Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

NHÀ NƯỚC NÊN MUA LẠI XE TỰ CHẾ!

Công luận lại chợt nóng ran với chuyện: từ ngày 1/1/2008, theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, chúng ta chính thức cấm sử dụng xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh, đình chỉ lưu thông xe ô-tô hết niên hạn sử dụng trên toàn quốc. Nhiều ý kiến tỏ ý lo lắng cho số phận của những người nghèo đang mưu sinh nhờ xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh, Báo Tuổi Trẻ còn thống kê: riêng TP Hồ Chí Minh có ít nhất 60.000 hộ gia đình (nghĩa là hàng vài trăm nghìn “cái miệng”) đang mưu sinh lần lữa nhờ xe ba gác, nếu cấm sử dụng cái cần câu cơm kia thì họ biết sống làm sao?


1.Chúng ta hoàn toàn có thể nhẩm tính tiếp: làng quê nào chả có công nông - dẫu rằng “nó” bị gọi là “hung thần đầu dọc, ác quỷ đầu ngang” (công nông đầu dọc và công nông đầu ngang), bởi sức gây tai nạn và lối chạy vô lối của nó - nay ta cấm thì hàng vạn cái “tàu há mồm” đang bấu víu vào nghề lái công nông, sẽ đi về đâu? Vâng, chúng ta rất thông cảm với cái nghèo của những người đã phải chạy công nông, xe ba gác kiếm sống. Hy vọng chính quyền các cấp, các đoàn thể sẽ có chính sách động viên, dạy nghề, cho vay vốn giúp bà con vượt qua cái “sóng gió” bỗng chốc bị mất phương tiện nuôi mình và nuôi gia đình này. Nhưng…

Những chiếc công nông vô lối và luôn rình rập gây tai nạn này cần phải được… tiêu diệt để đem lại sự bình yên, chuyên nghiệp, kỷ cương cho cuộc sống

2. Nhưng! Chúng ta cần thấy sự phẫu thuật này là hết sức cần thiết. Chúng ta đang phấn đấu cho giới trẻ thành những công dân toàn cầu, đất nước ra nhập WTO, mọi người cùng chuyên nghiệp, sống - làm việc theo pháp luật và những khát vọng tươi đẹp. Trong khi đó, bạn nghĩ gì khi hàng vạn cái công nông cứ bò như hung thần ra đường phố, “chung vui” với bạn và con cái bạn, hứa hẹn những tai nạn thảm khốc? Tiếng nổ đinh tai nhức óc, khói đen kịt như B52 rải thảm, xe thì chẳng có sự “đăng kiểm” nào. Tháo một bộ phận đi, công nông thành cái máy cày, lắp thêm một bộ phận lại thành cái máy tuốt lúa, công nông biến hoá cứ như Tôn Ngộ Không. Và, người lái xe vĩ đại trên quốc lộ bon bon, lắc mình một cái lại biến thành bác thợ cày hút thuốc lào sọc sọc. Chúng ta phải chuyên nghiệp hoá, phải rà soát kỹ việc cấp bằng lái xe ôtô xe máy, rà soát kỹ chất lượng của các cái xe tiền tỷ trên đường – trong khi đó, xe công nông cứ nghênh ngang lượn lờ cõng “tử thần” đến cho bà con mình mãi được sao? Sao lại để người mức sống thấp hơn (vùng nông nghiệp, nông thôn) thì ở gần… tử thần hơn được?!

Tương tự, giữa phố phường thanh sạch, nề nếp, nam thanh nữ tú và cả cái tương lai của nước nhà đang dạo phố, một chiếc xe "tự chế" xồng xộc tới. Đồng chí cứ lao, vì có húc vào bờ tường, khối sắt hàn xì nham nhở của đồng chí cũng chả sứt mẻ gì. Có khi đồng chí tranh thủ rít thuốc lào, có khi ở trước ghi đông có cả bi-đông nước chè, lúc chờ đèn đỏ, đồng chí tranh thủ thưởng thức “quà quê” đậm đà. Cái nhà di động, cái cần câu cơm, cái cỗ máy tàn sát người ta cứ lao ầm ầm, trên đó, ống sắt (chở hàng hoá thuê) ngóc lên trời như nòng pháo; các tấm tôn khổng lồ sáng choang, nó đi đến đâu, tôi thường có cảm giác ai vừa xây một bức tường thành chia đôi ranh giới phố xá ra làm hai chiến tuyến. Một sự thiếu chuyên nghiệp (vô lối) đến phát sợ!

Không ai muốn gặp tai nạn, hay nhìn thấy những tai nạn thương tâm, thì chúng ta phải chấp nhận tiễu trừ xe tự chế và nhiều cái tự chế khó hiểu khác thôi. Cuộc phẫu thuật nào cũng đau đớn. Chính phủ đã chấp nhận cấm lưu thông xe tự chế, xe quá hạn sử dụng, thật sáng suốt. Tôi còn nhớ, cách đây ba bốn năm, tôi đã dự một hội thảo của Bộ Giao thông vận tải và các lãnh đạo nhiều tỉnh thành phía Bắc về kế hoạch diệt trừ công nông vào thời điểm năm 2008. Tác phẩm báo chí tôi viết (đăng báo lớn hẳn hoi) về công nông và nỗi kinh hoàng của nó tôi còn được trao giải thưởng của Bộ Giao thông vận tải. Khoe trộm như vậy để thấy rằng: việc cấm công nông không có gì bất ngờ. Và xứng đáng! Bà con đã đặt thành câu ca rất là đau đớn rồi “Ra đường sợ nhất công nông/ về nhà sợ nhất vợ không… nói gì”. Sợ thế, sao lúc cấm ta còn cấn cá? Khó khăn thì nỗ lực giải quyết thôi. Cũng như khi chúng ta xây một cây cầu tiền tỉ, hàng loạt cái thuyền, bè, xà lan, nhiều người kiếm cơm bằng nghề lái đò suốt nhiều thập niên bị vớt lên… bờ. Như cá rời xa nước. Mưu sinh của họ có thể gặp nhiều hao khuyết trong những ngày đầu lạ nước lạ cái do mất nghề, nhưng không lẽ vì thế mà ta ngừng việc xây một cây cầu vĩ đại phục vụ dân sinh?

Cách đây chưa lâu, Bộ Công an và các công an, tỉnh thành đồng loạt vận động giao nộp nhiều vạn khẩu súng “tự chế” với bao hiểm hoạ trong dân. Lúc đầu, người ta cũng kêu ca, hàng vạn khẩu súng, giờ đem nấu chảy thành thép tiếc quá. Văn hoá khoan nòng súng thứ thiệt của người Mông, người Thái; việc canh nương bảo vệ mùa màng trước lũ chim thú phàm ăn phàm phá sẽ đi về đâu? Có người còn lên tỉnh khóc lóc, đám ma của người Thái, người Mông là phải có tiếng súng kíp tiễn hồn người thân về Mường Trời, thu súng rồi biết làm sao? Nhưng rồi, cái đáng sợ hơn vẫn là: sự tàn sát đồng bào mình do săn bắn nhầm và khi mà mâu thuẫn nhỏ, sự thiếu hiểu biết khiến người ta đỏ mặt tía tai dùng súng lớn dí vào nhau bóp cò để… giải quyết. Bà con và chính quyền cùng quyết tâm. Riêng tỉnh Điện Biên, ít nhất, trong thời gian hơn 1 năm, bà con giao nộp tới 26.000 khẩu súng tự chế đem về Thái Nguyên nấu thành thép. Tiêu huỷ! Tương tự thế là Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Nghệ An… cùng ầm ầm tiễu trừ súng tự chế.

3. Hai chữ tự chế, bản thân nó không có tội để đến nỗi phải tiễu trừ. Nghĩ cho cùng thì tàu hoả, máy bay, bút giấy, máy móc, hầu hết những phương tiện cảm giác như không thể thiếu trong xã hội chúng ta hôm nay, xuất phát điểm của nó đều là các nhà phát kiến vĩ đại đã “tự chế” ra cả đấy thôi. Chế ra rồi xã hội ghi nhận, tôn vinh, và nó hoạt động trong guồng quay văn minh, chuyên nghiệp, lề lối và tử tế của xã hội. Nay, các cái chữ “tự chế” trong xe ba bốn bánh tự chế, súng tự chế… mà chúng ta đang sử dụng nó lại mang một nghĩa hơi khang khác. Nghĩa là từ để chỉ sự tự phát, “tiểu nông”, vô lối, coi thường sự bình an của đồng bào mình. Những cái “tự chế” ấy, nó ít bị chi phối bởi những thứ quy định cần thiết cho một xã hội văn mình, tiến bộ, phát triển. Và, chúng ta phải bắn rụng súng tự chế, phải nhấn ga thả những chiếc xe tự chế thường chở theo thảm hoạ kia vào vực sâu của quên lãng. Đó là cuộc phẫu thuật cần thiết: vì chúng ta và con cháu chúng ta.

Nhưng có thực tế đang diễn ra là: một cái công nông giá 10 triệu đồng, nhưng nó nuôi sống cả một đại gia đình. Riêng ở TP HCM cái xe ba gác ọc ạch sắt ghỉ, nhưng nó là cần câu cơm của 6 vạn hộ gia đình. Miền Bắc của chúng ta cũng có nhiều vạn cái công nông đang được cấp phép sử dụng. Tuy còn nhiều xe không được “chi phối” bởi rất nhiều thứ tiêu chuẩn cần thiết của hệ thống giao thông an toàn mà chúng ta đang hướng đến; nhưng, rõ ràng trong cả một thời gian dài, công nông - xe tự chế 3-4 bánh đã được cấp phép hoạt động. Nhà nước cho nhập công nông, xe tự chế về và cấp đăng kiểm, bằng lái cho người sử dụng, các phương tiện đó trở thành niêu cơm Thạch Sanh hợp pháp cho bà con mình.

Nay, Chính phủ cấm xe công nông, xe tự chế nguy hiểm là một chủ trương đúng, nhưng khi mà sự “ba đào” đó làm nhiều vạn hộ phải lao đao, thì chúng ta cần phải có phương án sao cho hợp lý hợp tình. Cái việc thêm an toàn và hạn chế ùn tắc (cấm công nông, xe tự chế) cho hệ thống giao thông quá nhục nhằn của chúng ta là cần thiết; nhưng sự yên ổn của miếng cơm manh áo cho bà con mình cũng không kém phần quan trọng. Nên chăng, Nhà nước cần tổ chức thu mua những cái xe đó theo giá thị trường rồi đem “tái chế”, để bà con không trắng tay khi bị thu xe bị cấm sử dụng xe? Nên tính kế sản xuất một loại phương tiện phù hợp tương tự, với giá thành tương tự để bà con có thể dùng tiền hỗ trợ “xẻ thịt” xe cũ, cộng thêm tích cóp, mua phương tiện được khuyến khích sử dụng mới (ví như xe nông dụng giá rẻ thay cho công nông mà Bộ GTVT đã khuyên dùng) để tiếp tục mưu sinh bằng cái nghề mà xã hội đang cần đến nó kia. Để chúng ta vẫn an toàn quang quẻ được trên mỗi tuyến đường mà bà con thì không quá khốn đốn. Nên giúp bà con nghèo vay vốn, dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tiền chuyển đổi ngành nghề, sớm ổn định cuộc sống, khi mà đột ngột họ mất nghề, mất cả phương tiện mà họ tằn tiện (thậm chí vay nặng lãi) nhiều năm mới có được kia.

Chủ trương cấm xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh là sáng suốt, cần thiết, là đòi hỏi của một xã hội an toàn - văn minh; nhưng, đằng sau đó cũng có những bài toán “nhân tình” hóc búa cần phải sớm giải quyết cho thấu tình đạt lý. Nhất là khi mà, người thụ nhận những ba đào phiền toái của lệnh “cấm” kia lại là bà con nghèo của chúng ta. Nhất là khi mà, ngày “cấm” xe của người nghèo lại diễn ra sau ngày “Vì người nghèo” 31.12 có một ngày…

Đỗ Lãng Quân (Vietimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến