Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

CÔNG TY TƯ NHÂN (Private company/privately held company)

Thuật ngữ Công ty tư nhân được hiểu theo hai cách:

  • Thứ nhất: Đó là công ty không thuộc quyền sở hữu của nhà nước
  • Thứ hai: Đó là những công ty có cổ phần được nắm giữ bởi một số ít các cổ đông và các cổ đông đó không bán cổ phiếu trên thị trường.

Công ty tư nhân có hai nghĩa khác nhau như vậy, nên việc sử dụng thuật ngữ cần thận trọng vì có thể gây hiểu nhầm.

Ở nước xã hội chủ nghĩa như nước ta, công ty tư nhân được hiểu là công ty không thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Còn ở Mỹ, công ty tư nhân thường là những công ty kinh doanh có cổ phiếu không được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chính vì những nghĩa trên, công ty tư nhân có thể là Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, tờ-rớt (trust), hoặc những tên khác.

------------------------------

CÁC THUẬT NGỮ GIẢI THÍCH HỖ TRỢ

1. Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là một dạng tương tự giống công ty hợp danh nhưng vốn được hình thành do các cá nhân đóng được gọi là các cổ đông. Chứng nhận về quyền sở hữu và phần vốn góp được cấp bởi công ty, và các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng lợi ích sở hữu của họ cho người khác bằng cách bán các cổ phần cho người khác.

Theo luật doanh nghiệp năm 2006 của Việt Nam, công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó:

  • Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
  1. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  2. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;
  3. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  4. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật doanh nghiệp.
  • Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.

2. Doanh nghiệp tư nhân (Sole proprietorship/single proprietorship)

Theo định nghĩa của Luật doanh nghiệp Việt Nam 2006, Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không được quyền phát hành bất kì loại chứng khoán nào. Và mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng kí, và có quyền tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động kinh doanh và phải ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính. Doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân do không đáp ứng đủ 4 điều kiện để trở thành pháp nhân.

Cần lưu ý rằng trong Luật Doanh nghiệp năm 2006, không có khái niệm Công ty tư nhân. Chính vì vậy cần phân biệt sự khác nhau giữa Doanh nghiệp tư nhân (đã nêu ở trên) và công ty tư nhân.

Trong phạm vi nước ta, khi nói đến công ty tư nhân, chúng ta hiểu là các loại hình công ty không phải là công ty nhà nước.

3. Công ty hợp danh (Partnership)

Công ty hợp danh là một loại hình công ty trong đó các thành viên chia sẻ lợi nhuận cũng như thua lỗ của công ty mà họ cùng nhau đầu tư vào.

Tại hầu hết các nước, công ty hợp danh được tạo nên từ một hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân, những người với tinh thần hợp tác, đồng ý thành lập nên doanh nghiệp, đóng góp cho nó bằng tài sản, hiểu biết, hoạt động và cùng chia sẻ lợi nhuận. Giữa các thành viên có thể có một hợp đồng hợp tác hoặc một bản tuyên bố hợp tác và trong một số hệ thống luật pháp, những thỏa thuận như vậy có thể được đăng ký và công bố rộng rãi cho công chúng. Ở nhiều nước, công ty hợp danh có thể được coi là có tư cách pháp nhân, trong khi một số nước khác lại có quan điểm trái ngược.

RPP1098.jpg

Công ty hợp danh thường có lợi thế hơn so với công ty cổ phần vì nó không phải đóng thuế cổ tức, trên số lợi nhuận thu được, hay nói cách khác tránh được việc bị đánh thuế hai lần.

Hình thức  cơ bản nhất của công ty hợp danh là công ty hợp danh trách nhiệm chung (GP) trong đó mọi thành viên đều tham gia vào điều hành kinh doanh và đều chịu trách nhiệm cá nhân về các khoản nợ của công ty. Hai hình thức khác cũng khá phát triển ở hầu hết các nước là Công ty hợp danh hữu hạn (LP) và Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (LLP), Trong công ty hợp danh hữu hạn, ngoài các thành viên quản trị còn có các "thành viên trách nhiệm hữu hạn", những người này từ bỏ quyền điều hành doanh nghiệp để đổi lấy "trách nhiệm hữu hạn" đối với các khoản nợ của công ty. Còn với Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (LLP), tất cả các thành viên đều có trách nhiệm hữu hạn trong một mức độ nhất định.

4. Thị trường chứng khoán (Stock market)

Thị trường chứng khoán là thị trường trên đó giao dịch các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ phái sinh... bao gồm cả chứng khoán niêm yết công khai trên sàn giao dịch chứng khoán và chứng khoán giao dịch không công khai.

Hàng hoá chủ yếu trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn thường là cổ phiếu, còn trái phiếu và các công cụ phái sinh khác hay được mua bán trên thị trường OTC hơn. Qui mô của thị trường trái phiếu toàn cầu được ước tính vào khoảng 45.000 tỷ USD, còn qui mô của thị trường cổ phiếu vào khoảng phân nửa con số đó. Qui mô của thị trường các chứng khoán phái sinh vào khoảng 300.000 tỷ USD, tuy nhiên người ta không so sánh trực tiếp nó với 2 thị trường trên vì đó chỉ là giá trị danh nghĩa của chúng, trong khi các con số nói trước đó là giá trị thực của cổ phiếu trái phiếu.

Những người tham gia vào thị trường chứng khoán vô cùng đa dạng, nhưng tựu trung lại có thể chia ra làm 2 loại chính: nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức đầu tư, trong đó các tổ chức chiếm đa số tính theo khối lượng giao dịch. Giao dịch của các nhà đầu tư này thường không được thực hiện một cách trực tiếp mà thông qua những người môi giới chứng khoán chuyên nghiệp.

555781.jpgCác sàn giao dịch chứng khoán có thể là những sàn giao dịch thực, nơi các giao dịch được thực hiện theo phương thức đấu giá mở bằng lời, NYSE là ví dụ điển hình của một sàn giao dịch loại này. Các sàn giao dịch chứng khoán cũng có thể là những sàn giao dịch ảo, dưới dạng một mạng máy tính lớn, trong đó các giao dịch hoàn toàn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử, NASDAQ là sàn giao dịch ảo lớn nhất thế giới.

Phương thức giao dịch chủ yếu của thị trường chứng khoán là phương thức đấu giá, những người tham gia sẽ tiến hành đặt lệnh, trong đó nêu rõ mức giá mong muốn của mình. Phương thức này giúp đảm bảo tính công bằng cao nhất cho mọi đối tượng tham gia. Khi giá chào mua phù hợp với giá chào bán thì giao dịch sẽ được thực hiện, hay nói cách khác là được "khớp lệnh".

Mục đích của sàn giao dịch chứng khoán là tạo thuận lợi cho việc giao dịch các loại chứng khoán giữa người mua với người bán, qua đó tạo lập nên một thị trường cho thứ hàng hoá đặc biệt này.

Theo nhà sử học nổi tiếng người Pháp Fernand Braudel, ngay từ thế kỉ 11, ở Cairo, những thương nhân người Hồi giáo và Do Thái đã xây dựng nên những hiệp hội thương nghiệp đầu tiên và có những hiểu biết về các phương thức tín dụng và thanh toán, là những mầm mống cho thị trường chứng khoán sau này. Giữa thế kỉ 13 những nhà ngân hàng ở Venetia bắt đầu tiến hành những giao dịch đối với các chứng khoán do Chính phủ phát hành, tuy nhiên năm 1351, chính quyền Venetia đã ra lệnh nghiêm cấm việc phổ biến những tin đồn có mục đích là giảm giá trị các quỹ do Chính quyền sở hữu. Những nhà ngân hàng ở Pisa, Verona, Genoa và Florence thuộc Italy đã bắt đầu tiến hành mua bán chứng khoán do Chính phủ phát hành từ thế kỷ 14, điều này thực hiện được là vì đây là những thành bang độc lập, không nằm dưới quyền cai trị của một công tước nào mà bởi một hội đồng những người có ảnh hưởng.

Sau đó, chính người Hà Lan khởi xướng ra các công ty cổ phần, mà cổ đông có thể đầu tư vào để chia sẻ lợi nhuận cũng như thua lỗ. Năm 1602, Công ty Đông Ấn đã phát hành những cổ phiếu đầu tiên ra Sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam. Đó là công ty đầu tiên trên thế giới phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam cũng được coi là sàn giao dịch đầu tiên trên thế giới hoạt động một cách liên tục. Chính người Hà Lan là những người nghĩ ra những nghiệp vụ giao dịch chứng khoán như "bán khống", "giao dịch quyền chọn", "nghiệp vụ swap nợ-cổ phần", "nghiệp vụ ngân hàng thương mại" và nhiều công cụ đầu cơ khác mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn sử dụng.

Ngày nay thì mọi quốc gia phát triển và hầu hết các nước đang phát triển đều có thị trường chứng khoán, một thị trường không thể thiếu với mọi nền kinh tế muốn phát triển vững mạnh vì các lý do sau:

Thứ nhất, thị trường chứng khoán là một trong những kênh huy động vốn quan trọng nhất của các công ty, giúp các công ty có thể niêm yết công khai, tăng thêm vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Tính thanh khoản mà thị trường chứng khoán tạo ra cho phép các nhà đầu tư nhanh chóng va dễ dàng bán các loại chứng khoán khi có nhu cầu. Đó chính là một nét hấp dẫn của việc đầu tư vào cổ phiếu so với các hình thức đầu tư kém thanh khoản khác như đầu tư vào bất động sản chẳng hạn.

Thứ hai, thị trường chứng khoán được coi là một chiếc phong vũ biểu của nền kinh tế. Lịch sử đã chỉ ra rằng, giá cổ phiếu và các loại tài sản tài chính khác là một phần quan trọng của hoạt động kinh tế và nó có thể gây ảnh hưởng hoặc là một thước đo đánh giá kỳ vọng của xã hội. Giá ổ phiếu tăng thường liên quan đến việc tăng lượng vốn đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và ngược lại. Do đó, các ngân hàng trung ương luôn để mắt tới việc kiểm soát và ứng xử của thị trường chứng khoán và đến sự hoạt động trơn tru của hệ thống tài chính vì sự ổn định tài chính luôn là một trong những chức năng quan trọng nhất của các ngân hàng trung ương.

5. Cổ phần (Stock; Share)

Cổ phần là khái niệm chỉ các chứng nhận hợp lệ về quyền sở hữu một phần đơn vị nhỏ nhất của doanh nghiệp nào đó. Quyền sở hữu này dù chỉ là một phần cũng cho phép người sở hữu cổ phần những đặc quyền nhất định, thường là:

* Hưởng một phần tương ứng lợi nhuận của hoạt động kinh doanh, thông qua phần chia lãi sau thuế gọi là Cổ tức;
* Quyền được tham gia quyết định kinh doanh quan trọng trong các phiên họp thường niên hay bất thường, và sức mạnh quyền này tỉ lệ với số cổ phần nắm giữ;
* Quyền được tiếp tục tham gia đóng góp vốn khi doanh nghiệp phát hành bổ sung các cổ phần mới, hoặc phát triển các dự án mới cần gọi vốn;
* Và một số quyền khác tùy theo qui định pháp luật.

Cổ phần có giá trị và có thể được trao đổi mua bán trên thị trường mở hoặc thị trường giao dịch tập trung, tùy loại hình doanh nghiệp và trạng thái cổ phần đã được niêm yết hay chưa. Giá của cổ phần trên thị trường nhìn chung là liên tục thay đổi tùy thuộc vào quan hệ cung-cầu, lòng tham-sợ hãi, và nhận thức chung liên tục thay đổi của cả thị trường về các điều kiện thương mại cũng như hướng phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế, sự ổn định chính trị và nhiều yếu tố liên quan mật thiết khác nữa.

Các dao động liên tục của giá cổ phần có một phần nguyên nhân do các lực lượng thị trường liên tục tương tác để tìm kiếm (còn gọi là hình thành) một giá trị cân bằng, biểu hiện qua "giá cân bằng."

Trong các nền kinh tế phát triển nơi mà các thị trường tài chính và thị trường vốn vận hành hiệu quả, thị trường cổ phiếu là nơi giao dịch các cổ phần được xem như một công cụ để đánh giá giá trị các doanh nghiệp, và từ đó có thể đánh giá giá trị của cả một nền kinh tế.

6. Cổ đông (Shareholder)

1204050.jpgCổ đông có thể là một cá nhân hoặc một công ty sở hữu hợp pháp một lượng cổ phiếu nhất định của một công ty cổ phần. Các cổ đông thường được hưởng một số đặc quyền nhất định tùy thuộc vào loại cổ phiếu mà họ nắm giữ, trong đó có quyền biếu quyết đối với các vấn đề liên quan đến bầu cử hội đồng quản trị, quyền được hưởng thu nhập từ hoạt động của công ty, quyền được mua cổ phiếu mới phát hành của công ty, và quyền đối với tài sản của công ty nếu công ty tiến hành giải thể. Tuy nhiên quyền của cổ đông đối với tài sản của một công ty chỉ được xét đến sau khi công ty thanh toán xong với các chủ nợ. Điều đó có nghĩa là cổ đông có thể sẽ không nhận được gì nếu như công ty giải thể sau khi phá sản, không có khả năng trả nợ, cho dù sau đó cổ phiếu có thể sẽ lại có giá trị nếu công ty tiến hành cơ cấu lại nợ. Cổ đông hay người nắm giữ cổ phần cũng có thể được coi là một bộ phận nhỏ trong số các stakeholders. Stakeholder có thể là bất cứ ai có quyền lợi trực tiếp hay gián tiếp tới một thực thể kinh doanh.

Mặc dù các giám đốc và nhân viên của một công ty luôn luôn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ hoạt động nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông, nhưng thường các cổ đông lại không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ tương tự. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, một số tòa án có thể sẽ ràng buộc trách nhiệm giữa các cổ đông. Ví dụ ở California, các cổ đông lớn của công ty bi ràng buộc bởi trách nhiệm không được có các hành động gây ảnh hưởng xấu đến giá trị cổ phiếu của các cổ đông nhỏ. Cổ đông lớn nhất (xét về tỉ lệ sở hữu công ty) thường là các quỹ tương hỗ (mutual funds).

© SAGA, www.saga.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến