(ĐCSVN)- Chế ước quyền lực là quy luật lịch sử không thể vi phạm. Chế ước quyền lực là nhận thức về tính quy luật trong sự phát triển chính trị của loài người; là nguyên tắc quan trọng và con đường thực hiện chính trị dân chủ mà thế giới công nhận, nó đã đóng vai trò thúc đẩy to lớn đối với sự phát triển của nền chính trị dân chủ lập hiến ở các nước phương Tây. Với tính cách là đòi hỏi tất yếu của chính trị, dân chủ, chế ước quyền lực cũng không thể là ngoại lệ đối với chủ nghĩa xã hội.
Trung Quốc đang tự giác tuân theo quy luật lịch sử về chế ước quyền lực, mạnh dạn tham khảo những kinh nghiệm pháp trị chín muồi của nước ngoài vào thực tiễn nước mình để xây dựng nên hệ thống chế ước quyền lực thích hợp.
Với tính cách là một quy luật chính trị trọng yếu, chế ước quyền lực là một vấn đề trọng đại mà xưa nay các nhà tư tưởng chính trị đã chú trọng tìm tòi, đưa ra những học thuyết, mô hình khác nhau.
Ngay trong thời cổ đại Hy Lạp, A-ri-xtốt và Plô-tin đã chủ trương phân quyền và đối trọng. Đó là manh nha học thuyết chế ước quyền lực. Đến thời kỳ của phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, Mông-te-xki-ơ đã chỉ ra rằng: “Tất cả những người có quyền lực đều dễ lạm dụng quyền lực, đây là một kinh nghiệm muôn đời không thay đổi… Xét từ tính chất của sự vật, muốn ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực, cần dùng quyền lực để chế ước quyền lực”. Ông là người đã đặt nền móng cho học thuyết về chế ước quyền lực.
Lịch sử hình thành nhà nước dân chủ hiện đại phương Tây cũng là lịch sử tư tưởng chế ước quyền lực trong thực tế, chế ước quyền lực ở các nước phương Tây đương đại đã vượt ra ngoài phạm vi chế ước lẫn nhau của 3 quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp; và quyền chính trị công dân, lực lượng dư luận cũng tạo thành sự chế ước đối với quyền lực công cộng.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước do nhân dân làm chủ, toàn bộ quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa là thuộc về nhân dân. Do những hạn chế về trình độ phát triển kinh tế - văn hoá và xã hội, nhân dân còn chưa thể trực tiếp nắm quyền lực nhà nước để tiến hành quản lý công việc nhà nước, mà chỉ có thể do những người cầm quyền mà nhân dân bầu ra thay mặt nhân dân điều hành quyền lực nhà nước. Trong điều kiện của cải vật chất chưa thực sự dồi dào, lợi ích cá nhân chưa được thoả mãn đầy đủ, cũng chưa thống nhất với lợi ích xã hội, thì khó bảo đảm là nguời điều hành quyền lực không lợi dụng quyền lực trong tay để mưu cầu tư lợi cho cá nhân hay tập đoàn nhỏ. Vì vậy làm thế nào để dùng cơ chế chế ước hữu hiệu làm cho quyền lực trước sau được phân bổ và vận hành theo ý chí quyền lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thiết thực, thực hiện nguyên tắc “quyền lực do nhân dân sử dụng, lợi ích do nhân dân mưu cầu”, ngăn chặn nguy cơ những người đầy tớ của nhân dân tự biến mình thành kẻ cai trị, áp bức, bóc lột nhân dân…
Đây là vấn đề có tính bức thiết ở các nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã xẩy ra ở một số nước có lịch sử phong kiến lâu đời, cơ sở chủ nghĩa chuyên chế thâm căn cố đế, thiếu truyền thống dân chủ.
Như Trung Quốc, xã hội phong kiến mấy nghìn năm tôn thờ nguyên tắc “trẫm tức là quốc gia”. Do vậy dân chúng đông đảo không những không có bất cứ quyền lợi gì mà còn buộc phải kính sùng bái quyền lực.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc đã dần dần khắc phục những nguy hại nghiêm trọng do sùng bái quyền lực gây ra. Ngày nay, Trung Quốc đang ra sức thực hiện hiện đại hoá và xây dựng nhà nước pháp trị, tuân thủ quy luật lịch sử về chế ước quyền lực. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, là một trong những nội dung cốt lõi của chính trị dân chủ hiện đại. Vì vậy những năm gần đây, giới học thuật Trung Quốc nghiên cứu rất sôi động về vấn đề chế ước quyền lực.
Những vấn đề mà giới lý luận Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu:
- Một là, về đặc trưng quyền lực.
- Hai là, về đặc tính chế ước quyền lực.
- Ba là, về yêu cầu bên trong của chế ước quyền lực. Cơ chế bên trong của nó gồm phân lập quyền lực; bình đẳng quyền lực; đối đẳng quan hệ chế ước; pháp trị hoá quyền lực và quan hệ chế ước.
- Bốn là, về phương thức chế ước quyền lực, bao gồm quyền chế ước quyền lực, dân chủ đại nghị chế ước quyền lực; pháp luật chế ước quyền lực; lực lượng xã hội chế ước quyền lực.
- Năm là, về thái độ của chủ nghĩa Mác đối với vấn đề chế ước quyền lực.
BVK - BÁO ĐIỆN TỬ đẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét