Việc hai nhà cung cấp game FPT Telecom và VASC gần như đồng loạt tuyên bố thừa nhận quyền mua bán, trao đổi tài sản trong game một lần nữa chứng minh tốc độ phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, nhà quản lý vẫn tỏ ra từ tốn trước những diễn biến của đời sống công nghệ.
Nhiều gamer cho rằng điều có ý nghĩa nhất đối với người chơi game online là thành quả đạt được trong game. Các cao thủ có thể miệt mài hàng giờ bên máy tính, "cày xới" và "chinh chiến" đến quên mình cũng chỉ vì mục đích lên level, sở hữu thật nhiều đồ vật có giá trị. Việc trao đổi buôn bán tài sản ở môi trường ảo xuất hiện và diễn biến như quy luật tự nhiên. Hơn ai hết, nhà cung cấp trò chơi nào cũng ý thức được rằng bảo vệ và tạo điều kiện để thương trường trong game phát triển cũng chính là vấn đề sống còn của chính doanh nghiệp mình.
Giá trị thực của tài sản ảo
Trước khi nhà cung cấp chính thức công nhận việc giao thương, hoạt động buôn bán, trao đổi những món đồ hoặc nhân vật trong hầu hết các game đã diễn ra theo kiểu "chợ đen" và các game thủ tự thoả thuận với nhau giá cả. Không ít thương vụ có giá trị lên đến nhiều triệu đồng. Thanh Khai Sơn Kiếm dành cho nhân vật Knight đầu tiên trong game PTV từng được mua với giá 4 triệu đồng. Những bộ giáp làm phần thưởng cho giải vô địch MU VN được các game thủ lùng sục với giá từ 5 đến 7 triệu đồng. Giới mộ điệu vẫn nhắc đến kỷ lục giao dịch một bộ đồ Hoàng Kim trong Võ Lâm Truyền Kỳ với số tiền trao tay là 30 triệu đồng. Chỉ tính riêng những giao dịch nhỏ lẻ của các đồ vật trong game PTV nếu quy ra tiền mặt cũng lên đến khoảng 4 tỷ đồng/tháng.
Theo ý kiến của đa phần game thủ thì giá trị của các tài sản ảo được tạo nên từ những yếu tố: công sức của người chơi, tính ổn định, phổ biến của game và sự quý hiếm của món đồ. Trong đó, công sức của người chơi được tính bằng chi phí thời gian và tiền bạc bỏ ra để có được một nhân vật có cấp độ cao, lên điểm (phân phối các chỉ số tiềm năng). "Tiền trả cho cửa hàng Internet, trả cho nhà cung cấp game là tiền thật. Vậy những gì thu được từ số tiền thật đó không hoàn toàn ảo", game thủ của PTV mang nick Thái Shiva tuyên bố sau khi nạp xong 720 nghìn đồng để được "giành lại miền đất hứa" suốt đời.
"Có người mua thì ắt có kẻ bán. Việc trao đổi các món đồ và nhân vật trong game giữa các người chơi với nhau tuân theo đúng các quy luật của thị trường", game thủ Nguyễn Hoài An (Hà Nội) phân tích. "Đối với những món đồ hiếm thì có khi người chơi hết số tiền bỏ ra mua đồ cũng không thể có được. Vậy tại sao lại không mua?".
Nguyễn Khánh Toàn, một du học sinh tại Đức, cũng đồng tình: "Mua đồ ảo là mua thông tin của game đó. Đối với game thông thường, người ta có thể bỏ tiền ra mua một cuốn sách về cheat code hoặc các thủ thuật để qua các màn khó. Game online cũng vậy, bạn phải trả tiền cho cái gì đó giúp bạn mạnh mẽ hơn".
Nhiều gamer quan niệm đồ ảo trong game luôn mang giá trị thật. Nguyễn Trọng Hải, một kỹ sư máy tính, so sánh: "Đối với những người không chơi game online, những thứ đó (các tài sản ảo) thật phù phiếm. Điều này cũng giống như mang chiếc máy tính xịn nhất đến nơi không có điện vậy".
Theo ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom - nhà cung cấp PTV và MU Việt Nam - sự phát triển và phổ biến của các trò chơi trực tuyến đã hình thành nhiều lớp game thủ trong đó có cả những người chuyên nghiệp, coi game trực tuyến là một phương tiện kiếm tiền để sinh sống, có nhu cầu bán tài sản kiếm được trong game ra tiền mặt. "Vì thế mà việc công nhận tài sản ảo trong game là một xu hướng tất yếu", ông Trương Đình Anh khẳng định.
Ra tuyên bố công nhận quyền mua bán tài sản ảo của các game thủ chỉ sau FPT vài ngày, nhà cung cấp trò chơi trực tuyến VASC cũng tỏ ý đồng tình với FPT Telecom. "Nếu không công nhận quyền mua bán tài sản trong game, nhà cung cấp sẽ không thể kiểm soát được mâu thuẫn và những tranh chấp xung quanh việc bán đồ. Đây là một trong những biện pháp để chúng tôi điều tiết thị trường, giảm thiểu tệ nạn xung quanh những thương vụ trong game", ông Lê Việt Thành, Phó giám đốc Trung tâm game online VASC, cho biết.
Võ lâm truyền kỳ là trò chơi được thu phí đầu tiên trong số các game có bản quyền tại Việt Nam và hiện có hàng nghìn game thủ là thành viên của các bang phái Võ lâm. Tuy nhiên, nhà cung cấp VinaGame vẫn chưa có động thái gì đặc biệt trước những diễn biến mới của thị trường. "Chúng tôi không có bình luận gì về mọi vấn đề liên quan đến tài sản ảo trong game", ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, đại diện của VinaGame, nói.
Hành lang pháp lý cho tài sản ảo
Trong suốt thời kỳ “chợ đen”, việc trao đổi giữa các game thủ diễn ra phức tạp và rắc rối. Đối với những món đồ và vật dụng, việc trao đổi từ tài khoản này sang tài khoản khác tương đối đơn giản: chỉ cần “tiền trao” bên ngoài và “cháo múc” trong game là xong. Nhưng đối với các trường hợp trao đổi nhân vật thì khác hoàn toàn. Mua một nhân vật là phải mua luôn tài khoản có chứa nhân vật đó. Việc chuyển đổi các thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản rất khó khăn, đặc biệt là địa chỉ e-mail để thông báo các xác nhận đổi mật khẩu hiện không thể thay đổi được.
Đây cũng chính là nguyên nhân của hàng loạt khúc mắc giữa người mua bán và gây khó khăn cho chính nhà cung cấp game. Nhiều trường hợp người mua sau khi trả tiền bị cướp trắng, vì e-mail không thay đổi được. Người bán sau khi nhận tiền thông báo với nhà cung cấp là bị hack, yêu cầu được cấp lại mật khẩu. Chính vì thế đa phần nhà cung cấp game hiện nay vẫn tuyên bố đứng ngoài cuộc trước các khiếu kiện xung quanh việc buôn bán tài khoản. Hiện chỉ có game PTV mới đưa vào hình thức chuyển đổi nhân vật từ tài khoản này sang tài khoản khác. VASC sau khi tuyên bố chính thức cho phép người chơi giao dịch tài sản trong RYL II bằng tiền mặt vẫn từ chối can thiệp các xung đột về tài khoản. Đại diện VASC Lê Việt Thành cho biết doanh nghiệp này đang hoàn chỉnh hệ thống trợ giúp giao dịch cho các game thủ.
Theo nhận định của VnExpress, cả giới gamer và nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trong nước đều trông ngóng một quy chế quản lý game online hoàn chỉnh và phù hợp với thực tế để có "chỗ dựa" an toàn trong khi mải mê "chinh chiến và... đi buôn". Tuy nhiên, dù từng hứa sẽ có một quy chế quản lý game online công bố trước ngày 31/12/2005, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Đỗ Quý Doãn đến nay đã thừa nhận chưa biết lúc nào văn bản đó mới được hoàn chỉnh và đi vào thực tiễn. “Vấn đề tài sản ảo trong game chúng tôi cũng rất lưu tâm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần có thời gian để nghiên cứu thực tiễn mới có thể đưa nó vào luật được”.
Theo luật sư Nguyễn Hoàn Thành của văn phòng Luật sư Phạm và liên danh, dù các phạm trù ảo trong game chưa có luật điều chỉnh, song nếu đã dẫn đến những hệ lụy đời thường thì những gì xảy ra trong đời thực vẫn có thể áp dụng Luật dân sự hay hình sự như bình thường. “Tất nhiên, trong quan hệ con người với nhau ở thế giới ảo cũng phải tuân thủ quy tắc đạo đức nhất định. Tôi nghĩ rằng game online là vấn đề cần bổ sung vào các văn bản quản lý vật dụng Internet”, luật sư Nguyễn Hoàn Thành phân tích. “Đặc biệt, Internet là một môi trường tự do nên những quy định về nguyên tắc đạo đức nhiều khi rất quan trọng để người tham gia vào đó có ý thức tự giác. Nếu không tuân thủ theo những điều đó thì người chơi sẽ bị nhà cung cấp gạt khỏi dịch vụ hoặc ngay cả những người xung quanh loại trừ”.
Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cũng lưu ý rằng trong những quy định về game online cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà cung cấp cung cấp dịch vụ. “Nhà cung cấp phải có những quy chế rõ ràng về phân phối sản phẩm và đưa ra những quy tắc nhất định đối với người tham gia chơi game. Thậm chí, họ có quyền và nghĩa vụ quản lý người tham gia game tuân thủ các quy định đó. Bởi lẽ xét về mọi phương diện kỹ thuật, dù là công nghệ hay khả năng bám sát các diễn biến thực tiễn, họ hoàn toàn có thể làm được”, ông Thành nói.
Nguyễn Hằng - Hưng Hải
Source: http://www.vnexpress.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét