Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

NGHĨA VỤ CHUNG THỦY CỦA VỢ CHỒNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ XÃ HỘI VÀ PHÁP LÝ

THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững” .

Trong tiếng Việt, chung thuỷ là vẫn một lòng trước sau như một, vẫn có tình cảm gắn bó không thay đổi.

Như vậy, khái niệm chung thuỷ là khái niệm rộng. Trong quan hệ vợ chồng thì chung thuỷ được hiểu là vợ chồng phải luôn chung tình, gắn bó tình cảm yêu thương chỉ với nhau mà thôi.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, những quan niệm về sự chung thuỷ của vợ chồng cũng có sự khác nhau cơ bản.

Trong thời kỳ nguyên thuỷ của xã hội loài người khi con người vừa thoát thai từ loài vật, chưa có quan hệ hôn nhân và gia đình. Quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà được gọi là quan hệ tính giao, mang tính chất bầy đàn và bừa bãi. Có nghĩa mọi người đàn bà thuộc về mọi người đàn ông và ngược lại, điều này được coi là phù hợp với tập quán lúc bấy giờ. Thực tế lúc bấy giờ, do điều kiện tự nhiên quyết định nên con người phải chấp nhận cuộc sống ăn ở chung, chung chạ vợ chồng và như Ph. Ăngghen đã viết “Đấy là hình thức quần hôn, một hình thức hôn nhân trong đó cả từng nhóm đàn ông và cả từng nhóm đàn bà đều là sở hữu của nhau. Trong đó ghen tuông khó lòng phát triển”.(1) Dần dần do xã hội phát triển, các hình thái hôn nhân gia đình cũng xuất hiện như tồn tại chế độ quần hôn, hôn nhân đối ngẫu, hôn nhân một vợ một chồng. Từ hôn nhân đối ngẫu đến gia đình một vợ một chồng cổ điển, khái niệm chung thuỷ đã bắt đầu được hình thành nhưng chỉ về phía người phụ nữ: “Họ mong muốn ngày càng nồng nhiệt đạt được quyền giữ trinh tiết, kết hôn nhất thời hay lâu dài chỉ với một người đàn ông và coi đó là sự giải phóng. Bước tiến đó không thể nào lại do đàn ông mà có cả, chỉ vì đến tận ngày nay không bao giờ đàn ông có ý muốn từ bỏ cái thú vui của chế độ quần hôn thực sự cả... Trong giai đoạn này, một người đàn ông sống chung với một người đàn bà, song việc có nhiều vợ và việc không chung tình khi có dịp vẫn là quyền của người đàn ông... nhưng thông thường thì phụ nữ lại phải triệt để chung tình trong thời gian chung sống với chồng, và tội ngoại tình của họ sẽ bị trừng trị một cách tàn ác... Hôn nhân cặp đôi đã đưa vào gia đình một yếu tố mới, bên cạnh người mẹ đẻ, chế độ đó đã đặt người bố, người bố thật có lẽ còn thật hơn nhiều so với những người “bố” thời nay”. (2) Sang gia đình một vợ một chồng cổ điển “để đảm bảo sự trung thành của người vợ, do đó, bảo đảm việc con cái đích thật là do người cha đẻ ra người vợ phải phục tùng quyền lực tuyệt đối của người chồng, nếu người chồng có giết vợ đi chăng nữa thì cũng chỉ là thực hành quyền của mình mà thôi”.(3)

Như vậy, trong giai đoạn này, sự chung thuỷ chỉ được đặt ra đối với người vợ và quan niệm này được duy trì khá lâu trong lịch sử phát triển của thời đại.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, các quan hệ hôn nhân và gia đình ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo. Nho giáo trở thành tư tưởng thống trị trong xã hội. Một trong những mối quan hệ cơ bản, quan trọng nhất trong xã hội là quan hệ phu phụ (vợ chồng). Pháp luật nhà Lê đã quy định những quyền và nghĩa vụ cơ bản của vợ chồng như: Nghĩa vụ đồng cư, nghĩa vụ phù trợ, nghĩa vụ trung thành và nghĩa vụ tòng phu. Nghĩa vụ chung thuỷ chỉ đặt ra đối với người vợ vì người chồng có quyền đa thê. Do đó, Bộ luật nhà Lê (Bộ luật Hồng Đức) đã quy định những hình phạt nặng nề đối với tội thông gian của người vợ “ ...Vợ cả, vợ lẽ phạm tội đều xử tội lưu, điền sản trả lại cho người chồng” (Điều 401). Người vợ có hành vi dâm đãng bị coi là phạm vào “thất xuất” để người chồng ly hôn. Mặt khác, theo tập quán lúc bấy giờ thì những người phụ nữ không đoan chính bị kỳ thị và trừng trị rất tàn ác.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, quan niệm chỉ người phụ nữ mới phải thực hiện nghĩa vụ chung thuỷ vẫn tồn tại và thể hiện rất rõ trong phong tục tập quán cũng như pháp luật. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong gia đình.

Ở miền Nam, trong thời kỳ dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà thì quan niệm này đã được thay đổi. Theo Luật gia đình năm1959, Sắc luật năm 1964, Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972, nghĩa vụ chung thuỷ có tính chất bắt buộc đối với cả hai vợ chồng: “Vợ chồng phải lấy tình nghĩa thủy chung mà đối đãi với nhau”; “Vợ chồng có nghĩa vụ chung thuỷ với nhau”. Chế tài đặt ra đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ này là rất chặt chẽ nhằm ngăn ngừa và trừng phạt các hành vi ngoại tình. Trong Luật đã quy định chế tài về hình sự: “Chồng hay vợ có quyền cấm người hôn phối không được giao du một cách quá thân mật với người nào khác mà họ xét có hại cho sự chung thuỷ vợ chồng. Nếu mặc dù có sự cấm đoán đó, người chồng hay người vợ cùng người tòng phạm tiếp tục gặp gỡ nhau một mình một cách bất chính tại nơi công cộng hay không công cộng và nếu sự vi phạm đó bị thừa phát lại hay viên chức hình cảnh theo yêu cầu của người hôn phối kia lập vi bằng kiểm chứng hai lần trong thời hạn một năm, người vi phạm và người tòng phạm có thể bị phạt tiền từ 1000 đến 50000 đồng. Nếu tái phạm thì có thể bị phạt giam từ một đến sáu tháng”.(4) Tuy nhiên, sự phạm gian của người vợ hoặc người chồng chỉ bị truy tố khi có đơn kiện của người hôn phối kia. Người tòng phạm vẫn phải chịu chế tài. Ngoài ra, lỗi phạm gian là căn cứ để người hôn phối kia yêu cầu ly thân. Sắc luật năm 1964 và Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972 đã huỷ bỏ tất cả chế tài về hình sự của Luật gia đình năm 1959 nhưng trong Bộ luật hình Canh Cải vẫn quy định sự trừng trị tội ngoại tình của người vợ. Sự ngoại tình còn là một duyên cớ ly hôn.

Qua đó có thể thấy rằng trong thời kỳ này, sự chung thuỷ của cả vợ chồng đã được chú trọng hơn thể hiện sự bình đẳng hơn trong quan hệ vợ chồng nhưng cũng còn có nhiều điểm chưa phù hợp trên thực tế.

Trong xã hội hiện đại ngày nay thì tình yêu nam nữ là cơ sở để xây dựng hôn nhân bởi như C. Mác đã nói: “Nếu chỉ riêng hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu mới là hợp đạo đức thì cũng chỉ riêng hôn nhân trong đó tình yêu được duy trì mới là hợp đạo đức mà thôi”.(5) Đó chính là cơ sở cơ bản để đảm bảo xây dựng một gia đình dân chủ hoà thuận và hạnh phúc.

Tuy vậy, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình không còn mang nguyên ý nghĩa truyền thống. Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân quan niệm khác nhau về cái gọi là “chung thuỷ”. Luật hôn nhân và gia đình quy định đó là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Và bên cạnh đó đã đưa ra những cơ chế nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó. Ở đây chúng ta thấy nảy sinh vấn đề: Một bên là tình cảm tự nhiên của con người và còn bên kia là những quy định luật pháp. Một cái mang tính bản năng tự nhiên và một cái mang tính xã hội.

Bản chất của quan hệ vợ chồng bao gồm tình yêu và nghĩa vụ. Như vậy, cái tự nhiên và cái xã hội luôn đan xen nhau, quan hệ biện chứng với nhau và không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, trong quan hệ vợ chồng cả hai bên đều mong muốn được thể hiện tình yêu và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhau, điều đó thể hiện sự chung thuỷ. Nếu một trong hai bên vợ, chồng hoặc cả hai bên lại thể hiện tình yêu với người khác, thực hiện nghĩa vụ với người khác thì đó là biểu hiện của sự không chung thuỷ. Hiện nay, pháp luật đã quy định một số chế tài kèm theo khi vợ chồng vi phạm nghĩa vụ này đó là huỷ việc kết hôn trái pháp luật khi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng... Hoặc áp dụng xử phạt hành chính, áp dụng chế tài hình sự. Tuy vậy, việc áp dụng chế tài này chỉ được một số trường hợp khi có đủ những điều kiện nhất định. Trên thực tế có rất nhiều hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ nhưng không thể áp dụng chế tài với họ được.

Thực tế hiện nay chúng ta thấy có mấy dạng vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ hay còn gọi là ngoại tình:

+ Vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân nhưng vẫn thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với gia đình. Dạng vi phạm này thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng về vật chất, bạo lực đối với gia đình. Tuy vậy có thể gây ra sự tổn thất về mặt tinh thần khá nặng nề. Sự vi phạm này có thể kéo dài liên tục, có thể công khai hoặc bí mật. Tuỳ theo từng trường hợp để xử lý theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến thì cho rằng đã là vi phạm quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì nên xử lý thích đáng. Ý kiến khác thì lại cho rằng phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xem xét có xử lý hay không. Chẳng hạn, trong thực tế có rất nhiều trường hợp do vợ hoặc chồng bị bệnh nằm liệt giường hoặc bị bệnh tâm thần. Người kia không muốn ly hôn mà vẫn tận tình chăm sóc, họ chỉ muốn có một quan hệ ngoài hôn nhân để bù đắp những khoảng trống trong họ mà thôi. Vậy nên chăng coi đây là một trường hợp ngoại lệ?

+ Vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân và không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với gia đình. Quan hệ này có thể công khai hoặc bí mật và có thể kéo dài hoặc nhất thời. Trường hợp này rõ ràng là có thể có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với gia đình so với trường hợp trên, do đó nên áp dụng hình thức xử lý thích hợp.

Tuy vậy, cả hai trường hợp trên đều rất khó xác định “ngưỡng” để áp dụng chế tài. Nếu họ kết hôn trái pháp luật thì có thể tiến hành huỷ việc kết hôn trái pháp luật đó; nếu họ chung sống như vợ chồng với người khác thì theo quy định của pháp luật chỉ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Theo quan điểm của chúng tôi, biện pháp xử lý như vậy là chưa đủ mà cần buộc họ phải chấm dứt hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải xác định thế nào là “chung sống như vợ chồng trái pháp luật”, có nghĩa là cái “ngưỡng” để áp dụng chế tài là rất nhạy cảm. Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BTP ngày 03/01/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 có quy định trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng được coi là có giá trị pháp lý, đó là khi họ đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong bốn trường hợp sau: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận; việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Có quan điểm cho rằng có thể áp dụng tương tự những điều kiện trên đây để xác định hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Nếu vậy thì hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ phải là hành vi công khai? Thiết nghĩ trong thực tế khi họ vi phạm nghĩa vụ này thường họ lén lút, vụng trộm, rất ít trường hợp công khai. Do đó, có quan điểm lại cho rằng quan hệ đó có thể công khai hoặc bí mật nhưng phải kéo dài liên tục và gây ra hậu quả nhất định cho gia đình về mặt tinh thần và vật chất thì được coi là chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Từ đó, tuỳ theo mức độ vi phạm để áp dụng chế tài theo luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính, luật hình sự. Theo quan điểm của chúng tôi, để có thể áp dụng được triệt để chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ thì chỉ cần xác định là có quan hệ ngoài hôn nhân có thể là công khai hoặc bí mật, có thể kéo dài hoặc trong một thời gian ngắn miễn là quan hệ đó có nguy cơ gây ra những hậu quả nhất định về vật chất, tinh thần cho gia đình. Ngoài ra, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ thì có thể coi đó là một lý do chính đáng để bên kia có quyền yều cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Nếu họ yêu cầu ly hôn thì trong một chừng mực có thể coi hành vi ngoại tình của phía bên kia là một tình tiết tăng nặng để khấu trừ một phần tài sản của họ theo một số phần trăm nhất định.

Tóm lại, thực hiện nghĩa vụ chung thuỷ là cơ sở để xây dựng gia đình dân chủ, hoà thuận và hạnh phúc. Do đó, các văn bản hướng dẫn cần quy định chi tiết về vấn đề này, xây dựng những cơ chế bảo vệ cần thiết cả về mặt xã hội và pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em./.


(1), (2), (3), (5).Xem: C. Mác - Ph. Ăngghen, tuyển tập 6, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1994, tr.62, 89, 96, 134.

(4).Xem: Vũ Văn Mẫu, “Việt Nam dân luật lược giảng”, Sài Gòn 1973, tr.97.

SOURCE: TẠP CHÍ LUẠT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến