vào mặt hàng giấy nguyên liệu nhập khẩu của DN Hà Vinh nhảy vọt từ 10% lên 30%, trong khi biểu thuế suất nhập khẩu không hề có sự thay đổi. Cơ sở của việc tăng thuế này là sự chuyển đổi một lần nữa mã số thuế của các lô hàng giấy nguyên liệu mà Công ty Hà Vinh nhập về từ 48052900 sang thành 48139000.
Sự tăng vọt số thuế phải nộp đã khiến cho ông chủ Công ty Hà Vinh không thể cam chịu được và đã khiếu nại ngay sau khi nhận được thông báo về mức thuế của lô hàng. Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, thay vì nhận được văn bản giải thích từ phía hải quan Lào Cai, Công ty Hà Vinh lại nhận được Quyết định điều chỉnh thuế suất lô hàng nhập về từ 30% (theo mã số thuế 48139000) lên 40% (theo mã số thuế 48025190). Bị “sốc” trước quyết định này, ông Vinh tiếp tục làm đơn khiếu nại yêu cầu Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai có quyết định chính thức xác nhận việc áp mã số thuế 48025190 với với suất 40% cho lô hàng giấy nguyên liệu của Công ty Hà Vinh nhập về là đúng chính sách thuế hiện hành để Công ty có cơ sở khiếu nại tiếp lên Thanh tra và Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai... Thế nhưng phải tới 4 tháng sau, Công ty Hà Vinh mới nhận được văn bản trả lời của cơ quan hải quan, trong đó giải thích việc áp mã số thuế nói trên (48025190) là “căn cứ vào kết quả phân tích, phân loại của Viện Nghiên cứu khoa học hải quan (Tổng cục Hải quan), nên Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai không thể ra được quyết định chính thức xác nhận việc áp mã số thuế cho lô hàng của DN”.
Tuỳ tiện ra quyết định phạt DN?
Nhận thấy việc “đối đầu” với hải quan Lào Cai không giải quyết được triệt để vấn đề, đồng thời cũng để chờ Viện Nghiên cứu Hải quan có câu trả lời khách quan đối với mẫu giấy của Công ty nhập về, DN Hà Vinh đã tạm dừng nhập khẩu. Thế nhưng, do yêu cầu sản xuất, công ăn việc làm của người lao động và đảm bảo hợp đồng giao hàng cho khách, vào cuối tháng 11 năm 2002, DN Hà Vinh đã thông qua Công ty TNHH Thuận Phát (là công ty tiêu thụ sản phẩm của DN Hà Vinh) để nhập khẩu hộ giấy nguyên liệu về. Ngay lập tức, lô hàng nhập về đã bị hải quan Lào Cai lập biên bản và ra quyết định tạm giữ, không cho thông quan. Theo ông Vinh, cả Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai lẫn Cục Hải quan Lào Cai trong biên bản và quyết định giữ hàng hoá đều không hẹn ngày giải quyết. Quá bức xúc. Công ty đã làm đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai nhờ can thiệp. Khi đó, Phòng Tham mưu Chống buôn lậu Cục Hải quan Lào Cai mới đồng ý “tạm tha” cho DN với điều kiện phải nộp phạt thêm một lần tiền thuế là 57,6 triệu đồng. Không còn cách nào khác, Công ty Thuận Phát đã phải nộp tiền phạt để lấy hàng về sản xuất.Ngoài ra, do chưa một cơ quan thẩm quyền nào thuộc Bộ Tài chính hay Tổng cục Hải quan có quyết định chính thức xác nhận các lô giấy nguyên liệu mà Công ty Hà Vinh và Công ty Thuận Phát... nhập về thuộc mã số thuế nào, nên trong suốt thời gian qua, trong tờ khai hải quan DN cứ kê khai một kiểu, bộ phận kiểm hoá Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai kết luận một kiểu và bộ phận tính thuế XNK của Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai lại tính thuế theo kiểu khác. Hậu quả là DN lãnh đủ bằng những quyết định xử phạt hành chính của hải quan Lào Cai cho mỗi lô hàng nhập về.
Cảm thấy quá oan ức, Công ty Hà Vinh và Công ty Thuận Phát đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhờ can thiệp. Khi đó, Thanh tra Tổng cục Hải quan đã thành lập Đoàn Thanh tra sự việc nêu trên. Đến cuối tháng 9 năm 2003, Đoàn Thanh tra kết luận rằng, việc các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ra các quyết định xử phạt hành chính cũng như bắt DN phải đặt cọc tiền phạt như trên là “chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về hải quan” và yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Lào Cai phải huỷ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN Hà Vinh và Công ty Thuận Phát…
Căn cứ vào Quyết định nói trên của Đoàn Thanh tra, Hải quan Lào Cai đã làm việc với đại diện Công ty Hà Vinh và Công ty Thuận Phát, thông báo sẽ huỷ các quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật đã ban hành, đồng thời hoàn lại các khoản tiền phạt mà DN đã nộp. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi có các cuộc gặp gỡ đôi bên, theo đại diện của DN Hà Vinh và Thuận Phát, hiện họ vẫn chưa nhận được quyết định cũng như khoản bồi hoàn tiền phạt mà mình đã nộp.
Kỳ 2:
Báo Đầu tư số 132 ra ngày 3/ 11/2003 đã phản ánh việc Công ty TNHH Hà Vinh (Bắc Ninh) bị một số cán bộ Hải quan Lào Cai sách nhiễu, gây khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Để giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Hà Vinh trong việc áp mã thuế nhập khẩu giấy không tráng láng dạng cuộn đã nhuộm màu, Viện Nghiên cứu khoa học Hải quan, Vụ Kiểm tra thu thuế Xuất nhập khẩu, Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Hải quan... đã vào cuộc. Thế nhưng, không hiểu sao các cơ quan chuyên môn của Tổng cục Hải quan lại làm cho vấn đề phức tạp thêm.
Cấp dưới đổ cho cấp trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Lào Cai thừa nhận, trong vòng 4 năm mà thay đổi tới 5 mã số thuế áp cho một loại hàng hoá mà Công ty TNHH Hà Vinh nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là “điều không bình thường và không chuẩn”. Tuy nhiên, ông Hùng không thừa nhận lỗi thuộc về Cục Hải quan Lào Cai mà đổ cho tại vì phải thực hiện theo “chỉ đạo” của Tổng cục Hải quan.“Từ năm 2002, thực hiện Luật Hải quan, chúng tôi đã lấy mẫu giấy nguyên liệu nhập khẩu của Công ty TNHH Hà Vinh gửi về Tổng cục Hải quan để phân tích, phân loại. Sau đó, Tổng cục Hải quan đã có tới gần 10 văn bản yêu cầu chúng tôi thu thuế nhập khẩu 40%, theo mã số thuế 4802.51.90 đối với những lô hàng này”, ông Hùng giải thích. Vẫn theo ông Hùng, một số cán bộ Hải quan Lào Cai nhận thấy có vấn đề không ổn từ những văn bản này, nhưng vì là cơ quan cấp dưới nên họ buộc phải thực hiện theo. “Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, tại chỗ nên không có lý gì Cục Hải quan Lào Cai lại bác bỏ, không thực hiện theo”, ông Hùng phân bua. Những văn bản “chỉ đạo” mà ông Hùng nói đến ở trên là của Cục Kiểm tra thu thuế Xuất nhập khẩu, Viện Nghiên cứu Hải quan…
Tất nhiên là Công ty TNHH Hà Vinh đã không chấp nhận cách áp thuế như vậy và tiếp tục khiếu nại lên Bộ Tài chính. Phải mất gần một năm thực hiện áp mã thuế các lô hàng của Công ty TNHH Hà Vinh theo thuế suất 40%, vào trung tuần tháng 9 năm 2003, Tổng cục Hải quan mới có Công văn số 4494/TCHQ - KTTT do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lê Mạnh Hùng ký, trong đó chỉ đạo Cục Hải quan Lào Cai tiến hành áp thuế nhập khẩu đối với các lô hàng của Công ty TNHH Hà Vinh nhập về trước ngày 1 tháng 9 năm 2003, theo thuế suất 30% (tương ứng với mã số thuế 4823.90.90). Còn những lô hàng nhập về sau ngày 1 tháng 9 năm 2003 thì áp thuế suất 20% (tương ứng với mã số thuế 4823.90.91).
Công văn 4494 của Tổng cục Hải quan đã chính thức phủ nhận những văn bản do các bộ phận nghiệp vụ của Tổng cục ký trước đó. Cũng theo tinh thần Công văn này thì Cục Hải quan Lào Cai phải tiến hành thoả thuận hoàn trả và đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp, do thu vượt ít nhất là 10% thuế nhập khẩu các lô hàng của Công ty TNHH Hà Vinh . Tuy nhiên, những bất cập của Tổng cục Hải quan trong việc chỉ đạo thu thuế đối với Công ty TNHH Hà Vinh đến đây chưa phải là đã hết.
Càng “chỉ đạo” càng sai.
Sau khi có Văn bản số 4494 của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Lào Cai đã tổ chức cuộc gặp với đại diện Công ty TNHH Hà Vinh để huỷ bỏ các Quyết định xử phạt Công ty TNHH Hà Vinh và thoả thuận bồi thường thiệt hại. Nhưng tại buổi làm việc này, Cục Hải quan Lào Cai đã nhận ra các lô hàng mà Công ty TNHH Hà Vinh nhập về trước đó thuộc loại giấy không tráng láng dạng cuộn đã nhuộm màu nên không thể tính thuế nhập khẩu của loại giấy tráng sáp vàng (loại giấy thành phẩm) mà Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn trong Công văn số 4494. Do vậy, Cục Hải quan Lào Cai phải xin khất doanh nghiệp để “tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo cụ thể hơn của Tổng cục Hải quan để thực hiện trong thời gian sớm nhất”.
Tuy nhiên, cuộc gặp này cũng đã giúp Cục Hải quan Lào Cai và Công ty TNHH Hà Vinh đạt được thống nhất là sẽ bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp do các quyết định xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính của Cục Hải quan Lào Cai đối với Công ty TNHH Hà Vinh. Trường hợp hai bên không thoả thuận được mức bồi thường thì đưa vụ việc ra phân xử tại Toà hành chính.Khoảng nửa tháng sau khi ban hành Công văn số 4494, vào ngày 29 tháng 9 năm 2003, một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khác là ông Nguyễn Ngọc Túc đã ký văn bản “đính chính” Công văn này. Theo văn bản “đính chính” thì nguyên liệu giấy không tráng láng dạng cuộn đã nhuộm màu mà Công ty TNHH Hà Vinh nhập về cũng áp mã số thuế như giấy thành phẩm tráng sáp vàng. Điều này đã đi ngược lại chủ trương của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính là bảo hộ sản xuất trong nước thông qua việc đánh thuế nhập khẩu hàng hoá thành phẩm cao hơn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Việc giải quyết khiếu kiện của Công ty TNHH Hà Vinh vì thế càng thêm rắc rối và tiếp tục kéo dài.
“Nếu tôi là lãnh đạo Tổng cục Hải quan thì để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, tôi chỉ cần ban hành một văn bản áp thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng giấy nguyên liệu của doanh nghiệp nhập về thấp hơn thuế suất nhập khẩu giấy thành phẩm. Đây cũng chính là điều mà khung bảng thuế nhập khẩu các loại hàng hoá khác đang thể hiện”, một cán bộ Hải quan Lào Cai nói. Một số cán bộ Hải quan Lào Cai đã mang thắc mắc này tới hỏi các chuyên gia của Hải quan Nhật Bản đang công tác tại Tổ chức Hải quan Thế giới. Các chuyên gia Nhật Bản đã trả lời : Tổng cục Hải quan Việt Nam đã xếp mặt hàng giấy nguyên liệu vào nhóm mặt hàng giấy thành phẩm (mã số 4823) là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Hải quan, Công ty TNHH Hà Vinh vẫn bảo lưu mã số thuế đã khai từ ngày đầu nhập khẩu (với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%), còn Hải quan Cửa khẩu Lào Cai thì buộc phải theo “chỉ đạo” cũ là áp thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng giấy nguyên liệu bằng mặt hàng giấy thành phẩm là 20%. Vì sự khập khiễng này mà Hải quan Cửa khẩu Lào Cai vẫn lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hà Vinh, nhưng không dám ra quyết định xử phạt theo Luật Hải quan, vì sợ khi có kết luận chính thức lại phải làm thủ tục bồi hoàn cho doanh nghiệp. Tất nhiên, sự dai dẳng khiếu kiện của Công ty TNHH Hà Vinh đã làm lực lượng hải quan ở Lào Cai khó chịu và không ít lần họ đã dùng các thủ tục hành chính để gây khó cho Công ty TNHH Hà Vinh. Chẳng hạn, lần nhập khẩu 100 tấn giấy nguyên liệu của Công ty TNHH Hà Vinh vào ngày 30 tháng 10 năm 2004, ông Nguyễn Hải Phú, Cán bộ thuộc Đội Nghiệp vụ Hải quan Cửa khẩu Lào Cai từ chối cho làm thủ tục với yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình bổ sung thêm vì sao trên các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu như C/O, Invoice, Packing List không thể hiện màu của giấy mà trong tờ khai hải quan doanh nghiệp lại ghi “giấy có màu vàng”. Rất may là sau đó lãnh đạo Hải quan Cửa khẩu Lào Cai đã bỏ qua hành vi này, cho hàng của doanh nghiệp thông quan.
Hải quan sợ ra Quyết định?
Cho đến nay, Cục Hải quan Lào Cai và Công ty TNHH Hà Vinh vẫn chưa thoả thuận được mức tiền đền bù thiệt hại do việc thu thuế nhập khẩu không đúng và xử phạt oan Công ty TNHH Hà Vinh. Thế nhưng, Công ty TNHH Hà Vinh hiện tại không thể kiện Cục Hải quan Lào Cai ra Toà hành chính vì tất cả những việc làm của Cục Hải quan Lào Cai đều tuân thủ công văn chỉ đạo nội bộ của Tổng cục Hải quan gửi xuống. Mà những công văn này khi đưa vào hồ sơ xét xử lại không có giá trị về mặt pháp lý.
Do vậy, ông Nguyễn Tiến Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Vinh mới đây đã gửi đơn đến ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đề nghị ông Vũ Ngọc Anh khi trả lời đơn khiếu nại của doanh nghiệp phải ra Quyết định giải quyết khiếu nại để Công ty TNHH Hà Vinh có cơ sở kiện Cục Hải quan Lào Cai ra Toà hành chính. Được biết, trước đó ông Vũ Ngọc Anh đã ký Công văn hướng dẫn số 1684/TCHQ-GSQL, ngày 16 tháng 4 năm 2004 về việc phân loại áp mã số thuế nhập khẩu mặt hàng giấy không tráng láng dạng cuộn đã nhuộm màu toàn bộ để làm cơ sở cho Cục Hải quan Lào Cai tiến hành áp mã, thu thuế nhập khẩu các lô hàng của Công ty TNHH Hà Vinh.
Theo ông Vinh, việc ông Vũ Ngọc Anh chỉ ra Công văn giải quyết khiếu nại cho Công ty TNHH Hà Vinh là không đúng với quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. “Chúng tôi muốn ông Vũ Ngọc Anh sớm có Quyết định giải quyết khiếu nại và gửi trực tiếp cho Công ty TNHH Hà Vinh”, ông Vinh nói.
Vẫn theo ông Vinh, sở dĩ ông muốn nhờ Toà hành chính xét xử vụ việc vì ngoài việc phải nộp oan tiền thuế, tiền phạt vi phạm hành chính...Công ty TNHH Hà Vinh, thời gian qua, còn phải chi phí không nhỏ cho việc đi lại, giải quyết các lô hàng bị tạm giữ không đúng pháp luật tại Cửa khẩu Lào Cai. “Khi Công ty tôi nợ thuế chỉ một ngày là họ (Cục Hải quan Lào Cai) đã tính ngay lãi suất phạt chậm nộp thì để công bằng, họ cũng phải trả tôi lãi suất tiền thu thuế sai, phạt hành chính không đúng”, ông Vinh bức xúc nói.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Lào Cai Nguyễn Quang Hùng thừa nhận, các khoản tiền phạt vi phạm hành chính (không đúng pháp luật) của Công ty TNHH Hà Vinh đang nằm trong tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan Lào Cai, có thể hoàn trả ngay cho doanh nghiệp. Nhưng các khoản khác (tiền chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu, lãi suất...), đã nộp vào ngân sách, phải hoàn trả cho doanh nghiệp thì Cục Hải quan Lào Cai không biết sẽ lấy từ nguồn nào. ng
[1] Đ/c Lê Văn Hùng Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Đ/c Xuân Giám đốc Trung Tâm Phân tích phân loại Miền Bắc- Tổng Cục Hải quan TCHQ, Đ/c Tâm- Vụ Trưởng Vụ kiểm tra tính thuế- Tổng cụo Hải quan, Đ/c Hồng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Tổng cục Hải quan, Đ/c Chuẩn- ChánhThanh Tra, Đ/c Xương-Phó Chánh Thanh Tra TCHQ, Đ/c Cường cán bộ phân tích phân loại và là tác giả của mã thuế 48025190.
=====================================
SOURCE: WWW.VCCI.COM.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét