Giáo sư Phạm Vĩnh Cư
PHẦN 1:
... "Theo lý thuyết, lẽ ra Roméo và Juliette, tương xứng với niềm say đắm nhau vĩ đại ở họ, sẽ phải sinh ra một con người nào đó rất vĩ đại, ít nhất cũng một Shakespeare, nhưng trong thực tế, như mọi người đều biết, thì ngược lại: không phải họ đã tạo tác ra Shakespeare, như là lý thuyết dạy, mà Shakespeare đã tạo tác ra họ, mà lại một cách vô dục hoàn toàn - bằng sáng tác vô tính. Roméo và Juliette, cũng như đa số các cặp tình nhân cuồng nhiệt, đã chết đi mà không đẻ ra ai cả, còn Shakespeare đã sinh ra họ thì, cũng như những vĩ nhân khác, đã được sinh ra không phải từ một tình yêu cuồng điên nào đó, mà từ một cuộc hôn nhân đời thường rất xoàng xĩnh..."
Trước hết, chúng ta bắt gặp một hiện thực mà thuyết này tuyệt không giải thích nổi, đó là tình yêu mãnh liệt nhất lại hay không được chia sẻ và vì thế mà tuyệt không để lại sau mình một hậu thế nào.
Nếu vì một tình yêu như thế mà người ta cắt tóc đi tu hay tự tử, thì cái ý chí hoàn vũ bận tâm với hậu thế xăng xái ở đây để làm gì? Nhưng giả sử chàng Werther[i] cuồng nhiệt không tự vẫn đi nữa, thì niềm say đắm bất hạnh của chàng vẫn cứ là một câu đố không giải được đối với thuyết hậu thế ưu việt. Tình yêu hết sức cá thể hóa và phấn khích hóa của Werther đối với nàng Scharlotte(2) chỉ ra rằng (theo quan điểm của thuyết này), chính cùng với Scharlotte, Werther sẽ phải sản sinh ra một hậu thế đặc biệt quan trọng và cần thiết cho nhân loại, vì nó mà ý chí hoàn vũ đã kích thích nên trong chàng niềm say mê phi thường ấy.
Thế nhưng vì sao cái ý chí toàn tri và toàn năng ấy lại đã không đoán ra hay là đã không thể tác động đến cả Scharlotte theo hướng mong muốn, bởi lẽ không có sự tham gia của nàng thì dục vọng nơi Werther là hoàn toàn vô đích và vô dụng? Đối với một bản thể hoạt động hợp đích, love’s labor lost(3) là cái vô nghĩa hoàn toàn.
Tình yêu mãnh liệt đặc biệt thường đa số là bất hạnh, mà tình yêu bất hạnh rất hay đẩy đến tự sát dưới hình thức này hay hình thức kia; và mỗi một cuộc tự sát như thế vì thất tình rõ ràng làm đổ nhào cái thuyết cho rằng tình yêu mãnh liệt được kích thích ngõ hầu bằng mọi cách cho ra đời một thế hệ mai sau mong muốn, mà tầm quan trọng được biểu thị bằng sức mạnh của tình yêu ấy, trong khi đó thì trong thực tế, ở tất cả các trường hợp ấy, chính sức mạnh tình yêu loại trừ không chỉ khả năng có được một hậu thế quan trọng, mà còn cả khả năng có được bất kỳ một hậu thế nào.
Những trường hợp tình yêu không được chia sẻ quá là thông thường, để có thể nhìn thấy ở đấy một ngoại lệ không để ý đến cũng được. Mà giả sử nó có là ngoại lệ, thì cái đó cũng chẳng hề chi, bởi vì ngay cả trong những trường hợp có tình yêu mãnh liệt đặc biệt từ hai phía, nó vẫn không dẫn đến cái mà lý thuyết đòi hỏi.
Theo lý thuyết, lẽ ra Roméo và Juliette, tương xứng với niềm say đắm nhau vĩ đại ở họ, sẽ phải sinh ra một con người nào đó rất vĩ đại, ít nhất cũng một Shakespeare, nhưng trong thực tế, như mọi người đều biết, thì ngược lại: không phải họ đã tạo tác ra Shakespeare, như là lý thuyết dạy, mà Shakespeare đã tạo tác ra họ, mà lại một cách vô dục hoàn toàn - bằng sáng tác vô tính. Roméo và Juliette, cũng như đa số các cặp tình nhân cuồng nhiệt, đã chết đi mà không đẻ ra ai cả, còn Shakespeare đã sinh ra họ thì, cũng như những vĩ nhân khác, đã được sinh ra không phải từ một tình yêu cuồng điên nào đó, mà từ một cuộc hôn nhân đời thường rất xoàng xĩnh (và bản thân ông, mặc dù đã từng nếm trải cái tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, như có thể thấy, thí dụ, từ những bài xonê của ông, nhưng từ đấy đã chẳng ra đời một hậu thế tuyệt vời nào).
Sự ra đời của Christophe Colomb, đối với ý chí hoàn vũ, có thể còn quan trọng hơn sự ra đời của Shakespeare; song chúng ta không biết tí gì về tình yêu đặc biệt của các thân sinh ông, mà biết về mối tình say đắm mãnh liệt của chính ông đối với quý nương Beatrice Enriquez, và mặc dù ông đã có với nàng một con trai ngoài giá thú tên là Diego, nhưng người con ấy đã không làm nên sự nghiệp gì vĩ đại, mà chỉ để lại tiểu sử về cha mình là việc mà bất cứ người nào khác cũng làm được.
Christophe Colomb
Nếu toàn bộ cái lẽ của tình yêu là ở hậu thế và nó có một sức mạnh tối cao điều khiển việc yêu đương, thì vì sao sức mạnh ấy, thay vì lo liệu cho những người yêu nhau được đoàn tụ, lại ngược lại, cứ như cố tình ngăn cản sự đoàn tụ ấy, cứ như nhiệm vụ của nó chính là bằng mọi cách tước đoạt của những người tình chân chính ngay cả khả năng sinh đẻ con cái: nó bắt họ, do một sự hiểu nhầm định mệnh, đâm chết mình trong nhà mồ, nó nhận chìm họ dưới đáy biển Hellesponte(4) và bằng nhiều phương cách khác dẫn dắt họ đến cái chết sớm không để lại con cái?
Còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà tình yêu cường liệt không kết thúc thê thảm, khi mà cặp uyên ương sống hạnh phúc đến già, thì dẫu sao họ vẫn không có con. Một linh tính thơ ca nhạy sắc với hiện thực đã buộc Ovidius và Gogol tước đoạt con cháu hậu sinh của Philimon và Baucis, Afanasi Ivanovich và Pulkheria Ivanovna(5).
Không thể thừa nhận tương quan trực tiếp giữa sức mạnh của tình yêu cá thể và tầm quan trọng của hậu thế, khi mà với tình yêu như thế, ngay sự tồn tại của hậu thế chỉ là điều ngẫu nhiên hiếm hoi. Như ta đã thấy, 1) tình yêu mãnh liệt rất hay không được chia sẻ; 2) nếu được chia sẻ, thì sự đắm đuối mãnh liệt đưa đến kết cục bi thảm, trước khi để lại hậu thế; 3) tình yêu hạnh phúc, nếu nó rất mạnh, cũng thường không sinh con đẻ cái; còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà một tình yêu mãnh liệt phi thường để lại hậu thế, hậu thế ấy hóa ra hết sức tầm thường.
Có thể xác định một quy tắc chung hầu như không có ngoại lệ là cường độ đặc biệt của tình yêu hữu tính hoặc là hoàn toàn không cho phép có con cháu hậu sinh, hoặc chỉ cho hậu sinh mà giá trị không tương xứng tí nào với độ căng thẳng của tình cảm yêu đương và tính chất ngoại biệt của những quan hệ nảy sinh từ đấy.
Nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu ở sự sinh con đẻ cái hợp đích - tức là chỉ thừa nhận ý nghĩa ấy ở nơi nào hoàn toàn không có tình yêu, còn ở đâu nó có, thì tước đoạt đi của nó mọi ý nghĩa và mọi lẽ tồn tại. Cái thuyết hư mạo ấy về tình yêu, khi ta đối chiếu nó với hiện thực, hóa ra không phải là một giải thích, mà là một sự chối từ bất kỳ giải thích nào.
***
Cái sức mạnh điều khiển sự sống của loài người, mà có người gọi là ý chí hoàn vũ, có người gọi là tinh thần vô thức, nhưng trong thực tế nó là Cơ Trời, rõ ràng sắp xếp sự ra đời đúng lúc của những con người thiên hựu cần thiết cho những mục đích của nó, xếp đặt trong các chuỗi dài của các thế hệ những kết hợp phải có của những người sản sinh, hướng tới những sản phẩm tương xứng không chỉ gần nhất, mà cả xa xôi nhất.
Để có được sự lựa chọn theo thiên mệnh những người sản sinh ấy, nhiều phương tiện hết sức đa dạng được sử dụng, nhưng tình yêu theo nghĩa đích thực, tức là sự say đắm hữu tính, được cá thể hóa và phấn khích hóa đặc biệt, không thuộc về số những phương tiện ấy. Lịch sử Thánh Kinh, với chủ nghĩa hiện thực chân chính và sâu sắc của nó - cái chủ nghĩa hiện thực không loại bỏ, mà thể hiện ý nghĩa lý tưởng của các sự việc trong những chi tiết nghiệm chứng của chúng - lịch sử Thánh Kinh, trong trường hợp này cũng như mọi khi, cho ta một minh chứng chân thật và giàu sức giáo huấn đối với tất cả những ai hiểu biết lịch sử và nghệ thuật, không phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn giáo.
Sự kiện trung tâm của thánh sử, tức là sự ra đời của Đấng Cứu Thế, hơn bất kỳ sự kiện nào khác, giả ước một kế hoạch thiên định trong sự lựa chọn và kết hợp những người sản sinh nối tiếp nhau, và quả thật cái thú vị chính của các truyện trong Kinh Thánh tập trung ở những số phận kỳ lạ muôn màu muôn vẻ đã làm phương tiện cho sự ra đời và liên kết của các bậc "tổ tiên thần thánh"[ii].
Thế nhưng trong toàn bộ hệ thống phức tạp ấy của những phương tiện đã quy định, theo trật tự hiện tượng lịch sử, sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế, không có chỗ cho tình yêu theo đúng nghĩa của nó; trong Kinh Thánh tất nhiên cũng có tình yêu, nhưng đó chỉ là những sự kiện riêng biệt, không phải là công cụ của quá trình sản sinh Đấng Kitô. Sách thánh không nói, Abraham đã lấy Sara có phải vì tình yêu nồng cháy hay không[iii], nhưng trong mọi trường hợp thì Thiên Cơ đã chờ đến khi tình yêu ấy nguội lạnh hoàn toàn mới cho cặp thân sinh trăm tuổi một đứa con của đức tin, chứ không phải của tình yêu.
Isaac đã lấy Rebecca không phải vì tình yêu, mà theo kế hoạch định trước của cha mình. Jacob yêu Rachel, nhưng tình yêu ấy hóa ra không cần thiết cho sự sinh hạ Đấng Cứu Thế. Ngài là hậu duệ của con Jacob - Juda, nhưng ông này đã có mẹ đẻ không phải là Rachel, mà là Léa không được chồng sủng ái.
Để sản sinh ra trong thế hệ này một vị tổ tiên của Đấng Cứu Thế, đã cần có sự kết hợp của Jacob với Léa chứ không phải ai khác; nhưng để có được sự kết hợp ấy, Cơ Trời không kích thích ở Jacob tình yêu đắm đuối mãnh liệt đối với người mẹ tương lai của vị "tổ tiên thần thánh" - Juda; không vi phạm tự do của tình cảm trái tim, sức mạnh tối cao đã để cho Jacob yêu Rachel, còn để thực hiện sự kết hợp không thể thiếu được của ông với Léa thì nó lại dùng một phương tiện hoàn toàn khác: đó là cái mẹo vụ lợi của một nhân vật thứ ba - một Lavane trung thành với những lợi ích của gia đình và kinh tế của mình.
Bản thân Juda để sản sinh ra những tổ tiên gần hơn của Đấng Cứu Thế đã phải, ngoài con cháu trước đây của mình, lúc đã về già còn phối giao với người con dâu Tamara. Vì sự phối giao như thế tuyệt không nằm trong trật tự sự vật và sẽ không thể xảy ra trong những điều kiện bình thường, cho nên mục đích đã đạt được nhờ một cuộc phiêu lưu rất kỳ lạ, khá giàu sức cám dỗ đối với những người đọc Kinh Thánh một cách hời hợt.
Trong cuộc phiêu lưu này, không thể nói về bất kỳ một thứ tình yêu nào. Không phải tình yêu đã liên kết một kỹ nữ ở Ierechon tên là Rahab với một người Do Thái ngoại bang; ban đầu, nàng hiến thân cho chàng theo nghề của mình, sau đó quan hệ tình cờ ấy được gắn bó bằng niềm tin của nàng vào một Thần Linh mới và nguyện vọng được Thần che chở cho mình và những người thân thuộc của mình. Không phải tình yêu đã kết hợp cụ nội của vua David, ông già Booz, với nàng Ruth trẻ tuổi thuộc bộ tộc Mohabit, và cũng không từ một tình yêu chân chính, sâu sắc, mà chỉ từ một ý muốn kỳ quặc, tội lỗi của bậc vương giả mấp mé tuổi già mà vua Salomon đã ra đời(6).
Trong thánh sử, cũng như trong thông sử, tình yêu hữu tính không phải là phương tiện hay công cụ của những mục đích lịch sử; nó không phục vụ cho nòi giống con người. Vì thế cho nên, khi cảm giác chủ quan nói với ta rằng tình yêu là một phúc lợi độc lập, rằng nó có giá trị riêng, siêu tương đối trong cuộc sống cá nhân của ta, thì ứng với cảm giác ấy, cả trong thực tại khách quan ta cũng thấy tình yêu cá thể mãnh liệt không bao giờ là phương tiện cho mục đích giống nòi, những mục đích ấy luôn đạt được ở bên ngoài tình yêu. Trong thông sử, cũng như trong thánh sử, tình yêu hữu tính (theo đúng nghĩa của nó) không đóng một vai trò nào cả và không tác động trực tiếp đến tiến trình lịch sử: ý nghĩa chính diện của nó phải bắt rễ trong cuộc sống cá nhân.
Thế thì ở đây, ý nghĩa của nó là thế nào?
[i] Ở đây và tiếp theo, tôi minh họa cho lập luận của mình chủ yếu bằng những thí dụ lấy từ những tác phẩm văn thơ vĩ đại. Chúng đáng được chọn hơn là những thí dụ từ đời thật, bởi vì chúng không phải là những hiện tượng riêng lẻ, mà là những kiểu mẫu điển hình.
[ii] Trong ngôn ngữ nhà thờ, người ta gọi là như thế chủ yếu hai thánh Joakim và Anna, nhưng các tổ tiên khác của Đức Thánh Mẫu đôi khi cũng được các văn sĩ của Giáo hội gọi bằng tên này.
[iii] Có lẽ điều này phải được loại trừ bởi cuộc phiêu lưu nổi tiếng ở Ai Cập, mà với tình yêu lứa đôi mãnh liệt sẽ không thể có được.
***********************************************************************************************
PHẦN II:
Người ta cố gán một ý nghĩa cũng như thế cho tình yêu hữu tính trong thế giới con người, nhưng như ta đã thấy, hoàn toàn uổng công bởi vì trong loài người, tính cá thể có ý nghĩa độc lập và trong biểu hiện mạnh nhất của mình, nó không thể chỉ là công cụ cho những mục đích của tiến trình lịch sử nằm ở ngoài nó. Hay là, nói đúng hơn, mục đích chân chính của tiến trình lịch sử không thuộc loại mục đích để cho cá nhân con người phục vụ nó chỉ như một công cụ thụ động nhất thời.
I
Cả ở các động vật lẫn ở con người, tình yêu hữu tính là giờ phút phồn thịnh cao nhất của cuộc sống cá thể. Nhưng vì ở các động vật, sự sống chủng loại hệ trọng hơn nhiều so với sự sống cá thể, cho nên cường độ cao nhất của cái thứ hai ấy chỉ phụng sự cho quá trình chủng loại. Không phải niềm ham mê tính dục chỉ là phương tiện đơn thuần cho các cơ thể tái sản xuất và sinh sôi nẩy nở, song nó phục vụ cho sự sản sinh ra những cơ thể hoàn hảo hơn thông qua cạnh tranh và lựa chọn hữu tính. Người ta cố gán một ý nghĩa cũng như thế cho tình yêu hữu tính trong thế giới con người, nhưng như ta đã thấy, hoàn toàn uổng công bởi vì trong loài người, tính cá thể có ý nghĩa độc lập và trong biểu hiện mạnh nhất của mình, nó không thể chỉ là công cụ cho những mục đích của tiến trình lịch sử nằm ở ngoài nó. Hay là, nói đúng hơn, mục đích chân chính của tiến trình lịch sử không thuộc loại mục đích để cho cá nhân con người phục vụ nó chỉ như một công cụ thụ động nhất thời.
Niềm tin sắt đá vào giá trị tuyệt đối của con người không dựa vào sự tự đề cao của nó và cũng không dựa vào một hiện thực thấy được là chúng ta không biết một sinh linh nào khác hoàn hảo hơn trong trật tự tự nhiên. Phẩm giá vượt lên trên thể tương đối của con người rõ ràng là ở chỗ nó có một hình thức (kiểu thức) tuyệt đối của ý thức hữu trí.
Con người, cũng như con vật, ý thức những trạng thái đã trải nghiệm và đương trải nghiệm, nhìn thấy giữa chúng quan hệ này hay quan hệ kia và trên cơ sở những mối quan hệ ấy mà dự đoán những trạng thái tương lai, nhưng ngoài cái đó ra, con người còn có khả năng đánh giá những trạng thái và những hành vi của mình và nói chung nhìn nhận mọi sự việc trong quan hệ không chỉ với những sự việc đơn nhất khác mà còn với những tiêu chuẩn lý tưởng phổ quát; ý thức của con người, bên trên những hiện tượng đời sống, còn được quy định bởi trí tuệ của chân lý. Làm cho những hành động của mình phù hợp với cái ý thức cao nhất ấy, con người có thể hoàn thiện vô tận cuộc sống và bản chất của mình mà không vượt ra ngoài ranh giới của hình thái con người.
Chính vì thế nó mới là sinh linh cao nhất của thế giới tự nhiên và là sự kết thúc thực sự của tiến trình kiến tạo hoàn vũ; bởi vì ngoài Sinh Linh mà bản thân Ngài là chân lý vĩnh hằng và tuyệt đối giữa tất cả các chân lý khác, cái sinh linh có năng lực nhận thức và thực hiện chân lý trong cuộc sống của mình là sinh linh cao nhất - không phải theo nghĩa tương đối, mà tuyệt đối. Có thể nghĩ ra một căn cứ hữu lý nào cho sự sáng tạo những hình thái mới, hoàn hảo hơn về bản chất, khi đã có một hình thái có năng lực tự hoàn thiện vô tận, có thể chứa nạp đầy đủ toàn bộ nội dung tuyệt đối? Với sự ra đời của hình thái như thế, sự tiến bộ tiếp tục chỉ có thể là những bậc phát triển mới của chính nó, chứ không phải là sự thay thế nó bằng những sản phẩm khác, bằng những hình thái sinh tồn khác, chưa từng có. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa tiến trình phát sinh vũ trụ và tiến trình lịch sử. Tiến trình thứ nhất tạo ra liên tiếp, trước khi xuất hiện con người, những chủng loại sinh vật mới; những chủng loại cũ một phần bị diệt vong, như là những thí nghiệm không thành, một phần cùng tồn tại với những chủng loại mới một cách bên ngoài và tiếp xúc, va chạm với nhau một cách ngẫu nhiên, không hình thành một thể thống nhất thật sự nào cả, bởi lẽ ở chúng không có cái ý thức chung gắn bó chúng với nhau và với quá khứ của vũ trụ. Ý thức chung ấy chỉ xuất hiện trong loài người. Trong thế giới động vật, quan hệ tiếp nối từ những hình thái thấp đến những hình thái cao, mặc dù rất đúng đắn và hợp đích, vẫn chỉ là một thực tại hoàn toàn bên ngoài, xa lạ đối với chúng, tuyệt không tồn tại cho chúng: con voi và con khỉ không thể biết một cái gì về quá trình phức tạp của những biến thái địa chất học và sinh học đã quy định sự xuất hiện của chính chúng trên trái đất; một mức độ phát triển tương đối cao của ý thức cục bộ và đơn nhất ở đây không là một tiến bộ nào cả trong ý thức chung, ý thức chung ấy tuyệt đối không có ở những con vật thông minh ấy, cũng như ở con sên ngu ngốc; bộ óc phức tạp của con vật có vú cấp cao nhất cũng ít phục vụ cho việc thiên nhiên tự nhận biết mình trong chỉnh thể toàn vẹn của mình, chẳng hơn tí nào những hạch thần kinh manh nha của một con giun nào đó. Trong loài người thì, ngược lại, thông qua ý thức cá thể thăng tiến, ý thức tôn giáo và khoa học, ý thức phổ thông cũng thăng tiến. Trí tuệ cá nhân ở đây không chỉ là cơ quan của cuộc sống riêng nhưng còn là cơ quan hồi tưởng và đoán định cho toàn thể loài người và thậm chí cho toàn thể thiên nhiên. Người Do Thái nào ngày xưa đã viết: đây là sách về sự đẻ trời và đẻ đất (elle tol’ dot gashammaim ve gaarez) - và tiếp theo: đây là sách về sự đẻ ra con người (zhe sefe tol’ dot gaadam)(7) - con người ấy đã thể hiện không chỉ ý thức cá nhân và dân tộc của mình, thông qua anh ta lần đầu tiên trong vũ trụ bừng sáng chân lý về tính nhất thống của toàn thể thế giới và toàn thể loài người* và tất cả những thành tựu sau này của ý thức chỉ là sự phát triển và hiện rõ cái chân lý ấy, chúng không cần và không được ra khỏi cái hình thức bao quát toàn bộ ấy: một khoa thiên văn và một khoa địa chất học hoàn hảo nhất có thể làm được cái gì, nếu không phải là khôi phục lại toàn bộ lịch sử phát sinh trời và đất; cũng đúng như thế, nhiệm vụ cao nhất của nhận thức lịch sử chỉ có thể là khôi phục lại "sách về những cuộc sinh đẻ của con người", tức là quan hệ di truyền - thừa kế trong đời sống nhân loại và cuối cùng, hoạt động sáng tạo của chúng ta cũng không thể có một mục đích nào cao hơn sự thể hiện bằng những hình tượng cảm tính cái thể thống nhất khởi thủy đã được tạo ra và được tuyên cáo - thể thống nhất của trời, đất và con người. Toàn bộ chân lý - thể thống nhất chính diện của tất cả - khởi thủy vốn có trong ý thức sống động của con người và được thực hiện từng bước trong đời sống nhân loại với tính kế thừa có ý thức (bởi lẽ chân lý không nhớ họ hàng không phải là chân lý). Nhờ tính co dãn vô tận và tính liên tục của ý thức được kế thừa của mình, con người, vẫn còn lại là con người, có thể nhận thức và thực hiện toàn bộ sự viên mãn vô tận của sinh tồn, và vì thế không cần thiết và cũng không thể có những chủng loại sinh linh cao hơn thay thế nó. Trong biên giới của cái thực tại nghiệm chứng của mình, con người chỉ là một bộ phận của thiên nhiên, nhưng nó thường xuyên và nhất quán vượt ra ngoài cái biên giới ấy; trong những sản phẩm tinh thần của mình - tôn giáo và khoa học, đạo đức và nghệ thuật - nó tự bộc lộ như là một trung tâm của ý thức phổ thông của thiên nhiên, như là một linh hồn của thế giới, như là một tiềm năng được hiện thực hóa của thể thống nhất tuyệt đối của tất cả và do đó, cao hơn nó chỉ có thể có chính cái tuyệt đối nhất ấy trong hành động hoàn hảo, hay là trong hiện hữu vĩnh cửu của mình, tức là Thượng Đế.
Tượng Romeo và Juliet
II
Ưu thế của con người trước những sinh linh khác của thiên nhiên - cái khả năng nhận thức và thực hiện chân lý - không chỉ là của chủng loại, mà còn là của từng cá thể: mỗi một con người đều có khả năng nhận thức và thực hiện chân lý, mỗi người đều có thể trở thành một hình ảnh phản chiếu sống động của chỉnh thể tuyệt đối, một cơ quan hữu thức và độc lập của cuộc sống hoàn vũ. Cả trong thiên nhiên phi nhân tính cũng có chân lý (hay là hình ảnh của Chúa Trời), nhưng chỉ ở trong tính khách quan chung của nó không được các sinh linh riêng lẻ biết đến. Chân lý ấy tạo tác chúng, tác động ở trong chúng và thông qua chúng như một sức mạnh định mệnh, như một quy luật tồn tại của chính chúng mà bản thân chúng không hay biết, song phục tùng một cách ngoài ý chí và vô ý thức. Để cho chính mình, trong cảm giác và ý thức nội tại của mình, chúng không thể vươn lên cao hơn cái sinh tồn nghiệm chứng riêng lẻ của mình, chúng tìm thấy mình chỉ ở trong thể riêng lẻ, cách li cái toàn thể và do đó chúng ở ngoài chân lý. Vì thế, chân lý hay là cái phổ quát chỉ có thể ưu thắng ở đây trong sự chuyển đổi thế hệ, trong sự trường tồn của chủng loại và sự tử vong của cuộc sống cá thể không chứa nạp nổi chân lý. Còn cá thể con người thì chính vì nó có thể chứa nạp chân lý, nó không bị chân lý xóa bỏ, mà được bảo toàn và tăng cường trong sự toàn thắng của chân lý.
Thế nhưng để cho một sinh linh cá thể tìm thấy ở chân lý - ở thể thống nhất của tất cả - sự biện chính và sự khẳng định của mình, chỉ một ý thức về chân lý từ phía nó là chưa đủ - nó phải ở trong chân lý, mà khởi thủy và trực tiếp thì con người cá thể, cũng như con vật, không ở trong chân lý: nó nhận thấy mình như là một bộ phận nhỏ biệt lập của chỉnh thể hoàn vũ và với bản tính vị kỷ, nó khẳng định sự tồn tại cục bộ ấy của mình như là một chỉnh thể cho mình, nó muốn là tất cả trong sự tách rời khỏi tất cả - tức là ở ngoài chân lý. Chủ nghĩa vị kỷ như là một yếu tố hiện thực cơ bản của sự sống cá thể thẩm thấu toàn bộ nó và chỉ huy nó, quy định tất cả ở trong nó, cho nên chỉ một ý thức lý thuyết về chân lý không thể bằng cách nào vượt qua và xóa bỏ được chủ nghĩa vị kỷ ấy. Chừng nào sức sống của chủ nghĩa vị kỷ chưa bắt gặp ở bên trong con người một sinh lực khác đối lập với nó, thì ý thức về chân lý vẫn chỉ là sự soi sáng từ bên ngoài, là hồi quang của một ánh sáng khác. Nếu mà con người chỉ có thể chứa nạp chân lý theo một nghĩa ấy, thì mối liên quan giữa chân lý và cá nhân con người sẽ không là nội tại và khăng khít; cái sinh linh của chính nó, vẫn ở lại bên ngoài chân lý giống như con vật, sẽ cũng như con vật tất yếu tử vong (trong tính chủ quan của mình), chỉ lưu lại như một ý niệm trong tư duy của trí tuệ tuyệt đối.
Cái chân lý như một sức sống chiếm lĩnh sinh linh nội tại của con người và thực sự dẫn đưa nó ra khỏi trạng thái tự khẳng định sai trái, gọi là tình yêu. Tình yêu như một sự giải thể thực sự chủ nghĩa vị kỷ, là sự biện chính và cứu vớt thực sự tính cá thể. Tình yêu to lớn hơn ý thức hữu trí, nhưng không có nó thì tình yêu không thể hoạt động như một sức mạnh cứu độ nội tại, nâng cao chứ không xóa bỏ cái cá thể. Chỉ nhờ có ý thức hữu trí (hay là, cũng thế, ý thức về chân lý) con người mới có thể phân biệt chính mình, tức là cái tôi chân chính của mình, tách biệt nó khỏi chủ nghĩa vị kỷ của mình. Và hy sinh cái chủ nghĩa vị kỷ ấy, hiến dâng mình cho tình yêu, con người tìm thấy ở tình yêu không chỉ một lực sống, mà còn lực làm sống; từ bỏ chủ nghĩa vị kỷ của mình, nó không đánh mất sinh linh cá thể của mình, mà ngược lại tìm thấy cho nó sự sống vĩnh hằng. Trong thế giới các động vật, bởi ở chúng không có ý thức hữu trí của riêng chúng, cái chân lý hiện thực hóa trong tình yêu không tìm ra được ở trong chúng điểm tựa nội tại cho hoạt động của mình, cho nên nó chỉ có thể tác động một cách trực diện, như một sức mạnh bên ngoài, định mệnh đối với chúng, thu nạp chúng như những công cụ mù loà cho những mục đích thế giới xa lạ với chúng; tình yêu ở đây xuất hiện như là sự toàn thắng một chiều của cái chung, cái chủng loại, đối với cái cá thể; và vì ở các động vật, tính cá thể trùng hợp với tính vị kỷ trong sinh tồn cục bộ trực tiếp của chúng, cho nên cái cá thể cũng tử vong cùng với tính vị kỷ ấy.
III
Cái lẽ chung của tình yêu trong loài người là biện minh và cứu vớt cá nhân bằng sự hy sinh chủ nghĩa vị kỷ. Trên cơ sở chung ấy chúng ta có thể giải quyết cả nhiệm vụ chuyên biệt của chúng ta: giải thích ý nghĩa của tình yêu nam nữ. Không phải ngẫu nhiên mà những quan hệ nam nữ không những được gọi là tình yêu, mà còn, theo quan niệm chung, biểu thị bản chất tình yêu, là kiểu mẫu và lý tưởng của mọi thứ tình yêu khác (xem Tuyệt diệu ca và sách Khải huyền)(8).
Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỷ hoàn toàn không phải ở chỗ con người này hay con người kia đánh giá mình quá cao, gán ghép cho mình một ý nghĩa tuyệt đối, một phẩm giá vô cùng vô tận: chính ở đấy, nó đúng, bởi vì mọi chủ thể con người như một trung tâm độc lập của các lực sống, như một tiềm năng (khả năng) hoàn thiện vô tận, như một sinh linh có khả năng, trong cuộc sống và trong ý thức của mình, chứa nạp chân lý tuyệt đối - mỗi một con người với tư cách ấy đều có ý nghĩa và phẩm giá siêu tương đối, đều là một cái gì đó tuyệt đối không thể thay thế, cho nên nó không thể đánh giá mình quá cao (theo lời kinh Phúc Âm: người ta sẽ lấy gì mà đổi linh hồn của mình?(9)). Sự không thừa nhận ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối ấy ngang bằng với sự chối từ phẩm giá con người, đây là một sai lầm cơ bản khơi mào cho mọi sự không tin: người ấy thấp hèn đến nỗi không tin vào chính mình, vậy thì làm sao nó có thể tin vào một cái gì khác? Cái sai và cái ác cơ bản của chủ nghĩa vị kỷ không phải ở sự tự ý thức và tự định giá tuyệt đối ấy của chủ thể, mà ở chỗ, quy cho mình một cách chính đáng cái ý nghĩa tuyệt đối, nó phủ nhận một cách bất chính ý nghĩa ấy ở người khác; thừa nhận mình là trung tâm của sự sống, mà nó đúng là thế, nó hất đẩy mọi người khác ra ngoại vi sinh tồn của mình, để lại cho họ chỉ một giá trị bề ngoài và tương đối.
Dĩ nhiên, trong ý thức trừu tượng, trong lý thuyết, bất cứ ai chưa mất trí cũng luôn luôn coi những người khác là bình quyền hoàn toàn với mình; nhưng trong ý thức sống, trong cảm giác bên trong và trong hành vi, nó khẳng định một sự khác biệt một trời một vực, một sự không thể so sánh giữa mình và những người khác: nó tự nó là tất cả, họ tự họ không là gì cả. Trong khi ấy thì, với sự tự khẳng định ngoại trừ tuyệt đối như thế, con người trong thực tế sẽ không thể là cái mà nó khẳng định. Cái ý nghĩa vô điều kiện, cái tính tuyệt đối mà nó nói chung chính đáng thừa nhận ở mình, nhưng không chính đáng lấy đi ở những người khác, tự chúng chỉ mang tính tiềm năng - đó mới là khả năng còn phải được hiện thực hóa. Thượng Đế mới là tất cả, tức là Ngài có, trong hành động tuyệt đối của mình, toàn bộ nội dung chính diện, toàn bộ sự tồn hữu viên mãn. Con người (nói chung và bất cứ con người cá thể nào, nói riêng) đã là người này trong thực tại, chứ không phải người khác, thì chỉ có thể trở thành tất cả bằng cách xóa bỏ trong ý thức và trong cuộc sống cái đường biên nội tại ngăn chia nó với người khác. "Con người ấy" có thể trở thành "tất cả" chỉ cùng với những người khác, chỉ cùng với những người khác nó mới có thể thực hiện được cái ý nghĩa tuyệt đối của mình - trở thành một bộ phận không thể tách rời và không thể thay thế của chỉnh thể thống hợp tất cả, một cơ quan sống động, độc lập và độc đáo của sự sống tuyệt đối. Tính cá nhân chân chính là một kiểu thức nhất định của tính-nhất-thống-của-tất-cả, một phương cách nhất định để tiếp thụ và biến thành của mình toàn bộ cái không phải là mình. Khẳng định mình ở bên ngoài tất cả, con người bằng cách ấy tước đoạt sự sinh tồn của chính mình, lấy đi của mình cái nội dung chân chính của sự sống và biến tính cá thể của mình thành một hình thức trống rỗng. Như vậy, chủ nghĩa vị kỷ tuyệt không phải là sự tự ý thức và tự khẳng định của cá nhân, mà ngược lại - nó là sự tự phủ định và tự diệt vong.
Những điều kiện siêu lý và vật lý, lịch sử và xã hội của nhân sinh bằng mọi cách làm biến thể và giảm nhẹ chủ nghĩa vị kỷ của chúng ta, đặt ra muôn vàn trở ngại mãnh liệt và đa dạng cho sự hiển lộ của nó ở dạng thuần túy, với tất cả những hậu quả khủng khiếp của nó. Song toàn bộ cái hệ thống phức tạp của những trở lực và những điều chỉnh ấy, mà ý trời đã định trước và thiên nhiên - lịch sử đương thực hiện, vẫn để nguyên vẹn bản thân cái nền móng của chủ nghĩa vị kỷ, nó thường xuyên ló ra từ dưới tấm vải phủ của đạo đức cá nhân và xã hội, nếu có cơ hội thì nó bộc lộ rõ toàn bộ. Chỉ một sức mạnh có thể làm nổ tung từ bên trong, tận gốc chủ nghĩa vị kỷ và trong thực tế nó vẫn làm việc ấy, đó chính là tình yêu, và chủ yếu tình yêu nam nữ. Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỷ là ở sự thừa nhận chỉ ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối và phủ nhận nó ở người khác; lý trí cho ta thấy cái đó là vô căn cứ và bất công, còn tình yêu thì xóa bỏ trực tiếp và trong thực tại cái thái độ bất công bất chính ấy, nó bắt ta không chỉ trong ý thức trừu tượng, mà cả trong tình cảm nội tâm và ý chí sống tiếp nhận cho mình cái ý nghĩa tuyệt đối của người khác. Nhận thức trong tình yêu một cách không trừu tượng mà cơ bản chân lý của người khác, chuyển dịch trong thực tại trung tâm sự sống của mình ra ngoài biên giới tính cá thể nghiệm chứng của mình, chúng ta bằng cách ấy thể hiện và thực hiện cái chân lý của ta, cái ý nghĩa tuyệt đối của ta, nó chính là năng lực vượt ra ngoài ranh giới của kiểu tồn tại hiện tượng, thực chứng của ta, là năng lực sống không chỉ trong mình, mà còn trong người khác.
Mọi tình yêu đều là biểu hiện của năng lực ấy, nhưng không phải tình yêu nào cũng thực hiện nó ở mức độ như nhau, không phải tình yêu nào cũng làm nổ tung tận gốc như nhau chủ nghĩa vị kỷ. Chủ nghĩa vị kỷ là một sức mạnh không chỉ hiện thực mà còn cơ bản, bắt rễ vào tận trung tâm sâu nhất của sinh tồn chúng ta và từ đó thẩm thấu và bao trùm toàn bộ thực tại của ta - một sức mạnh tác động liên tục tới mọi bộ phận và mọi chi tiết của cuộc sống chúng ta. Để thực sự phá vỡ chủ nghĩa vị kỷ, phải có để đặt đối lập với nó một tình yêu cũng cụ thể - xác định như thế, cũng thẩm thấu toàn bộ và bao trùm tất cả trong sinh linh ta như thế. Cái khác ấy, cái phải giải phóng cá nhân ta khỏi xiềng xích của chủ nghĩa vị kỷ, phải có quan hệ tương liên với toàn bộ cá nhân ta, phải là một chủ thể cũng hiện thực và cụ thể, cũng được khách thể hóa hoàn toàn như chính ta, nhưng đồng thời nó lại phải khác ta toàn bộ, để có thể thực sự là cái khác; tức là, có tất cả cái nội dung cơ bản mà ta có, nó phải có cái đó bằng cách khác hay là bằng kiểu khác, dưới hình thức khác, để cho mỗi biểu hiện của sinh linh ta, mỗi hành vi sống của ta bắt gặp ở người khác ấy một biểu hiện tương ứng, nhưng không hệt như ta, để cho quan hệ của ta với người ấy là sự trao đổi đầy đủ và thường xuyên, là sự khẳng định mình trong người khác cũng đầy đủ và thường xuyên, là sự tương tác và giao lưu hoàn hảo. Chỉ khi ấy chủ nghĩa vị kỷ sẽ bị phá vỡ và xóa bỏ không chỉ trong nguyên tắc, mà trong toàn bộ thực tại cụ thể của nó. Chỉ với sự kết hợp có thể nói hóa học ấy của hai sinh linh đồng nhất về bản chất và ngang bằng về giá trị, nhưng khác nhau toàn diện về hình thức, mới có thể có (trong trật tự tự nhiên cũng như trật tự tinh thần) sự kiến tạo con người mới, sự thực hiện thật sự tính cá nhân chân chính của con người. Một sự kết hợp như thế, hay ít nhất một khả năng tiến gần nhất tới sự kết hợp ấy, ta tìm thấy trong tình yêu nam nữ, vì thế mà ta coi trọng đặc biệt nó như là một cơ sở không thiếu được và không thể thay thế của toàn bộ sự hoàn thiện hóa đến cùng cái hữu thể, như là một điều kiện tất yếu và thường trực, mà chỉ có nó con người mới có thể thật sự ở trong chân lý.
Giáo sư Phạm Vĩnh Cư
* Nếu người ta bảo những lời ấy được Thượng Đế khêu gợi, thì đó sẽ không phải là sự phản bác, mà là sự chuyển dịch ý của tôi ra ngôn ngữ của thần học.
SOURCE: VIETIMES
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét