Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH HÌNH THỨC SỞ HỮU

Hiện nay, theo Hiến pháp 1992 thì ở nước ta có 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước), sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Theo Bộ luật dân sự 1995(BLDS) thì ngoài 3 hình thức sở hữu trên còn có: sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; sở hữu hỗn hợp và sở hữu chung.

Như vậy là, theo quy định của BLDS thì ở nước ta có 7 hình thức sở hữu. Sở hữu cá nhân với tư cách là một hình thức sở hữu đã từng tồn tại trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây đẫ không được nhắc lại trong BLDS và điều đó đồng nghĩa với việc có lẽ nó đã không được thừa nhận về mặt pháp lý. Số lượng các hình thức sở hữu được ghi nhận trong pháp luật hiện hành nhiều hay ít là điều không mấy quan trọng và do đó không đáng phải quan tâm nhiều. Điều đáng lưu ý nhất mà chúng ta phải quan tâm giải quyết trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã dựa vào cái gì, căn cứ vào tiêu chí nào để có thể phân loại sở hữu thành các hình thức như vậy. Tuy nhiên, sự quan tâm chính đáng này của chúng ta đã chưa được thực tiễn và lý luận đáp ứng vì khi xếp loại các hình thức sở hữu như vừa nêu trên thì không ai và chưa ở đâu có lời giải thích thoả đáng về việc tại sao và căn cứ vào cái gì mà người ta có thể chia sở hữu thành 7 hình thức như vậy. Vì vậy, vấn đề đầu tiên mà chúng ta hiện nay cần quan tâm giải quyết là việc phải tìm ra căn cứ đó và chỉ có thể dựa vào căn cứ đó thì mới có thể tiến hành việc phân loại hình thức sở hữu một cách khoa học được. Hiện nay theo tôi chúng ta đang đồng thời dựa vào 2 tiêu chí để thực hiện việc phân loại này. Căn cứ thứ nhất là tính chất chính trị (công hay tư) của việc chiếm hữu tài sản. Chính vì căn cứ vào tiêu chí này mà chúng ta đã chia sở hữu thành sở hữu xã hội chủ nghĩa (với hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể) và sở hữu phi xã hội chủ nghĩa mà sở hữu tư nhân là đại diện chủ yếu. Căn cứ thứ hai là dựa vào yếu tố ai là người được coi là chủ sở hữu của tài sản. Nếu toàn dân là chủ sở hữu thì có sở hữu toàn dân; nếu hợp tác xã là chủ sở hữu thì có sở hữu tập thể, nếu hai người trở lên cùng sở hữu một tài sản thì có sở hữu chung; nếu một người (cá nhân) sở hữu thì có sở hữu cá nhân và cuối cùng nếu một tổ chức là chủ sở hữu thì có sở hữu của tổ chức đó (sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội...). Việc phân loại sở hữu như hiện nay xem ra không mấy khoa học vì nó tiến hành trên cơ sở áp dụng đồng thời cả hai tiêu chí nêu trên và hậu quả là các hình thức sở hữu ở nước ta được xác định một cách, vừa thừa lại vừa thiếu, không phù hợp với thực tiễn khách quan. Việc phân loại hình thức sở hữu trong BLDS là một minh chứng cho cách làm này.

Vậy từ nay cần phải căn cứ vào tiêu chí gì để phân loại (xác định) các hình thức sở hữu? Theo tôi, chỉ nên dùng một yếu tố duy nhất, theo đó chủ thể nào có quyền trực tiếp chiếm hữu sử dụng và định đoạt tài sản thì người đó được coi là sở hữu chủ và căn cứ vào cách thực hiện quyền của người đó đối với tài sản mà xác định tên gọi của hình thức sở hữu cho phù hợp. Ví dụ khi một cá nhân duy nhất là chủ sở hữu tài sản thì đó là sở hữu cá nhân; khi nhiều người tập hợp lại thành một tổ chức có tư cách pháp nhân (trong đó có hợp tác xã) và chính pháp nhân đó thực hiện các quyền chủ sở hữu thì đó là sở hữu pháp nhân; khi hai người (cá nhân, tổ chức) trở lên có quyền cùng nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với một tài sản thì đó là một sở hữu chung và khi Nhà nước được trao quyền chủ sở hữu tài sản, mặc dù tài sản đó là của toàn thể nhân dân thì đó là sở hữu nhà nước.

Trên cơ sở quan niệm như vậy, tôi không đồng ý với cả hai phương án đã được nêu ra trong bản xin ý kiến nhân dân về các loại hình sở hữu ở VN. Theo tôi, căn cứ vào tiêu chí như vừa nêu trên thì ở nước ta có 4 hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước; sở hữu pháp nhân; sở hữu cá nhân và sở hữu chung.

PGS TS Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp)

BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP số 24/3/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến