Nguyễn Cao Khôi
Kể từ khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - 1986 cho đến nay, nước ta đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư và môi trường pháp lý. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2005 (còn gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất), Luật Đầu tư năm 2005 (còn gọi là Luật đầu tư chung) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đã đồng ý áp một mức giá dịch vụ thống nhất đối với các nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam (không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài). Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong cả nước (nổi bật nhất là tỉnh Bình Dương) thi nhau thực hiện cải cách hàng chính (cắt giảm một số thủ tục cấp giấy phép, rút ngắn thời gian cấp giấy phép...) và áp dụng chế độ ưu đãi (miễn, giảm tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan trong phạm vi thuộc thẩm quyền của mình) để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào địa phương mình.
Trong thời gian đầu của thời kỳ mở cửa, đối với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thức liên doanh được nhiều doanh nghiệp trong nước lựa chọn để hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do các doanh nghiệp nước ta lúc bấy giờ còn thiếu vốn, kinh nghiệm quản trị và công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, nên nhiều doanh nghiệp trong nước muốn thông qua việc liên doanh với đối tác nước ngoài để tranh thủ, học hỏi những thế mạnh của họ. Do vậy, thời kỳ này các doanh nghiệp liên doanh chiếm một số lượng lớn và chủ yếu trong số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh những doanh nghiệp liên doanh nêu trên, các doanh nghiệp trong nước cũng liên danh, liên kết với nhau để mở rộng thị phần kinh doanh. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để hình thành nên một pháp nhân mới trên cơ sở hợp đồng liên doanh, thì hình thức liên danh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau không hình thành nên một pháp nhân mới mà các bên chỉ thỏa thuận thực hiện một thương vụ nào đó theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các bên góp vốn theo tỷ lệ thỏa thuận và hưởng lợi, chịu rủi ro tương ứng với tỷ lệ vốn góp của mỗi bên. Khi thương vụ kinh doanh đó kết thúc, thì hợp đồng hợp tác kinh doanh chấm dứt và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp liên doanh và một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh đã thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Khi thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, các khách hàng này thường đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả (có lãi). Cho nên, căn cứ vào phương án vay vốn có hiệu quả, khả thi và hồ sơ vay vốn hợp lệ, ngân hàng thực hiện các thủ tục cho vay theo quy định nội bộ của mình và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc ngân hàng nhận tài sản thế chấp chỉ là biện pháp bảo đảm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở pháp lý và kinh tế để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ. Quá trình thực hiện hợp đồng cho vay (hợp đồng tín dụng), một số khách hàng nêu trên (doanh nghiệp liên doanh/một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh) đã lâm vào tình trạng phá sản theo quy định của pháp luật. Do đó, ngân hàng buộc phải xử lý tài sản thế chấp theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong lúc ngân hàng chưa kịp xử lý tài sản thế chấp, thì doanh nghiệp đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định kê biên tài sản thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản. Vì vậy, ngân hàng không thể chủ động xử lý được tài sản thế chấp để thu hồi nợ, cho dù việc thế chấp tài sản đó là hợp pháp.
Thực tiễn, khi tham gia vào thủ tục phá sản doanh nghiệp trong một vài vụ án gần đây (bên thế chấp tài sản) theo yêu cầu của thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án phá sản doanh nghiệp, chúng tôi thấy một số vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp mà Tòa án tuyên là thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đề cập đến hai nội dung dưới đây trong một quyết định xử lý khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới đây:
1. Ngân hàng nhận tài sản thế chấp để cấn trừ nợ mà không căn cứ vào giá trị của tài sản thế chấp
Theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, thì tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tài sản đủ điều kiện và đủ giá trị để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trong đó có doanh nghiệp liên doanh và bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cho nên, khi có nhu cầu vay vốn, nhiều doanh nghiệp liên doanh/một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh đã phải cam kết thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ nếu được ngân hàng đồng ý cho vay.
Để nhận thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, ngoài các điều kiện về tài sản nói trên, khách hàng vay phải tham gia một tỷ lệ vốn nhất định (tối thiểu 15% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay) để hình thành nên tài sản thế chấp đó. Trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ đến hạn và ngân hàng buộc phải xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, thì về nguyên tắc, ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, ngân hàng không thể chủ động xử lý được tài sản thế chấp để thu hồi nợ nếu khách hàng vay lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp này, ngân hàng phải chờ Tổ quản lý, thanh lý tài sản xử lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản, trong đó có tài sản thế chấp, để thu nợ theo quyết định của thẩm phán.
Theo trình tự, thủ tục phá sản, thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết vụ án phải triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét phương án/giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khả năng và thời hạn thanh toán nợ. Chủ nợ được mời tham dự hội nghị chủ nợ gồm có chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần. Ngân hàng nhận thế chấp tài sản cũng có thể được mời tham dự hội nghị chủ nợ nếu giá trị tài sản thế chấp không đủ thanh toán nợ của doanh nghiệp bị phá sản (trở thành chủ nợ có bảo đảm một phần). Tại hội nghị chủ nợ, thẩm phán thông báo cho ngân hàng về công nợ của doanh nghiệp đến thời điểm chốt danh sách chủ nợ (trong đó có nợ vay còn lại của ngân hàng) và giá trị tài sản thế chấp. Song, giá trị tài sản thế chấp được công bố tại hội nghị chủ nợ không được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản, mà xác định theo phương pháp khấu hao tài sản do Bộ Tài chính quy định. Giá trị tài sản thế chấp được Tổ quản lý, thanh lý tài sản tính theo giá trị sổ sách bằng cách lấy giá trị tài sản ban đầu trừ đi giá trị khấu hao theo quy định. Thực tế, giá trị tài sản thế chấp được xác định theo giá thị trường thường cao hơn giá trị tài sản được xác định theo phương pháp khấu hao do Bộ Tài chính quy định. Do đó, các chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần cho rằng cách xác định giá trị tài sản nói trên của Tổ quản lý, thanh lý tài sản là không phù hợp, cần được xác định lại theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thẩm phán chủ tọa hội nghị chủ nợ cho rằng việc xác định lại giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường là không cần thiết vì giá trị của tài sản thế chấp thay đổi hàng ngày và dư nợ của doanh nghiệp bị phá sản tại chủ nợ có bảo đảm (ngân hàng) là quá lớn (gấp 2 - 3 lần giá trị tài sản thế chấp được xác định theo sổ sách). Thậm chí nếu định giá lại tài sản thế chấp theo giá thị trường, thì giá trị của tài sản thế chấp đó cũng không còn chênh lệch thừa để đưa vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp bị phá sản cho các chủ nợ không có bảo đảm và có bảo đảm một phần thu nợ.
Trong trường hợp nói trên, mặc dù giá trị tài sản thế chấp không đủ để thanh toán nợ cho ngân hàng, nhưng thẩm phán đã không thừa nhận tư cách chủ nợ có bảo đảm một phần của ngân hàng với lý do ngân hàng đã được nhận tài sản thế chấp để xứ lý, thu nợ trong khi các chủ nợ khác (chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần) không còn cơ hội để thu nợ vì doanh nghiệp sắp bị Tòa án tuyên phá sản và giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp hầu như bằng không hoặc có rất ít, không đủ thanh toán các chi phí để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp trong thời gian chuẩn bị làm thủ tục phá sản (2 - 3 năm). Do vậy, Tòa án ra quyết định giao cho ngân hàng nhận tài sản thế chấp để trừ cho toàn bộ dư nợ của doanh nghiệp bị phá sản tại ngân hàng chứ không cấn trừ nợ theo giá trị của tài sản thế chấp được Tổ quản lý, thanh lý tài sản xác định.
Như vậy, việc Tòa án tuyên buộc ngân hàng nhận tài sản thế chấp của doanh nghiệp bị phá sản để cấn trừ cho toàn bộ dư nợ mà không căn cứ giá trị của tài sản thế chấp như trường hợp trên đây là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.
2. Ngân hàng phải nhận quyền khai thác tài sản thế chấp để thu nợ
Trong trường hợp nêu trên, tài sản thế chấp là khách sạn hình thành từ vốn vay của ngân hàng. Khách sạn này được xây dựng trên diện tích đất do một bên trong liên doanh hoặc một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn, bên còn lại dùng vốn tự có của mình và vốn vay ngân hàng để xây dựng. Do đó, sau khi khách sạn được hình thành và đi vay hoạt động, lợi nhuận và rủi ro từ việc khai thác, kinh doanh khách sạn sẽ được phân chia cho các bên theo tỷ lệ vốn góp tương ứng của mỗi bên. Khi chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên phải thanh lý tài sản doanh nghiệp, thanh lý hợp đồng.
Đối với doanh nghiệp liên doanh mà bên Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì giá trị còn lại của quyền sử dụng đất đã góp vốn thuộc tài sản thanh lý của doanh nghiệp. Cho nên, trong trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp liên doanh và thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật, bên nước ngoài có quyền quyết định phần tài sản thuộc sở hữu của mình theo một trong những cách thức sau: chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam; chuyển nhượng cho bên Việt Nam hoặc bán cho các bên khác theo giá thị trường. Chính vì vậy, khách sạn được xây dựng trên diện tích đất do bên Việt Nam góp vốn có thể được xứ lý theo một trong ba cách thức trên đã được thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh.
Khi nhận thế chấp khách sạn của các doanh nghiệp liên doanh hoặc một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, các ngân hàng nước ta dường như chưa chú trọng đến những điều khoản trong hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh mà thường quan tâm, xem xét kỹ đến điều kiện của tài sản bảo đảm. Nếu khách sạn được mua bán/chuyển nhượng, không có tranh chấp và bên thế chấp có các giấy tờ hợp pháp về quyền sở hữu, sử dụng, thì khách sạn đó đủ điều kiện thế chấp để bảo đảm tiền vay tại ngân hàng. Cho nên, trong trường hợp này, các ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có quyền nhận thế chấp khách sạn trên để cho vay vốn. Hơn nữa, hợp đồng liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên liên doanh/các bên hợp tác kinh doanh không có bất kỳ điều khoản nào hạn chế hay ngăn cấm doanh nghiệp liên doanh, một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh thế chấp khách sạn để vay vốn ngân hàng. Nhiều trường hợp không chỉ có bên còn lại trong doanh nghiệp liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh đồng ý mà cơ quan chủ quản của các bên này cũng có văn bản đồng ý cho doanh nghiệp liên doanh/bên kia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh thế chấp khách sạn để vay vốn ngân hàng. Do vậy, việc ngân hàng nhận thế chấp khách sạn để bảo đảm tiền vay nêu trên vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa không trái với thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp khách sạn mà bên thế chấp lâm vào tình trạng phá sản, thì tài sản thế chấp có thể bị kê biên theo quyết định của thẩm phán. Trước khi ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải triệu tập hội nghị chủ nợ để giải quyết khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản lập bảng kê. Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tuyên giao cho ngân hàng nhận quyền khai thác một khách sạn ở Hà Nội trong thời gian còn lại của hợp đồng hợp tác kinh doanh để thu hồi nợ chứ không giao khách sạn cho ngân hàng quản lý, khai thác và phát mại để thu nợ vì thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án cho rằng khách sạn trên đã được các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thỏa thuận chuyển giao cho bên Việt Nam khi kết thúc thời hạn hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do vậy, tài sản thế chấp để bảo đảm tiền vay tại ngân hàng không phải là khách sạn hình thành từ vốn vay của ngân hàng mà chỉ là quyền khai thác khách sạn trong thời hạn còn lại của hợp đồng hợp tác kinh doanh.
3. Quan điểm của tác giả và đôi điều kiến nghị
3.1. Quan điểm
Các cứ các quy định hiện hành của pháp luật, chúng tôi cho rằng việc Tòa án tuyên buộc ngân hàng phải nhận quyền khai thác khách sạn trong thời hạn còn lại của hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh để thu nợ như trường hợp nói trên là không phù hợp vì những lý do sau đây:
Thứ nhất: Hợp đồng thế chấp tài sản đã xác định rõ tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là khách sạn chứ không phải là quyền khai thác khách sạn.
Thứ hai: Khách sạn được dùng để thế chấp bảo đảm tiền vay là tài sản hình thành chủ yếu bằng vốn vay của ngân hàng nhận thế chấp (chiếm đến 85% tổng vốn đầu tư để hình thành nên khách sạn).
Thứ ba: Theo thỏa thuận giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp trong hợp đồng thế chấp tài sản, thì khi bên vay không trả được nợ đến hạn, bên cho vay (bên nhận thế chấp) được phép xử lý tài sản thế chấp theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ tư: Bộ luật Dân sự và pháp luật về bảo đảm tiền vay (Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan) đều quy định trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp. Do vậy, thời điểm xử lý tài sản thế chấp không phụ thuộc vào thời điểm chấm dứt hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc sự thỏa thuận của các bên trong những hợp đồng này.
Thứ năm: Theo Điều 35 của Luật phá sản 2004, trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, thì các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được ưu tiên thanh toán bằng tài sản đó; nếu giá trị tài sản thế chấp không đủ thanh toán số nợ, thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp.
Thứ sáu: Pháp luật về đất đai quy định khi kết thúc thời hạn liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được quyền lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất có thu tiền của Nhà nước để tiếp tục thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản gắn liền với đất (quản lý, khai thác và phát mại). Do đó, nếu được Tòa án giao cho ngân hàng quản lý, khai thác và phát mại khác sạn, thì khi kết thúc thời hạn liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh, ngân hàng hoặc bên mua được khách sạn sẽ được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền.
Thứ bảy: Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh có giá trị pháp lý cao hơn hợp đồng thế chấp tài sản. Mặt khác, nước ta cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc xử lý tài sản thế chấp để thu nợ chỉ được thực hiện nếu tài sản thế chấp đó không được chuyển giao cho một bên liên doanh/một bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Chính vì những lẽ trên, việc Tòa án tuyên giao cho ngân hàng quyền quản lý và khai thác, sử dụng khách sạn trong thời hạn có hiệu lực còn lại của hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh là không phù hợp với thoả thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp và quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay. Điều này còn vô hình chung tạo điều kiện cho một bên trong liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi từ giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp bị phá sản (bên vay vốn): bên không phải bỏ vốn ra để hình thành nên khách sạn thì được sở hữu khách sạn đó theo quyết định của Tòa án, trong khi bên bỏ vốn để xây khách sạn và nhận thế chấp khách sạn lại không được quyền khai thác, quản lý và phát mại khách sạn để thu nợ.
3.2. Đôi điều kiến nghị
Từ thực trạng giải quyết vụ án phá sản nêu trên, chúng tôi xin có một vài kiến nghị nhỏ như sau:
- Các ngân hàng thương mại cần có văn bản báo cáo với vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế) về thực trạng Tòa án các địa phương không thừa nhận tài sản bảo đảm tiền vay trong trường hợp tài sản đó đã được bên bảo đảm và bên còn lại trong liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh thỏa thuận chuyển giao bất động sản cho một bên còn lại đó khi kết thúc thời hạn liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh (tương tự như trường hợp nêu trên).
- Trên cơ sở văn bản báo cáo của các ngân hàng thương mại về thực trạng nêu trên, vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và báo cáo lên cấp trên của mình để có văn bản kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng thương mại.
- Tòa án nhân dân tối cao có thể kết hợp với báo cáo của các Tòa án địa phương để tổng kết và có chỉ đạo đường lối xét xử thống nhất về các vụ án tương tự trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp không trái với quy định của pháp luật và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay, quy định khác có liên quan.
- Trong khi chưa có văn bản chỉ đạo hoặc văn bản hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vụ án tương tự nêu trên, thì trước khi nhận thế chấp bất động sản của doanh nghiệp liên doanh hoặc một bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh để cho vay vốn, các ngân hàng thương mại nên xem xét kỹ hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến thanh lý hợp đồng hoặc quyền, nghĩa vụ của các bên. Nếu phát hiện hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh có điều khoản về việc chuyển giao tài sản đó cho một bên còn lại trong liên doanh hoặc một bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khi kết thúc thời hạn liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì ngân hàng nên yêu cầu bên vay thay thế bằng tài sản bảo đảm khác hoặc sửa đổi điều khoản tương ứng trong hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hướng có lợi cho mình. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh chỉ có hiệu lực sau khi đã được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận. Vì vậy, các ngân hàng nên có các luật sư nội bộ có năng lực hoặc thuê luật sư chuyên nghiệp bên ngoài thực hiện việc rà soát hợp đồng liên doanh/hợp đồng hợp tác kinh doanh để đưa ra các ý kiến pháp lý.
TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 24/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét