Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

PHÁ SẢN NGÂN HÀNG VÀ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

TRẦN NGỌC TÚ - TTXVN

Ngân hàng được xem là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Sự sụp đổ của một ngân hàng thương mại có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, tác động mạnh đến sự ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đã là kinh doanh thì phải có rủi ro, có thành công và cả thất bại. Bên cạnh những ngân hàng đang làm ăn phát đạt, thể hiện bằng lợi nhuận hàng năm và giá trị cổ phiếu trên thị trường cao trên dưới 10 lần mệnh giá, thì cũng có những ngân hàng thực sự đã phá sản với khoản nợ khổng lồ. Vấn đề là ở chỗ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giải quyết như thế nào đối với ngân hàng vỡ nợ, tiếp tục cứu vớt hay cho phá sản? Tuy nhiên, Luật Phá sản vốn đã không đi vào cuộc sống nên áp dụng đối với các ngân hàng phá sản lại càng khó khăn. Bài học từ Ngân hàng Việt Hoa là một ví dụ điển hình.

“Ra đời vào năm 1993 trên cơ sở sáp nhập các hợp tác xã tín dụng của quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn ban đầu là 20 tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Hoa phát triển nhanh nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Lợi dụng lãi suất trong nước thời điểm đó rất cao, ngân hàng nhập hàng trả chậm, mang về bán với giá thấp hơn giá nhập, lấy vốn kinh doanh bất động sản, quay vòng hưởng lãi suất. Khi lãi suất nhanh chóng tụt xuống và tỷ giá ngoại hối biến động, Việt Hoa đã trôi theo cơn lũ với những khoản nợ chất chồng hàng ngàn tỷ đồng” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn 17/9/2006).

Đó cũng là lúc Ngân hàng Nhà nước phải đưa cánh tay “kiểm soát đặc biệt” vào ngân hàng này, và sau đó là “cho vay đặc biệt” đối với ngân hàng với con số lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cổ phần bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

Theo Điều 5 Quy chế kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD cổ phần Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 215/1998/QĐ-NHNN5 ngày 23/6/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các TCTD cổ phần có thể được đặt vào trong tình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một hoặc một số trường hợp sau đây:

(i) Có nguy cơ mất khả năng chi trả, biểu hiện bằng 03 lần liên tiếp trong 1 tháng không duy trì được giá trị tài sản động tương đương với các khoản phải chi trả trong 3 ngày làm việc tiếp theo; không có khả năng huy động để thanh toán những khoản nợ đến hạn;

(ii) Có nguy cơ mất khả năng thanh toán, biểu hiện bằng việc các khoản nợ khó đòi, nợ cho vay quá hạn từ 12 tháng trở lên chiếm trên 10% tổng dư nợ cho vay; các khoản nợ khách hàng không có khả năng thanh toán, không có tài sản thế chấp hợp pháp lớn hơn 100% vốn tự có; số lũy kế lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ.

Việc các TCTD cổ phần bị Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giúp các TCTD khắc phục những khó khăn về tài chính, duy trì khả năng chi trả, khả năng thanh toán. Kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt đối với các TCTD cổ phần đang lâm vào tình trạng như đã liệt kê ở trên chính là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý nghiệp vụ đặc biệt để kiểm soát, giám sát trực tiếp tình hình tổ chức và hoạt động của các TCTD.

Sau khi tiến hành thanh tra và xác minh được thực trạng khó khăn trong thanh khoản của Ngân hàng Việt Hoa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng này. Trách nhiệm của Ban kiểm soát đặc biệt là phải chỉ đạo lãnh đạo Ngân hàng Việt Hoa xây dựng phương án củng cố, hoạt động; chỉ đạo và giám sát Việt Hoa thực thi triển khai các bước đi trong phương án đó; thường xuyên báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nơi Ngân hàng Việt Hoa đặt trụ sở chính về tình hình, diễn biến của Ngân hàng; định kỳ hàng tháng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phương án củng cố ngân hàng lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Sau 7 năm nằm trong sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, từ một ngân hàng không còn đồng vốn nào, lại mang trong mình một số nợ trong và ngoài nước khổng lồ, tháng 8 vừa qua, Việt Hoa thông báo công khai về việc yêu cầu các cổ đông cũ đến đối chiếu cổ phiếu. Dự kiến đến cuối 2006, Ngân hàng Việt Hoa sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông, xác định đường đi nước bước trong thời gian tới.

Sở dĩ Ngân hàng Việt Hoa được “hồi sinh” là bởi các chủ nợ nước ngoài đã có văn bản đồng ý giảm 95% nợ, cộng với vốn thu hồi từ xử lý tài sản thì Ngân hàng này chỉ còn mất cân đối khoảng trên dưới 200 tỷ đồng. Trong bối cảnh các ngân hàng đang có giá và đua nhau nâng cấp từ ngân hàng nông thôn trở thành ngân hàng đô thị thì cái tên Ngân hàng Việt Hoa lại trở nên có giá trị. Một doanh nhân tính toán: Ngân hàng Việt Hoa cần 500 tỷ, 60% số đó để trả nợ sòng phẳng, còn lại đăng ký vốn điều lệ mới 200 tỷ đồng. Cái giá này không quá đắt khi mà cổ phiếu các ngân hàng đô thị thấp nhất cũng đang ở mức gấp 3 lần mệnh giá.

Phá sản ngân hàng - lợi hay hại

Việt Hoa không phải là ngân hàng duy nhất có con đường “tái sinh” như trên. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý và kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, không ít ngân hàng đã được vực dậy từ tình trạng kiểm soát đặc biệt và đang phát triển như: EximBank, VPBank Hàng Hải, song cũng có một số ngân hàng sau đó hoặc là được sáp nhập, mua lại rồi đổi tên, hoặc giải thể như: Ngân hàng Châu á Thái Bình Dương, Ngân hàng Vũng Tàu Gia Định (bị giải thể); Ngân hàng Nam Đô, Ngân hàng Cổ phần Hải Phòng sáp nhập vào ngân hàng khác… Chưa có ngân hàng thương mại cổ phần nào từ trước đến nay trong lịch sử ngân hàng Việt Nam bị tuyên bố phá sản.

Đặc điểm dễ nhận thấy nguồn vốn hoạt động chủ yếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam là nặng về huy động vốn từ trong dân cư (chiếm tới 70% - 80% lợi nhuận thu được của mỗi ngân hàng). Nếu để phá sản một ngân hàng, người dân gửi tiền vào ngân hàng đó sẽ phải gánh chịu hậu quả kèm theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Ngoài ra, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với các hệ quả dây chuyền, thậm chí “sinh mệnh” các ngân hàng khác cũng có nguy cơ bị đe dọa nếu dân chúng mất lòng tin, đồng loạt đi rút tiền. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải gánh trọng trách là “người cho vay cuối cùng” nhằm mục đích quản lý, duy trì sự bình ổn của hệ thống ngân hàng và sự bình ổn của cả nền kinh tế. ở trường hợp Ngân hàng Việt Hoa, nếu để phá sản, không chỉ Nhà nước mất tiền mà các khoản nợ khác cũng không thu hồi được.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không thể lúc nào cũng phải đóng vai trò “bà đỡ” khi các ngân hàng hoạt động yếu kém. Giải pháp kiểm soát đặc biệt chỉ hiệu quả đối với từng trường hợp cụ thể. Đã đến lúc phải để các ngân hàng vỡ nợ phá sản theo quy luật của kinh tế thị trường.

Chỉ có điều, cho đến nay, các vấn đề pháp lý trong phá sản ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật xung quanh việc phá sản ngân hàng còn chưa đồng bộ. Các quy định về Luật Đất đai trong vấn đề phát mãi tài sản đảm bảo còn chưa tạo ra được cơ chế thuận lợi, khiến việc phát mãi tài sản đảm bảo gặp rất nhiều khó khăn. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, các quy định của pháp luật có liên quan đến việc xử lý nợ khi tiến hành giải thể một ngân hàng cho đến nay vẫn là một mớ bùng nhùng, khiến đến cán bộ quản lý cũng còn rất ngại khi phải động chạm.

Xét về tổng thể, những quy định của Luật Phá sản cũng chỉ theo xu hướng áp đặt, nên thủ tục tiến hành khi sự việc đã đến đường cùng chứ không phải là những giải pháp để con nợ và các chủ nợ thương lượng, đàm phán về khoản nợ. Bởi vậy, rất ít các doanh nghiệp cũng như người cho vay muốn áp dụng Luật Phá sản chứ không riêng gì các ngân hàng.

Ngày 7/4/2006, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1827 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước soạn thảo Nghị định về phá sản ngân hàng. Như vậy, việc giải quyết phá sản một ngân hàng sẽ có khung pháp lý cụ thể hơn và chuyện phá sản không còn là xa lạ.

Tuy nhiên, vì những yếu tố mang tính nhạy cảm đặc trưng như đã nêu trong ngành Ngân hàng, các quy định về phá sản ngân hàng cần được xây dựng có nhiều yếu tố riêng biệt. Trong phá sản ngân hàng cần lưu ý đến các khoản ưu tiên thanh toán như: tiền gửi của dân, bảo hiểm tiền gửi, cho vay đặc biệt... Thủ tục về phá sản cũng đòi hỏi công khai, minh bạch và phải quan tâm đến yếu tố tâm lý trong dân cư. Nhưng, điều quan trọng nhất là thay đổi cách nhìn nhận về phá sản ngân hàng nói riêng, phá sản doanh nghiệp nói chung, vì bản chất của phá sản là việc chấm dứt sở hữu từ người không thể (con nợ), và chuyển nó sang bàn tay của người có thể (các chủ nợ), hạn chế việc hình sự hóa các vấn đề dân sự, khiến cho con nợ mỗi khi nghĩ đến việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp mình bớt khiếp sợ, né tránh. Về điều này thì Luật Phá sản còn khó đạt được nên một văn bản hướng dẫn luật cũng không thể hy vọng nhiều.

TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 24/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến