Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

MƯỜI NĂM LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP - THỰC TIỄN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN

Phạm Xuân Thọ - Chánh Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1993 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 1994. Luật phá sản doanh nghiệp có 52 điều, bao gồm một số điều khoản về nội dung, một số điều khoản về thủ tục tố tụng tại Tòa án và một số điều khoản về thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Qua gần 10 năm thi hành Luật phá sản doanh nghiệp cho thấy đạo luật này đã đóng một vai trò nhất định trong đời sống kinh tế của đất nước.

Theo số liệu đã được công bố thì đến cuối năm 2003, toàn ngành Tòa án thụ lý 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong số đó tuyên bố được 46 doanh nghiệp bị phá sản.

Việc thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp có một kết quả bước đầu, tuy nhiên không được như mong đợi. Số liệu này rõ ràng không phải nói lên rằng doanh nghiệp tại Việt Nam lâm vào tình trạng phá sản ít. Thực tế cho thấy số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thực sự lâm vào tình trạng phá sản lớn gấp nhiều lần con số này.

I. THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ

PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn. Hàng ngàn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được thành lập và tập trung hoạt động tại đây. Trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt, hiện tượng một số doanh nghiệp tại thành phố không đứng vững, gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản, dẫn đến vi phạm pháp luật là quy luật tất yếu.

Tính đến nay, đã có 23 doanh nghiệp có yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Danh sách cụ thể như sau:

1. Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ Tân Bình (TAMEXCO)

2. Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương

3. Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng xuất nhập khẩu Thiên Nga

4. Xí nghiệp Nấm

5. Công ty Sài Gòn kỹ nghệ nông cơ (SAKYNO)

6. Công ty thương mại Bình Tây

7. Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ

8. Công ty xuất nhập khẩu quận 3 (TRILIMEX)

9. Công ty sản xuất và thương mại quận 3 (GESEBCO)

10. Công ty vật tư thương mại quận 3 (TPHCM)

11. Công ty liên doanh tổng hợp Lâm Hà

12. Công ty du lịch và dịch vụ tổng hợp quận Gò Vấp TPHCM

13. Công ty Lam Sơn (quận Phú Nhuận TPHCM)

14. Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong

15. Công ty TNHH thương mại Đức Thắng

16. Công ty TNHH may mặc và chế biến nông sản Ngọc Thảo

17. Công ty TNHH thương mại Bảo Sơn

18. Công ty TNHH Đông Á

19. Công ty Marixon

20. Công ty Compunet

21. Công ty KOENV

22. Công ty KASVINA

23. Hợp tác xã Thành Công (Quận 6 TPHCM)

So với các địa phương khác, số lượng như trên là tương đối nhiều. Tuy nhiên, so với số doanh nghiệp của thành phố đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không thể tiếp tục hoạt động thì có lẽ lại là quá ít. Hiện tượng này là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác.

Về phân loại số doanh nghiệp nói trên, theo thứ tự ơ trên thì như sau:

- 13 công ty và xí nghiệp là doanh nghiệp nhà nước (từ 1 đến 13 theo thứ tự danh sách nói trên).

- 5 công ty trách nhiệm hữu hạn (từ 14- 19).

- 4 công ty 100% vốn nước ngoài được thành lập và đăng ký hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (từ 20 đến 22).

- 1 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp.

Trong số nói trên, sau khi xem xét, đã và đang xử lý:

- Hoàn trả 5 hồ sơ vì không hội đủ các thủ tục theo quy định (như không có báo cáo quyết toán tài chính, hoặc có báo cáo nhưng chưa có ý kiến cơ quan kiểm toán. Trong số hồ sơ hoàn trả có 1 công ty TNHH và 4 công ty 100% vốn nước ngoài.

- Ra quyết định không mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp 1 hồ sơ vì không cung cấp đủ hồ sơ báo cáo và các tài liệu theo quy định (hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Thành Công).

- Đã ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp 14 hồ sơ, gồm 10 doanh nghiệp nhà nước, 4 công ty TNHH.

- Đang hoàn thiện và bổ túc 3 hồ sơ (doanh nghiệp nhà nước)

So với các địa phương khác, số lượng như trên là tương đối nhiều. Tuy nhiên, so với số doanh nghiệp của thành phố đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không thể tiếp tục hoạt động thì có lẽ lại là quá ít.

Trong số 14 doanh nghiệp đã ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh, đến nay đãõ giải quyết xong 11 vụ. Theo thứ tự thời gian, có thể liệt kê các vụ việc cụ thể như sau:

1. Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong

Thành lập với 4 thành viên, đăng ký kinh doanh tháng 3/1993, vốn điều lệ 600.000.000 đồng, ngành nghề chính là kinh doanh thương mại tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, vật liệu xây dựng, lương thực thực phẩm… mới hơn 1 năm sau, tháng 11/1994 Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Đúng 30 ngày sau khi nhận đơn, ngày 12/12/1994 Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong.

Tổng số nợ phải trả là 4.377.773.596 đồng

Tổng số nợ phải thu 173.692.334 đồng

Tổng giá trị tài sản 238.138.781 đồng

Mất khả năng thanh toán 3.965.942.481 đồng

Tuy nhiên, hội nghị chủ nợ họp ngày 17/01/1996 đã nhất trí 100% thông qua phương án hòa giải và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 01/2/1996 Tòa án đã ra quyết định công nhận biên bản hòa giải thành và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong, tạm đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Đến nay việc tạm đình chỉ đã trôi qua hơn 5 năm. Không có thông tin gì về kết quả tổ chức lại hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Hiệp Phong.

2. Công ty TNHH thương mại Đức Thắng

Thành lập với 4 thành viên, đăng ký kinh doanh tháng 3/1993, vốn điều lệ 555.000.000 đồng, ngành nghề chính là may công nghiệp và dân dụng… Đến tháng 11/1996 Công ty TNHH thương mại Đức Thắng nộp đơn và ngày 11/10/1996 Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Tổng số nợ phải trả là 1.888.706.209 đồng

Tổng số nợ phải thu 1.176.431.003 đồng

Tổng giá trị tài sản 12.550.000 đồng

Mất khả năng thanh toán 712.275.205 đồng

Tuy mất cân đối không nhiều, nhưng hội nghị chủ nợ họp ngày 16/7/1997 vẫn quyết định tuyên bố phá sản công ty và thông qua phương án phân chia tài sản

Ngày 16/7/1997 Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản Công ty TNHH thương mại Đức Thắng.

3. Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ Tân Bình (Tamexco)

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 12/1993, Tamexco là doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Thành uỷ nhưng được giao cho Quận uỷ quận Tân Bình trực tiếp quản lý, ngành nghề chính là kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu.

Tháng 10/1995 giám đốc công ty bị bắt trong một vụ án hình sự và bị truy tố trước pháp luật. Tháng 3/1997 đại diện Công ty nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, phải đến ngày 30/8/1997 sau khi có ý kiến của cơ quan kiểm toán và có kết quả xét xử vụ án hình sự đối với giám đốc công ty, Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh mới ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Tamexco.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 368.321.392.108 đồng

Tổng số nợ phải thu 253.541.520.213 đồng

Tổng giá trị tài sản 9.463.842.880 đồng

Mất khả năng thanh toán 105.316.029.015 đồng

Tuy nhiên, mất cân đối của công ty là nghiêm trọng vì nợ có khả năng thu hồi rất thấp.

Công ty không có phương án hòa giải, không đề xuất các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên Hội nghị chủ nợ họp ngày 30/12/1997 đã quyết định tuyên bố phá sản công ty và thông qua phương án phân chia tài sản.

Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp nên đến ngày 31.3.1999 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới công bố quyết định tuyên bố phá sản Tamexco.

Do hai trong số các chủ nợ có đơn khiếu nại nên hồ sơ đã được chuyển lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xem xét.

Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã ra quyết định bác đơn khiếu nại và công nhận quyết định tuyên bố phá sản Tamexco của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật thi hành.

Ngày 28/7/ 2001 Tổ Quản lý tài sản Công ty Tamexco đã thực hiện việc bàn giao hồ sơ tài liệu cho Tổ thanh toán tài sản Tamexco do Sở Tư pháp thành lập, kết thúc việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Tamexco tại Tòa án.

4. Công ty TNHH may mặc và chế biến nông sản Ngọc Thảo

Thành lập với 6 thành viên là các chị em ruột trong một gia đình nguyên là tư sản cũ, đăng ký kinh doanh tháng 3/1992 theo Luật công ty, vốn điều lệ … 600.000.000 đồng, ngành nghề chính là may mặc xuất khẩu, kinh doanh thương mại vật tư nông nghiệp và nông sản.

Tháng 7/1997 Công ty Ngọc Thảo nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Ngày 08/8/1997 Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty.

Tổng số nợ phải trả là 324.257.263.422 đồng

Tổng số nợ phải thu 169.898.000 đồng

Tổng giá trị tài sản 199.315.757.543 đồng

Mất khả năng thanh toán 124.771.607.879 đồng

Trong khi Tòa Kinh tế đang xác minh công nợ thì các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố vụ án hình sự tại Công ty TNHH Ngọc Thảo, bắt tạm giam giám đốc công ty. Tuy nhiên, tiến trình giải quyết phá sản vẫn tiến hành.

Hội nghị chủ nợ họp ngày 29/6/1997 đã phải hoãn do không đủ thành phần tham dự.

Mặc dù đã tống đạt hợp lệ giấy triệu tập, nhưng Hội nghị lần hai ngày 17/7/1998 cũng không đủ số chủ nợ đại diện cho 2/3 tổng số nợ không bảo đảm nên hội nghị chủ nợ không thành. Theo quy định tại Điều 31 Luật phá sản doanh nghiệp, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Ngọc Thảo.

Vụ án hình sự tại công ty TNHH Ngọc Thảo cũng kết thúc với mức án cao nhất dành cho giám đốc công ty. Tuy nhiên, không có cơ sở pháp lý rõ ràng nào để xác định pháp nhân công ty cũng đã không còn.

5. Công ty TNHH thương mại Bảo Sơn

Thành lập với 4 thành viên, đăng ký kinh doanh tháng 11/1996, vốn điều lệ 600.000.000 đồng, ngành nghề chính là kinh doanh thương mại.

Tháng 1/1999 Công ty TNHH Bảo Sơn nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Ngày 10/02/1999 Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty.

Công nợ được xác định như sau:

Tổng số nợ phải trả là 8.697.362.232 đồng

Tổng số nợ phải thu 68.375.430 đồng

Tổng giá trị tài sản 58.874.490 đồng

Mất khả năng thanh toán 8.569.912.312 đồng

Hội nghị chủ nợ họp ngày 12/10/1999 đã phải hoãn do vắng mặt chỉ một chủ nợ, nhưng là chủ nợ lớn nhất, chiếm gần 50% tổng số nợ.

Mặc dù đã tống đạt hợp lệ giấy triệu tập hội nghị chủ nợ, nhưng hội nghị lần hai ngày 11/10/1999 cũng không đủ số chủ nợ đại diện cho 2/3 tổng số nợ không bảo đảm nên hội nghị chủ nợ không thành. Theo quy định tại Điều 31 Luật phá sản doanh nghiệp, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Bảo Sơn.

Hiện nay Công ty TNHH Bảo Sơn tiếp tục nộp đơn (lần thứ hai) yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp vì trên thực tế công ty không hoạt động, vẫn trong tình trạng thua lỗ và không có phương án tổ chức lại doanh nghiệp. Tuy nhiên đơn yêu cầu chưa được thụ lý vì có ý kiến cho rằng không có quy định hoặc hướng dẫn nào chỉ rõ Tòa án được thụ lý lại việc yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp sau khi đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản của chính doanh nghiệp đó.

6. Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 10/1992, Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương là doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chức năng chính là sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đông lạnh.

Tuy có mặt bằng rộng lớn và nhiều thiết bị sản xuất chế biến thực phẩm nhưng làm ăn không hiệu quả nhiều năm, giám đốc cũ của công ty dính líu trong một vụ án hình sự và bị truy tố trước pháp luật.

Tháng 5/1998 Công ty nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản. Ngày 20/6/1998 Chánh Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 225.395.657.790 đồng

Tổng số nợ phải thu 1.867.329.793 đồng

Tổng giá trị tài sản 11.444.461.895 đồng

Mất khả năng thanh toán 202.540.804.052 đồng

Tuy nhiên, tài sản về nhà xưởng của công ty có một giá trị tiềm tàng nếu được hợp thức hoá quyền sở hữu.

Đồng thời với việc nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, Công ty cũng xây dựng phương án hòa giải với các chủ nợ và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 28/10/1998 Hội nghị chủ nợ đã họp. Sau khi phân tích, đánh giá các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của công ty, toàn thề chủ nợ đã nhất trí thông qua phương án hòa giải.

Ngày 1/11/1998 Tòa án đã ra quyết định công nhận biên bản hòa giải thành và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương, tạm đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Sau hai năm thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ngày 14/11/2000 Công ty Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Hùng Vương đã có báo cáo về tình hình hai năm thực hiện phương án hòa giải và các giải pháp tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM cũng đã xác nhận việc Công ty đã ngăn chặn được tình hình thua lỗ, tình hình tài chính đã được lành mạnh hóa, không phát sinh công nợ mới quá hạn, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách, , xây dựng được phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2001 và những năm sau, có nhiều triển vọng thu hút đầu tư, thực hiện các dự án liên doanh, mở ra khả năng giải quyết các tồn đọng để công ty tiếp tục phát triển.

Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hội nghị chủ nợ thông qua phương án hòa giải (từ 28/10/1998 đến 28/10/2000) Tòaa 1n cũng không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của các chủ nợ yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết việc tuyên bố phá sản Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương. Do đó theo đề nghị của giám đốc Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương và giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, ngày 29/12/2000 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty.

Cho đến nay, tháng 2/2004 Công ty Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Hùng Vương thực sự đã hoạt động bình thường.

7. Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng xuất nhập khẩu Thiên Nga

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 6/1993, Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng xuất nhập khẩu Thiên Nga là doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Thành uỷ nhưng Quận uỷ quận 10 trực tiếp quản lý, ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến, nông lâm hải sản, bao bì, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu.

Tháng 4/1999 Công ty nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản. Kèm theo đơn có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Tháng 5/1999, Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng xuất nhập khẩu Thiên Nga.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 8.102.673.569 đồng

Tổng số nợ phải thu 3.635.801.738 đồng

Tổng giá trị tài sản 3.312.397.017 đồng

Mất khả năng thanh toán 1.154.474.814 đồng

Tùài sản của công ty tuy được định giá hơn 3 tỷ đồng nhưng giá trị thương mại rất thấp vì là những dây chuyền sản xuất nước giải khát với thiết bị lạc hậu, khả năng thu hồi nợ phải thu rất thấp.

Công ty không có phương án hòa giải, không đề xuất các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên tại Hội nghị chủ nợ họp ngày 15/02/2001 các chủ nợ đã nhất trí việc tuyên bố phá sản công ty và thông qua phương án phân chia tài sản.

Tháng 9/2001 việc bàn giao tài sản giữa Tổ Quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng xuất nhập khẩu Thiên Nga đã tiến hành, kết thúc việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản tại Tòa án, bắt đầu việc thi hành việc phân chia tài sản cho các chủ nợ.

8. Xí nghiệp Nấm

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 10/1992, Xí nghiệp Nấm là doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chức năng chính là nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất meo nấm và nấm.

Tháng 9/1999 Xí nghiệp nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản và được Tòa án thụ lý ngày 30/10/1999.

Ngày 15/10/1999 TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Xí nghiệp Nấm.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 2.743.528.689 đồng VN và

21.335 USD

Tổng số nợ phải thu 222.452.754 đồng

Tổng giá trị tài sản 1.776.870.804 đồng

Mất khả năng thanh toán 976.657.885 đồng và

21.335 USD

Theo chủ trương của cơ quan chủ quản về việc chấm dứt hoạt động, Xí nghiệp không xây dựng các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hội nghị chủ nợ (lần thứ nhất) họp ngày 15/01/2001 đã phải hoãn do không đủ số chủ nợ đại diện cho 2/3 tổng số nợ không bảo đảm.

Ngày 10/ 10/2001 Hội nghị chủ nợ (lần thứ hai) đã được tiến hành.

Ngày 04/02/2001 Tòa án nhân dân thành phố đã ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Xí nghiệp Nấm.

9. Công ty thương mại Bình Tây

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 6/1993, Công ty thương mại Bình Tây là doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Thành uỷ nhưng Quận uỷ quận 6 trực tiếp quản lý, ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến, nông lâm hải sản, bao bì, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu.

Tháng 4/1999 Công ty nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản. Kèm theo đơn có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Tháng 5/1999, Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty thương mại Bình Tây.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 20.539.714.654 đồng

Tổng số nợ phải thu 24.641.055.373 đồng

Tổng giá trị tài sản 2.544.634.333 đồng

Với số liệu như trên thì doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, trong số nợ phải thu có những khoản nợ rất khó khả năng thu hồi.

Hội nghị chủ nợ (lần thứ nhất) dự kiến họp ngày 26/8/2002 đã phải hoãn do không đủ số chủ nợ đại diện cho 2/3 tổng số nợ không bảo đảm.

Ngày 25/9/2002 Hội nghị chủ nợ (lần thứ hai) cũng đã phải hoãn do không đủ số chủ nợ đại diện cho 2/3 tổng số nợ không bảo đảm.

Căn cứ khoản 1 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Luật phá sản doanh nghiệp, ngày 01/10/2002 Tòa án nhân dân thành phố đã ra quyết định đình chỉ giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty thương mại Bình Tây.

10. Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 12/1992, Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ là doanh nghiệp thuộc UBND huyện Cần Giờ trực tiếp quản lý, có ngành nghề sản xuất kinh doanh tổng hợp, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu và đầu tư.

Ngay từ những năm 1993-1996 Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ đã gặp những khó khăn về tài chính do không phát triển được sản xuất, vốn đầu tư nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản không thu hồi được.

Tháng 6/1999 Công ty nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản. Kèm theo đơn có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Tháng 7/1999, Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ.

Theo tài liệu do Công ty báo cáo thì số liệu công nợ như sau:

Tổng số nợ phải trả là 19.050.273.821 đồng

Tổng số nợ phải thu 8.913.375.827 đồng

Mất khả năng thanh toán 10.136.897.994 đồng

Tuy nhiên, tài sản của công ty hầu như không còn giá trị sử dụng, nợ phải thu không có khả năng thu hồi nên theo nhận định của Công ty, số mất cân đối có thể còn cao hơn nhiều.

Việc định giá các tài sản rất khó khăn do nhiều công trình nhà xưởng nằm trong khu quy hoạch và không có hồ sơ giao đất rõ ràng.

11. Công ty Sài Gòn kỹ nghệ nông cơ (SAKYNO)

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 5/1993, Công ty Sài gòn kỹ nghệ nông cơ là doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở Công nghiệp TPHCM, ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh các mặt hàng công nghiệp và xuất nhập khẩu.

Thực hiện chủ trương của UBND và Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh về việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt hoạt động của một số doanh nghiệp, Công ty SAKYNO nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Kèm theo đơn có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Tháng 10/2000 Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty Sài gòn kỹ nghệ nông cơ.

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 47.650.330.792 đồng

Tổng số nợ phải thu 10.283.107.390 đồng

Và 11.128 USD

Tổng giá trị tài sản 51.948.740.460 đồng

Nếu theo số liệu nói trên thì Công ty không mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, trong số giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp nói trên có quyền sử dụng đất mà Công ty được giao và đang cho doanh nghiệp khác thuê lại. Có khả năng khu đất này sẽ bị thu hồi mà không được đền bù theo giá trị như đã dự kiến. Đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét để thống nhất cách xử lý.

Công ty không có phương án hòa giải, không đề xuất các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay (2/2004) việc triệu tập Hội nghị chủ nợ đang được chuẩn bị.

12. Công ty sản xuất và thương mại quận 3 (GESEBCO)

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 6/1993, Công ty sản xuất và thương mại quận 3 (GESEBCO) là doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Thành uỷ TPHCM nhưng giao cho Quận uỉy quận 3 trực tiếp quản lý, ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Thời gian những năm 1993-1995 trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, giám đốc Công ty đã làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, làm cho Công ty đứng trên bờ vực phá sản.

Sau khi vụ án hình sự tại GESEBCO kết thúc, tháng 10/2001 Công ty nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp để chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại về mặt pháp lý. Kèm theo đơn có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Tháng 2/2002 Tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty sản xuất và thương mại quận 3 (GESEBCO).

Sau quá trình xác minh, số liệu công nợ cụ thể như sau:

Tổng số nợ phải trả là 12.634.247.006 đồng

Tổng số nợ phải thu 140.253.834 đồng

Tổng giá trị tài sản (không)

Mất khả năng thanh toán 12.493.993.172 đồng

Tùài sản của công ty hầu như không còn gì ngoài một số phế liệu và bàn ghế cũ nát không có giá trị sử dụng , nợ phải thu thì khả năng thu hồi cũng rất thấp.

Công ty không có phương án hòa giải, không đề xuất các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên tại Hội nghị chủ nợ họp ngày 31/12/2002 các chủ nợ đã nhất trí việc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tuyên bố phá sản Công ty sản xuất và thương mại quận 3 (GESEBCO).

13. Công ty du lịch và dịch vụ tổng hợp quận Gò vấp

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 10/1992, Công ty du lịch và dịch vụ tổng hợp quận Gò Vấp là doanh nghiệp nhà nước do UBND quận trực tiếp quản lý.

Tháng Công ty nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản và được Tòa án thụ lý ngày 30/10/1999.

Ngày 17/12/2003 TAND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty du lịch và dịch vụ tổng hợp quận Gò Vấp.

Theo báo cáo của Công ty thì số liệu công nợ như sau:

Tổng số nợ phải trả là 11.188.108.610 đồng

Tổng số nợ phải thu 29.902.962.761 đồng

Tổng giá trị tài sản 18.789.169.097 đồng

Mất khả năng thanh toán 9.188.108.610 đồng

Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty du lịch và dịch vụ tổng hợp quận Gò Vấp đang vào giai đoạn cuối, dự kiến đến đầu tháng 4/2004 sẽ niêm yết danh sách chủ nợ. Việc triệu tập Hội nghị chủ nợ và ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp sẽ thực hiện trong tháng 4 hoặc tháng 5/2004.

14. Công ty Lam Sơn (quận Phú Nhuận TPHCM)

Thành lập và đăng ký kinh doanh tháng 12/1992, Công ty Lam Sơn (được nhiều người biết đến với tên Sơn mài Lam Sơn) là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND quận Phú Nhuận quản lý, chức năng chính là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa các mặt hàng sơn mài, gốm sứ, đồ gỗ, may mặc, da, cao su, nông lâm hải sản, các loại vật tư, nhiên liệu, kiều hối, dịch vụ du lịch, địa ốc,...

Nay từ năm 1993 Công ty Lam Sơn đã gặp những khó khăn về tài chính. Phần lớn vốn vay bị đóng băng vào địa ốc, bị chiếm dụng. Đến năm 1994 Công ty đã bị lỗ gần 15 tỷ đồng.

Liên tục trong những năm 1996-1997 Công ty xin các chủ nợ ngân hàng khoanh nợ nhưng chỉ đến năm 1998 theo đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ mới cho phép khoanh nợ trong thời hạn 5 năm và thí điểm việc chuyển quyền sử dụng đất.

Tình hình tài chính của Công ty vẫn vô cùng khó khăn. Đến thời điểm 1999 mất cân đối 60 tỷ đồng.

Tháng 8/2003 Công ty đã làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo chủ trương của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, do cần hổ túc và hoàn thiện hồ sơ nên đến ngày 04/12/2003 Tòa án có mới quyết định thụ lý.

Ngày 25/12/2003 TAND thành phố Hồ Chí Minh chính htực ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Công ty Lam Sơn.

Theo báo cáo của Công ty thì số liệu công nợ tính đến 31/12/2002 như sau:

Tổng số nợ phải trả 38.736.751.726 đồng

Tổng số nợ phải thu 11.518.111.546 đồng

Tổng giá trị tài sản 6.276.083.252 đồng

Mất khả năng thanh toán 20.942.556.928 đồng

Tuy nhiên, nhờ áp dụng những biện pháp khắc phục một cách tích cực như bán hàng tồn kho, bán các tài sản có giá trị lớn nên đến cuối năm 2003, tình hình tài chính đã có chuyển biến rất khả quan. Cũng theo báo cáo của Công ty thì tính đến 31/12/2003, số liệu công nợ như sau:

Tổng số nợ phải trả 21.992.310.271 đồng

Tổng số nợ phải thu 6.460.314.972 đồng

Tổng giá trị tài sản 6.276.083.252 đồng

Mất khả năng thanh toán 9.255.912.047 đồng

(Số mất cân đối có thể còn cao hơn vì nhiều khoản nợ phải thu nhưng không có khả năng thu hồi và giá trị tài sản nếu tính theo giá thị trường sẽ thấp hơn nhiều).

Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty Lam Sơn đang vào giai đoạn cuối, dự kiến đến cuối tháng 3/2004 sẽ niêm yết danh sách chủ nợ. Việc triệu tập Hội nghị chủ nợ và ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp sẽ thực hiện trong tháng 4/2004.

II. VƯỚNG MẮC TRONG TỐ TỤNG PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP TRƯỚC MẮT

Luật phá sản doanh nghiệp hiện hành có 52 điều, bao gồm một số điều khoản về nội dung, một số điều khoản về thủ tục tố tụng tại Tòa án và một số điều khoản về thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Cách thiết kế này có khác so với nhiều luật và bộ luật trong các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong hình sự, dân sự hay kinh tế, hành chính và lao động. Chúng ta có Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự là bộ luật về nội dung. Ngoài ra có Bộ luật về tố tụng hình sự và pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự riêng. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có 88 điều; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế có 90 điều; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động có 106 điều. Trong khi đó, các điều khoản về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong Luật Phá sản doanh nghiệp chỉ có chưa đến 50 điều.

Có lẽ do sự quá đơn giản của Luật phá sản và sự ít ỏi của văn bản hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật phá sản đã gây khó khăn và lúng túng cho các Tòa án và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện. Trong khi đó, như mọi người biết, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp luôn luôn là việc phức tạp vì cùng lúc phải giải quyết cả các quan hệ về kinh tế, về dân sự và lao động của doanh nghiệp. Mặt khác, có nhiều vấn đề được quy định trong Luật phá sản doanh nghiệp nhưng đã không rõ ràng, nhiều vướng mắc không được tháo gỡ.

Đã qua gần 10 năm tồn tại nhưng hình như Luật phá sản doanh nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được vai trò nổi bật trong việc quản lý nhà nước về kinh tế, chưa thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tiến hành theo yêu cầu của doanh nghiệp, các thủ tục được tiến hành đầy đủ, đúng trình tự theo quy định và nói chung là có kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề vướng mắc. Sau đây là một số vấn đề cụ thể:

1. Đương sự trong thủ tục phá sản

Tại Điều 3 Luật phá sản doanh nghiệp có nêu một số khái niệm như “Chủ nợ có bảo đảm”, “Chủ nợ có bảo đảm một phần”, “Chủ nợ không có bảo đảm”, “Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp”… Chúng tôi hiểu đây là các đương sự tham gia tố tụng trong phá sản doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn nhiều các đương sự khác như “Người mắc nợ doanh nghiệp” với những khoản nợ phải thu, “Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tài sản của doanh nghiệp, v.v… đã không được xác định rõ nên trong nhiều quan hệ trong lúc giải quyết phá sản doanh nghiệp đã không đề cập đến họ, họ không được tham gia tố tụng, dẫn đến quyền lợi chính đáng của họ có thể không được bảo đảm.

Ví dụ: Trong việc niêm yết, Điều 22 Luật phá sản doanh nghiệp chỉ nói đến niêm yết danh sách chủ nợ và quyền khiếu nại của chủ nợ. Ngoài ra, không có điều khoản nào nói đến việc niêm yết danh sách nợ phải thu và quyền khiếu nại của những người mắc nợ doanh nghiệp.

Trong thực tiễn giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản tại TAND thành phố Hồ Chí Minh, các Tổ QLTS niêm yết tất cả mọi danh sách và Thẩm phán đã giải quyết mọi khiếu nại, kể cả những người mắc nợ doanh nghiệp.

2. Sự tham gia của đương sự trong các giai đoạn giải quyết phá sản

Trong một số giai đoạn của quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, chủ nợ và đại diện của doanh nghiệp phải cử người đại diện tham gia làm việc (ví dụ Tổ Quản lý tài sản, Tổ thanh toán tài sản.

Trong trường hợp chủ doanh nghiệp không uỷ quyền, không cử người đại diện thì Tòa án hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (UBND, Sở KHĐT) nhất thiết và có thể chỉ định người đại diện hay không? Có thể giải quyết vắng mặt họ được không?

3. Tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân

Điều 5 Luật phá sản doanh nghiệp nói về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết việc phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay không thấy có hướng dẫn cụ thể về việc tiến hành hay tham gia tố tụng như thế nào. Kiểm sát viên tham gia các công việc của Tổ quản lý tài sản ra sao? Có dự hội nghị chủ nợ không và nếu dự thì vai trò, quyền hạn như thế nào? Tòa án có phải làm giấy mời đến dự hay không?

Theo chúng tôi, cũng như trong tố tụng giải quyết các vụ án kinh tế, Kiểm sát viên có quyền tham gia bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Tòa án có trách nhiệm gửi tất cả các quyết định đã ban hành cho Viện kiểm sát để Viện thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định chung của pháp luật.

4. Chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ

Điều 7 quy định khi nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, chủ nợ phải chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Việc này là không thực tế vì chủ nợ chỉ biết là doanh nghiệp mắc nợ đã không chịu trả nợ cho mình, không thể khẳng định nguyên nhân việc không trả nợ và khả năng tài chính của doanh nghiệp còn hay mất.

Điều 8 quy định đại diện công đoàn người lao động yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Hồ sơ của chủ nợ và của công đoàn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp phải có báo cáo quyết toán tài chính 2 năm cuối cùng được cơ quan kiểm toán xác nhận là điều kiện không thể đáp ứng. Nhiều doanh nghiệp do bị thất lạc đã không còn đủ sổ sách kế toán, không đủ tiền để thuê kiểm toán (tốn phí khoảng 35-45 triệu đồng), không còn tiền để tạm ứng lệ phí và chi phí phá sản doanh nghiệp (10 triệu đồng đăng báo trung ương và địa phương 3 số liên tiếp về quyết định mở thủ tục, 10 triệu đồng quyết định tuyên bố đình chỉ hoaặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp).

5. Người có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Người có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp là chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần (Điều 7 Luật PSDN), đại diện công đoàn hoặc đại diện ngưòi lao động (Điều 8), chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (Điều 9).

Theo chúng tôi, cần bổ sung người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp là các cơ quan quản lý nhà nước (UBND tỉnh, thành phố và Bộ hoặc Sở Kế hoạch đầu tư) và cũng có thể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật.

6. Toà án thông báo cho các chủ nợ

Điều 10 Luật phá sản doanh nghiệp quy định: Trong khi giải quyết các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp, nếu phát hiện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì Toà án thông báo cho các chủ nợ, doanh nghiệp đó biết để nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Các vụ án nói ở đây gồm những vụ án gì? Có bao gồm cả dân sự hoặc hình sự mà có xét xử trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp hay không?

Nếu Toà án đã thông báo mà các chủ nợ không nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì xử lý thế nào?

7. Gửi báo cáo về khả năng thanh toán nợ

Điều 12 Luật phá sản doanh nghiệp quy định: Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày thụ lý đơn (của chủ nợ, đơn của người lao động), Toà án phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp mắc nợ biết, có bản sao đơn và các tài liệu liên quan kèm theo.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án, doanh nghiệp bị yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản phải gửi cho Toà án báo cáo về khả năng thanh toán nợ. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, thì doanh nghiệp phải gửi đến Toà án các báo cáo và các tài liệu như quy định tại điểm b và c, khoản 2 Điều 9 của Luật này.

Vấn đề ở chỗ: Nếu đã được thông báo nhưng doanh nghiệp không chịu gửi đến Toà án các báo cáo và các tài liệu như quy định nói trên thì Tòa án làm gì?

Có thể có hai cách đặt vấn đề và hai cách xử lý:

- Với lý do không có báo cáo của doanh nghiệp, coi như không có đủ hồ sơ tài liệu nên không đủ căn cứ ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Điều 14 Luật phá sản doanh nghiệp?

Trường hợp này vô hình trung làm mất quyền của chủ nợ và của công đoàn người lao động yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp không chịu gửi báo cáo, coi như chấp nhận yêu cầu của chủ nợ hoặc người lao động đề nghị Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

8. Giám sát, kiểm tra việc quản lý tài sản của doanh nghiệp

Điều 16 Luật phá sản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán là giám sát và kiểm tra hoạt động của các nhân viên Tổ quản lý tài sản; Điều 17 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ quản lý tài sản, đặc biệt là giám sát, kiểm tra việc quản lý tài sản của doanh nghiệp.

Điều 18 quy định: Mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được tiến hành bình thường nhưng phải chịu sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý tài sản.

Điều 23 quy định: Trong thời gian giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp được thanh toán dưới sự giám sát của Thẩm phán.

Trong thực tế, Tổ quản lý tài sản đã rất lúng túng trong việc giám sát như thế nào? Các khoản thu, chi quỹ tiền mặt, bảng trả lương có phải được Tổ QLTS và Thẩm phán “duyệt” hay không?

9. Lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu

Điều 17 quy định nhiệm vụ của Tổ quản lý tài sản lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu và toàn bộ tài sản của doanh nghiệp.

Vấn đề vướng mắc ở chỗ: Nếu có tranh chấp trong việc xác định số nợ, tranh chấp về tài sản của doanh nghiệp thì giải quyết như thế nào?

Các vụ án kinh tế bị đình chỉ việc giải quyết khi có quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì có phải đưa vào giải quyết luôn trong giai đoạn này không?

Nhiều ý kiến phân vân cho rằng không thể đưa vào giải quyết chung trong phá sản được. Nhưng tách giải quyết riêng thì cũng không xong!

Cần hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, cách thức giải quyết tranh chấp công nợ phát sinh khi Tổ Quản lý tài sản niêm yết danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu. Trình tự và thủ tục để Thẩm phán giải quyết khiếu nại như thế nào để bảo đảm việc giải quyết là chính xác.

10. Nợ mới phát sinh sau khi khoá sổ danh sách chủ nợ

Điều 27 quy định việc khoá sổ danh sách chủ nợ. Nếu có nợ phát sinh sau khi đã khoá sổ danh sách chủ nợ thì xem xét như thế nào? Có thể bổ sung danh sách chủ nợ được không?

11. Đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp do hội nghị chủ nợ không thành

Điều 31 khoản 2 quy định: Nếu hội nghị chủ nợ không thành do không đủ số chủ nợ theo quy định, thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Trong trường hợp này phải chăng doanh nghiệp lại trở về hoạt động bình thường, không lâm vào tình trạng phá sản?

Sau thời gian bao lâu thì doanh nghiệp lại có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản (lần 2)?

12. Đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo đề nghị của doanh nghiệp

Điều 35 quy định việc đình chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo đề nghị của doanh nghiệp sau thời hạn 2 năm.

Tuy nhiên, có trường hợp đã hết thời hạn tổ chức lại kinh doanh, doanh nghiệp không có báo cáo là kinh doanh có hiệu quả hay không, có thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo kế hoạch đã được hội nghị chủ nợ thông qua hay không, cũng không đề nghị Thẩm phán đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Chủ nợ cũng không ý kiến gì về việc doanh nghiệp thực hiện được hay không được các nghĩa vụ của mình theo kế hoạch đã được hội nghị chủ nợ thông qua. Phải chăng việc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp cứ kéo dài vô thời hạn?

13. Thụ lý tranh chấp hợp đồng kinh tế sau khi Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Nếu việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp bị Tòa án ra quyết định đình chỉ thì việc thụ lý các vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp tiến hành như thế nào?

Có thụ lý hay không đối với các tranh chấp mà:

- Trước đây Tòa án đã có quyết định đình chỉ việc giải quyết do đã mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp?

- Các tranh chấp phát sinh từ trước nhưng chưa ai khởi kiện. Trong quá trình giải quyết phá sản Tòa án đã xem xét và đưa vào danh sách chủ nợ hoặc doanh sách người mắc nợ?

Nếu thụ lý thì cách tính như thế nào về:

- Thời hiệu khởi kiện tính lại từ đầu sau khi có quyết định đình chỉ của Tòa án hay trừ thời gian Tòa án thụ lý giải quyết phá sản doanh nghiệp?

- Cách tính lãi các khoản nợ trong thời gian Tòa án giải quyết phá sản? Khoanh nợ tính từ ngày Tòa án ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ theo quyết định mở thủ tục, hay tính lãi phát sinh liên tục?

14. Tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Điều 20 quy định hết thời hạn 60 ngày, nếu không có phương án hoà giải thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Điều 36 quy định Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không có phương án hoà giải và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng:

Căn cứ vào Điều 20 và Điều 36 nói trên Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Việc tổ chức hội nghị chủ nợ chỉ để bàn phương án phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng căn cứ vào Điều 20 và Điều 36 nói trên Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Việc tổ chức hội nghị chủ nợ chỉ để bàn phương án phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Nếu đã tống đạt hợp lệ việc triệu tập hội nghị chủ nợ mà chủ nợ nào không đến dự thì coi như từ bỏ quyền biểu quyết tại hội nghị chủ nợ .

Nếu chấp nhận ý kiến này, cần sử đổi khoản 2 Điều 31 “Nếu hội nghị chủ nợ không thành do không đủ số chủ nợ theo quy định, thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp” theo hướng “Trong trường hợp doanh nghiệp mắc nợ không có phương án hòa giải, Hội nghị chủ nợ được triệu tập chỉ để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật phá sản doanh nghiệp. Hội nghị chủ nợ vẫn được tiến hành nếu các chủ nợ được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt”.

15. Thứ tự ưu tiên trong việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp

Điều 39 quy định việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên như sau:

1- Các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản của doanh nghiệp;

2- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

3- Các khoản nợ thuế;

4- Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong trường hợp: Nếu doanh nghiệp đang phải thi hành một hoặc nhiều bản án về trách nhiệm dân sự hay kinh tế của mình thì thứ tự ưu tiên này có còn ý nghĩa nữa hay không?

16. Thi hành án khi Tòa án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Trong thời gian Tòa án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp phải thi hành bản án kinh tế, dân sự hoặc dân sự trong hình sự về trả nợ thì xử lý thế nào:

- Có đưa người được thi hành án vào danh sách chủ nợ không và họ có phải là chủ nợ có bảo đảm không, có được ưu tiên gì không?

- Việc thi hành bản án về thanh toán nợ của doanh nghiệp vẫn được tiến hành bình thường (riêng rẽ với phân chia tài sản của doanh nghiệp thủ tục phá sản doanh nghiệp) hay cần hoãn lại để thi hành chung trong quá trình phân chia tài sản của doanh nghiệp theo thủ tục phá sản doanh nghiệp?

17. Khiếu nại, kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Điều 40 quy định các chủ nợ và doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản có quyền gửi đơn khiếu nại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Nếu nội dung khiếu nại hoặc kháng nghị chỉ liên quan đến một khoản nợ trong việc xác định công nợ hoặc một tài sản trong việc phân chia tài sản thì các phần khác của quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp có bị ảnh hưởng không?

18. Thời điểm doanh nghiệp mất quyền quản lý tài sản

Do quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp có thể bị chủ nợ khiếu nại, bị Viện kiểm sát kháng nghị (qui định tại Điều 40 Luật phá sản doanh nghiệp) nên quyết định chưa có hiệu lực thi hành. Nếu qui định thời điểm doanh nghiệp mất quyền quản lý tài sản kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì không phù hợp.

Đề nghị qui định thời điểm doanh nghiệp mất quyền quản lý tài sản là kể từ thời điểm quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp có hiệu lực pháp luật, thay vì kể từ thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp như đã qui định tại Điều 23 Nghị định 189/CP ngày 23/12/1994 hướng dẫn thi hành Luật phá sản doanh nghiệp.

19. Giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp có liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài

Điều 51 quy định việc giải quyết phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam có liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Chủ doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp đều là người nước ngoài. Do làm ăn thua lỗ nên đều bỏ về nước. Không còn ai ở Việt Nam được coi là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Xử lý thế nào?

Cần có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với đặc thù của loại doanh nghiệp này.

Đề nghị quy định:

Trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải có mặt tại Việt Nam để thực hiện các thủ tục cần thiết.

Nếu chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã về nước thì họ phải trở lại Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Nếu chủ doanh nghiệp không có điều kiện hoặc không muốn trở lại Việt Nam thì họ phải uỷ quyền hợp pháp cho người khác đại diện tại Việt Nam để thực hiện các thủ tục và tham gia việc quản lý tài sản của doanh nghiệp.

Nếu chủ doanh nghiệp không trở lại Việt Nam, cũng không uỷ quyền hợp pháp cho người khác đại diện thì cơ quan cấp phép đầu tư chỉ định người quản lý tài sản của doanh nghiệp và là đại diện để thực hiện các thủ tục cần thiết. UBND, Sở KHĐT với chức năng là cơ quan nhà nước về quản lý đầu tư có thẩm quyền chỉ định người đại diện để thực hiện các thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

III. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN

TỐ TỤNG PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Như chúng ta đã biết, mục đích của việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, nhất là người lao động; xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ khi giải quyết việc phá sản doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội.

Trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt, hiện tượng một số doanh nghiệp không đứng vững, gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản không nằm ngoài quy luật tất yếu.

Để hoàn thiện hơn nữa pháp luật về phá sản doanh nghiệp, chúng ta phải quán triệt các quan điểm đổi mới về cải cách kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, cần sắp xếp, đổi mới, và phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, tạo lập khung pháp luật bảo đảm sự quản lý và giám sát của nhà nước.

1. Có quan điểm đúng về phá sản doanh nghiệp

Nghiên cứu, quán triệt để có quan điểm đúng về phá sản doanh nghiệp, phải coi đây là biện pháp quan trọng trong việc phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc sắp xếp, cơ cấu lại và đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo thống kê không đầy đủ thì chỉ có 40% DNNN là kinh doanh có hiệu quả. Số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ. Các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cũng không khả quan hơn DNNN. Cần phải có cơ chế và biện pháp thích hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn thua lỗ có cơ hội rút ra khỏi thương trường một cách trật tự.

2. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp

Cần xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả, nhất là về tài chính kế toán để kịp thời phát hiện sớm doanh nghiệp có khó khăn về tài chính để có biện pháp hỗ trợ, tổ chức lại, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không khắc phục được thì có cách xử lý thích hợp đối với số doanh nghiệp này, làm “trong sạch môi trường” sản xuất kinh doanh.

3. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều quan hệ kinh tế để tìm ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật phá sản. Các luật về doanh nghiệp hiện hành (Luật doanh nghiệp 1999, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,...) đã có nhiều nội dung thay đổi so với các luật đã ban hành vào thời điểm xây dựng Luật phá sản doanh nghiệp 1984 (như Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân (1984). Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật phá sản 1994 cho phù hợp tình hình hiện nay là tất yếu, để luật thực sự đi vào cuộc sống, thực sự trở thành công cụ đắc lực trong quản lý nhà nước, cho chủ đầu tư trong việc tổ chức lại hoặc thanh lý doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn thua lỗ, cần chuyển quyền kiểm soát tài sản của doanh nghiệp mắc nợ sang cho các chủ nợ nhằm sử dụng có hiệu quả hơn, từ đó xem xét và quyết định việc tổ chức lại hoạt động kinh doanh, phục hồi doanh nghiệp hay thanh toán tài sản doanh nghiệp khi chưa quá muộn.

Trên cơ sở phân tích kết quả đã thực hiện và áp dụng Luật phá sản doanh nghiệp trong thời gian qua, khắc phục và giải đáp những vướng mắc như nói ở trên, cần ban hành các Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, v.v… hướng dẫn thực hiện và triển khai đồng bộ Luật phá sản doanh nghiệp sau khi được bổ sung sửa đổi.

Cần xây dựng và ban hành mẫu biểu áp dụng thống nhất trong tố tụng phá sản. Định kỳ và thường xuyên mở các lớp tập huấn, trao đổi rút kinh nghiệm trong việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

4. Một số định hướng sửa đổi Luật phá sản doanh nghiệp

- Luật phá sản doanh nghiệp không chỉ quy định về phá sản. Cần quy định các điều kiện cụ thể và các thủ tục cho việc phục hồi doanh nghiệp một cách chủ động và tích cực theo phương châm “còn nước còn tát”, thủ tục thanh toán tài sản để bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ và thủ tục tuyên bố phá sản một khi thấy rõ ràng không còn cơ hội gì cho các thủ tục khác để nhanh chóng kết thúc doanh nghiệp. Cần có quy định về thủ tục rút gọn trong việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt.

- Quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản theo hướng cần xác định “càng sớm càng tốt” để còn có nhiều cơ hội cho việc phục hồi doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chủ nợ theo hướng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp không trả được nợ .

- Cần quy định về thành phần và chế độ làm việc của Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản doanh nghiệp một cách gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Đại diện công đoàn, đại diện các cơ quan chuyên môn như tài chính, ngân hàng chỉ tham gia khi cần thiết (theo quyết định của Tòa án mở thủ tục), không bắt buộc như hiện nay.

- Để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, cần có những quy định để đề phòng và chống việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản, thanh toán nợ một cách không công bằng cho các chủ nợ, đồng thời cần có quy định tạm đình chỉ việc thi hành tất cả các bản án, các quyết định của Tòa án và tạm đình chỉ giải quyết tất cả các loại án có liên quan đến tài sản doanh nghiệp mà để lại giải quyết chung theo thủ tục phá sản doanh nghiệp.

- Cần quy định và hướng dẫn rõ ràng thủ tục và trình tự xác định tài sản của doanh nghiệp, kể cả nợ phải thu, nợ phải trả, các loại hợp đồng hoặc công nợ có tranh chấp theo hướng trao quyền cho Thẩm phán (hoặc tập thể Thẩm phán) quyết định theo chứng cứ, hồ sơ hiện có. Nếu co khiếu nại thì Tòa án trên một cấp xem xét và quyết định (tương tự như phúc thẩm).

- Quy định hợp lý hơn thứ tự ưu tiên phân chia tài sản, nên coi nợ thuế (chủ nợ là cơ quan thuế) cũng bình đẳng như các chủ nợ khác.

Tháng 3-2004 Phạm Xuân Thọ - Chánh Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

SOURCE: WWW.TAND.HOCHIMINHCITY.GOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến