ThS. Vũ Thị Hải Yến
Đại học Luật Hà Nội
1. Khái niệm chung về biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu
Quyền sở hữu là một trong những loại quyền dân sự cơ bản được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Bên cạnh việc ghi nhận các quyền của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp tài sản, pháp luật sở hữu còn ghi nhận các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu chống lại các hành vi xâm phạm. Bảo vệ quyền sở hữu là biện pháp Nhà nước tác động bằng pháp luật tới hành vi xử sự của con người nhằm thông qua đó bảo đảm cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của mình.
Ở Việt Nam, quyền sở hữu được bảo vệ thông qua nhiều biện pháp khác nhau, do nhiều ngành luật điều chỉnh. Trong các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, biện pháp dân sự có ý nghĩa thực tế nhất vì nó khôi phục lại tình trạng ban đầu về mặt vật chất cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp. Bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Quan hệ sở hữu là loại quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa - tiền tệ đặc thù, trong đó thể hiện quyền tự định đoạt cao độ của chủ thể. Quyền tự định đoạt trong quan hệ sở hữu không chỉ thể hiện trong việc chủ thể của quyền sở hữu có quyền tự do định đoạt tài sản của mình mà còn thể hiện trong việc tự do lựa chọn các biện pháp, cách thức để bảo vệ quyền sở hữu. Pháp luật dân sự ghi nhận nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu, trong đó biện pháp tự bảo vệ là biện pháp thể hiện tính định đoạt cao nhất của chủ thể.
Điều 255 Bộ luật dân sự ghi nhận “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật”.
Tự bảo vệ quyền sở hữu là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản tự mình tiền hành các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình.
Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được áp dụng các biện pháp nhất định để ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Hành vi xâm phạm trước tiên làm phát sinh quan hệ giữa chủ thể quyền và người xâm phạm. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp hơn ai hết là người biết rõ mức độ và hậu quả của hành vi xâm phạm. Việc tự bảo vệ gắn liền với quyền lợi thiết thân của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Vì vậy, tự bảo vệ cũng chính là việc thực hiện hành vi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp.
Biện pháp tự bảo vệ cũng xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự và nguyên tắc hòa giải. Quan hệ tài sản dựa trên cơ sở bình đẳng, độc lập giữa các chủ thể tham gia. Vì vậy, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu các chủ thể khác tôn trọng quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình. Khi nảy sinh tranh chấp, pháp luật luôn khuyến khích các bên chủ thể chủ động thương lượng, hoà giải. Hòa giải là cách thức chủ yếu để chủ thể của quyền sở hữu tự bảo vệ quyền sở hữu của mình.
Biện pháp tự bảo vệ là biện pháp được áp dụng rất phổ biến trong đời sống. Lý do chính là quan niệm truyền thống của nhân dân ta là “dĩ hòa vi quý”, “vô phúc đáo tụng đình”. Người dân rất ngại phải liên quan đến việc kiện tụng. Chỉ trong những trường hợp bất đắc dĩ, không có cách giải quyết nào khác họ mới đưa nhau ra tòa.
2. Đặc trưng của biện pháp tự bảo vệ so với các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu khác
· Việc tự bảo vệ là một yêu cầu cần thiết trong mọi phương thức bảo vệ quyền sở hữu. Dù tự bảo vệ hay yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải cung cấp các chứng cứ, tài liệu là cơ sở để giải quyết. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu chỉ được thực hiện có hiệu quả nếu chủ thể thực sự tự bảo vệ một cách tích cực. Nói một cách khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu không chỉ thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc tự bảo vệ mà ngay cả khi có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
· Là biện pháp thể hiện tính định đoạt cao độ của chủ thể: Khi phát hiện ra hành vi xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền chủ động lựa chọn cách thức bảo vệ phù hợp như: yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Chủ thể có quyền chủ động thương lượng, hòa giải bất cứ lúc nào trong quá trình giải quyết tranh chấp.
· Về cách thức: Biện pháp tự bảo vệ có thể tiến hành dưới bất kỳ cách thức nào, miễn là không trái pháp luật và đạo đức xã hội, trong khi việc khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết phải tuân thủ theo những điều kiện, trình tự, thủ tục nhất định như: điều kiện về chủ thể khởi kiện, thẩm quyền giải quyết, hình thức tiến hành...
· Về tính kinh tế: Biện pháp tự bảo vệ là biện pháp có tính kinh tế cao nhất do tiết kiệm được thời gian, chi phí tốn kém cho việc giải quyết tranh chấp. Trong khi việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp khởi kiện không chỉ tốn kém về thời gian cho việc giải quyết theo trình tự tố tụng mà còn tốn kém chi phí cho việc tham gia tố tụng, chi phí giám định.
· Hiệu quả bảo vệ: Biện pháp tự bảo vệ là biện pháp mang tính kịp thời, tạo khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm ngay từ đầu. Ngay khi phát hiện ra có hành vi xâm phạm hoặc khả năng xâm phạm, chủ thể có thể áp dụng ngay lập tức mà không cần chờ bất kỳ một thủ tục nào. Đặc điểm này cũng phần nào tránh được vụ việc xâm phạm trở nên nghiêm trọng hơn. Biện pháp tự bảo vệ bên cạnh những ưu điểm về hiệu quả bảo vệ như: nhanh chóng, kịp thời, một hạn chế lớn nhất của biện pháp này là hiệu quả bảo vệ không cao do không được bảo đảm bằng tính cưỡng chế nhà nước. Yêu cầu của chủ thể không được bảo đảm bằng cơ chế mang tính quyền lực Nhà nước mà hoàn toàn trông chờ, phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí của bên xâm phạm. Do vậy, nếu bên xâm phạm không tự nguyện, thiện chí chấm dứt hành vi xâm phạm, khắc phục hậu quả đã gây ra thì biện pháp này không mang lại hiệu quả.
3. Các hình thức tự bảo vệ quyền sở hữu
3.1. Truy tìm và đòi lại tài sản
Thông thường, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp là người có quyền nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp tài sản rời khỏi sự nắm giữ, quản lý của họ đến tay người khác hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của họ. Để bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu tài sản của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền truy tìm tài sản của mình. Truy tìm tài sản là hình thức đầu tiên để tự bảo vệ quyền sở hữu, cũng là cơ sở để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện được việc tự đòi lại tài sản hoặc kiện đòi lại tài sản.
Khi phát hiện tài sản của mình đang nằm trong sự chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp của người khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể thực hiện quyền đòi lại tài sản. Điều 256 BLDS quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”.
Dù tự đòi lại tài sản hay yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp phải trả lại tài sản, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp vẫn có vai trò trung tâm, quyết định trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
- Họ phải tự chứng minh quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình; chứng minh tài sản đang do người khác chiếm hữu trái pháp luật.
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải xác định tài sản đang nằm trong sự chiếm hữu không có căn cứ pháp của ai.
- Tự yêu cầu người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người này phải trả lại tài sản.
3.2. Yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản để thoả mãn nhu cầu của mình trong đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Mọi chủ thể được thực hiện các hành vi theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nhận thấy chủ thể khác có hành vi cản trở, xâm phạm hoặc có khả năng xâm phạm đến việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, họ có quyền thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ thể này phải chấm dứt các hành vi đó. Biện pháp tự bảo vệ trong trường hợp này tạo khả năng bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu một cách nhanh chóng, kịp thời, nhiều trường hợp có thể tránh được thiệt hại xảy ra.
3.3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại
Đây là biện pháp bảo vệ được áp dụng khi hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu gây ra thiệt hại về tài sản. Yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể là yêu cầu độc lập hoặc kết hợp với yêu cầu đòi lại tài sản. Thiệt hại có thể là do tài sản bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, tài sản bị huỷ hoại, tiêu huỷ... Trong trường hợp chủ sở hữu không thể đòi lại tài sản, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể yêu cầu người có lỗi gây ra thiệt hại về tài sản phải bồi thường. Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có các chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí đã bỏ ra để khắc phục thiệt hại.
Tóm lại, trong việc bảo vệ quyền sở hữu, vai trò tự bảo vệ của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp rất quan trọng. Tự bảo vệ vừa là quyền, trong nhiều trường hợp còn là trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc bảo vệ quyền sở hữu. Biện pháp tự bảo vệ góp phần giảm thiểu các tranh chấp tại Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền, giúp giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí.
------------------------------------------------------------------
CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét