LS. NGUYỄN NGỌC BÍCH
Tất cả những ai nằm trong phạm vi thẩm quyền của pháp luật Việt Nam đều trông đợi những biện pháp cần thiết để nâng chất lượng hoạt động của ngành tòa án lên. Nếu ở quân đội người ta trông đợi sự anh dũng và chiến thắng thì công dân Việt nam trông đợi ở tòa án sự công minh trong xét xử và nhất quán trong các quyết định. Sự trông đợi đó là nhu cầu nhân bản của mỗi người. Nó là tâm lý con người và có tính bền bỉ, chứ không phải là khẩu hiệu chính trị có tính nhất thời; hơn nữa, nó tồn tại ở bất cứ chế độ chính trị nào. Và nó chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta nâng cao quyền uy của tòa án và uy tín của thẩm phán.
Hai việc làm này là một vì tòa án là cái vỏ, công việc của thẩm phán là cái ruột. Khi thẩm phán có uy tín thì tòa ắt có quyền uy, cái này là hệ quả của cái kia; còn nếu thẩm phán không có uy tín thì chẳng ai sợ tòa án cả. Vì thế ở đây, tôi sẽ đề cập đến thẩm phán và có ba điểm.
A. Dựa vào bên ngoài để nâng năng lực của thẩm phán
Nếu câu tục ngữ “học thầy không tày học bạn” đúng thì nhận định “tự một mình mình các thẩm phán không thể nâng cao năng lực xét xử của họ” cũng đúng. Đây là một sự thật nhưng nói ra có thể có nhiều thẩm phán không đồng ý. Sở dĩ vậy là vì cách hoạt động của các tòa án ở hệ thống khác ít được mình xem đến khi thiết lập; hơn nữa tòa án là một cơ quan quyền lực, nó ban phát công lý và đứng trước nó, tất cả mọi người phải khuất phục; do sức mạnh này một số thẩm phán dễ lập luận “khác biệt cơ bản về quan điểm”. Vậy đã là quan tòa thì đương nhiên có quyền và không cần phải nghe ai. Thực tế cho thấy một luận điểm đưa ra phải được phản biện thì nó mới có giá trị để được nhìn nhận. Bản án đáng lẽ cũng phải trải qua một quá trình như thế; nhưng thẩm phán có thể dùng quyền hành để không nghe quan điểm trái ngược. Tôi nhấn mạnh đến việc chỉ nghe thôi, còn chấp nhận là một bước khác.
Quyền hành mà thẩm phán có, ngăn chặn sự gia tăng về năng lực của họ; có nghĩa là nó không khuyến khích thẩm phán gia tăng năng lực. Vậy phải thiết lập một cơ chế để giảm thiểu thái độ đó, nếu nó chưa có, hay phải thúc đẩy nếu đã có rồi. Trong trường hợp của ta, tôi đề nghị công việc sau.
Thành quả công việc của một thẩm phán là các bản án họ viết ra. Năng lực của thẩm phán nằm ở đây. Một bản án không chỉ giải quyết vụ tranh chấp trước mắt mà nó còn là giải pháp cho các vụ tương tự trong tương lai tùy theo tính chất bản án là hình sự hay phi hình sự. Có sự khác biệt giữa tính chất của hai loại bản án này. Bản án hình sự có tính trừng phạt trong hiện tại và răn đe trong tương lai. Tính chất của nó là hành động. Bản án phi hình sự giải quyết nội vụ bây giờ và thiết lập một trật tự lâu dài cho xã hội. Tính chất của nó là thời gian. Sự khác nhau đó xuất phát từ số người có liên quan. Số người tham gia các hoạt động dân sự và thương mại có nhiều gấp bội so với những người vi phạm luật hình. Vì lẽ này, bản án cho một vụ phi hình sự phải phản ánh những ý kiến, những quan điểm khác nhau để từ đó thẩm phán chọn lựa giải pháp nào công minh nhất; chứ không phải dùng quyền hành để khư khư giữ quan điểm của mình. Cái gì công minh thì sẽ tồn tại lâu dài.
Trong một vụ án, những lập luận khác nhau được nguyên đơn, bị đơn, kiểm sát viên, luật sư đưa ra. Họ tranh luận bằng lời hay đối đáp với nhau bằng văn bản. Thường thường tòa và viện kiểm sát dễ đồng ý với nhau; kiểm sát viên dễ “ăn theo” tòa; như nhận xét của một vị cựu chánh án đã nêu ra gần đây. Các ý kiến có khác nhau là do luật sư nêu ra. Lập luận của mỗi bên là “chân lý” của vụ việc nhìn theo con mắt của mỗi người; giống như các cạnh của một viên kim cương. Mỗi người cố gắng thuyết phục người khác ủng hộ “chân lý” của mình. Và thẩm phán là người quyết định cuối cùng. Thẩm phán xem xét các “chân lý” đó rồi đưa ra “chân lý” của riêng mình tức là ra bản án. Nếu “chân lý” của thẩm phán rút ra từ, hay cọ sát với, những “chân lý” khác nhau thì “chân lý” của thẩm phán sẽ vững chắc. Nó được thử thách về mặt lý luận và được củng cố nhờ quyền uy của toà án, nhân danh quốc gia. Nếu “chân lý” của thẩm phán không bị cọ sát bởi các “chân lý” khác, thì ông ta cũng không tin chắc vào “chân lý” của mình. Đã tuyên đấy nhưng còn e ngại, nó đã thực sự công minh chưa. Không tin vào công việc của mình, và cũng để tránh rắc rối, thẩm phán có khuynh hướng không muốn phổ biến bản án rộng, viện cớ điều khoản về cấp trích lục bản án hiện có. Khi ấy sự quan tâm của thẩm phán không phải là sự công minh, tức là chất lượng, mà là cấp trên, tòa trên của họ.
Đến tòa cấp trên, nếu “chân lý” của thẩm phán ở đó không bị mài dũa bởi các ý kiến khác thì bản án phúc thẩm cũng sẽ như ở tòa dưới. Thẩm phán quyết định một mình. Nếu họ chấp nhận quan điểm của tòa sơ thẩm thì ấy là “con hát mẹ khen hay”; còn nếu bác thì cũng chỉ là vì tòa dưới làm không “đúng quan điểm” của mình. Tuy nhiên tòa dưới cũng không bị buộc phải theo khi xử lại. “Chân lý” đơn phương ở hai cấp như thế thì năng lực xét xử của tòa án nói chung khó tăng lên được để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Luật lệ có thể đi sau thực tế, nhưng bản án phải đi trước và hướng dẫn thực tế.
Khi tòa án cứ duy trì tình trạng hiện nay thì sinh viên luật không có luật pháp trong thực tiễn để học hỏi; luật sư không thấy “sự công minh được trải dài” để mà góp ý kiến hoặc để khuyến cáo thân chủ tuân theo. Hiệu quả lâu dài của bản án không có; chất lượng của nó sẽ thấp mãi.
Để gia tăng cơ hội cọ sát “chân lý” của thẩm phán, phải nâng vai trò của luật sư lên. Luật sư của cả hai bên tranh chấp sẽ đưa ra những bằng chứng khác nhau, quan điểm khác nhau để bênh vực thân chủ mình; họ bày ra, thẩm phán xem xét, chấp nhận hay bác bỏ lý lẽ nào đó và cho biết tại sao trong bản án. Đó là mâm cỗ dọn sẵn cho thẩm phán tùy ý lựa chọn, thêm bớt để ra bản án. Lựa chọn của thẩm phán như thế sẽ là lựa chọn có cân nhắc và đã được thử thách. Luật sư vì được các bên tranh chấp thuê nên họ bị áp lực phải tìm tòi lý lẽ để thắng; do đó họ có động lực nâng cao chất lượng của bản án. Vấn đề chỉ là thẩm phán lắng nghe dù thấy nó trái ý mình.
Về luật sư, Bộ Tư pháp muốn nâng số luật sư cả nước lên 20.000 vào năm 2010. ý định của Bộ tôi không rõ; nhưng tôi cho rằng đấy là cách nâng trình độ của ngành tư pháp qua sự tranh luận tại tòa của luật sư. Việc này không gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên dự định ấy, nếu có, sẽ không dễ dàng nếu thẩm phán không bị buộc phải nghe. Hơn nữa, luật sư có ba hạn chế lớn. Một là họ không thể nâng tài năng lên được nếu không có khách thuê khiến họ phải nỗ lực. Hai là, dù lập luận của họ có sắc bén mà tòa án không nghe, không chấp nhận thì cũng vô nghĩa. Ba là, vai trò của họ rất thụ động. Theo Luật luật sư, họ tham gia vào công việc tố tụng, theo sự lựa chọn của khách hàng và được cấp giấy chứng nhận cho phép tham gia.
Để thực hiện điều trên trong tình hình của luật tố tụng hiện nay, đề nghị Ông chánh án ra chỉ thị các thẩm phán, nếu chỉ thị nằm trong thẩm quyền của mình, còn không thì khuyến khích các thẩm phán, sử dụng ý kiến của luật sư nhiều hơn, hiểu rằng họ giúp mình chứ không ép buộc mình, nghe họ để so sánh, để mài dũa “chân lý” của mình cho nó chắc chắn và sáng chói. Gần đây tòa phúc thẩm có trả lại những vụ án không có luật sư tham dự khi mà luật đòi hỏi. Việc này rất đáng ca ngợi. Nhưng đó là tòa “khiển trách” cơ quan điều tra, còn về phần mình thì sao? Tòa có sẵn sàng nghe ý kiến của luật sư và có cho các vị thẩm phán ký tên trong bản án không? Điều này không phải vì lợi ích của luật sư mà là cho sự công minh của bản án.
B. Lập ra cơ chế để giảm bớt công việc cho tòa án
Hiện nay, khi muốn tăng cường tính hữu hiệu của tòa án thì cách làm, trong khuôn khổ cải cách tư pháp, là gia tăng số thẩm phán, giao bớt việc về cho các tòa quận/huyện để giải quyết các vụ khiếu kiện của dân chúng. Tôi xin dùng hình ảnh này để cho dễ hiểu. Khiếu kiện, khởi tố của dân chúng ra tòa giống như một dòng nước lớn ùa tới. Để giải quyết, người ta có hai cách làm: một là đào thêm hồ, thêm ao để chứa nước; hai là không đào hồ mà đặt ra các vật cản dòng nước lại. Cải cách tư pháp ở ta làm theo cách đầu. Nó sẽ không hiệu nghiệm vì chỉ làm cho dòng nước kia lớn tràn đến mạnh hơn mà thôi, vì dòng nước là tâm lý của những người “khôn ngoan” mà nó lôi cuốn theo nhiều người khác làm vì thấy lợi. Hồ đào sẽ không kịp. ở các nước khác vì quan niệm tòa ban phát công lý nên họ làm theo cách thứ hai. Và về mặt tâm lý khi bị cản trở người ta sẽ ngại đi đòi, hay phải suy tính kỹ trước khi đòi. Họ đặt ra các “đê chặn” để cản bớt việc kiện cáo và khuyến khích giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án, qua các ủy ban trọng tài, hiệp hội chuyên ngành... Khi tòa xử ít đi thì sẽ trở nên công minh và hữu hiệu; còn cứ tìm cách giải quyết hết như ta hiện nay thì công việc sẽ luôn luôn ối đọng và trước áp lực đó thì sẽ xử sai, xử sót.
Các luật sư tham gia một phiên tòa ở TP. HCM
Ảnh: Lê Toàn
Ở Mỹ tòa án không cho đương đơn trực tiếp trình bày trước tòa mà buộc phải sử dụng luật sư. Thủ tục giải quyết các vụ dân sự ở Mỹ được trao cho luật sư hai bên. Họ nghe lý lẽ khiếu kiện của thân chủ mình, rồi hai người xem xét để bàn với nhau các vấn đề nào có thể tự giải quyết được; đem ra thuyết phục thân chủ; chỉ những vấn đề hai luật sư không giải quyết được theo yêu cầu của thân chủ họ mới đem ra tòa để xin xử. Tòa chỉ xử một hai vấn đề quan trọng sau khi hai bên đã chọn lọc chứ không phải nguyên đơn muốn gì tòa cũng xử. Ngoài ra, trong hệ thống thông luật, người ta coi công dân đến tòa là nhờ vả tòa và tòa có quyền đặt ra các điều kiện để mình thụ lý. ở bên Pháp tòa để cho hai bên cứ lời qua tiếng lại bằng lý đoán; khi nào hết lẽ thì xin tòa xử. Bằng cách làm này họ đẩy trách nhiệm cho công dân. “Các anh phải tự xử với nhau, cuối cùng tòa mới can dự”. Tòa có thái độ như thế nên các bên tranh chấp suy nghĩ kỹ càng trước khi định đưa ra tòa; còn không thì nghe luật sư hay nhờ một cơ quan trọng tài.
Người Mỹ không ngại tranh chấp, thích kiện cáo, mà tòa “sử dụng quyền” theo kiểu kia nên đội ngũ luật sư đông! Luật sư đông chứ không phải thẩm phán đông. Luật sư chính là “đê chặn”. Luật sư giảng giải cho khách hàng để làm giảm sự thiếu chính đáng, không phù hợp luật pháp trong các đòi hỏi của khách. Vì vậy, việc đến tòa án ít. Tòa xử vụ nào ra vụ ấy, không sợ mất thời gian như ở ta như trong vụ PMU 18 vừa rồi. Một vụ xét xử công minh sẽ tạo nên nề nếp trong xã hội. Nó đưa hoạt động của xã hội vào một trật tự mà mọi người mong đợi và đáp ứng, tranh chấp ít xẩy ra, nếu có thì luật sư giải quyết.
Ngoài việc sử dụng lực lượng luật sư, cơ chế của họ còn khuyến khích sự dàn xếp bên ngoài tòa qua các “giải pháp thay thế để giải quyết tranh chấp” (alternative dispute resolution - ADR). Việc này do các tổ chức trọng tài, các hiệp hội đứng ra làm. Tòa án chỉ xem lại nếu thủ tục làm sai và có bên xin phúc thẩm.
Bên ta, thì ngược lại. Tòa ôm hết. Chẳng bao lâu nữa các tòa quận cũng sẽ bị quá tải. Đang khi ấy lại vẫn có ý kiến trên báo chí cho rằng quy định về chứng cứ ban đầu trong luật tố tụng dân sự cần phải bỏ, vì nó chỉ làm khó người khởi kiện! Lý do nêu lên là quyền khởi kiện là quyền của công dân, được pháp luật bảo vệ. Hoặc có ý kiến khác cho rằng khi luật cho phép trong những trường hợp nhất định đương sự có quyền yêu cầu tòa thu thập giúp chứng cứ giải quyết vụ kiện; như vậy tại sao lại bắt đương sự đưa ra chứng cứ ban đầu để tước đi quyền khởi kiện của họ? Thậm chí lại có ý kiến bảo bỏ thời hiệu. Những ý kiến này có thiện ý, nhưng không thực tế, không hiểu sức tòa... có hạn.
Một điểm nhận xét nữa là dường như tòa án ta nghĩ rằng mình sẽ có quyền lực nhiều nếu xử nhiều, vì nhiều người cần đến mình. Ai thưa cũng xử; nơi khác mà xử thì sẽ dùng quyền của mình để loại họ ra.
Thực ra tòa sẽ có quyền uy, thẩm phán sẽ có uy tín, nếu bản án tòa tuyên công minh. Muốn công minh thì chỉ xử ít. Khi xử ít thì sẽ mất giờ tức là không bị áp lực về thời gian. Nhìn vào một phiên tòa người ta cần thấy công lý được thực hiện, sự công minh được trải dài; chứ không cần biết tòa xử bao nhiêu vụ trong một năm như thường được báo cáo trong các phiên họp của Quốc hội. Muốn xử ít thì phải có cơ chế để làm như các nước phát triển. Họ cũng đã trải qua như chúng ta hiện nay và họ đã giải quyết được.
Thủ tục tố tụng dân sự của chúng ta không du nhập những nguyên tắc đã có từ thời La mã để ngăn chặn lòng tham và sự không công bằng với chính mình của con người. Khi thiết lập chế độ, chúng ta mong muốn là sẽ lo hết mọi thứ cho dân vì nghĩ rằng sẽ công hữu hóa được tư liệu sản xuất. Điều đó đã không thực hiện được. Hệ quả của hoài bão đó là người dân cảm thấy mình có quyền đòi theo tâm lý “nhờ ơn nọ ơn kia”. Chúng ta không có quan niệm là luật pháp chỉ bảo vệ và có thể bảo vệ cái mà một người đã mong đợi khi bắt đầu giao dịch, chứ không thể bảo vệ lòng tham của họ. Các định chế tài chính đang tồn tại như thị trường hàng hóa giao sau, quyền lựa chọn, chứng quyền, các quỹ hắt rủi ro (hedge fund) đều hoạt động trên căn bản này. Không ai có thể bảo vệ lòng tham của người khác vì nó vô giới hạn. Khi chúng ta ước mong lo hết mọi thứ cho dân để chứng tỏ mình hơn hẳn, chúng ta đã vô tình bảo vệ “sự khôn ngoan hay nhất định không chịu thua” của một số không ít người trong dân chúng. Nền kinh tế đã thay đổi, nhưng số người đó vẫn giữ tâm lý kia vì có lợi. Trong hoàn cảnh như thế tòa án phải thay đổi tư duy để đổi cách làm.
Hiện nay bên phía luật tố cáo và khiếu nại đang có thay đổi theo hướng mới. Luật sư được cho phép làm đại diện hay tháp tùng người khiếu nại để cho thỉnh cầu của người khiếu nại với cơ quan xử lý được giải quyết dễ dàng. Hai người hiểu biết nói chuyện với nhau rất dễ giải quyết. Giải quyết công việc với người cãi chầy cãi cối mệt lắm.
Việc lọc bớt vụ việc chuyển đến tòa chưa thể làm ngay được vì còn luật pháp hiện hành; nhưng cần được quan tâm khi luật về tổ chức tòa án được soạn thảo; hoặc ít ra phải có sự thay đổi về tư duy vốn không bị luật pháp cản trở.
C. Tạo phương tiện cho thẩm phán ra phán quyết nhất quán trong các vụ dân sự có tình tiết giống nhau
Hiện nay, các thẩm phán xét xử theo luật pháp mà luật pháp thì có nhiều cách giải thích, khi rộng, khi hẹp tùy người; cho nên, trong các vụ có cùng tình tiết, án tuyên ở các tòa các nơi khác nhau; thậm chí trong cùng một vụ, quan điểm của tòa phúc thẩm không được tòa sơ thẩm xử lại tuân theo. Lý do là vì luật tố tụng của ta không qui định giá trị bằng chứng, phân định tòa dưới xử gì, tòa trên xử gì. Khi luật tố tụng chủ trương công lý tối đa thì việc xét xử trở thành không có điểm dừng.
Sự không nhất quán trong các biện pháp đưa ra cho các vụ phi hình sự có cùng tình tiết làm cho dân chúng bất an. Người nhát thì không dám làm vì không biết tòa sẽ xử ra sao nếu có tranh chấp sau này; kẻ bạo thì cứ làm bừa với hy vọng tòa sẽ xử khác. Khi dân chúng có thái độ khác nhau về uy lực của luật pháp thì họ sẽ khó cam kết gì với nhau vì sợ rằng nếu trục trặc xảy ra thì không biết hậu quả thế nào. Người tốt lại hay có tâm lý này. Tòa án hoạt động như thế thì, về mặt tâm lý, nó không tạo trong lòng người dân một sự ổn định và tiên đoán được.
Trong các vụ hình sự, khi ra hình phạt khác nhau cho các vi phạm giống nhau thì không quan trọng lắm vì chúng bị chi phối bởi sự khác biệt trong yếu tố chủ quan và chủ thể của các đương sự trong mỗi vụ. Hơn nữa, đối với những người xấu trong xã hội, vốn không nhiều, thì phải làm cho họ sợ bằng cách không cho biết nếu vi phạm họ sẽ bị trừng phạt như thế nào; có khi vì không biết nên họ không dám phạm. Trái lại, những bản án của các vụ phi hình sự tác động đến nhiều người ngay, và số này lại chiếm đa số trong xã hội; họ đòi hỏi luật pháp phải ổn định và tiên đoán được để còn tính chuyện lâu dài cho cuộc đời.
Bàn về sự nhất quán của các vụ án có cùng tình tiết thì ở các nước phát triển họ có một cơ chế giúp thực hiện: án lệ và chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm thẩm phán; khiến cho thẩm phán không bị ảnh hưởng bởi các áp lực trực tiếp trong mỗi vụ mà mình xét xử.
ở Mỹ, các thẩm phán, khi xem xét một vụ án để đưa ra quyết định, họ bị chi phối bởi hai yếu tố phụ (sub-culture) nằm trong văn hóa pháp lý (legal culture): (i) tư duy pháp lý (hay cách suy nghĩ theo kiểu của pháp lý – legal reasoning) và (ii) văn hóa của nền dân chủ. Trong yếu tố đầu họ suy luận bằng cách dùng các gương người xưa. Đó là một quá trình có ba bước của học thuyết về tiền lệ: tìm sự tương đồng giữa các vụ án - nêu lên quy tắc luật pháp nằm ẩn trong các vụ án trước – quy tắc luật pháp áp dụng cho vụ án đang xử lý. Tư duy này được duy trì trong cộng đồng luật pháp gồm tòa án, các trường luật, các đoàn luật sư và các hội luật gia. Mảng thứ hai là các yêu cầu chính trị. Họ cân bằng hai thứ này trong quyết định của mình.
Tôi nêu lên điểm trên để nói rằng, để đạt được sự nhất quán, trong các quyết định đưa ra trong các vụ án khác nhau mà có cùng tình tiết, thì nó sẽ đòi hỏi thẩm phán phải được hỗ trợ theo một định chế. ở ta không có định chế này. Tiền lệ thì có, nhưng không bị bắt buộc phải theo, cho nên không có đơn vị nào trong tòa án đứng ra duy trì. Năm 2004, với sự giúp đỡ của cơ quan STAR có hai quyển sách về các vụ án giám đốc thẩm được Tòa tối cao xuất bản, hai năm vừa rồi không còn nữa. Khi không dùng án lệ và tập tục, thì nó có cái lợi trong ngắn hạn là giới cầm quyền có thể ra lệnh cho mỗi vụ án phải xử như thế nào (chẳng hạn vụ ở Đồ Sơn), nhưng nó gây ra thiệt hại lâu dài về mặt tâm lý là người dân không biết phải ứng xử như thế nào trong những trường hợp nhất định; và xã hội có tiềm ẩn một sự bất an về mặt pháp lý.
Những điều tôi đề nghị trên các nước khác họ đã giải quyết xong từ lâu rồi. Ta cần biết về chúng để từ từ du nhập vào hệ thống của mình.
SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét