Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Tranh chấp tài sản thuộc quyền sở hữu chung tại xã phước lộc, huyện tuy phước, bình định: Không yêu cầu vẫn... "bị" cấp sổ đỏ (!?)

Bà Đễ trên phần đất đang tranh chấp

Văn phòng đại diện báo Đời sống & Pháp luật tại Bình Định vừa nhận được đơn của bà Trần Thị Đễ ở thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định, khiếu nại về việc gia đình bà không yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phước vẫn... tự ý cấp sổ đỏ (?).

Từ những vụ việc

Theo đơn trình bày của gia đình bà Trần Thị Đễ và anh Bùi Văn Bảy (con bà Đễ), với PV báo ĐS &PL, nguyên thửa đất đang tranh chấp giữa Đễ và Đào Thị Ngọc Lan là do cha mẹ chồng bà là Bùi Xí và bà Nguyễn Thị Chín, lúc sinh thời tạo lập. Hai ông bà sinh được 3 người con. Trưởng nam là ông Bùi Xuân (chồng bà Đào Thị Ngọc Lan), trưởng nữ là Bùi Thị Nhơn và chồng bà là Bùi Nhứt. Sau khi cha mẹ chồng bà qua đời thì ông Bùi Xuân lấy quyền là trưởng nam chiếm hết nhà, đất vườn của hai em, ép vợ chồng ông Bùi Nhứt ra ở góc vườn. Lúc đầu chia cho vợ chồng bà 200m2 nhưng sau khi ông Bùi Xuân chết, thì vợ ông Bùi Xuân là bà Đào Thị Ngọc Lan làm sổ đỏ chỉ để mẹ con bà 100m2 đất ở (gia đình bà ở ổn định từ 1965 đến nay), còn 100m2 là đất dùng chung.

Đến năm 1994, bà Lan mời địa chính xã về đo lại khoảnh đất, đo trùm lên 200m2 đất của bà đang sử dụng và đo bao luôn phần đất phía sau có thửa số 442 là đất gò mả có diện tích 104m2 (hiện nay bà Lan đang quản lý) và đứng tên chủ sử dụng thửa đất 425 là đất thổ cư với phần diện tích 1.279m2. Vô tình chính quyền địa phương đã "biếu luôn" cho bà Lan phần đất 104m2 của Nhà nước đang quản lý mà không tốn một xu nào (!?).

Không bằng lòng với quyết định của chính quyền địa phương và việc làm sai trái của bà Lan từ năm 1984, gia đình bà Đễ gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết.

UBND huyện Tuy Phước tiến hành xác minh và ra Quyết định số 707/1998/QĐ- CT ngày 15.10.1998 nêu rõ: "...thừa nhận quyền sử dụng thửa đất có số hiệu 551, tờ bản đồ số 9 với diện tích 100m2 của bà Trần Thị Đễ đã sử dụng từ năm 1965 cho tới nay là hợp pháp... Phần diện tích phía trước nhà bà Đễ có diện tích 90, 65m2 trong đó có một giếng nước, hai gia đình sử dụng chung từ năm 1965 đến nay được giữ nguyên hiện trạng để sử dụng chung". Ngày 15.1.1999, UBND huyện Tuy Phước tiếp tục ra Quyết định số 17/1999/QĐ-UB giữ nguyên điểm 1, điểm 2 Điều I, điều chỉnh lại điểm 2 Điều I, của Quyết định số 707/1998/QĐ-CT ngày 15.10.1998: "...diện tích phía trước nhà bà Đễ có diện tích là 90,65m2, nay xác định là 79m2 ...".

Trên cơ sở kiểm tra hiện trạng và hồ sơ thu thập được, Sở Địa chính đã đi đến kết luận trình lên UBND tỉnh và đề xuất: Thống nhất với Quyết định số 17/1999/QĐ-UB ngày 15.01.1999, của UBND huyện Tuy Phước "Khu đất nói trên là do cha mẹ để lại cho con chứ không phải đất của bà Lan cho vợ chồng bà Trần Thị Đễ và ông Bùi Nhứt xây dựng nhà ở. Việc bà Đào Thị Ngọc Lan đòi lại đất bà Đễ ở ổn định từ năm 1965 đến nay là trái với Điều 2 khoản 2 Luật Đất đai năm 1993".

Đùng một cái, ngày 30.4.2007, bà Lan khởi kiện ra TAND huyện Tuy Phước đòi đất của gia đình bà Đễ kèm theo đơn bà nộp cho Toà án hai sổ đỏ, một sổ mang tên bà với diện tích 1.226m2, còn một sổ mang tên Trần Thị Đễ với diện tích 100m2 (trong khi gia đình bà Đễ không yêu cầu làm sổ đỏ, và bà Đễ cũng chưa bao giờ ký vào hồ sơ xin cấp sổ đỏ).

Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Thanh Thuỷ - chuyên viên phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tuy Phước cho rằng: "Trong thời điểm đó (2001- 2002), việc làm sổ đỏ mang tính đại trà nên hộ bà Lan vẫn được xét cấp còn trường hợp bà Đễ khi xem xét chữ ký, qua hai lần ký (phiếu đăng ký và biên nhận hồ sơ nhà ở, đất ở và đơn xin đăng ký và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho bà Đễ - PV) đều khác nhau. Do đó, vấn đề cấp giấy chứng nhận cho bà Trần Thị Đễ là vi phạm về thủ tục. Hiện nay, giấy chứng nhận QSD đất của bà Trần Thị Đễ còn lưu giữ tại phòng Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên Trưởng phòng nhưng vẫn chưa giải quyết vì còn đang chờ xem lại quyết định của UBND tỉnh về vụ việc tranh chấp giữa gia đình bà Đễ và bà Lan".

Xử... nhưng không xét!

Ngày 05.9.2007, TAND huyện Tuy Phước đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án "tranh chấp tài sản thuộc sở hữu chung và quyền sử dụng đất", tuyên: "...diện tích thực tế phù hợp với diện tích trên bản đồ là 56m2, có giới cận như sau: Tây giáp nhà bà Trần Thị Đễ dài 8m, Nam giáp nhà bà Đào Thị Ngọc Lan dài 8m, Bắc giáp thổ cư ông Phạm Sỹ Chương dài 6m, Đông giáp đường đi trong xóm dài 2,8 m; hiện tại anh Bảy đã xây chuồng bò 9,52 m2, nhà tắm 2, 8m2 trên phần đất này. Nếu chia đôi phần đất này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cho gia đình bà Đễ. Tại phiên toõ, bà Lan đồng ý chia theo giá trị bằng tiền là hợp tình, hợp lý nên toà chấp nhận ...".

Vì sao gia đình bà Đễ không có đơn yêu cầu cấp sổ đỏ nhưng vẫn được cấp? Sổ đỏ đã cấp chính quyền địa phương lại không giao cho bà Đễ mà lại đưa cho bà Lan? Bà Đễ đã có đơn yêu cầu UBND huyện Tuy Phước thu hồi hai sổ đỏ nhưng UBND huyện không trả lời thẳng vào khiếu nại của gia đình bà Đễ mà lại trả lời việc bà Đễ kiện ra Toà chia tài sản chung? Điều đáng nói hơn nữa là tại sao TAND huyện Tuy Phước khi xử lại căn cứ hai sổ đỏ này để buộc gia đình bà Đễ phải chia phần tài sản trước mặt nhà là 56m2 (nguyên thuỷ là 90,65m2) cho bà Lan mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc?

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, luật sư Ngô Xuân Đào - Đoàn Luật sư Bình Định nhận xét: "Thứ nhất: Gia đình bà Đễ không yêu cầu cấp sổ đỏ vì vụ việc đang tranh chấp nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại cấp sổ đỏ cho bà Đễ nhưng lại giao cho bà Lan cất giữ (?),đến khi bà Lan kiện bà Đễ ra toà bà Đễ mới biết phần đất mình đã có sổ đỏ. Thứ haià: Bản thân bà Đễ không biết chữ, biết viết, đơn xin cấp sổ đỏ là hoàn toàn giả mạo. Bởi vì, đơn xin cấp sổ đỏ của bà Đễ và bà Lan là cùng một chữ viết, ký cùng một ngày. Hơn nữa, bản thân bà Đễ không biết chữ nhưng trong đơn chữ viết, chữ ký lại chân phương, rõ ràng... (?)".

Hy vọng, tại phiên toà phúc thẩm tới đây, TAND tỉnh Bình Định sẽ có một phán quyết khách quan, đúng pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho công dân.

Đ.K

Báo đời sống và pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến