TS. Phùng Trung Tập - Đại học Luật Hà Nội
Kiện đòi lại tài sản là một trong các phương thức bảo vệ quyền sở hữu theo qui định của pháp luật. Theo qui định tại Điều 255 BLDS, thì: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Quyền sở hữu tài sản là quyền dân sự của chủ sở hữu, được pháp luật bảo hộ. Trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu đang do người khác chiếm hữu không dựa trên sự định đoạt ý chí của chủ sở hữu, thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu người đang thực tế chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho mình. Ngoài chủ sở hữu tài sản, người có quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản của chủ sở hữu cũng có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án buộc người đang chiếm hữu tái sản có nghĩa vụ trả lại tài sản. Người chiếm hữu hợp pháp tài sản là người được chủ sở hữu chuyển giao tài sản thông qua một giao dịch dân sư (cho thuê, mượn, gửi giữ, cầm cố…). Người chiếm hữu hợp pháp còn là người đang quản lý tài sản chung (di sản thừa kế chưa chia, quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng). Như vậy, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có quyền kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu bất hợp pháp. Quan hệ về quyền sở hữu tài sản là quan hệ pháp luật dân sự, do vậy chủ sở hữu tự mình thể hiện ý chí trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong quan hệ xã hội và pháp luật, tài sản của chủ sở hữu trong những hoàn cảnh cụ thể đã dời khỏi chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí, do có hành vi chiếm đoạt trái pháp luật tài sản đó. Bộ luật dân sự qui định chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, nếu tài sản đó chưa được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu ở người đang chiếm hữu (Điều 256).
Tài sản theo tính chất được phân thành động sản và bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu và động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, theo đó việc chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản hay không có quyền kiện đòi lại tài sản (kiện vật quyền). Tuy nhiên, theo qui định tại Điều 258 BLDS, quyền của chủ sở hữu kiện đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản không được đáp ứng, nếu người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được các tài sản đó thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa. Qui định tại Điều 258, không những nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu tài sản, mà trong những điều kiện nhất định thì quyền của người đang thực tế chiếm hữu tài sản vẫn được bảo vệ theo căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp của người đó đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản.
Trong bài tham luận này, chúng tôi bàn về việc kiện đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.
Theo qui định tại Điều 257 BLDS: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Theo qui định trên, quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu với điều kiện:
- Người chiếm hữu động sản đó được xác định là chiếm hữu ngay tình;
- Người chiếm hữu ngay tình tài sản đó thông qua một giao dịch không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản.
Theo những qui định trên, đã loại trừ những trường hợp cho dù một người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu thông qua một giao dịch có đền bù, nhưng hành vi của người chiếm hữu tài sản đó được xác định là hành vi không ngay tình khi chiếm hữu, thì người này có trách nhiệm trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Qui định này nhằm bảo vệ lợi ích tuyệt đối của chủ sở hữu, đồng thời nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu thông qua giao dịch.
Như vậy, quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu phụ thuộc vào ý chí và hành vi của người đang chiếm hữu được xác định là ngay tình, nhưng người đang chiếm hữu đó có được tài sản do người không có quyền chuyển giao theo hợp đồng không có đền bù. Người không có quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu thường là người thuê, mượn, nhận gửi giữ, người vận chuyển, người nhận cầm cố, người nhận đặt cọc tài sản của chủ sở hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, không được sự cho phép của chủ sở hữu nhưng người chiếm hữu vẫn chuyển giao tài sản thông qua hợp đồng không có đền bù cho người thứ ba như tặng cho tài sản, thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản. Qui định này nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu. Hơn nữa, người đang chiếm hữu tài sản được chuyển giao cho dù là chiếm hữu ngay tình, vẫn có nghĩa vụ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và lợi ích của người này cũng không bị xâm phạm. Ngược lại, nếu người đang chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu được xác định là chiếm hữu không ngay tình, thì cho dù hợp đồng chuyển giao tài sản đó là hợp đồng có đền bù, người chiếm hữu không ngay tình vẫn có nghĩa vụ trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
Nhằm ngăn chặn hành vi lấy cắp tài sản của chủ sở hữu, và tài sản đó do người lấy cắp chuyển giao cho người thứ ba thông qua hợp đồng có đền bù, thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản ở người đang chiếm hữu, cho dù hành vi chiếm hữu của người này là ngay tình hoặc không ngay tình.
Quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu được đáp ứng kể cả trong trường hợp tài sản này bị mất và trong những trường hợp khác, loại động sản này dời khỏi chủ sở hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Quyền kiện đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chỉ được đáp ứng trong trường hợp tài sản đó vẫn còn. Như vậy, nếu động sản là đối tượng của vụ kiện không còn tồn tại (do bị mất, bị tiêu huỷ…), thì mục đích kiện đòi lại động sản đó của chủ sở hữu hoặc của người chiếm hữu hợp pháp không được đáp ứng. Trong trường hợp này, quyền của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp chỉ được bảo vệ theo phương thức kiện trái quyền.
Kiện đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, theo qui định tại Điều 257 BLDS, là nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nội dung Điều 257 BLDS đã làm phức tạp hoá những vấn đề rất đơn giản do qui định: “động sản không phải đăng ký quyền sở hữu”. Tài sản của chủ sở hữu cho dù có đăng ký hoặc không đăng ký cũng không vì thế mà làm tăng lên hoặc giảm sút quyền của chủ sở hữu tài sản đó. Thủ tục đăng ký động sản không có sự liên quan nào đến quyền kiện đòi lại tài sản của chủ sở hữu trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu đang bị người khác chiếm hữu trái pháp luật, trái ý chí của chủ sở hữu. Về bản chất, việc đăng ký động sản chỉ có ý nghĩa nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm đến tài sản đó nếu có; để chủ sở hữu có căn cứ xác định tài sản đó là của mình. Việc đăng ký động sản hay không đăng ký động sản của chủ sở hữu không ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản. Vì chủ sở hữu tài sản thực hiện quyền sở hữu của mình theo qui định của pháp luật, không phụ thuộc vào tài sản đó có giá trị lớn hay nhỏ, là động sản hay bất động sản, tài sản đó có phải đăng ký hay không. Bất luận, khi tài sản của chủ sở hữu đang bị người khác chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp, thì người đó có quyền kiện hoặc không kiện để yêu cầu người đang thực tế chiếm hữu tài sản phải trả lại tài sản đó cho mình, không phụ thuộc vào việc tài sản đó có đăng ký hay không.
Theo chúng tôi, Điều 257 nên sửa đổi bằng việc loại bỏ những chữ thừa, mà chỉ cần qui định: Quyền đòi lại động sản từ người chiếm hữu ngay tình, là đủ. Sửa đổi theo phương án này, điều luật vừa có tính khái quát, vừa hiện đại và cũng nhằm loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, đã gây cản trở không nhỏ cho chủ sở hữu động sản trong giai đoạn hiện nay.
Qui định tại Điều 257 BLDS, còn hạn chế là chưa đề cập đến những trường hợp động sản không phải đăng ký của chủ sở hữu, do người chiếm hữu ngay tình sử dụng, khai thác đã thu được những lơi ích nhất định trong thời gian chiếm hữu, trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp được đòi lại vật, thì người chiếm hữu ngay tình có nghĩa vụ hoàn trả những lợi ích vật chất đó cho chủ sở hữu không? Theo nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản được hưởng những lợi ích vật chất từ tài sản. Vì trong thời gian tài sản của chủ sở hữu do người khác chiếm hữu, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu động sản đó. Một trường hợp khác, lợi ích của người thuê động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã không được đáp ứng, do động sản đó lại đang do người khác chiếm hữu, khai thác thu lợi nhuận, mà người thuê tài sản đó vẫn có nghĩa vụ trả tiền thuê tài sản cho chủ sở hữu, khoản tiền đó sẽ được giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu và quyền của người thuê tài sản đó?
Kiện đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình là phương thức kiện dân sự được sử dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Những qui định pháp luật về vấn đề này đã nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu hoặc của người chiếm hữu hợp pháp. Tuy nhiên, những qui định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như chúng tôi đã chỉ ra trên đây. Những hạn chế này cần phải được khắc phục khi BLDS của nước ta được sửa đổi, bổ sung./.
------------------------------------------------------------------
CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét