Luật sư Phạm Văn Phai - Trưởng Văn phòng luật sư Bắc Hà
Tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), bất kỳ Thành viên nào cũng phải tuân thủ nghĩa vụ về “Minh bạch hoá pháp luật và công khai các phán quyết của Toà án” đã được cam kết trong các Hiệp định của (WTO).
Điều 10 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) chỉ ra rằng các luật, quy tắc, quyết định pháp luật và quy tắc hành chính có hiệu lực chung, được bất kỳ bên ký kết nào áp dụng sẽ được công bố khẩn trương bằng cách nào đó để các chính phủ hay các doanh nhân biết.
Điều 63 (1) của Hiệp định về các khía cạnh sở hữu trí tuệ (TRIPs là một Hiệp định nằm trong khuôn khổ WTO) quy định: “Các luật và các quy định, các quyết định xét xử và các quyết định hành chính cuối cùng có tính áp dụng chung, do Thành viên ban hành, liên quan đến đối tượng của Hiệp định này (khả năng đạt được, phạm vi, việc đạt được, thực thi và ngăn ngừa sự lạm dụng các quyền sở hữu trí tuệ) phải được công bố, hoặc nếu việc công bố không có khả năng thực hiện, phải tiếp cận được một cách công khai, bằng ngôn ngữ quốc gia, theo cách thức để các Chính phủ và những người nắm quyền có thể biết rõ về các Văn bản đó”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên cứu về “Minh bạch hoá pháp luật và công khai các phán quyết, quyết định của Toà án” để vận dụng trong việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết khi Việt Nam trở thành Thành viên của WTO, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu “Minh bạch hoá pháp luật và công khai các quyết định, bản án của Toà án” được quy định trong WTO và tầm quan trọng của về vấn đề này đối với các quốc gia thành viên nói chung và với Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
1. Minh bạch hoá pháp luật:
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử xự do nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Nghiên cứu những đặc điểm và mối quan hệ giữa pháp luật và các nhân tố khác trong xã hội, chúng ta có thể thấy pháp luật có vai trò quan trọng trên các bình diện (i) Pháp luật là cơ sở để củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước (ii) Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế xã hội (iii) Pháp luật góp phần tạo dựng những quan hệ mới (iv) Pháp luật tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia.
Vì vậy, “Minh bạch hoá pháp luật” có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia vì nó giúp cho các đối tượng bị tác động bởi các luật pháp đó nắm vững, hiểu được pháp luật để áp dụng, tránh những tranh chấp có thể xảy ra. “Minh bạch hoá pháp luật” là điều kiện quan trọng để tạo niềm tin và là cơ sở để mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế. Nhờ đó mà nhà nước quản lý xã hội một cách tốt hơn, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, đẩy mạnh tăng trưởng đầu tư, tăng việc làm, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và dịch vụ và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước.
Trong nhà nước pháp quyền, “Minh bạch pháp luật” còn là nguyên tắc cơ bản trong quá trình lập pháp và hành pháp, theo nguyên tắc này thì “Pháp luật phải được công chúng biết trước, ổn định theo thời gian, rõ ràng và không mập mờ và được áp dụng một cách thống nhất và không tùy tiện bởi một hội đồng xét xử độc lập và quyết định đưa ra sẽ được xem xét lại bởi cơ quan tư pháp”.
Ở chừng mực mỗi quốc gia thành viên cho phép, “Minh bạch hoá pháp luật” còn giúp cho công dân và pháp nhân của các quóc gia thành viên khác góp ý kiến trong việc xây dựng luật và các văn bản luật liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại và sở hữu trí tuệ.
2. Công khai các phán quyết của Tòa án.
Trong khuôn khổ WTO, tất cả các quốc gia thành viên đều phải tuân thủ các quy định về công bố các phán quyết, quyết định của Toà án. Công bố các phán quyết, quyết định của Toà án nhằm công khai hoá toàn văn các phán quyết, quyết định của Toà án dưới dạng ấn phẩm hay internet hoặc dưới dạng cả hai phương tiện đến toàn thể công chúng, từ đó công chúng và các quan chức chính phủ có thể thấy được cách thức của Toà án áp dụng luật trong vụ án cụ thể.
Trong WTO, ở các quốc gia thành viên, Toà án đóng vai trò chính trong hệ thống luật pháp. Điều này được WTO ghi nhận và cụ thể hoá chúng trong điều 63 của TRIPs và điều 10 của GATT.
Đối với các quốc gia áp dụng hệ thống thông luật (Common Law) theo thuyết Án lệ bắt buộc, các quyết định của Toà án cấp phúc thẩm đều được coi là nguồn luật mà Toà án sử dụng các bản án trong các vụ án trước để áp dụng cho các vụ án tương tự sau này. Vì vậy, việc công bố các bản án, quyết định của Toà án cũng có ý nghĩa quan trọng như công bố pháp luật.
Đối với các quốc gia theo hệ thống dân luật (Civil Law), việc công bố các bản án quyết định của Toà án cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để minh hoạ cho những lợi ích to lớn mà việc công bố các bản án, quyết định của Toà án mang lại cho một nền kinh tế, dù là quốc gia áp dụng hệ thống thông luật hay áp dụng hệ thống dân luật, chúng tôi viện dẫn 7 tác dụng dưới đây của nó đã được ngài Virginia Wise, Giảng viên luật, Trường luật Harward tổng kết trong Báo cáo về thực tế công bố các quyết định của Toà án ở một số nước điển hình và một số đề xuất với Việt Nam trong Dự án Star - Việt Nam tháng 12 năm 2001.
-
Cải thiện khả năng lập luận và soạn thảo quyết định.
-
Cải thiện chất lượng “hồ sơ xét xử” và từ đó nâng cao chất lượng của việc xem xét (phúc thẩm) theo thủ tục pháp lý.
-
Tăng hiệu quả của hệ thống tư pháp và tránh việc khiếu kiện lại những vấn đề Toà án đã ra quyết định.
-
Hỗ trợ các chức năng giáo dục và đào tạo.
-
Hỗ trợ việc áp dụng luật một cách đồng bộ, nhất quán (không tuỳ tiện) và có thể dự đoán được trên cả nước ở mọi thời điểm.
-
Trợ giúp tìm kiếm và sửa chữa các vấn đề, làm rõ các vấn đề còn mơ hồ, giải quyết các điểm chưa thống nhất và giảm bớt các kết quả không lường trước trong khi áp dụng luật.
-
Tăng cường công khai và rừ đó tăng được sự tự tin và tín nhiệm vào hệ thống Toà án.
Với những ý nghĩa trên đây, “Minh bạch hoá pháp luật, công bố công khai các phán quyết của Toà án” trong môi trường đầu tư và thương mại quốc tế có tác dụng to lớn không chỉ đối với các chủ thể tham gia vào các giao dịch quốc tế mà còn có tác dụng ngay cả với những thẩm phán của Toà án, nó hạn chế được sự tuỳ tiện hoặc lạm dụng của cá nhân hoặc tổ chức được giao quyền thực thi pháp luật từ đó hạn chế được sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế trong việc áp dụng pháp luật.
Tóm lại, thực hiện cam kết “Minh bạch hoá pháp luật, công khai phán quyết của Toà án” không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng môi trường pháp lý ổn định và dễ dự đoán cho các chủ thể thực hiện các giao dịch quốc tế mà còn có ý nghĩa khẳng định việc tuân thủ những nghĩa vụ đã được cam kết trong các Hiệp định quốc tế từ đó làm tăng giá trị thực tiễn của các cam kết mà các bên ký kết đã chấp thuận trong các Hiệp định đó.
Để đảm bảo cho cơ chế này được thực thi, WTO quy định cơ chế kiểm điểm chính sách đã cam kết trong các điều ước mà họ tham gia, theo đó hàng năm các quốc gia thành viên phải kiểm điểm việc tuân thủ các yêu cầu của WTO đồng thời củng cố lại hệ thống pháp luật, hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia thành viên nhằm làm cho chúng phù hợp và tương thích với những quy định trong WTO và thông lệ quốc tế.
3. Thực trạng về “Minh bạch hoá và công khai các phán quyết của Toà án” tại Việt Nam
Trong những thập kỷ qua của thế kỷ XX, Việt Nam đã và đang phát triển nền kinh tế thị trường bằng việc thúc đẩy tiến trình tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá nền kinh tế quốc tế thông qua việc thúc đẩy tự do hoá thương mại khu vực và tham gia các liên kết kinh tế trong khu vực châu lục cũng như trên thế giới như: Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1994, tham gia sáng lập Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) năm 1996, gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1997. Đồng thời với việc gia nhập các liên kết kinh tế, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại song phương với 86 nước, trong đó có Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 46 nước, ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 40 nước.
Trong các liên kết kinh tế và các Hiệp định song phương mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết, “Minh bạch hoá pháp luật và công khai các phán quyết của Toà án” cũng được quy định trong các liên kết kinh tế và trong các Hiệp định. Cụ thể, APEC quy định về nguyên tắc đảm bảo công khai minh bạch hoá “Mội luật lệ, chính sách hiện hành tại các quốc gia thành viên trong APEC phải được công khai minh bạch hoá, phải đảm bảo tính trong sáng của các luật lệ chính sách”. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) Chương VI điều 1 quy định: “Mỗi bên công bố một cách định kỳ và kịp thời tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung, liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được quy định trong Hiệp định này…” , điều 6 quy định : “Các bên điều hành một cách thống nhất , vô tư và hợp lý tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung của mình thuộc tất cả các loại được nêu tại khoản 1 điều của điều này”. Khoản 3 điều 11 Chương II về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp định cũng quy định rất cụ thể về việc cung cấp các phán quyết của Toà án cho các bên trong vụ kiện.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy Nhà nước Việt Nam đã tích cực thực hiện các nghĩa vụ cũng như những cam kết về “Minh bạch hoá pháp luật và công khai các phán quyết của Toà án” bằng việc đăng tải một cách công khai các luật, văn bản luật trên các phương tiện như Công báo và cơ sở dữ liệu luật của Quốc hội (lawdata). Ngoài việc công bố công khai các luật và văn bản pháp luật Việt Nam còn chuyển các dự thảo luật cho nhân dân lấy ý kiến trước khi các dự luật được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành. Kết quả của “Minh bạch hoá pháp luật” đã cho phép Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong việc phát triển nền kinh tế bền vững, thúc đẩy đầu tư, thương mại và dịch vụ. Một trong những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được là năm 2006 Việt Nam đã thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 10,2 tỷ Đô la Mỹ.
Cùng với “Minh bạch hoá pháp luật”, Tuy bị hạn chế về kỹ thuật và năng lực tài chính nhưng Ngành Toà án Việt Nam đã đăng tải hai tập các Bản án và Quyết định của Toà án cấp cao nhất năm 2003 - 2004. Việc đăng tải các bản án này của Ngành Toà án đã có tác dụng tích cực đối với xã hội nói chung và phát huy tác dụng đối với các thẩm phán, các luật sư, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà làm luật, cán bộ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nói riêng và giúp cho Việt Nam phát triển Án lệ trong quá trình hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
“Minh bạch hoá pháp luật và công khai các phán quyết của Toà án” trong thời gian qua đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam, là tiền đề cho việc thực hiện chỉ thị “Từng bước thực hiện công khai các bản án….” trong Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO./.
SOURCE: ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét