Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

LUẬT BỎ NGỎ VIỆC CÔNG NHẬN CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH "CHUI"

ĐỨC MINH

ĐỌC DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH TẠI ĐÂY

Hà Vy (tạm gọi tên này) vừa chi 7.000 USD phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Việc xác định lại giới tính trong gấy tờ hộ tịch của Hà Vy tùy thuộc vào việc được tổ chức y tế xác định có lệch lạc giới tính hay không.

Nếu có khuyết tật về giới tính, được tổ chức y tế chứng nhận thì giải phẫu trong hay ngoài nước, trước hay sau Nghị định 158 vẫn được cải chính hộ tịch.

Sở Tư pháp TP.HCM vừa có Công văn hướng dẫn Phòng tư pháp quận Gò Vấp thực hiện việc xác định lại giới tính từ nữ sang nam theo đơn yêu cầu của một công dân. Đây là trường hợp hy hữu được phép cải chính giới tính. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp (Bộ Tư pháp).

. Thưa ông, theo pháp luật hiện nay trường hợp nào được cải chính về giới tính?

+ Vấn đề xác định lại giới tính được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 và được cụ thể hóa tại Nghị định 158. Xác định lại giới tính, bản chất là cải chính, có hai góc độ. Một là xác định lại giới tính cho một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Thứ hai, giới tính của đứa trẻ là nam thật hoặc nữ thật, không có gì bất bình thường nhưng khi đăng ký, do tắc trách của cán bộ tư pháp, của bố mẹ... mà đăng ký nhầm giới tính của đứa trẻ.

. Trong trường hợp đầu tiên, điều kiện để được xác định lại giới tính là gì, thưa ông?

+ Việc thay đổi không phải là miễn cưỡng mà là hết sức tự nhiên, do sự phát triển không bình thường, nay trả lại “giá trị đích thực” cho họ bằng một tác động y học. Nghị định 158 quy định rõ, trường hợp xác định lại giới tính, thì phải có văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính làm căn cứ cho việc xác định lại giới tính.

. Kết luận đó là của cơ quan, tổ chức y tế nước ngoài thì có được chấp nhận không?

+ Nghị định 158 chỉ quy định chung, không nói rõ là trong nước hay nước ngoài, như vậy về nguyên tắc là không có sự phân biệt. Trường hợp này sẽ quay lại nguyên tắc chung là đương sự phải chứng minh được tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính cho họ có chức năng làm việc này hay không. Các giấy tờ có liên quan phải được hợp pháp hóa lãnh sự, được dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

. Trường hợp đương sự đã thực hiện việc can thiệp xác định lại giới tính trước khi Nghị định 158 có hiệu lực thì có được pháp luật thừa nhận hay không?

+ Không có ảnh hưởng gì cả. Nếu họ có những giấy tờ chứng minh được họ đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 158 thì đều có thể làm thủ tục xác định lại giới tính.

. Thưa ông, với trường hợp không có cơ sở xác định việc lệch lạc giới tính nhưng họ đã đi nước ngoài chuyển đổi giới tính do nhu cầu tâm lý, họ có được làm thủ tục xác định lại giới tính hay không?

+ Thực tế, có nhiều người đã ra nước ngoài thực hiện việc phẫu thuật, chuyển đổi giới tính và có nguyện vọng cải chính lại giới tính. Những trường hợp đó hiện nay pháp luật chưa cho phép. Cá nhân tôi cho rằng, về một mặt nào đó, đây là quyền của cá nhân.

Cần có một nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, thực tế diễn ra như vậy thì hướng xử lý như thế nào, có chấp nhận hay không chấp nhận? Tôi chưa được tham dự cuộc hội thảo nào về vấn đề này, nhưng đúng là hiện nay có một nhu cầu thực sự như thế. Có không ít trường hợp chúng ta vẫn quen gọi là pêđê, họ là nam nhưng để tóc dài, nói năng như con gái... và muốn chuyển thành nữ thì như thế nào? Hay hiện nay cũng có không ít trường hợp dở khóc dở cười, họ đã thực hiện việc chuyển đổi giới tính, hình thức là nữ đấy nhưng giấy tờ hộ tịch vẫn là nam... Đây là vấn đề pháp luật còn “bỏ ngỏ” nhưng tương lai cũng sẽ phải tính đến...

. Thủ tục xác định lại giới tính ra sao, thưa ông?

+ Theo Nghị định 158, người yêu cầu xác định lại giới tính phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính giấy khai sinh của người cần xác định lại giới tính và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho xác định lại giới tính. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc xác định lại giới tính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp cấp huyện ghi vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và quyết định cho phép xác định lại giới tính. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép xác định lại giới tính. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá năm ngày.

. Xin cảm ơn ông!

Xác định giới tính ngay sau khi sinh

Bác sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho biết như sau: Sau khi sản phụ sinh, các bác sĩ tiếp nhận em bé và khám kỹ về phần sinh dục ngoài và xác định giới tính của em bé để ghi vào bệnh án. Khi có bất thường về bộ phận sinh dục ngoài sẽ siêu âm để xác định em bé là trai hay gái. Nếu là bé trai thường thì có tinh hoàn, còn em bé gái thì thấy tử cung, buồng trứng bên trong. Tuy nhiên cần phải lấy máu của em bé để xem nhiễm sắc thể đồ của bé là trai hay gái. Khi nhiễm sắc đồ của đứa bé có bệnh rối loạn như về gen và di truyền thì phát hiện được. Các bác sĩ sẽ xem mức độ của em bé như thế nào để giúp đỡ, giới thiệu để khám chuyên khoa. Xác suất của việc này không cao, một năm chỉ khoảng vài ca.

DUY TÍNH

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến