Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

Nghiên cứu một số vấn đề khi nội luật hoá hiệp định trips tại VN

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức có sự ảnh hưởng lớn nhất đến phát triển thương mại trên phạm vi toàn cầu với 148 quốc gia thành viên. Mục tiêu trở thành thành viên của tổ chức này đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam đưa vào chiến lược phát triển quốc gia từ khi triển khai chính sách đổi mới, phát triển chính sách kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1995, đến nay đã thực hiện các vòng đàm phán song phương và đa phương nhằm thực hiện mục tiêu trở thành thành viên WTO vào cuối năm 2005. Để tham gia Việt Nam phải cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thương mại dịch vụ, đầu tư, và cải cách các thể chế, đạt tới những quy định của hệ thống thương mại quốc tế của Hiệp định chung về Thuế quan, thương mại GATT và WTO. Hàng loạt các văn bản pháp quy ở mọi lĩnh vực sẽ bị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới theo các quy định của WTO.

Một trong những điều kiện cơ bản khi tham gia WTO là chúng ta phải tham gia Hiệp định TRIPS, vì vậy hệ thống luật bảo vệ quyền sở hữu của Việt Nam hiện nay là một trong những ngành luật đang được đặc biệt tập trung sửa đổi trên cả lĩnh vực xây dựng văn bản pháp quy cũng như tổ chức, cơ chế vận hành bộ máy đảm bảo thực thi. Những quy định của luật pháp quốc tế tại Hiệp định TRIPS về bảo vệ quyền sở trí tuệ đang được tích cực nội luật hóa.

Tuy nhiên, khi nội luật hóa các quy định trong Hiệp định TRIPS các nhà làm luật Việt Nam một mặt là bảo vệ quyền của chủ sở hữu mặt khác cũng cần tính đến những tác động tiêu cực khi tham gia Hiệp định này từ đó có những quy định phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong bài viết này tác giả muốn đưa ra một quan điểm về những tác động tiêu cực tới lợi ích cộng đồng đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam khi tham gia Hiệp định TRIPS. Để đánh giá tác động tiêu cực của Hiệp định TRIPS trước tiên ta điểm qua những nội dung chính của Hiệp định này.

- Một số vấn đề cơ bản của Hiệp định TRIPS

Hiệp định TRIPS, Hiệp định về “các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ” là Hiệp định quốc tế đầu tiên thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi toàn cầu với hệ thống giải quyết tranh chấp. Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Với số lượng thành viên trên 100 quốc gia, Hiệp định TRIPS trở thành hiệp ước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở phạm vụ quốc tế đầu tiên và trở thành một bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật thương mại thế giới.

Hệ thống luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Hiệp định TRIPS được xây dựng trên hệ thống luật như Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở công nghiệp; Công ước Berne về Bảo vệ quyền sở hữu các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Hiệp ước về Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến mạch tích hợp; Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, người sản xuất các chương trình ghi âm, ghi hình và phát thanh truyền hình.

Hiệp định TRIPS quy định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn tối thiểu về: Nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc bảo hộ; Các đối tượng bảo hộ bắt buộc và phạm vi mức độ phải bảo hộ; Hệ thống đảm bảo thực thi và thời hạn thực hiện các yêu cầu thực thi đó.

Hiệp định TRIPS đòi hỏi mỗi quốc gia thành viên đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả các quy định của luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc gia mình; cung cấp hệ thống thực thi hiệu quả ngăn chặn các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không gây hạn chế cho các hoạt động thương mại; đảm bảo quyền khiếu kiện và quyền khiếu nại cho nguyên đơn và bị đơn khi xảy ra tranh chấp hay quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm; xây dựng hệ thống quy định rõ ràng về trình tự, các thủ tục tố tụng, các thủ tục và biện pháp xử lý hành chính, hình sự để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Các thủ tục này phải hợp lý và đơn giản, chi phí thấp, không gây phiền hà đến các bên liên quan. Có hệ thống cơ quan hải quan kiểm soát biên giới hiệu quả để chống hàng giả hay những hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông giữa các quốc gia. Hệ thống tư pháp phải được xây dựng đủ mạnh để có thể xét xử, đánh giá thiệt hại, xác định mức độ đền bù và đảm bảo khả năng thi hành án đối với việc xử lý các tranh chấp về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời hệ thống đảm bảo thực thi phải đủ khả năng đưa các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời nhằm chấm dứt hành vi vi phạm, hạn chế thiệt hại của người bị vi phạm và tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thu thập chứng cứ.

Hiệp định TRIPS cho phép các nước thành viên có thể nâng cao (nhưng không bắt buộc) mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia mình. Các quốc gia thành viên cũng được tự do lựa chọn phương pháp phù hợp để luật hóa các quy định của TRIPS và hệ thống pháp luật quốc gia. Các quốc gia tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế và hệ thống pháp luật khác nhau sẽ có thời hạn khác nhau về việc đạt được các tiêu chuẩn thực hiện Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS kể cả những quy định về đảm bảo thực thi. Nếu vi phạm các điều kiện này thì quốc gia đó bị coi là vi phạm các quy định thương mại của WTO và phải chịu các biện pháp trừng phạt. Chính sự kết hợp giữa việc cụ thể hóa các quy định của Hiệp định TRIPS vào hệ thống pháp luật quốc gia với nghĩa vụ thực hiện của các nước thành viên WTO đã tạo ra sự triển khai thành công Hiệp định TRIPS trên phạm vi toàn thế giới.

- Khi tham gia Hiệp định TRIPS, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển phải đề ra cho mình nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của mình. Dưới đây là hai nhiệm vụ cơ bản trong lĩnh vực xã hội mà chúng ta cần bảo vệ và cân nhắc giữa quyền của chủ sở hữu và lợi ích cộng đồng khi tham gia Hiệp định TRIPS:

- Việt Nam đang đối mặt với khó khăn trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ lợi ích xã hội. Hiện nay đang tồn tại khoảng cách giữa các quy định của luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hiệp định TRIPS trong vấn đề bảo vệ lợi ích xã hội đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Thứ nhất: Quyền lợi của chủ sở hữu bằng sáng chế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng:

Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là yêu cầu hàng đầu đối với mọi quốc gia đặc biệt là trong trình trạng hàng loạt các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, SARS hay cúm gia cầm bùng nổ trong một số châu lục. Chính vì vậy, trong lĩnh vực luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng đưa ra những trường hợp không bảo hộ tài sản trí tuệ nhằm mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa các chi phí cho người bệnh và xã hội. Ví dụ, tại ấn độ, giá thuốc AZT (một loại thuốc điều trị AIDS) không phải trả chi phí bản quyền sáng chế là 48 USD cho 1 tháng điều trị nhưng tại Mỹ giá thuốc cùng loại có chi phí bản quyền lên tới 239 USD. Chính vì thế trong các quy định của Hiệp định TRIPS và Tuyên bố Doha (Tuyên bố về các quy định của Hiệp định TRIPS và bảo vệ sức khỏe cộng đồng) cũng đưa ra một số trường hợp quyền sở hữu trí tuệ sẽ không được bảo hộ trong trường hợp “tình trạng khẩn cấp” để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các nước đang phát triển, các nước nghèo đặc biệt là các nước đang bị tác động bởi dịch AIDS và các bệnh truyền nhiễm sẽ tùy thuộc từng trường hợp cụ thể để xác định “tình trạng khẩn cấp” này (Điều 5 Tuyên bố Doha). Điều 27 Hiệp định TRIPS cũng cụ thể hóa một số trường hợp có thể sử dụng các sáng chế không cần chi phí bản quyền để bảo vệ sức khỏe cộng đồng như các phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh cho người hoặc động vật. Tuy nhiên, việc sử dụng các bản quyền sáng chế này không được gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người chủ sở hữu phát minh sáng chế và không ảnh hưởng đến quá trình khai thác sản phẩm trí tuệ (Điều 30 Hiệp định TRIPS).

Tại Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho người, động vật được Đảng và Chính phủ đặt lên ưu tiên hàng đầu cùng với việc phát triển kinh tế. Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển và thu nhập của người dân đang ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực. Không giống như một số nước Châu Phi hay Thái Lan, tỷ lệ người mắc bệnh HIV/AIDS ở Việt nam chỉ chiếm 0,29% tỷ lệ dân số. Tuy nhiên, tương tự như các nước này, bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam hầu hết là người nghèo và không có nghề nghiệp. Nếu kinh phí điều trị quá cao họ hoàn toàn không có khả năng chi trả, đồng thời ngân sách Nhà nước cũng không thể bao cấp hoàn toàn các chi phí này. Hiện nay Việt Nam chưa tự nghiên cứu và sản xuất được thuốc chống AIDS mà phải điều trị bằng thuốc ngoại nhập từ nhiều nước khác nhau. Trong thời gian gần đây, dịch SARS, bệnh cúm gia cầm đã bùng nổ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy luật hóa các quy định về bảo hộ sản phẩm trí tuệ liên quan đến lợi ích sức khỏe cộng đồng là vấn đề quan trọng của công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam.

Trong hệ thống luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam, các trường hợp không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng được cụ thể hóa tại Điều 787 Bộ luật Dân sự và Điều 4.4 của Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về quyền sở hữu công nghiệp và Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01-02-2001 bổ sung Nghị định 63/CP. Điều 787 Bộ luật Dân sự qui định “Nhà nước không bảo hộ các đối tượng sở hữu công cộng trái với lợi ích xã hội”. Các đối tượng không được bảo hộ nhằm bảo vệ lợi ích sức khỏe cộng đồng bao gồm: “Giống thực vật, giống động vật; Phương pháp luyện tập cho vật nuôi; Phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người, cho động vật; Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật, thực vật” (Điều 4.4 Nghị định 63).

Như vậy, so sánh với những quy định của Hiệp định TRIPS về phạm vi bảo hộ và đối tượng các phát minh sáng chế nhằm bảo vệ lợi ích sức khỏe cộng đồng thì Việt Nam đưa ra phạm vi và mức độ mở rộng hơn trong việc cho phép sử dụng không phải xin phép và không phải trả chi phí bản quyền trong trường hợp những phát minh sáng chế này được sử dụng trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thứ hai: Quyền tác giả, các quyền liên quan và vấn đề giáo dục

- Quyền tác giả và các quyền liên quan là một trong những hình thức tài sản rất khó phân biệt giữa quyền sở hữu cá nhân và quyền sử dụng của công chúng. Hiện nay có hai quan điểm đối ngược nhau về việc bảo hộ quyền tác giả. Một quan điểm của chủ nghĩa vị lợi thì cho rằng người tiêu dùng có quyền sử dụng các sản phẩm trí tuệ như một loại tài sản công. Ngược lại, quan điểm bảo vệ quyền tác giả thì coi quyền tác giả như một loại tài sản thông thường. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt như các loại tài sản bình thường khác. ở mỗi quốc gia với ảnh hưởng văn hóa khác nhau cũng đưa ra mức độ bảo hộ quyền tác giả khác nhau đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Cũng tương tự như sự bất đồng lợi ích giữa chủ sở hữu các phát minh sáng chế và việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực giáo dục còn tồn tại nhiều khoảng cách giữa các qui định quốc tế và từng quốc gia.

- Hiệp định TRIPS cho phép các quốc gia có quyền lựa chọn và đưa ra mức độ bảo quyền tác giả và các quyền liên quan; có thể hạn chế mức độ và phạm vi bảo hộ của sản phẩm trí tuệ dùng trong lĩnh vực giáo dục với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác sản phẩm và không gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu sản phẩm (Điều 13 Hiệp định TRIPS).

Việt nam, với ảnh hưởng của tư tưởng Khổng tử và văn minh Châu á luôn đề cao lợi ích giáo dục cộng đồng so với quyền tài sản cá nhân trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời cũng như các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước và của từng người dân dành cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Để tạo điều kiện cho cộng đồng được sử dụng những sản phẩm trí tuệ trong lĩnh vực giáo dục, Luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cho phép người sử dụng được sử dụng không phải xin phép và trả thù lao cho các trường hợp sử dụng tác phẩm để giảng dạy, kiểm tra kiến thức trong nhà trường; tự nghiên cứu; lưu trữ trong thư viện; ghi âm, ghi hình các buổi biểu diễn dùng cho việc giảng dạy; chuyển đổi chữ nổi cho người mù; hay sử dụng trong công tác trưng bày, tuyên truyền cổ động nơi công cộng (Điều 760, Điều 761 Bộ luật Dân sự).

So sánh những quy định của Hiệp định TRIPS và luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nước phương tây thì hệ thống luật Việt Nam cho phép người sử dụng có thể dùng không phải xin phép và không phải trả thù lao cho người chủ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền, các quyền liên quan và phát minh sáng chế ở phạm vi và mức độ rộng hơn rất nhiều. Những quy định này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ lợi ích cộng đồng, phát triển hệ thống giáo dục, y tế nhưng cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm bản quyền trục lợi cá nhân. Nếu Việt Nam không rút ngắn khoảng cách hay dung hòa giữa quyền lợi người sở hữu các tài sản trí tuệ và lợi ích công đồng thì sẽ vấp phải hàng loạt bất đồng khi đàm phán các hiệp định đa phương và song phương với các nước trong các vòng đàm phán của WTO. Đồng thời khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên phạm vi quốc tế, nếu không chứng minh được việc vi phạm bản quyền được sử dụng trong “tình trạng khẩn cấp” hay “sử dụng trong mục đích giáo dục không làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người chủ sở hữu” theo quy định của Hiệp định TRIPS thì Việt Nam rất dễ bị kiện tại cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO và phải chịu các biện pháp trừng phạt trả đũa.

Việt Nam cần gấp rút hệ thống hóa lại hệ thống luật sở hữu trí tuệ trong nước, đồng thời các cơ quan lập pháp phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu các quy định của Hiệp định TRIPS và các quy định quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích cộng đồng, học tập kinh nghiệm các nước đang phát triển trên thế giới và khu vực trong công tác nội luật hóa các quy định luật pháp quốc tế để xây dựng một hệ thống luật sở hữu trí tuệ đạt các yêu cầu hội nhập, bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu các tài sản trí tuệ nhưng cũng đảm bảo được lợi ích cộng đồng đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Vì vậy, khi triển khai các nội dung của Hiệp định TRIPS các nhà làm luật cần cân nhắc khi ký kết các Hiệp định, để mục tiêu hội nhập, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới đúng tiến trình đề ra, nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích quốc gia bằng cách tận dụng triệt để nội dung Hiệp định TRIPS, khi cho phép các Quốc gia bảo hộ những lợi ích chính đáng khi tham gia ký kết Hiệp định này./.

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU HẢI QUAN SỐ 1/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến