Phạm Thuý Hạnh
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, đưa nước ta chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước thoát khỏi đói nghèo, phát triển nhanh, bền vững, đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu đó cần một hệ thống pháp luật thân thiện với nhân dân dân và một Nhà nước phục vụ dân (các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân). Hệ thống pháp luật ấy phải xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống và được áp dụng đầy đủ trong cuộc sống. Đây là yêu cầu không thể khác trong quá trình xây dựng pháp luật.
Xuất phát từ yêu cầu như đã nói ở trên, có đến khoảng 90% các sáng kiến pháp luật là do Chính phủ kiến nghị, trình Quốc hội ban hành hoặc được Quốc hội uỷ quyền ban hành. Chính phủ tổ chức thực hiện tất cả các văn bản pháp luật được ban hành. Do đó, hầu hết các văn bản pháp luật của Việt Nam thường thiên về tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ, hơn là phục vụ nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Hầu hết công việc xây dựng pháp luật hiện hành đều do các công chức nhà nước thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công chịu trách nhiệm. Đây là tình trạng rất phổ biến hiện nay trong quá trình hình thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều các cơ quan quản lý nhà nước coi trọng lợi ích cục bộ hơn lợi ích của cộng đồng, quyền lợi của công dân. Cơ quan soạn thảo và cơ quan quản lý nhà nước muốn luật quy định cái gì, để làm gì và cũng chính họ hướng dẫn, giải thích và áp dụng những quy định pháp luật đó. Chính vì không chú ý đầy đủ đến nhu cầu thực tế cuộc sống, nhân dân ít có điều kiện tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật, nên người dân thấy khó hiểu, khó thực hiện nhiều quy định pháp luật.
Việc thực hiện quy trình từ sáng kiến pháp luật, lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm trình Quốc hội, Chính phủ, đến việc soạn thảo, trình, ban hành văn bản pháp luật theo kiểu khép kín (dù luật quy định phải công khai) nên ngày càng xuất hiện nhiều văn bản pháp luật xuất phát từ ý chí chủ quan của một nhóm ở khu vực công quyền có lợi ích cục bộ. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật luôn bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mà hiện nay chưa có biện pháp nào “điều trị” hữu hiệu được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Nhiều quy định có lợi cho lợi ích cục bộ và có hại cho cộng đồng, cho dân đã được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào đó được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Hậu quả của tình trạng này là làm cho hệ thống pháp luật không ổn định, luật càng trở nên khó hiểu đối với dân.
Vậy tại sao ở các nước phát triển, họ ít bị căn bệnh “lợi ích cục bộ” này? Bởi vì nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là tập trung vào việc xây dựng chính sách phù hợp với lợi ích của Đảng cầm quyền, đồng nghĩa với việc xây dựng chính sách bảo vệ lợi ích của những công dân ủng hộ Chính phủ bằng lá phiếu bầu của mình. Thế nên các chính sách của Chính phủ luôn tôn trọng các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chỉ có Hiến pháp và Luật do Quốc hội ban hành mới được quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của Chính phủ mới là xây dựng văn bản pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ sẽ diễn giải chính sách đã được hoạch định của Chính phủ thành các điều lụât cụ thể. Đây là công việc được chuyên nghiệp hoá cao, do các công chức nhà nước là chuyên gia pháp luật giỏi chịu trách nhiệm. Công đoạn này có nước còn xã hội hoá, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp về pháp luật, không phải cơ quan nhà nước soạn thảo văn bản trên cơ sở chính sách, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ để đảm bảo tính khách quan.
Trong những năm gần đây, Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống pháp luật, đưa các hoạt động trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật dần dần vào khuôn khổ thống nhất. Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy định các hoạt động trong quy trình xây dựng pháp luật như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp lụât sửa đổi (hiện nay đang tiếp tục sửa đổi và trình Quốc hội thông qua), Nghị định 161/2005/NĐ–CP ngày 27/12/2005 hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định 03/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/1/2007 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, Chỉ thị 31/2006/CT-TTg ngày 25/8/2006 về đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh,… Các văn bản này quy định rất nhiều thủ tục, tiêu chí nhưng lại thiếu một tiêu chí quan trọng khi soạn thảo văn bản pháp luật là phải quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện - tức là phải thân thiện với dân.
Việc tham gia ý kiến của nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật tuy đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản khác, nhưng việc lấy ý kiến góp ý trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế hầu như được thực hiện một cách hình thức. Nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên việc thực hiện gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là chưa có quy định về chế tài đối với việc không thực hiện đúng các quy định về việc lấy ý kiến góp của nhân dân. Ngay cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định được tham gia ý kiến vào tất cả các văn bản pháp luật nhưng thực tế thì hiệu quả góp ý không cao. Thường thì các tổ chức đại diện của nhân dân nhận được đề nghị đóng góp ý kiến rất muộn, khi gần như đã hoàn tất công việc soạn thảo, thời hạn còn rất ít nên việc đóng góp ý kiến cũng rất khó. Phần lớn các Ban soạn thảo chỉ quan tâm tiếp thu ý kiến của các bộ ngành liên quan khác, còn ý kiến của các tổ chức xã hội rất ít được chú ý. Mặt khác, do nhiều tổ chức đại diện của nhân dân chưa chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật, việc tuyên truyền để nhân dân hiểu được sự cần thiết của việc góp ý vào quy trình xây dựng pháp luật còn rất hạn chế, nên chỉ một số ít tổ chức đại diện cho một nhóm lợi ích trong xã hội nhận thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đóng góp ý kiến vào quy trình xây dựng pháp luật.
Thực tế mấy năm gần đây đã có một số tổ chức của doanh nghiệp chủ động đóng góp ý kiến mà không ngồi chờ được hỏi ý kiến như Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), Hiệp hội công thương Hà Nội,…Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, mỗi năm hiệp hội bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tự nghiên cứu các dự thảo văn bản pháp lụât, đóng góp ý kiến, đề xuất với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm về các vấn đề cần được pháp luật điều chỉnh. Trong một vài trường hợp, một số tổ chức của doanh nghiệp và tổ chức xã hội có tham gia đóng góp ý kiến và được các ban soạn thảo tiếp thu về một số nội dung như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Tổ chức xã hội nghề nghiệp có trình độ pháp luật tốt nhất và có mạng lưới rộng khắp ở hầu khắp các tỉnh, thành phố, có khả năng chuyên môn tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật là Hội luật gia thì chẳng mấy khi thấy có đóng góp tương xứng, chỉ có lẻ tẻ một vài ý kiến phản hồi trên báo chí, truyền hình của một số chuyên gia.
Không chỉ tham gia góp ý vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, một tổ chức xã hội, hịêp hội doanh nghiệp còn có thể chủ động đề xuất và vận động việc ban hành một số chính sách, pháp luật. Đây thực sự là một nhu cầu của xã hội trong quá trình phát triển và cũng góp phần để các văn bản quy pháp luật được ban hành phản ánh đúng các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tế, bảo đảm tính dự báo điều chỉnh của pháp luật.
Như vậy, để có được các văn bản quy phạm pháp luật thân thiện với dân, cần tiếp tục minh bạch hoá quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có các biện pháp cụ thể thực hiện một cách hiệu quả quy trình này, cần môi trường thể chế cho các tổ chức xã hội phát triển (Luật về hội), các quy định về quyền tiếp cận thông tin của người dân và bộ máy nhà nước với các công cụ thực thi quyền lực nhà nước hiệu quả, hoạt động vì mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân. Việc thực hiện các giải pháp này vừa cấp bách, thường xuyên, vừa lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2020, để pháp luật ngày càng thân thiện với dân hơn./
SOURCE: CHINHPHU.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét