ThS. Vương Thanh Thúy
Đại học Luật Hà Nội
Quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của các chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình.
Khi thực hiện quyền sở hữu, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có thể bị xâm phạm bởi hành vi của các chủ thể khác. Công cụ được coi là hữu hiệu và thiết thực nhất để bảo vệ quyền sở hữu chính là pháp luật.
Bằng những quy phạm khác nhau, Nhà nước điều chỉnh bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp bằng nhiều ngành luật như luật hành chính với những thể lệ nhằm quản lý và bảo vệ tài sản Nhà nước, tổ chức và cá nhân công dân hay các biện pháp hành chính mang tính cưỡng chế, phòng ngừa, ngăn chặn; luật hình sự với việc quy định một số hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến quyền sở hữu là tội phạm; … Trong các phương thức pháp lý bảo vệ quyền sở hữu, phương thức dân sự, với những đặc điểm riêng, có vai trò to lớn và được coi là có hiệu quả thiết thực nhất vì nó khôi phục lại tình trạng ban đầu về mặt vật chất cho chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp.
Phương thức dân sự bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những phương thức kiện dân sự trước Toà án để chủ sở hữu có thể thông qua đó đòi lại tài sản của mình đang bị người khác chiếm giữ bất hợp pháp, đòi người khác phải bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc yêu cầu ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu.
Như vậy, kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là một phương thức kiện dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của người bị xâm phạm quyền sở hữu. Theo Điều 260 của Bộ luật Dân sự: ‘Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại’.
Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (còn được gọi là kiện trái quyền) là một trong những phương thức rất phổ biến được sử dụng để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp. Để hiểu rõ về phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong phạm vi bài viết này, những điều kiện làm phát sinh phương thức kiện cần được tìm hiểu như chủ thể nào có quyền khởi kiện, chủ thể nào có thể bị kiện và tình trạng tài sản thoả mãn điều kiện của phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, trong những trường hợp cụ thể nào, phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng.
* Chủ thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo Điều 260 của Bộ luật Dân sự, chủ thể khởi kiện có thể là chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
Như vậy, ngoài chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản cũng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đối với vấn đề này, có một số điểm, theo chúng tôi, cần xác định rõ.
Thứ nhất, về quy định người chiếm hữu hợp pháp
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt là ba quyền năng thuộc quyền sở hữu. Bộ luật Dân sự chỉ phân loại chiếm hữu thành hai hình thức là chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Theo Điều 183 Bộ luật Dân sự, chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp: chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; người không phải là chủ sở hữu chiếm hữu tài sản trong các trường hợp: được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản, được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật, phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện của pháp luật quy định, phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định và các trường hợp khác.
Như vậy, không có quy định trong Bộ luật Dân sự đề cập đến chiếm hữu hợp pháp là chiếm hữu của chủ thể nào. Theo cách hiểu thông thường, chiếm hữu hợp pháp là chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu bất hợp pháp là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Nếu xét trên mặt ngữ nghĩa, cách hiểu này cũng chưa được thoả đáng. ‘Bất hợp pháp’ có nghĩa là không phù hợp quy định của pháp luật. ‘Không có căn cứ pháp luật’ là không tồn tại quy định nào của pháp luật để dựa vào. Hai ý nghĩa này không phải lúc nào cũng trùng khớp. Trong thực tế, sẽ có những trường hợp, sự chiếm hữu là không dựa trên quy định nào của pháp luật nhưng nó không trái với nguyên tắc chung của luật. Ví dụ với một số trường hợp người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật có nên xác định là chiếm hữu bất hợp pháp hay không?
Đặt giả thiết là cách hiểu này hoàn toàn hợp lý và chính xác về mặt ngữ nghĩa, quy định tại Điều 260 cũng vẫn tồn tại vấn đề cần xem xét. Nếu chiếm hữu hợp pháp là chiếm hữu có căn cứ pháp luật thì người chiếm hữu hợp pháp chính là chủ sở hữu và người không phải chủ sở hữu trong một số trường hợp đã nêu tại Điều 183. Điều 260 ghi rõ: ‘Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại’. Vậy, ‘chủ sở hữu’ với tư cách là người chiếm hữu hợp pháp (Điều 183) và ‘chủ sở hữu’ nói riêng (Điều 260) có trùng nhau hay khác nhau?
Theo quan điểm của chúng tôi, ở đây, điều luật chỉ quy định về chủ sở hữu tài sản mà thôi.Vấn đề nằm ở chỗ, quy định của Điều luật chưa thực sự xác đáng, dẫn đến trùng lặp trong cách diễn đạt và cách hiểu. Để có thể hiểu chính xác hơn, theo chúng tôi, quy định này nên ghi nhận: Chủ sở hữu và người không phải chủ sở hữu chiếm hữu có căn cứ pháp luật có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai về quy định người có quyền khởi kiện
Theo quy định của luật Dân sự, để trở thành chủ sở hữu tài sản, một cá nhân không cần đáp ứng yêu cầu có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Căn cứ xác lập quyền sở hữu được Bộ luật Dân sự quy định rõ trong Chương XIV, Mục 1 từ Điều 233 đến Điều 247 với các trường hợp theo các căn cứ riêng biệt, theo hợp đồng dân sự hoặc theo các trường hợp cụ thể được pháp luật quy định như đối với tài sản do lao động, kinh doanh hợp pháp; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, chôn giấu, chìm đắm, vô chủ, không xác định chủ sở hữu; tài sản được thừa kế, …
Theo quy định của luật Tố tụng Dân sự, điều kiện khởi kiện vụ án dân sự bao gồm các điều kiện về chủ thể, thời hiệu, thẩm quyền của Toà án, vụ án chưa được xem xét giải quyết tại Toà án (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định) và một số điều kiện về mặt hình thức khác (theo Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Trong đó, tư cách người khởi kiện là một điều kiện quan trọng.
Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự mà tiến hành khởi kiện sẽ bị Toà án trả lại đơn khởi kiện. Không có quyền khởi kiện được hiểu là không có quyền và lợi ích hợp pháp giả thiết bị xâm phạm, không có tư cách đại diện cho người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc không phụ trách lĩnh vực bị xâm phạm về quyền và lợi ích công cộng. Năng lực hành vi tố tụng dân sự, ngoài những trường hợp đặc biệt được quy định trong luật cũng trùng với năng lực hành vi dân sự. Đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Quy định tại Điều 260 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp có quyền khởi kiện nên hiểu như thế nào? Đó là những người chỉ có quyền với ý nghĩa là năng lực pháp luật dân sự hay đó là những người có quyền thực tế thực hiện hành vi khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự?
Nếu họ là những người được thực tế thực hiện hành vi khởi kiện, quy định của luật Dân sự và quy định của luật Tố tụng Dân sự sẽ có điểm chưa hài hoà, đồng nhất. Theo quy định của luật Tố tụng Dân sự, năng lực hành vi tố tụng dân sự không quyết định tư cách nguyên đơn, bị đơn nhưng lại quyết định tư cách của người khởi kiện. Như vậy, nếu gặp trường hợp chủ sở hữu tài sản là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, dù có thoả mãn các điều kiện có thể áp dụng phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, họ vẫn không thể tiến hành kiện trên thực tế.
Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, ‘quyền khởi kiện’ quy định tại Điều 260 Bộ luật Dân sự nên hiểu đó là năng lực pháp luật dân sự và năng lực pháp luật tố tụng dân sự của chủ sở hữu và những người khác. Có nghĩa là những người này theo quy định pháp luật có quyền và nghĩa vụ dân sự, có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc thực hiện hành vi khởi kiện, yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên thực tế phải căn cứ vào mức độ năng lực hành vi dân sự của của các đương sự trong những trường hợp cụ thể.
* Điều kiện khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Để thực hiện phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo chúng tôi, cần đáp ứng được hai nhóm điều kiện cơ bản. Đó là nhóm điều kiện về sự chiếm hữu vật và nhóm điều kiện về vật (tài sản bị kiện, đang tranh chấp) ở thời điểm khởi kiện.
Thứ nhất, nhóm điều kiện về sự chiếm hữu vật
Điều kiện về sự chiếm hữu vật có thể hiểu trên những góc độ sau: vật rời khỏi chủ sở hữu, người khác chiếm hữu có căn cứ pháp luật là theo ý chí của những người này, người thứ ba chiếm hữu được tài sản là thông qua giao dịch dân sự có đền bù và tài sản, đối tượng phương thức kiện là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.
- Tài sản rời khỏi chủ sở hữu hoặc người khác chiếm hữu có căn cứ pháp luật theo ý chí của họ
Vấn đề đầu tiên cần xác định là tài sản đã rời khỏi sự chiếm hữu của người có quyền như thế nào, có theo ý muốn của họ hay không, có bị chiếm đoạt, tước đoạt quyền sở hữu hay không.
Điều kiện này cho thấy, tài sản tranh chấp không bị tước đoạt khỏi sự chiếm hữu có căn cứ pháp luật ngoài ý muốn của các chủ thể có quyền chiếm hữu. Nói cách khác, tài sản được chuyển giao sự chiếm hữu thông qua các hành vi có ý thức của người có quyền chiếm hữu như cho mượn, cho thuê, cho vay, …
- Người đang thực tế chiếm giữ vật là người thứ ba ngay tình, có được tài sản thông qua giao dịch dân sự có đền bù
Người thứ ba ngay tình là người chiếm giữ tài sản không dựa trên bất kỳ căn cứ nào tại Điều 183 Bộ luật Dân sự về các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật nhưng không biết hoặc không buộc phải biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật.
Người này có được tài sản bằng giao dịch dân sự có đền bù. Nghĩa là người này có được tài sản bằng hành vi mua bán, trao đổi tài sản, đổi một tài sản khác để được tài sản đang chiếm giữ.
- Tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu trừ một số ngoại lệ do pháp luật quy định.
Tài sản thoả mãn điều kiện của phương thức kiện, về nguyên tắc phải là động sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Dân sự, động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Có nghĩa tài sản này không là đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng, gắn liền với đất đai hoặc các một số tài sản theo quy định của pháp luật là bất động sản.
Ngoài ra, tài sản thoả mãn điều kiện của phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại còn phải là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Nghĩa là việc sở hữu các động sản này không cần đăng ký theo thủ tục nhất định tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những tài sản này thông thường là những tài sản có giá trị không lớn, không ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và do vậy, không cần sự quản lý theo thủ tục đăng ký của các cơ quan chức năng.
Về nguyên tắc, chỉ có tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu mới thoả mãn điều kiện của phương thức kiện này. Nhưng theo quy định tại Điều 258, tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản cũng có thể trở thành điều kiện của phương thức kiện này nếu như thuộc một trong hai trường hợp: người thứ ba ngay tình có được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Những trường hợp này, lỗi xác định là từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Người tham gia giao dịch không thể biết được việc chiếm hữu của mình thực sự là không có căn cứ pháp luật. Họ không phải chịu trách nhiệm về lỗi của cơ quan Nhà nước. Do vậy, họ được bảo vệ quyền sở hữu.
Có thể thấy, nhóm quan hệ về sự chiếm hữu vật vừa nêu thuộc nội hàm của nguyên tắc bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu ba điều kiện này thoả mãn, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu có căn cứ pháp luật khác không thể thực hiện phương thức kiện đòi tài sản với người đang chiếm hữu vật trên thực tế. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ chỉ có thể thực hiện phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, nhóm điều kiện về vật
Khi chủ sở hữu hoặc những người khác chiếm hữu có căn cứ pháp luật bị xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, họ có thể khởi kiện để đòi tài sản hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi vật, tài sản đã rời khỏi họ theo những điều kiện nêu trên, có những trường hợp, họ chỉ có thể khởi kiện theo phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không thể kiện đòi tài sản. Đó chính là những đặc điểm của vật ở thời điểm khởi kiện.
Có hai đặc điểm cơ bản có thể nêu trong trường hợp này. Đó là vật hiện không còn trong tay người bị kiện (không xác định được người đang chiếm hữu vật); vật bị tiêu hủy hoặc không còn nguyên trạng như khi rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu có căn cứ pháp luật khác.
- Không xác định được người đang chiếm hữu thực tế vật
Sau khi vật rời khỏi chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu có căn cứ pháp luật khác theo ý chí của những người này, việc chiếm hữu vật có thể được chuyển giao cho người khác. Khi không thoả mãn các yếu tố có thể áp dụng nguyên tắc bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, người đang chiếm giữ tài sản sẽ không được bảo vệ quyền sở hữu và có thể bị kiện đòi tài sản. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng xác định được người này. Vì các chủ thể, các mối quan hệ trong xã hội rất đa dạng và phức tạp.
Ví dụ 1, A là chủ sở hữu của chiếc điện thoại di động Nokia N72 trị giá 5 triệu đồng. A cho B mượn điện thoại để sử dụng trong 1 tuần. Sau đó, B bị C móc trộm điện thoại khi đang đi trên đường.
Ví dụ 2, A là chủ sở hữu của chiếc điện thoại di động Nokia N72 trị giá 5 triệu đồng. A cho B mượn điện thoại để sử dụng trong 1 tuần. Sau khi gặp gỡ và làm quen một người lạ là C, B đã cho C chiếc điện thoại trên
Ví dụ 3, A là chủ sở hữu của chiếc điện thoại di động Nokia N72 trị giá 5 triệu đồng. B đã móc trộm điện thoại của A rồi bán cho C với giá 2 triệu đồng.
Trong cả ba trường hợp trên, C đều có thể bị khởi kiện đòi tài sản. Vì nguyên tắc bảo vệ người thứ ba ngay tình không được áp dụng. Tuy nhiên, nếu không thể xác định C hiện đang ở đâu hoặc C sau khi có được tài sản đã đem bán, tặng, cho người khác và người này không xác định hiện ở đâu thì dù có thoả mãn điều kiện kiện đòi tài sản, những trường hợp trên cũng không thể kiện đòi tài sản được. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những chủ thể có quyền khởi kiện chỉ có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
- Vật bị tiêu hủy hoặc không còn nguyên trạng
Một đặc điểm rất điển hình của phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là tình trạng của vật.
Khi tất cả các điều kiện khác của kiện đòi tài sản đều được thoả mãn, các chủ thể đều được xác định rõ ràng, nếu vật bị kiện không còn tồn tại hoặc không còn nguyên trạng thì các chủ thể cũng không thể thực hiện được phương thức kiện đòi tài sản.
Ví dụ 1, tài sản, đối tượng kiện là vật tiêu hao đã bị người đang chiếm hữu sử dụng hết như sử dụng hết lương thực, thực phẩm, …
Ví dụ 2, tài sản, đối tượng kiện đã bị người đang chiếm hữu định đoạt số phận thực tế như đốt cháy, đập nát, vứt bỏ,…
Ví dụ 3, tài sản, đối tượng kiện đã bị người đang chiếm hữu tác động khiến không còn nguyên trạng ban đầu như không còn nguyên tính năng, công dụng của tài sản, phá hỏng tài sản đến mức không khôi phục được hoặc chế biến tài sản từ dạng nguyên vật liệu thành sản phẩm, chế biến tài sản từ hình dạng này sang hình dạng khác mà không thể khôi phục.
Trên thực tế, khi các chủ thể kiện đòi bồi thường thiệt hại, họ có thể nhận được tài sản bồi thường. Ví dụ, A kiện B yêu cầu bồi thường chiếc điện thoại Nokia N72, B sẽ trả cho A một chiếc điện thoại Nokia N72 tương ứng. Trong trường hợp này, tuy chủ sở hữu đã có được tài sản nhưng cần thiết phải xác định rõ, không phải là họ đòi lại được tài sản mà chỉ là được bồi thường một tài sản cùng loại mà thôi. Chính vì lý do này, theo một số ý kiến, đặc điểm của vật để có thể khởi kiện đòi tài sản phải là vật đặc định. Chúng ta hiểu vật đặc định trong trường hợp này không đồng nghĩa rằng chỉ trong trường hợp vật đó là duy nhất mới có thể kiện đòi tài sản, mà nên hiểu rằng vật đó đã được xác định, đặc định hoá từ những vật cùng loại khác. Vì vậy, khi vật đặc định không còn, phương thức bảo vệ quyền sở hữu chỉ có thể là kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại để nhận được một tài sản cùng loại tương ứng.
* Người bị kiện theo phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Qua những điều kiện đã phân tích ở trên có thể thấy người bị kiện không chỉ là người thứ ba chiếm hữu tài sản không ngay tình hoặc không qua giao dịch dân sự có đền bù; người có được tài sản từ sự tước đoạt quyền sở hữu từ chủ sở hữu; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có lỗi để người thứ ba có được tài sản mà còn có thể là chính người chiếm hữu có căn cứ pháp luật dựa trên sự chuyển giao của chủ sở hữu.
Với những ví dụ và điều kiện đã nêu, trong trường hợp không thể xác định được người đang thực tế chiếm hữu tài sản hoặc người đang thực tế chiếm hữu tài sản là người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền sở hữu hoặc vật bị kiện đã bị tiêu huỷ, không còn nguyên trạng hoặc ngay cả trong trường hợp xác định được người thứ ba và người này có thể bị kiện, chủ sở hữu cũng có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại với người đã được mình chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản.
Bởi vì người này đã nhận sự chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản theo ý chí của chủ sở hữu, họ phải chịu trách nhiệm hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Nếu họ không hoàn trả được tài sản, họ hoàn toàn có thể trở thành bị đơn trước Toà án, tức là người giả thiết đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và bị nguyên đơn hoặc người đại diện của nguyên đơn khởi kiện.
Nói tóm lại, phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp. Để thực hiện phương thức kiện này, một số điều kiện nhất định cần thiết phải được đáp ứng để đảm bảo tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật về vấn đề này.
------------------------------------------------------------------
CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét