Ở các nước tiên tiến, việc quản lý và sử dụng tài sản công đều có các tiêu chuẩn, định mức hết sức chi tiết, cụ thể, cũng như tính đến hiệu quả việc đầu tư, mua sắm tài sản công của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, ở nước ta, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản Nhà nước (TSNN) đã quy định còn thiếu yếu tố tính đến hiệu quả trong việc đầu tư, mua sắm, cũng như phân định rõ trách nhiệm của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đối với việc quản lý sử dụng tài sản.
Hàng triệu USD bị rút ruột, lãng phí từ các dự án giao thông đô thị Hà Nội vừa được thanh tra Chính phủ phát hiện; Hiện đang có hơn 6 triệu m2 nhà đất công ở Hà Nội bị sử dụng sai mục đích; Hai ông lãnh đạo mới về hưu đã có tiêu chuẩn xe công phục vụ suốt đời, vẫn tưởng xe của hai ông dùng còn tốt nhưng lại được các cơ quan chức năng mua cho mỗi ông một xe mới giá 2,5 tỉ đồng/xe... Không khó khăn lắm để tìm ra hàng loạt những vụ việc như vậy trên mặt báo mỗi ngày. Tình trạng này có thể coi là những thách thức đối với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng - đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/6/2006.
Thực tế hiện nay cho thấy việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng TSNN đang diễn ra khá nghiêm trọng. Mức độ lãng phí có xu hướng ngày càng gia tăng trên nhiều phương diện: xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, vay nợ nước ngoài, xây dựng trụ sở, sử dụng ô tô, xe máy, điện thoại... Thực trạng này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách đối với việc quản lý và sử dụng TSNN, cũng như các chủ trương biện pháp để triển khai việc chống lãng phí trong quản lý, sử dụng TSNN. Nhưng thực tế việc lãng phí, thất thoát TSNN vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ việc được phát hiện với quy mô thất thoát, lãng phí tài sản rất lớn… Phải chăng công tác chống lãng phí trong quản lý và sử dụng TSNN chưa được đẩy mạnh, hay chúng ta chưa "bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc"?
Sẽ có nhiều giải pháp để chống lãng phí trong quản lý và sử dụng TSNN, tuy nhiên, một vấn đề mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng thống nhất cho rằng một trong những điểm yếu trong cuộc chiến chống lãng phí hiện nay chính là nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Nghe có vẻ như là một mâu thuẫn, bởi thực tế cho thấy chủ trương, cơ chế, chính sách của chúng ta không thiếu, thậm chí có rất nhiều chủ trương, về chính sách (?). Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng: cơ chế, chính sách không thiếu nhưng lại rất yếu về sự đồng bộ, chặt chẽ. Chính sự vừa thừa, vừa thiếu này đã làm cho cuộc chiến chống lãng phí trong sử dụng TSNN hiện nay chưa được như mong muốn.
Có thể dẫn chứng ngay về nhận định này: Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản hiện hành là công cụ quan trọng cho việc quản lý, sử dụng TSNN; là cơ sở để Nhà nước và nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, hệ thống này đang bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với hai loại tài sản lớn là trụ sở làm việc và ô tô, thể hiện như sau:
Thứ nhất, hệ thống tiêu chuẩn, định mức hiện hành quy định chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, ví dụ như quy định về các chức danh tương đương, định mức trang bị xe cho các đơn vị sự nghiệp, các ban quản lý dự án… dẫn đến vận dụng một cách tùy tiện, lãng phí.
Thứ hai, tiêu chuẩn định mức chưa đảm bảo tiết kiệm, đối tượng sử dụng xe ô tô phục vụ công tác còn rộng, chưa có quy chế quản lý và công khai việc sử dụng phương tiện đi lại tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, tiêu chuẩn, định mức chưa phù hợp với thực tiễn, lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, như quy định về thanh lý và thay thế xe chưa sát với từng loại xe dẫn đến có những xe đã đủ km và thời gian nên tiến hành thanh lý để mua xe mới trong khi giá trị sử dụng còn rất lớn làm lãng phí ngân sách nhà nước. Mặc dù chế độ tiền lương đã được sửa đổi theo Quyết định 05/2004/QĐ-TTg ngày 10/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng quy định về hệ số phụ cấp của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe vẫn theo quy định cũ. Quy định về diện tích phụ trợ trong trụ sở làm việc không sát dẫn đến các đơn vị sai phạm trong tiêu chuẩn sử dụng khi đầu tư xây dựng.
Thứ tư, tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSNN hiện hành chưa có sự phân biệt giữa cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, mặc dù hai tổ chức này hoạt động hết sức khác nhau.
Ở các nước tiên tiến, việc quản lý và sử dụng tài sản công đều có các tiêu chuẩn, định mức hết sức chi tiết, cụ thể, cũng như tính đến hiệu quả việc đầu tư, mua sắm tài sản công, cơ quan hành chính được đầu tư, trang bị thế nào, đơn vị sự nghiệp được đầu tư của Nhà nước mức độ ra sao; không có lẫn và đồng nhất giữa cơ quan hành chính với đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, ở nước ta, hiện nay, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSNN đã quy định còn thiếu yếu tố tính đến hiệu quả trong việc đầu tư, mua sắm, cũng như phân định rõ trách nhiệm của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đối với việc quản lý sử dụng tài sản là nhà cửa, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại, cũng như diện tích nhà đất giao cho đơn vị, việc hoàn trả dần vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước.
Có thể nói rằng, một khi hệ thống tiêu chuẩn, định mức không chính xác, lạc hậu tất yếu dẫn đến việc chấp hành tuỳ tiện, dối trá trong chi tiêu. Khi hiện tượng dối trá trong chi tiêu phát triển tất yếu sẽ dẫn đến lãng phí và lạm công quỹ. Tiêu chuẩn sử dụng TSNN nếu không chi tiết và phù hợp tất yếu dẫn đến vi phạm tiêu chuẩn tràn lan, không ai kiểm soát nổi.
Chỉ tính riêng việc vi phạm tiêu chuẩn sử dụng xe con, mua sắm xe con gây lãng phí của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng/năm nhưng khắc phục tình trạng này quả là không dễ nếu không xác định lại bộ tiêu chuẩn minh bạch và áp dụng triệt để, đồng thời có chính sách thay thế kịp thời.
Chế độ sử dụng công quỹ và TSNN của ta nặng về bao cấp, lại thiếu các biện pháp kiểm tra thưởng, phạt cũng dẫn đến lãng phí. Chỉ tính riêng lĩnh vực xe con, nếu có chế độ mới theo hướng khoán chi hoặc đưa tiền vào lương chắc chắn sẽ giảm chi phí sử dụng xe con ở các cơ quan công quyền xuống 2 - 4 lần.
Như vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung hệ thống chế độ, định mức, tiêu chuẩn về sử dụng TSNN như trang bị và sử dụng xe ô tô, xe máy, sử dụng điện thoại, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản của các dự án viện trợ nước ngoài... Cần tăng cường kiểm tra, quản lý việc mua sắm, sử dụng TSNN, tuân thủ đúng quy định của Luật đấu thầu và quy chế mua sắm công; Rà soát việc sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị; Rà soát lại các tài sản công để có biện pháp điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu và nâng cao hiệu quả sử dụng TSNN; Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá kỹ để phân loại các TSNN và có kế hoạch sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế, chống lãng phí, tham nhũng và tiêu cực, bảo đảm công bằng và công khai trong việc sử dụng các TSNN.
Một vấn đề quan trọng khác là Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành ngay Luật Quản lý và sử dụng TSNN. Đây có thể coi là yêu cầu hết sức bức thiết, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định rõ nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cũng như đối tượng được giao trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN trong công tác thực hiện tiết kiệm chống lãng phí.
Luật này quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu TSNN, việc quản lý nhà nước về TSNN, chế độ quản lý và sử dụng TSNN, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi sử dụng TSNN. Các quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN cần phân định rõ ở 02 cơ quan khác nhau, không đồng nhất, hoà đồng hai chủ thể sử dụng TSNN là cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; hành chính là hành chính, sự nghiệp là sự nghiệp, không thể gộp chung là hành chính sự nghiệp được. Khi đạo luật này ban hành, cùng với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, sẽ là khung pháp lý quan trọng để thực hiện chống lãng phí trong quản lý và sử dụng TSNN.
Vân Ninh, Bộ Tài chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét