Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUI ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ

CHÍNH PHỦ

Số : /2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày    tháng     năm 2007

DỰ THẢO ngày 24/5/2007

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________________________________

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước

trong thi hành nhiệm vụ, công vụ

______________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước sau đây:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; các Ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân như người đứng đầu cơ quan nhà nước trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. ''Cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước'' quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này là người được phân công giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, phụ trách một số lĩnh vực nhất định trong cơ quan, đơn vị hoặc một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

2. ''Chế độ trách nhiệm cá nhân'' đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước là toàn bộ các quy định của pháp luật giao cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền được giao; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 4. Căn cứ xác định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu

1. Căn cứ nghĩa vụ, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật khác liên quan.

2. Căn cứ quyền hạn, nhiệm vụ được giao cho người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.

3. Căn cứ nội dung chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các tổ chức cấu thành cơ quan nhà nước

Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các tổ chức cấu thành thuộc cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này cũng phải thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân trong quá trình đề xuất, tham mưu, trình, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công liên quan đến chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Điều 6. Các hình thức trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước

1. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu  có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm sau đây:

a) Trách nhiệm kỷ luật;

b) Trách nhiệm dân sự;

c) Trách nhiệm vật chất;

d) Trách nhiệm hình sự;

đ) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm kỷ luật: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật phải tuân theo các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

3. Trách nhiệm dân sự: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đến mức phải chịu trách nhiệm dân sự thì ngoài việc xử lý kỷ luật phải bị xử lý về trách nhiệm dân sự. Việc xử lý trách nhiệm dân sự đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự.

4. Trách nhiệm vật chất: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm hình sự: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ,  công vụ có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước phải tuân theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Chương II

CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Điều 7. Nội dung chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ hoạt động của cơ quan được giao quản lý trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm:

1. Tổ chức, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện kế hoạch công tác được cấp trên giao đầy đủ, đúng thời gian quy định và có chất lượng; quyết định các chủ trương, biện pháp cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về các quyết định đó;

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật; văn bản cá biệt; văn bản áp dụng trong nội bộ cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý và công văn chỉ đạo, điều hành. Sử dụng đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ được giao;

3. Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng công chức thuộc quyền mình quản lý, không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; hoạt động hành chính thuộc thẩm quyền quản lý thông suốt, hiệu lực và hiệu quả;

4. Tổ chức tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, nâng lương, nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo đúng thẩm quyền được giao;

5. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao quản lý, sử dụng; bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và an toàn lao động tại cơ quan. Khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị, người đứng đầu cơ quan phải thực hiện đúng chế độ, chính sách do Nhà nước quy định; có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra hư hỏng, mất mát, thất thoát, tham nhũng, lãng phí;

6. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ; thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật;

7. Thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị

1. Cấp có thẩm quyền khi ban hành quyết định bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu phải quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu theo nguyên tắc:

a) Quyền hạn của người đứng đầu phải tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao theo phân cấp quản lý;

b) Quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ giao cho người đứng đầu phải rõ ràng, cụ thể.

2. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, thời gian cho người đứng đầu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.  

Điều 9. Những trường hợp xử lý trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu

1. Vi phạm nội dung chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Khi phát hiện cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó và kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả.

3. Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới nhưng giao không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.

4. Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị những vấn đề thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhưng không giải quyết kịp thời theo quy định.

5. Đưa ra các ý kiến chỉ đạo cấp dưới trái pháp luật, thực hiện chung chung, không rõ ràng, không có chính kiến, gây lãng phí ngân sách, tài sản của Nhà nước; trình, đề xuất, ban hành quyết định trái pháp luật, không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hoặc báo cáo sai sự thật.

6. Cấp phó, người đại diện hoặc người được uỷ quyền làm sai chế độ, chính sách hoặc làm trái các quy định của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật đã giao cho người đứng đầu.

7. Cấp phó và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý tham nhũng, lãng phí.

Điều 10. Trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế điều hành tập thể, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của tập thể lãnh đạo, nếu ý kiến của đa số thành viên lãnh đạo là sai chủ trương, chính sách và pháp luật mà người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu được phân công lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đó không có ý kiến khác thì cũng phải xử lý trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu theo quy định tại Nghị định này. 

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Khen thưởng

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoàn thành xuất sắc chế độ trách nhiệm cá nhân trong thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác liên quan thì được xem xét khen thưởng theo quy định chung và được xem xét để bổ nhiệm lại, bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc được cử đi thi nâng ngạch trước thời hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Quy định về xử lý vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo hình thức quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

Điều 13. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân

Khi xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân, ngoài việc thực hiện theo các nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo quy định hiện hành, còn thực hiện theo các nguyên tắc sau:

1. Căn cứ sự phân công, phân cấp quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước để xác định mức độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu;

2. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người đứng đầu;

3. Căn cứ vào mối quan hệ và nội dung phân công công tác giữa trách nhiệm của người đứng đầu với cấp phó của người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý, điều hành cơ quan nhà nước.

Điều 14. Các trường hợp được miễn, giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu

1. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu được miễn trách nhiệm cá nhân trong các trường hợp sau:

a) Đã triển khai, đôn đốc và thường xuyên kiểm tra, đề ra các giải pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao;

b) Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực được phân công ban hành văn bản pháp luật đã tự sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung thay thế văn bản trái pháp luật và khắc phục xong hậu quả do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật đó gây ra;

c) Do thiên tai, địch họa, các tai nạn rủi ro khác hoặc trường hợp bất khả kháng mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có biện pháp phòng chống;

d) Người đứng đầu vắng mặt tại cơ quan, đơn vị và có văn bản ủy quyền cho cấp phó trong thời gian vắng mặt; cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu trong văn bản ủy quyền;

đ) Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên; khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân được xem xét giảm nhẹ kỷ luật nếu trước khi xử lý kỷ luật người đó đã tự nhận khuyết điểm, có đơn xin từ chức, xin tự khắc phục hậu quả do hành vi thiếu trách nhiệm của mình gây ra và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 15. Các trường hợp tăng nặng trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân sẽ bị xem xét tăng nặng trách nhiệm cá nhân trong các trường hợp sau:

1. Báo cáo sai sự thật về tình hình thực hiện hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao;

2. Cấp trên hoặc dư luận báo chí phát hiện sơ hở hoặc thiếu sót, đã kịp thời chỉ đạo hoặc có ý kiến nhưng người đứng đầu không thực hiện hoặc không có biện pháp để khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót để xảy ra hậu quả;

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật về vi phạm chế độ trách nhiệm cá nhân mà lại tái phạm hoặc thiếu trung thực trong tiếp thu phê bình, kiểm điểm hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực và hướng dẫn thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

3. Người đứng đầu các cơ quan khác của nhà nước (Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp) hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.

4. Cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị hướng dẫn việc áp dụng Nghị định này đối với các cơ quan thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 17Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Nghị định này cũng áp dụng đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, các Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước, các viên chức nhà nước được bổ nhiệm đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;             

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,

  cơ quan thuộc Chính phủ;

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,

   chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,

  thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;                                                        

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;    

- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty 91;   

- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,

  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,

  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, TCCB (10b). Hoà        bản.

TM. CHÍNH PHỦ

   THỦ TƯỚNG

             Nguyễn Tấn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến