Ths. Nguyễn Tuấn Khanh
Viện Khoa học Thanh tra
Thanh tra Chính phủ
Bồi thường thiệt hại cho ông Hoàng Minh Tiến (Tp Hà Nội) và ông Lương Ngọc Phi (tỉnh Thái Bình) có thể được xem như những ví dụ điển hình cho việc bồi thường theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Vụ đòi bồi thường của ông Hoàng Minh Tiến đã được xét xử phúc thẩm, vụ của ông Lương Phi mới qua phần thương lượng. Tuy nhiên, quá trình bồi thường cho hai trường hợp này có rất nhiều điểm chung, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan hiện nay, cần được tổng kết thành những kinh nghiệm thực tiễn để phục vụ cho việc xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới.
Qua theo dõi những diến biến về việc bồi thường oan sai trong hai trường hợp trên, chúng tôi xin được nêu ra một số nhận xét, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 388 và kiến nghị đối với việc xây dựng Luật Bồi thường nhà nước hiện nay.
I. Tóm tắt quá trình xử lý hình sự oan đối với hai chủ doanh nghiệp.
1. Vụ án hình sự oan đối với ông Hoàng Minh Tiến (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng XNK, Giám đốc điều hành Liên hiệp Khoa học sản xuất Việt Nam), Giám đốc cửa hành XNK Đồng Tiến (DOTIMEXCO).
Vụ án hình sự oan này thực chất là tranh chấp kinh tế liên quan đến khoản nợ 211 triệu đồng giữa cửa hàng Đồng Tiến và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, trong một hợp đồng liên doanh xuất khẩu da trâu bò theo kiểu lời cùng ăn, lỗ cùng chịu. Đôi bên thỏa thuận hạn trả nợ cuối cùng là 31/12/1992, nhưng chưa đến hạn thì ông Tiến đã bị Công an Hai Bà Trưng bắt giam.
- Ngày 22/11/1992, ông Tiến bị Công an quận Hai Bà Trưng mời lên trụ sở làm việc. Từ đó cho đến 30/12/1993, ông Tiến bị tạm giam với cáo buộc về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân" (theo Điều 135 và 158 Bộ luật hình sự năm 1985).
- Ngày 28-30/12/1993 TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Minh Tiến 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".
- Ngày 12/10/1994 TAND Tối cao đã huỷ án sơ thẩm của TAND Tp Hà Nội để điều tra, xét xử lại
- Ngày 14,15 tháng 12/1995 TAND Tp Hà Nội xử sơ thẩm (lần thứ 2) tuyên Hoàng Minh Tiến không phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".
- Ngày 26/12/1995, VKSND Tp Hà Nội quyết định kháng nghị.
- Ngày 14 và 15/6/1996, TAND Tối cao xử phúc thẩm và tuyên Hoàng Minh Tiến không phạm tội.
2. Vụ án hình sự oan đối với ông Lương Ngọc Phi (Nguyên GĐ Cty Hoà Bình - tỉnh Thái Bình):
- Ngày 30/4/1998, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN".
- Ngày 06/07/1998, khởi tố bổ sung tội "Trốn thuế" đối với Lương Ngọc Phi.
- Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tuyên buộc ông Lương Ngọc Phi tổng cộng 17 năm tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "Trốn thuế".
- Ngày 25-26/5/2000, TAND Tối cao đã xử phúc thẩm tuyên ông Phi không phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", huỷ án sơ thẩm về tội "Trốn thuế" để điều tra lại.
- Ngày 12/12/2003, VKSND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi về tội "Trốn thuế".
II. Những bất cập trong việc giải quyết bồi thường - nhìn từ hai vụ án oan.
1. Hạn chế của Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và sự hướng dẫn không kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Nghị quyết 388.
Ngay sau khi được minh oan (mặc dù Nghị quyết 388 chưa ban hành), ông Hoàng Minh Tiến đã gửi nhiều đơn yêu cầu bồi thường theo Nghị định số 47/CP tới các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, không có cơ quan nào nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Tiến.
Nghị quyết 388 được UBTVQH khoá XI ban hành ngày 17/3/2003 thì đến ngày 13/5/2003, ông Tiến lại có đơn yêu cầu đòi bồi thường nhưng đơn vẫn chưa được chấp nhận vì phải chờ Thông tư hướng dẫn.
Đơn của ông Tiến chỉ được chấp nhận sau khi VKSND Tối cao, Bộ Công an, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC ngày 25/3/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388.
Nhận xét: Điều này cho thấy các quy định của Nghị định số 47/CP không có giá trị trên thực tế và việc ban hành Nghị quyết 388 rồi phải nhưng phải chờ hơn 1 năm sau mới có hiệu lực (chờ có Thông tư 01) đã phản ánh sự thiếu kịp thời trong việc hướng dẫn thi hành Nghị quyết trên
2. Sự tranh chấp không đáng có trong việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
a. Với vụ bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến.
Sau khi có Thông tư 01, ngày 5/5/2004, ông Tiến tiếp tục làm đơn đòi bồi thường gửi tới TAND Tp Hà Nội.
- Ngày 25/5/2004 TAND Tp Hà Nội trả lời rằng TAND TP. Hà Nội không chịu trách nhiệm bồi thường và chuyển hồ sơ sang VKSND Tp Hà Nội.
- Ngày 8/6/2004 VKSND Tp Hà Nội lại cho rằng thẩm quyền giải quyết là của TAND Tp Hà Nội và chuyển hồ sơ sang TAND Tp Hà Nội.
Tranh chấp về trách nhiệm bồi thường phải đến cuối tháng 6/2004 mới được giải quyết, sau khi có ý kiến của cơ quan trung ương. Kết quả cuối cùng là VKSND Tp Hà Nội có trách nhiệm bồi thường.
b.Với vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi
Theo phán quyết trong bản án phúc thẩm của TAND Tối cao và Quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Thái Bình thì ông Phi là người đã bị TAND tỉnh Thái Bình xử lý hình sự oan và thuộc diện được bồi thường theo NQ 388.
- Ngày 22/7/2004, ông Lương Ngọc Phi nộp đơn yêu cầu bồi thường nhưng bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Bình từ chối. Ông Phi liên tục làm đơn kêu cứu và được các cơ quan Trung ương vào cuộc để tìm cách giải quyết. Nhiều cuộc họp giữa các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Cuối cùng, ngày 15/5/2006, Văn phòng Quốc hội có báo cáo kết quả làm việc của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu với lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với ông Lương Ngọc Phi và kết luận: TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan phải bồi thường thiệt hại cho ông Lương Ngọc Phi theo Nghị quyết 388.
Sau hơn 4 năm bị oan mới được giải oan, ông Phi lại mất thêm 2 năm cho hành trình tìm cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
Nhận xét: Thông tư số 01 quy định: "cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan là cơ quan xử lý oan sau cùng, không phụ thuộc có cơ quan tiến hành tố tụng trước đó có xử lý oan một phần". Mặc dù quy định như vậy, nhưng trong cả hai vụ việc trên đây vẫn có cách hiểu không thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường nên đã gây khó khăn cho người bị oan khi đòi bồi thường.
Vụ của ông Hoàng Minh Tiến, trong quá trình chưa phân định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường thì Báo Pháp luật ra ngày 11/6/2004 đã có bài viết: "Vụ bồi thường oan sai đầu tiên tại Tp. Hà Nội: Cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường?" và chỉ rõ VKSND Tp Hà Nội phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tương tự như vậy, về vụ của ông Lượng Ngọc Phi, phải đến ngày 15/5/2006, mới có thông báo kết luận TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan phải bồi thường nhưng trước đó, ngày 15/11/2004, Báo Pháp luật đã có bài viết: "Vụ đòi bồi thường oan sai lớn nhất tỉnh Thái Bình: Cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường?" và khẳng định TAND tỉnh Thái Bình phải chịu trách nhiệm bồi thường. Như vậy, trước khi cần đến sự can thiệp của cơ quan trung ương, thì báo chí đã đưa ra quan điểm xác định trách nhiệm bồi thường cho hai vụ việc này rất rõ ràng, chính xác, đúng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 388 và Thông tư 01, trong khi đó các cơ quan bảo vệ pháp luật lại tỏ ra lúng túng (?).
Theo chúng tôi, sự tranh chấp về thẩm quyền bồi thường đối với hai vụ việc trên đây là không đáng có, làm cho người dân có cảm giác về sự lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng, thiếu tinh thần hợp tác giữa cơ quan Nhà nước với công dân trong trường hợp gây thiệt hại cho người dân, làm khó cho người đòi bồi thường do bị xử lý hình sự oan.
3. Sự không hiệu quả của việc thương lượng.
a. Với vụ bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến.
Ngày 28/7/2004, VKSND Tp Hà Nội đã tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Tiến tại nơi cư trú.
- Việc thương lượng giữa ông Tiến và VKSND Tp Hà Nội được tiến hành trong các ngày: 10/8/2004; 12/8/2004.
Ông Hoàng Minh Tiến yêu cầu VKSND Hà Nội bồi thường hơn 4 tỷ đồng cho 13 khoản nhưng đại diện VKSND Tp Hà Nội chỉ chấp nhận bồi thường gần 27,9 triệu đồng về tinh thần cho ông Tiến cho 403 ngày bị tạm giam và hơn 906 ngày tại ngoại.
- Ngày 25/8/2004 VKSND Tp Hà Nội có công văn gửi tới ông Tiến thông báo rằng thời gian thương lượng giải quyết bồi thường là 30 ngày đã hết. Trong trường hợp ông Tiến có khiếu nại hay thắc mắc, thẩm quyền giải quyết tiếp theo thuộc về tòa án.
- Ngày 7/9/2004 VKSND Tp Hà Nội nối lại việc thương lượng về bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến nhưng vẫn không đạt được sự thống nhất. VKSND Tp Hà Nội vẫn chỉ chấp nhận gần 27,9 triệu đồng.
b. Với vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi
Ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Lương Ngọc Phi tại UBND xã Hoà Bình, huyện Kiến Xương (nơi sinh quán của ông Phi).
- Quá trình thương lượng giữa ông Phi và TAND tỉnh Thái Bình kéo dài trong nhiều tháng, qua 6 buổi làm việc vào các ngày: 6/7/2006; 15/8/2006; 6/2/2007; 9/2/2007 và ngày 19/4/2007.
- Hai bên đã thương lượng thành với 4 mục nhỏ. Theo đó, TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi là số ngày bị giam oan (1.066 ngày), số ngày bị tại ngoại (2.030 ngày), số tiền thăm nom trong thời gian giam giữ và tiền thuê luật sư. Tổng số tiền của 4 mục này là hơn 163 triệu đồng.
- Ngày 8/5/2007, TAND tỉnh Thái Bình ra Thông báo số 581/2007/TA về việc thương lượng không thành và chỉ công nhận hai khoản thương lượng không thành là tiền lương bị mất và tiền bồi dưỡng sức khoẻ trong thời gian bị giam giữ. TAND tỉnh Thái Bình còn từ chối việc thương lượng về các khoản còn lại.
Nhận xét:
Khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 388 quy định: "Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu toà án giải quyết".
Theo Nghị quyết 388 thì thương lượng đã thành thủ tục bắt buộc khi giải quyết bồi thường cho người bị oan. Tuy nhiên, trong cả hai vụ án trên, trong quá trình thương lượng, hai bên chỉ thoả thuận được những khoản bồi thường cơ bản nhất, không thể trốn tránh đó bồi thường thiệt hại về tinh thần (số ngày giam giữ, số ngày tại ngoại) còn các khoản yêu cầu khác về vật chất, tài sản hầu hết không được chấp nhận.
Trên thực tế, việc tính toán bồi thường số ngày bị giam giữ, số ngày tại ngoại là không thể thêm hoặc bớt và mức bồi thương đã được quy định cụ thể, theo "công thức" có sẵn, hai bên không cần phải thương lượng thoả thuận ít hay nhiều. Chính vì vậy, có thể nói quy định về việc tiến hành thương lượng đã không thể hiện được hiệu quả trong cả hai vụ việc trên.
4. Mức bồi thường chưa thoả đáng
a. Với vụ bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến.
Thương lượng không thành, ngày 1/10/2004 ông Hoàng Minh Tiến chính thức khởi kiện VKSND Tp Hà Nội ra TAND quận Hai Bà Trưng.
- TAND quận Hai Bà Trưng tổ chức nhiều buổi hoà giải nhưng hoà giải vẫn không thành.
- Ngày 2/6/2005 TAND Tp Hà Nội đã xét xử vụ kiện theo thủ tục sơ thẩm. Kết quả xét xử sơ thẩm về cơ bản không có gì khác so với việc thương lượng giữa hai bên trước đó. VKSND Tp Hà Nội chỉ bị tuyên buộc phải thanh toán cho ông tiến số tiền gần 27,9 triệu đồng và tiền công làm con dấu (của DOTIMEXCO) nếu ông Tiến xuất trình hoá đơn hợp pháp chứng minh cho số tiền khắc dấu. Toà bác các yêu cầu khác của ông Tiến.
- Ngày 9/6/2005 ông Tiến làm đơn kháng cáo đề nghị TAND Tp Hà Nội xét xử phúc thẩm, yêu cầu buộc VKSND Tp Hà Nội phải bồi thường thiệt hại 13 khoản gồm 2,7 tỷ đồng và trả lại ngôi nhà số 6/295 Bạch Mai.
- Trong các ngày 28/2/2006 và ngày 01 đến 06/3/2006, TAND Tp Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm vụ kiện. Kết quả xét xử phúc thẩm công nhận sự thoả thuận của ông Tiến và VKSND Tp Hà Nội về khoản tiền bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần là hơn 33,6 triệu đồng và buộc VKSND Tp Hà Nội còn phải bồi thường thiệt hại về vật chất (gồm tiền thuê luật sư, tiền xe ôm thăm nuôi, tiền lương trong thời gian bị tạm giam) gần 11 triệu đồng. Tổng số tiền mà VKSND Tp Hà Nội phải thanh toán cho ông Tiến chỉ gần 44,5 triệu đồng.
Tất cả các yêu cầu khác của ông Tiến đều bị TAND Tp Hà Nội bác bỏ (bao gồm: thu nhập không thường xuyên của cửa hành Đồng Tiến; tiền cấp dưỡng cho mẹ và 3 con trong thời gian bị bắt giam oan; thiệt hại hơn 17.000 USD do ANIMEX chiếm giữ; chi phí đi Thái Lan; đồ dùng của gia đình như tivi, xem máy, cát sét; tài liệu, hồ sơ chưa trả trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; ngôi nhà số 6/295 Bạch Mai, Tp Hà Nội).
- Ông Tiến tiếp tục làm đơn khiếu nại.
b. Với vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi
Trong đơn yêu cầu gửi TAND tỉnh Thái Bình bồi thường theo NQ 388, ông Phi liệt kê 5 mục lớn với tổng giá trị bằng tiền lên đến hơn 24 tỷ đồng, gồm có: Tổn thất về tinh thần (gần 107 triệu đồng); thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất (441 triệu đồng); tài sản bị thu giữ, kê biên (hơn 5,3 tỷ đồng); thiệt hại do không sử dung khai thác từ tài sản (hơn 16,2 tỷ đồng); thiệt hại do lãi phát sinh từ các khoản tiền tịch thu (hơn 2,1 tỷ đồng)
Như đã nói ở trên, TAND tỉnh Thái Bình và ông Lương Ngọc Phi chỉ thương lượng thành trong việc bồi thường cho ông Phi 4 mục nhỏ là số ngày bị giam oan (1.066 ngày), số ngày bị tại ngoại (2.030 ngày), số tiền thăm nom trong thời gian giam giữ và tiền thuê luật sư. Tổng số tiền của 4 mục này hơn 163 triệu đồng.
TAND tỉnh Thái Bình đã từ chối việc thương lượng về các khoản vật chất, tài sản còn lại mà ông Phi yêu cầu. Lý do được đưa ra là UBTP (Uỷ ban thẩm phán TAND tỉnh Thái Bình - NV) cho chủ trương giải quyết "không thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan TAND tỉnh Thái Bình". TAND tỉnh Thái Bình còn cho rằng: "phần tài sản mà ông Phi đòi bồi thường phải trải qua một quá trình điều tra phức tạp, trong khi đó NQ 388 không quy định cho việc điều tra… do vậy việc thương lượng trở lên khó khăn không thực hiện được".
Nhận xét:
Ngoài việc khôi phục danh dự cho người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường cho người bị oan những tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, đặc biệt là phải trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản bị xâm hại. Khỉan 1 Điều 8 nghị quyết 388 quy định: "Tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay".
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh thì những thiệt hại về tài sản là rất lơn, không chỉ là những tài sản nhìn thấy được mà còn là cơ hội kinh doanh, uy tín, thương hiệu… Trong cả hai vụ việc trên, thiệt hại về tài sản mà người bị oan và đặc biệt là doanh nghiệp phải gánh chịu chưa được giải quyết thoả đáng.
III. Một số kiến nghị đối với việc xây dựng Luật Bồi thường nhà nước.
Nhằm cụ thể hoá các quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tuy nhiên, Nghị định chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Nghị quyết 388 bước đầu thể hiện được sự "sòng phẳng" giữa Nhà nước với công dân nhưng Nghị quyết này chỉ áp dụng trong lĩnh vực tố tụng hình sự và cũng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, đối tượng được bồi thường, thủ tục bồi thường và mức bồi thường. Mặc dù VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC (ngày 22/11/2006) hướng dẫn Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra (thay thế cho Thông tư liên tịch số 01 ngày 25/3/2004), nhưng những bất cập cơ bản nhất của Nghị quyết 388 vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Từ việc thực hiện Nghị quyết 388 bồi thường cho người bị oan, việc xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước trước hết cần khắc phục được những hạn chế, bất cập như đã nêu ở phần II trên đây. Với tinh thần đó, chúng tôi xin được nêu ra đây một số kiến nghị đối với việc xây dựng luật Bồi thường Nhà nước:
Thứ nhất, giới hạn phạm vi áp dụng và lộ trình trong việc mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Bồi thường Nhà nước.
Nếu nhìn nhận nhà nước và công dân là các phạm trù độc lập, thì sự thiệt hại mà công dân gây ra đối với nhà nước (hoặc ngược lại) đều phải được bồi thường "sòng phắng" có lẽ đó là sự hoàn hảo trong quản trị công. Tuy nhiên, Nhà nước và công dân lại không đứng độc lập với nhau, đặc biệt là trong nhà nước dân chủ.
Trong nhà nước dân chủ, Nhà nước là "của dân, do dân và vì dân" do đó, Nhà nước cần được miễn trừ một số trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp. Chẳng hạn, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất bao gồm các đại biểu được người dân lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ. Mỗi quyết định mà Quốc hội đưa ra, về bản chất, trong đó đã hàm chứa các mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng hoặc giám sát tối cao, nếu Quốc hội có sai lầm thì những người chủ (công dân) đã uỷ trị cho Quốc hội phải liên đới chịu trách nhiệm. Do đó, mỗi công dân không thể khởi kiện cơ quan quyền lực này để đòi bồi thường. Cũng tương tự như vậy, trong hoạt động hành pháp đôi khi cũng cần đưa ra những quyết sách mang tính chính trị cao. Những quyết sách đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của một số nhóm đối tượng nhưng lại phục vụ cho lợi ích chung của toàn xã hội, vì vậy, người dân cũng không thể khởi kiện đòi Nhà nước phải bồi thường.
Như vậy, việc xác định phạm vi của Luật bồi thường Nhà nước cần phù hợp với điều kiện ngân sách hiện nay và chỉ nên quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hai lĩnh vực là hành pháp và tư pháp. Đồng thời, các hoạt động trong mỗi lĩnh vực này cần được nhìn nhận một cách có hệ thống và có lộ trình cụ thể để mở rộng phạm vi áp dụng việc bồi thường. Có nghĩa là không phải bất kỳ hoạt động nào thuộc lĩnh vực hành pháp hay tư pháp mà gây thiệt hại cho người dân cũng buộc Nhà nước bồi thường. Trước tiên, phạm vi áp dụng của Luật bồi thường Nhà nước nên áp dụng đối với những hoạt động trong một số lĩnh vực mà có sự tác động trực tiếp giữa công quyền đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp từ đó có những tổng kết, đánh giá để mở rộng phạm vi trong những giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, bồi thường nhà nước là trách nhiệm bồi thường đặc biệt nên cần một thủ tục đặc biệt.
Thực tế bồi thường cho người bị oan cho thấy việc thương lượng giữa người bị oan với cơ quan có trách nhiệm bồi thường đều không đạt được kết quả như mong muốn và tốn rất nhiều thời gian, thậm chí còn xảy ra căng thẳng giữa người yêu cầu bồi thường và cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Mặt khác, khi được xác định là Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thì người trực tiếp thương lượng với người được bồi thường phải là người có đủ thẩm quyền đại diện "Nhà nước". Việc cơ quan có trách nhiệm bồi thường uỷ quyền cho một cán bộ chuyên môn sẽ làm hạn chế việc thương lượng về mức bồi thường. Trong những trường hợp đó, người bị oan là người chịu sự thiệt thòi từ việc thương lượng bởi lẽ người được cơ quan có trách nhiệm bồi thường uỷ quyền tiến hành thương lượng chỉ có thể thoả thuận với người bị oan mức bồi thường thấp hơn mức quy định, chưa xảy ra trường hợp ngược lại. Nói cách khác, nếu người bị oan yêu cầu mức bồi thường cao hơn thì đương nhiên không được chấp nhận. Điều này không đúng với bản chất của việc thương lượng.
Cũng từ hai vụ việc trên và nhiều vụ việc bồi thường oan sai tương tự cho thấy Toà án thường được chọn là địa chỉ cuối cùng để giải quyết việc bồi thường. Tuy nhiên, một bất cập đang tồn tại là có trường hợp Toà án vừa là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường lại vừa là cơ quan xét xử vụ kiện bồi thường (mình là bị đơn), khi đó, vụ việc sẽ càng phức tạp và có nguy cơ dẫn đến thiếu khách quan, gây thiệt hại cho người được bồi thường. Từ vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi cho thấy TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Phi thì đương nhiên phải tiến hành thương lượng từng nội dung yêu cầu bồi thường về vật chất theo quy định. Nhưng TAND tỉnh Thái Bình lại trả lời là "không thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan TAND tỉnh Thái Bình". Cách từ chối này thực chất đã đẩy người bị oan đến chỗ không thể tìm ra đầu mối để thương lượng cho các yêu cầu bồi thường về vật chất, tài sản bị thiệt hại. Bởi lẽ, theo quy định của NQ 388 thì trong trường hợp thương lượng không thành như vậy, ông Phi có quyền yêu cầu TAND Thành phố Thái Bình giải quyết. Nếu như không đồng ý với phán quyết sơ thẩm của TAND Thành phố Thái Bình, ông Phi và cả TAND tỉnh Thái Bình đều có quyền kháng cáo để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Nhưng, chính TAND tỉnh Thái Bình lại là cơ quan có thẩm quyền xét xử phúc thẩm với mình là bị đơn và bản thân mình đã từ chối bồi thường về vật chất, tài sản.
Từ những bất cập nêu trên, Luật Bồi thường cần xây dựng một cơ chế bồi thường mới, không nên quy định thương lượng là thủ tục bắt buộc mà chỉ cần quy định những người được xác định hội đủ các điều kiện thuộc diện được bồi thường theo Luật có thể khởi kiện ra toà án để yêu cầu Nhà nước bồi thường.
Ngoài ra, để tránh việc một Toà án vừa là cơ quan xét xử vụ kiện đòi bồi thường, vừa là bị đơn trong vụ kiện đó thì Luật Bồi thường Nhà nước nên quy định toà cấp trên tiến hành xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường trong trường hợp toà án cấp dưới là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Để giải quyết tốt vấn đề này, cần thành lập các toà chuyên trách về Bồi thường nhà nước thuộc TAND Tối cao làm nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ kiện đòi bồi thường trong trường hợp toà án cấp tỉnh hoặc các toà khác của TAND Tối cao là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, việc xét xử phúc thẩm sẽ do TAND Tối cao đảm nhiệm. Cách tổ chức như vậy vừa khắc phục được sự tranh chấp không đáng có trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường và vẫn đảm bảo các tranh chấp được giải quyết khách quan, triệt để bằng con đường tư pháp và toà án độc lập, xét xử theo hai cấp.
Thứ ba, cần xác định rõ những căn cứ để tính thiệt hại cụ thể.
Từ thực tế bồi thường thiệt hại cho người bị oan thấy rằng việc bồi thường thiệt do tổn thất về tinh thần thường không gặp phải khó khăn, nhưng những khoản bồi thường này chỉ mang tính chất "tượng trưng" nếu so sánh với những thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Chính vì vậy, Luật bồi thường Nhà nước cần quy định cụ thể hơn việc xác định cũng như trách nhiệm bồi thường về vật chất, tài sản.Việc xác định thiệt hại về tài sản, vật chất cần kế thừa các quy định hiện hành của Nghị quyết 388, nhưng quy định rõ việc bồi thường thiệt hại về vật chất, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, đặc biệt là trình tự, thủ tục trả lại tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu. Ngoài ra, Luật Bồi thường Nhà nước cần xây dựng tiêu chí cụ thể để tính các thiệt hại về uy tín, cơ hội kinh doanh, thương hiệu... của doanh nghiệp.
Thứ tư, không nên quy định trách nhiệm bồi hoàn.
Điều 16 Nghị quyết 388 đã quy định: "Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật" và người có thẩm quyền quyết định việc hoàn trả (quyết định mức hoàn trả, phương thức hoàn trả mà người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện) là thủ trưởng cơ quan đã thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trước đó, Điều 2 Nghị định 47/CP cũng quy định Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, các quy định này là thiếu tính khả thi. Từ việc bồi thường thiệt hại cho ông Tiến cho thấy, mặc dù đã được TAND Tp Hà Nội xử phúc thẩm, ông Tiến đã nhận tiền bồi thường, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể cá nhân nào bồi hoàn khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho ông Tiến.
Trên thực tế, rất khó xác định việc hoàn trả. Vì rằng, với mỗi một vụ việc oan, sai (trong lĩnh vực tư pháp) hay mỗi trường hợp gây thiệt hại cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp (trong lập pháp và hành pháp) thì thông thường không chỉ do một người thực hiện, nhất là khi còn tồn tại "trách nhiệm tập thể". Ngoài ra, trong những trường hợp mà khoản tiền bồi thường thiệt hại rất lớn thì việc thu hồi khoản tiền hoàn trả lại càng khó khăn. Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm bồi hoàn cũng không loại trừ trường hợp vì lo sợ và trốn tránh trách nhiệm hoàn trả, một số vụ việc đã bị xử lý oan, sai, gây thiệt hại thì đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn sẽ tìm mọi cách để cho vụ việc "chìm xuồng". Vì vậy, trách nhiệm bồi hoàn về vật chất không nên đặt ra trong Luật Bồi thường Nhà nước mà chỉ nên quy định theo hướng cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc) hoặc trách nhiệm hình sự./.
=============================
Source: www.vcci.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét