Có phải thầy cô đang trở thành nỗi khiếp sợ với học trò?
Xã hội mới biết đến một số cô giáo phạt học sinh bằng cách cho tất cả học trò trong lớp tát học sinh đó, rồi lấy băng dính dán miệng học trò lại vì bé khóc quá nhiều. Nhưng công luận chỉ biết đến vì những đứa học trò đó phải đi bệnh viện, có đứa còn thập tử nhất sinh. Còn biết bao nhiêu trường hợp như vậy nhưng không được nói ra vì đứa trẻ chưa bị thương tổn cơ thể và bố mẹ chúng dù tức giận cũng chẳng có bằng cớ gì mà kiện cáo. Chị N.H.H, có một con nhỏ đang học mẫu giáo kể: “Nhắc đến là ức nghẹn cổ. Hôm trước, con đi học về hào hứng kể rằng, hôm nay con được đá vào chim bạn T. Bạn ấy hư, cô bảo từng bạn một trong lớp ra đá bạn ấy”.
Họ tức lắm, nhưng họ không nói gì bởi: “Có nói, các cô chối ngay. Lời trẻ con, ai biết là đúng hay sai. Hơn nữa, có thể xả được một ít tức thì con mình lại bị các cô ghét”, chị H nói. Vâng, nhưng trẻ con ngây ngô lắm, chúng làm sao bịa ra được chuyện đó. Bức xúc quá, chị H nói chuyện với phụ huynh của cháu T và biết cháu không bị thương tổn gì. Nhưng đó là về mặt cơ thể, còn tinh thần, ai biết được trong đầu đứa trẻ đó có hình thành một nỗi sợ hãi? Sẽ ra sao nếu bài học đầu tiên tiếp nhận vào đầu óc non nớt của chúng không phải là những núi sông, cánh đồng, những điều đẹp đẽ, mà lại là “bạo lực”?
Những đứa học trò lớn hơn có thể không bị đánh nhưng lại phải nhìn thấy sự xuống cấp đạo đức của những người giảng dạy cho chúng về lễ, về văn. Chúng biết thế nào là điểm đắt, điểm rẻ bởi trong rất nhiều trường hợp mà báo chí đã nêu, điểm số không đi đôi với học lực mà lại tăng tỷ lệ thuận với số quà bố mẹ chúng “biếu” các thầy cô giáo. Chúng hiểu khi cãi thầy cô thì sẽ bị đối xử thế nào. Và kết cục, hầu hết học trò ngày nay, kể cả những trò giỏi, trong lớp thì thưa cô, thưa thầy, ra ngoài đường thì biến thành “bà ấy thế nọ, lão ấy thế kia”.
Sẽ có một số những đứa trẻ ấy bước chân vào trường Sư phạm để tiếp tục cái nghề dạy học cao quý. Bạn Hồ Lê, một cựu sinh viên trường Sư phạm đã viết thế này: “Một khi tình yêu nghề không có từ trước thì trong vòng 4 năm học thật khó có thể gieo hạt mầm cho những nhà giáo tương lai tốt”. Thêm vào đó là việc dạy đạo đức cho các thầy cô giáo tương lai. Nó cũng đơn điệu, khô cứng, kém hiệu quả và thiếu sự quan tâm như môn “giáo dục công dân” tại các trường phổ thông vậy.
Và rồi những thầy cô giáo đó, khi ra trường đi làm, tình yêu nghề thì ít mà những lo toan cuộc sống thì nhiều. Bởi vậy, họ lại mải lao vào kiếm tiền bằng mọi cách để rồi xao lãng trách nhiệm và đạo đức của những người thầy, người cô mà từ thời còn ở trường Sư phạm, họ cũng chẳng mấy để ý.
Cứ như thế, không biết từ bao giờ, sự kính trọng đối với người thầy trong lòng các học trò đã xói mòn dần. Người thầy không giống như những người chắp cánh những ước mơ mà trở thành những người “bán chữ” thực sự.
Xin đừng tiên trách nhân…
Cả xã hội sôi sục bước vào kinh tế thị trường. Ngành ngành, nghề nghề lao vào cơn lốc bán mua, trao đổi. Nhiều tiền thì mua hàng tốt, ít tiền thì mua hàng chất lượng thấp hơn. Mọi thứ đều được quy đổi rõ ràng.
Giáo dục thì sao? Kiến thức, tình yêu cuộc sống, trách nhiệm xã hội mà những người thầy truyền đạt cho học sinh không thể được gọi là một món hàng. Bởi vậy, sống trong bầu không khí “thị trường” nhưng các nhà giáo lại hưởng mức thu nhập của người “bán cháo phổi”. Bởi thế, khi kinh tế bung ra, nghề giáo trở nên thấp kém hơn. Nói như nhà phê bình Lại Nguyên Ân, “thời chúng tôi lớn lên, người không đỗ ngành nào thì mới vào sư phạm”.
Để có thể tồn tại trong môi trường đó, các thầy cô giáo đã tìm kẽ hở để lách vào, nâng cuộc sống mình lên bằng cách dạy thêm, bán điểm, bán sự ưu ái cho học trò. Chính quá trình tự tìm cách kiếm chác cho mình đã tạo ra những ngoại lệ cho vai trò của người thầy, gây ra những vi phạm đạo đức. Đó chính là nguyên nhân được rất nhiều nhà giáo dục dùng đến hiện nay khi bàn về sự xuống cấp đạo đức của người thầy. Giáo sư Hoàng Tụy lý giải: “Thầy cô giáo không được chăm sóc nghề nghiệp, cuộc sống. Chỉ cấp cho người ta một đồng lương đủ sống trong mươi hôm. Bởi vậy họ phải lo kiếm sống, mệt mỏi nên dễ phạm lỗi”. Hơn nữa, “cái nghề chẳng đáng bao nhiêu, người ta không thiết tha lắm, nên bất cần”.
Bất cần nên họ thôi không cần chăm sóc cho hình ảnh của mình, họ không cần phải là những tấm gương cho học trò mà chỉ chú tâm vào một điều duy nhất: kiếm sống. Đáng sợ nhất là khi kiếm sống lại được đặt trên cả lương tâm và đạo đức. Bởi thế nên mới có chuyện một trường học đã bỏ đói hàng loạt các em học sinh trong bữa trưa chỉ vì phụ huynh các em đó chưa nộp tiền ăn trưa.
Nhưng cũng có thể nói rằng giáo dục chỉ là nạn nhân trong một xã hội mà đạo đức chung đã xuống cấp từ bấy lâu nay rồi. “Không thể đòi hỏi giáo dục đi trước trong khi xã hội vẫn có chuẩn văn minh thấp hơn”, nhà văn Lại Nguyên Ân nói. Còn giáo sư Hoàng Tụy cũng khẳng định không phải giáo viên xấu mà là “xã hội tốt thì nhiều người tốt, trong xã hội không tốt, nhiều người vốn tốt nhưng trở nên xấu”. Như vậy, lỗi lại thuộc về những nhà quản lý, như giáo sư Tụy nhận xét: “Phải xem lại cách quản lý, có sai gì, có khuyết tật gì. Sai hệ thống, từ đó đẻ ra các cái sai khác”.
Những điều trên không sai. Song điều nghịch lý là ở chỗ, giáo viên đổ lỗi cho thu nhập nhưng những năm qua ngân sách dành cho giáo dục không hề thấp, 20% ngân sách dành cho giáo dục là mức mà Việt Nam có thể hoàn toàn tự hào là ngang bằng với mức những nước tiên tiến chi cho giáo dục. Mức thu nhập của giáo viên ở thành thị có thể thấp so với mức thu nhập chung nhưng với đa số giáo viên ở các vùng nông thôn, mức thu nhập đó không hề ít so với những người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Sẽ là quá dễ khi đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế như bao ngành khác đã làm. Một thằng ăn cắp khi ra trước tòa không thể lý luận rằng: không thể buộc tội tôi vì xã hội không tạo cho tôi việc để kiếm tiền hay xã hội còn có biết bao nhiều thằng tham nhũng (cũng là một dạng ăn cắp) vẫn ung dung nhởn nhơ. Vậy những người chắp cánh cho nền tri thức nước nhà, có nên “tiên trách nhân” như thế không?
Hết thời độc quyền kiến thức
Từ xa xưa, xã hội Việt Nam đã tôn nghề giáo làm ông thầy của xã hội. Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Mọi kiến thứ trò thu được là từ thầy, mọi chuẩn mực đạo đức trò học theo cũng là người thầy. Thầy giống như vị thánh. Hình ảnh người thầy vì thế cũng đẹp vôcùng, mỗi người học trò soi vào thầy để mà phấn đấu, lấy cái đạo của thầy làm đạo của mình.
Tư duy “quân - sư - phụ” đó bám sâu vào đầu óc của rất nhiều thế hệ người Việt. Chỉ mới đây thôi, khi vụ việc một cô giáo ở trường tiêu học Trưng Vương tát một em học sinh đến đỏ cả má bị đưa ra công luận, cô giáo hiệu trưởng của ngôi trường có tiếng này đã phát biểu rằng: “Cô giáo cũng giống như một người mẹ, thấy con không nghe lời thì có quát mắng. Đánh con đấy nhưng cũng đau lòng lắm chứ”. Đó là tư duy của thời xưa, còn khi xã hội dân chủ phát triển, các mối quan hệ trong xã hội cũng vì thế mà khác đi.
Nếu như thầy giáo ngày xưa có thể thẳng tay vụt học trò, dùng những hình phạt nặng nề như quỳ trên gai mít thì ngày nay điều đó là không thể. Theo chuẩn mực hiện đại, hành vi đó là vi phạm quyền con người, vi phạm quyền trẻ em khi Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Một người ăn cắp đồ của bố mẹ có thể không bị bố mẹ phạt, nhưng ra trước xã hội, ra trước pháp luật, kẻ đó phải bị trừng trị. Bởi vậy mà cô giáo khi đứng trên bục giảng, khi ăn lương của xã hội thì không thể cho rằng mình có quyền đánh học trò như đánh con mình được. Cái khái niệm “thương cho roi vọt” đã không còn được các bậc phụ huynh, các học trò hay nói rộng hơn là xã hội hiện đại chấp nhận nữa.
Cũng như thế, xã hội thông tin phát triển đã cướp đi cái độc quyền kiến thức của người thầy. Học trò ngày xưa có thể nuốt từng lời thầy giảng và coi đó như một thứ đạo chỉ có thể tiếp thu được ở nơi thầy. Nhưng học trò ngày nay không chỉ có thầy. Chúng có thể đọc vô khối loại sách báo, xem truyền hình, và tìm hiểu vô vàn kiến thức trên internet. Chỉ một điều thầy cô nói sai, chúng cũng có thể kiểm tra thông tin đó ở hàng loạt các phương tiện truyền thông.
Chính bởi thế mà kiến thức thầy cô đưa ra không còn là tuyệt đối nữa. Trong một môi trường giáo dục tiên tiến và hiện đại, trò có thể dung nạp đủ kiến thức để tranh luận với thầy cô, trò cũng có thể có đủ hiểu biết để phản bác những điều thầy cô đưa ra. Điều đó không có nghĩa là học trò các nước phương Tây không còn tôn trọng thầy cô. Đúng hơn, đó giống như một liều thuốc kích thích giúp các học trò phát huy tối đa năng lực và thôi thúc các thầy ngày càng phải hoàn thiện mình. Giáo dục cũng vì thế mà nâng lên.
Nhà trường: đừng là ốc đảo của sự lạc hậu
Khi xã hội chuyển mình, ai cũng phải tự thích nghi để thay đổi với xu thế mới thì dường như nhà trường vẫn là “ốc đảo của sự lạc hậu”. Không ít các thầy cô giáo vẫn ung dung tự tại về cái quyền “tối thượng” của mình. Bởi vậy mà khi không có roi, họ cho các học sinh này tát các học sinh kia, họ sẵn sàng đóng vai trò cảnh sát khi khám người một học sinh trước toàn thể các bạn chỉ vì nghi ngờ em đó ăn trộm, để dẫn đến kết cụ là em đó phải tự tử. Và họ cũng tự cho rằng mình có quyền bất khả xâm phạm nên dù được học hành, họ vẫn dám gạ tình nữ học sinh hay thậm chí là cưỡng hiếp những em học sinh chỉ mới học lớp 3, lớp 5…
Lạc hậu còn ở chỗ khi kiến thức trong xã hội giờ đã phải được cập nhật từng phút, từng giây thì trong nhà trường kiến thức dẫm chân tại chỗ như những bước tập mốt hai mốt tại chỗ của các em học sinh trong giờ nghi thức. Hô to đấy, bước đều đấy nhưng chẳng tiến tí nào cả. Giáo trình dạy của một giáo viên khi bắt đầu bước vào nghề cho đến lúc về hưu, đại đa số là vẫn vậy, không cập nhật, không bổ sung, không thay đổi, cừ bài đó mà diễn. Bản thân giáo viên cũng thế. Không biết từ bao giờ đã hình thành quan niệm, “làm nghề giáo cho nhàn”, bố mẹ có con trai thích có con dâu làm giáo viên để nhàn, có thời gian chăm sóc con cái. Còn những học trò năng động, hiện đại, giỏi giang… thì không đời nào chịu thi vào trường sư phạm hoặc làm giáo viên.
Nếu không phải tự các thầy các cô đang đánh mất mình bởi quan niệm như vậy thì có thể đổ lỗi cho ai. Nghề giáo tự thân không nhàn, người ta cho rằng nó nhàn bởi vì các thầy các cô của chúng ta không mất thời gian học hỏi, đọc sách báo, bổ sung kiến thức để dạy học trò, các thầy cô không phải tìm ra phương pháp mới để giúp cho học trò tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn. Các thầy cô cũng chẳng mất thời gian tìm hiểu tâm lý, tâm tư học trò. Họ chỉ làm đúng công việc theo nghĩa thô sơ nhất của nó, lên lớp giảng những bài giảng cũ mòn. Một đứa học trò ngoan ngoãn, học giỏi, 14 tuổi đã nói với bố mẹ thế này: “Cô dốt lắm. Cái chuyện đó, cô chỉ cần vào internet, tra một cái là ra ngay, thế mà cô cũng không biết, lại còn cứ khăng khăng là mình đúng”.
Sự lười biếng của họ không những không giúp được các học trò học hỏi được nhiều mà thậm chí còn ngăn cản chúng tiến bộ. Một khi các thầy cô đã không biết, mà các thầy cô vẫn nghĩ rằng mình là nhất, họ này sinh tâm lý sợ cái mới, cái khác cái mình biết. Từ đó mà trò không được phép cãi, không được phép phản biện lại các thầy, các cô. Nói về việc học ngoại ngữ của con, chị Hà Nhi, một phụ huynh của cháu bé học lớp 3 nói: “Tôi chỉ mong các cô hãy dẹp tự ái, đừng ghét bỏ con tôi khi cháu hồn nhiên phát biểu trước lớp rằng: ‘Cô phát âm không hay bằng cô Catherine’”. Cô Catherine là người bản xứ dạy cháu trong một lớp học thêm ngoại ngữ.
Còn chị Thục Anh thì luôn luôn phải nhắc nhớ cậu con trai học lớp 6 của mình rằng: “Đến lớp con không được đố cô như thế nhé”. Cháu đọc rất nhiều sách sử, rất nhớ và thường xuyên đưa ra câu đối với mọi người xung quanh. Và khi mọi người không trả lời được, hoặc trả lời sai, cháu sẵn sàng nói: “sai rồi” và đưa ra đáp án đúng. “Ở nhà nói thế thì được, chứ đến lớp, nêu ra những câu hỏi thế cô giáo làm sao mà trả lời được, rồi cô lại ghét cho”, chị Thục Anh nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần các thầy cô giáo nữa. Trong một mớ hỗn độn những thông tin, kiến thức, các thầy các cô lại càng cần thiết để chỉ bảo cho những mầm non tương lai của đất nước biết cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở. Song để làm được vậy, các thầy các cô phải biết cái đó trước đã và họ chỉ có được khi họ không để mình tụt hậu lại phía sau. Nhà văn Lại Nguyên Ân cho rằng: “Thầy giống như người môi giới cho những đứa trẻ đi vào sự học chứ không phải quản trị toàn bộ cái sự học của người ta mà hết cái tầm của thầy là trò không còn đi đâu được nữa”.
Xin được kết bằng một mong mỏi rất thiết tha của một phụ huynh: “Tôi mong các thầy, các cô hãy là những người hướng dẫn đồng hành cần mẫn cho các cháu trong cuộc hành trình khám phá đầy thú vị. Tấm gương từ chính cuộc đời, con người của các thầy cô sẽ giúp cháu biết được điều cháu sẽ phải sống và học thế nào cho tốt”.
Như Khuê (Vietimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét