QUANG CẬN - Tạp chí Cộng sản điện tử, số 113-2006
Văn kiện Đại hội X của Đảng viết: "Qua tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới, chúng ta càng thấy rõ giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần giải đáp.
Sau Đại hội X, Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh (QC nhấn mạnh), làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội"(1). Việc tiếp tục đổi mới tư duy về sở hữu xã hội chủ nghĩa, thuộc phạm trù quan hệ sản xuất, là sự cần thiết, vừa cấp bách vừa cơ bản, xuất phát từ yêu cầu tiếp tục giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp cận những thành tựu mới nhất của kinh tế tri thức, góp phần xây dựng mô hình mới của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Theo đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, được nêu trong Cương lĩnh năm 1991 và được Đại hội X tiếp tục khẳng định, Đảng ta, trên thực tế, đã dần dần tiếp cận một tư duy mới về sở hữu xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ dài đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là chế độ đa sở hữu mà chủ thể là chế độ công hữu. Như vậy, chúng ta chấp nhận cả sở hữu tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế, bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, và nó thuộc phạm trù chế độ tư hữu; đồng thời, vẫn khẳng định chủ thể là chế độ công hữu. Đây là sự trở lại luận điểm đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sự phụ thuộc của quan hệ sản xuất vào lực lượng sản xuất dưới ánh sáng lịch sử và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình cũ: không thể xóa bỏ chế độ tư hữu một cách chủ quan khi sự phát triển cao của lực lượng sản xuất chưa cho phép. Vấn đề ở đây là: vẫn cần có tư duy mới về chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, về sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Cụ thể là, trong doanh nghiệp nhà nước của kinh tế nhà nước, thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, cùng với chủ sở hữu là nhà nước, có thể còn chấp nhận cả chủ sở hữu trực tiếp của cá nhân và tập thể người lao động không, và ý nghĩa của việc đó như thế nào? (ở đây không đề cập đến chủ sở hữu của người lao động cá thể, tiểu chủ, hộ xã viên hợp tác xã đã được xác nhận trong đường lối kinh tế nhiều thành phần).
Nhận thức của chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ về sở hữu xã hội chủ nghĩa là thiết lập chế độ công hữu, xóa bỏ chế độ tư hữu. Điều này đã được ghi trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản": "Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một công thức duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu". Sở hữu cá nhân chỉ được quan niệm là sở hữu về tư liệu sinh hoạt, không chấp nhận sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất, coi đó là sở hữu tư nhân, trái với công hữu. Đây không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề đường lối chính trị, đường lối kinh tế, là lịch sử và thực tiễn của hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ, với cả mặt tích cực và hạn chế, mà sự hạn chế là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô.
Trong chủ nghĩa xã hội mô hình cũ ở nước ta, ở các doanh nghiệp nhà nước thuộc kinh tế nhà nước, sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, khi người lao động mới được giải phóng, đã xuất hiện động lực to lớn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng theo thời gian, động lực đó bị hạn chế dần dần. Hiện nay, nền kinh tế nhiều thành phần và đa sở hữu trong sự nghiệp đổi mới đã giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, động viên các tầng lớp dân cư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng cá nhân người lao động vô sản vẫn đi làm thuê, không chỉ làm thuê cho chủ tư bản mà còn làm thuê cho cả Nhà nước; trong doanh nghiệp nhà nước, người lao động vẫn không phải là người chủ sở hữu trực tiếp về tư liệu sản xuất. Như vậy, chẳng lẽ chúng ta chỉ chấp nhận quyền chủ sở hữu về tư liệu sản xuất của người lao động cá thể, tiểu chủ, hộ xã viên hợp tác xã và của cả nhà tư bản, chứ không chấp nhận quyền đó của người lao động, của giai cấp công nhân trong doanh nghiệp nhà nước. Do đó, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, giai cấp công nhân là người làm chủ hay là người làm thuê (hay chỉ làm chủ về chính trị thông qua Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa)? Vai trò làm chủ thực tế, trực tiếp về kinh tế của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước được thể hiện như thế nào và liệu có thể tạo nên động lực mạnh mẽ trong các doanh nghiệp nhà nước, trong thành phần kinh tế nhà nước như trong các thành phần kinh tế khác hay không, và do vậy việc phát huy vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác đang được đặt ra là, kinh tế cổ phần có phải là giải pháp đột phá cho vấn đề sở hữu tài sản nói chung, sở hữu về tư liệu sản xuất nói riêng đối với mọi người dân trong tất cả các thành phần kinh tế, cả trong kinh tế nhà nước?
Tôi cho rằng, kinh tế cổ phần là một bước tiến bộ, tích cực, huy động được mọi nguồn vốn trong các tầng lớp dân cư, trong và ngoài doanh nghiệp, trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động... ; ở doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thực hiện được phần nào quyền chủ sở hữu của cá nhân người lao động. Do vậy, nó rất cần được tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, đó có phải là câu trả lời, là giải pháp của chủ nghĩa xã hội không? Bởi kinh tế cổ phần này là kinh tế của những người hữu sản, những người hữu sản không lao động và những người lao động hữu sản, không chỉ trong doanh nghiệp mà cả ngoài doanh nghiệp, cùng góp vốn vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nguyên tắc phân phối là theo tài sản, theo cổ phần, không phải là theo lao động, nghĩa là tư bản là yếu tố chi phối chứ không phải là lao động (khi người lao động chỉ có thể có tài sản bằng sức lao động của mình). ở đây là gộp nhiều c (c con) thành C (C to) và phân phối theo C, tức là từ c đến C. Ai cũng biết, giải pháp tích cực có tính đột phá này là thuộc phạm trù kinh tế tư bản, xuất hiện từ mấy thế kỷ trước, khi chủ nghĩa tư bản cần tích tụ và tập trung những khoản tiền vốn lớn để xây dựng những công trình lớn, phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta, có những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng thực chất là tư nhân hóa. Đây là điều mà Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX đã nhắc nhở cần phải tránh. Vấn đề đặt ra là, người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được mua cổ phiếu ưu đãi để trở thành cổ đông, đúng là có phần làm chủ, nhưng có chi phối được toàn bộ cổ phần không? Bởi vì, có những trường hợp, do hoàn cảnh khó khăn, người lao động phải bán cổ phiếu của mình cho nhà hữu sản có cổ phần lớn hơn và biến nó thành tư liệu sinh hoạt để giải quyết khó khăn trong đời sống. Điều đó dẫn đến cơ cấu sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp thay đổi: sở hữu cổ phần của tư nhân, tư bản tư nhân ngày càng phát triển, tỷ lệ nghịch với sở hữu cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp. Lúc này, người có cổ phần chi phối là người làm chủ doanh nghiệp chứ không phải là người lao động. Theo tôi, có thể có cái gọi là kinh tế cổ phần thuộc phạm trù kinh tế xã hội chủ nghĩa nếu chi phối cổ phần là người lao động chủ sở hữu (sẽ nêu ở dưới).
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, sức lao động cũng là một loại hàng hóa, nghĩa là có thị trường sức lao động và người lao động bán được hàng hóa sức lao động của mình, có việc làm, được đi làm thuê. Giải quyết việc làm cho người lao động, không để thất nghiệp, đúng hơn là hạn chế thất nghiệp ở mức thấp nhất, luôn luôn là vấn đề chiến lược của tất cả các nước, kể cả những nước tư bản phát triển. Tuy nhiên, có việc làm đâu phải chỉ là đi làm thuê. Nếu chỉ là lao động làm thuê, thì cũng chỉ là giải pháp của chủ nghĩa tư bản mà chủ nghĩa xã hội cũng rất cần. Giải pháp về lao động, việc làm, còn phải là lao động làm chủ, trong đó điều quan trọng nhất là làm sao để người lao động làm chủ sở hữu tư liệu sản xuất của mình trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay đã rõ, người lao động cá thể, tiểu chủ, hộ xã viên hợp tác xã làm chủ trực tiếp sở hữu của mình, nhưng còn người lao động trong doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong thành phần kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa, vẫn là người vô sản đi làm thuê như đã nêu ở trên (đương nhiên cả người lao động trong doanh nghiệp tư bản trong nước và ngoài nước). Phải chăng nên đặt vấn đề tìm nhiều biện pháp làm cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, thành phần kinh tế nhà nước, trong sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân không chỉ là chủ sở hữu gián tiếp thông qua sở hữu nhà nước, mà còn thực sự là chủ sở hữu trực tiếp của cá nhân trong sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu.
Toàn dân sở hữu, toàn dân sản xuất, kinh doanh, người lao động làm chủ sở hữu trực tiếp tư liệu sản xuất của mình, đó là giải pháp theo tư duy mới về sở hữu xã hội chủ nghĩa nói chung, kể cả trong doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước, sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu. Làm được như vậy, sẽ tạo ra một động lực mới, to lớn trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, cơ sở vật chất bảo đảm cho người dân, người lao động làm chủ chính trị, xã hội, làm chủ bản thân, giữ được phẩm chất, nhân cách trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đích thực, sẽ được xác lập và không ngừng tăng cường. Người ta thường nói: "Lao động sáng tạo ra tất cả". Cương lĩnh Gô-ta của Hội những người công nhân Đức ở thế kỷ XIX cũng nêu như vậy, và điều đó đã bị C.Mác phê phán trong "Phê phán Cương lĩnh Gô-ta" rằng, "đó là điều có thể tìm thấy trong sách vỡ lòng của các nhà trường tư sản". Theo C. Mác, lao động không thể sáng tạo ra tất cả nếu không có đối tượng lao động: thiên nhiên, ruộng đất, hầm mỏ... Nói "lao động sáng tạo ra tất cả" là lờ đi vấn đề cốt tủy: tư liệu sản xuất thuộc về ai? Đương nhiên, về vấn đề này, chủ nghĩa xã hội mô hình cũ đã có lời giải với cả mặt tích cực và hạn chế như chúng ta đã biết, và nay cần được giải quyết theo tư duy mới.
Như vậy, công hữu xã hội chủ nghĩa phải là sự liên hiệp của những người lao động trí óc và lao động chân tay làm chủ sở hữu trực tiếp về tư liệu sản xuất của mình trong nhiều hình thức: thông qua Nhà nước, trực tiếp của tập thể và của cá nhân, đan xen trong các hình thức sở hữu khác nhau, trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học và công nghệ hiện đại, của văn minh trí tuệ. Công hữu, sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước cần có sự đổi mới như thế nào đó để nó gắn liền với chế độ đa sở hữu và tác động tích cực đến các hình thức sở hữu khác.
Sở hữu thuộc phạm trù quan hệ sản xuất, nhất thiết phải phát triển phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất để phát huy tính tích cực, đẩy mạnh sản xuất, chứ không phát huy tính tiêu cực, hạn chế, kìm hãm sản xuất. Có thể dự báo sự xuất hiện và phát triển nhiều hình thức sở hữu khác nữa (và nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh) trong chế độ công hữu cũng như trong các hình thức sở hữu khác trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trước sự tác động của văn minh trí tuệ, trực tiếp là của kinh tế tri thức. Ví dụ, việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, sẽ hình thành những cái gọi là "trí nghiệp" (intelprise), khác với những xí nghiệp truyền thống (enterprise), không chỉ là một hình thức sản xuất, kinh doanh mới, mà còn là một hình thức sở hữu mới trong kinh tế tri thức. Đó là sự liên kết, hợp tác của những người lao động trí óc chủ sở hữu - làm chủ mà không nhất thiết có người làm thuê, không chỉ là chủ sở hữu trí tuệ mà có thể còn là chủ sở hữu cả cơ sở vật chất, kỹ thuật của nghiên cứu khoa học - công nghệ và sản xuất, kinh doanh.
Nên chăng, để bảo đảm quyền sở hữu trực tiếp về tư liệu sản xuất của cá nhân và tập thể người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, ngoài tiền công làm thuê như trong doanh nghiệp tư bản và doanh nghiệp nhà nước của chủ nghĩa xã hội mô hình cũ, có thể dành cho cá nhân người lao động một phần giá trị thặng dư m do chính họ làm ra, tạo thành sở hữu tập thể, không chia nhưng vẫn hình thành cổ phần riêng của từng người lao động trong tập thể người lao động của doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh? Làm như vậy, người lao động vô sản vẫn có cổ phần gắn với quyền làm chủ doanh nghiệp. Sở hữu tập thể này cũng là cổ phần của tập thể người lao động trong doanh nghiệp, được phân phối theo cổ phần (hưởng cổ tức). Cổ tức được tích tụ và tập trung để không ngừng phát triển sở hữu tập thể, cũng đồng thời là sự phát triển sở hữu cá nhân người lao động trong sở hữu tập thể đó. Nó không phải là sở hữu tư nhân, không giống cổ phần trong kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Tuy cũng là cổ phần và cổ tức, nhưng đó là phân phối theo lao động, bị lao động chi phối. Sở hữu cá nhân trong sở hữu tập thể này là lao động tích lũy của người lao động, trực tiếp thuộc về người lao động, người lao động được hưởng và trở thành tài sản đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. ở đây, m biến thành c và tích tụ, tập trung m thành C, tức là từ m đến C đều là của người lao động và do lao động chi phối. Từ đó, có thể cho rằng, kinh tế cổ phần mà người lao động là chủ sở hữu chi phối thuộc phạm trù kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, lao động của người vô sản đã tạo ra tài sản cho người vô sản một cách trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh để biến người lao động thành chủ sở hữu. ở đây, lao động của người vô sản hoàn toàn khác với nó dưới chế độ tư bản. Nó cũng không giống dưới chủ nghĩa xã hội mô hình cũ: người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, trong kinh tế nhà nước vẫn là người làm thuê (nhưng được coi là tạo ra sở hữu cho mình một cách gián tiếp, thông qua Nhà nước).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ý tưởng của mình trong Sắc lệnh số 29 (ngày 12-3-1947): "Để khuyến khích công nhân trong các ngành kỹ nghệ và thương mại, có thể định cho công nhân tham gia vào việc chia lãi hàng năm". ở đây, có thể Người nói đến những doanh nghiệp tư nhân và tư bản tư nhân có từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cả một số ít doanh nghiệp nhà nước mới hình thành sau Cách mạng Tháng Tám. Nhưng Người chỉ mới nói đến việc chia lãi, chưa nói đến việc công nhân sử dụng lãi được chia ấy như thế nào.
Sở hữu tư nhân, cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân cũng có khả năng đi vào chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng nếu định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Bởi vậy, cần tiếp tục huy động vốn trong dân cư, vốn của nước ngoài, động viên mọi nguồn lực để mở rộng và hiện đại hóa sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế cổ phần. Cần thực hiện kinh tế cổ phần thuộc phạm trù kinh tế tư bản chủ nghĩa, đồng thời nghiên cứu thực hiện kinh tế cổ phần thuộc phạm trù kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhằm dần dần bảo đảm quyền chủ sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất của mọi người lao động trong tất cả các thành phần kinh tế, kể cả trong kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu.
Như vậy, sở hữu công cộng (công hữu) không đối lập với sở hữu cá nhân (về tư liệu sản xuất). Sở hữu cá nhân phải là những tế bào của sở hữu công cộng để tạo nên động lực mạnh mẽ cho người lao động trong sản xuất, kinh doanh. Sở hữu toàn dân dưới hình thức sở hữu nhà nước không phải là ngoại lệ, dù là một hình thức đặc thù. Trong công hữu, ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, còn có sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước không phải là vô chủ mà phải có những người chủ trực tiếp, cụ thể (những cá nhân trong tập thể người lao động mà lợi ích cá nhân gắn bó trực tiếp với lợi ích tập thể, với lợi ích của cả nước).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét