VĂN ĐOÀN
Sau 16 năm bỏ đi sống với những người phụ nữ khác, ông chồng lù lù quay về, đòi bà vợ chia tài sản...
TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) vừa hoãn phiên xử sơ thẩm lần hai vụ chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân giữa ông T. và bà Đ. theo yêu cầu của phía ông T.
Đòi chia đất sau 16 năm xa cách
Năm 1976, vợ ông T. mất, để lại cho ông năm người con. Trong cảnh gà trống nuôi con vất vả, ông T. tìm được người ý hợp tâm đầu là bà Đ. và hai bên kết hôn với nhau.
Trước đó, bà Đ. có một căn nhà riêng. Lấy ông T., bà đã để cho ông và các con ông về ở cùng, cho ông cùng đứng tên chung trên giấy tờ căn nhà này. Thế rồi, sau vài năm chăm chỉ làm lụng, tích cóp, hai vợ chồng mua thêm được một mảnh vườn rộng hơn 3.000 m2 tại quận Ninh Kiều.
Năm 1987, sau khi đã có với bà Đ. ba mặt con, ông T. cương quyết dứt áo bỏ bà, ra đi theo “tiếng gọi con tim” và xuống Bạc Liêu sống với “bà ba”. Khi đi, ông làm giấy ủy quyền cho bà Đ. được toàn quyền sử dụng, mua bán ngôi nhà và mảnh vườn mà không cần có chữ ký của ông. Năm 1999, sau khi có thêm hai người con với “bà ba” ở Bạc Liêu, lại một lần nữa ông T. dứt áo bỏ “bà ba” mà ra đi về chung sống với “bà tư”.
Suốt thời gian này, một mình bà Đ. cặm cụi làm ăn, nuôi dưỡng tám người con nên người (ba con ruột và năm con riêng của ông T.). 16 năm xa cách biền biệt, mẹ con bà những tưởng ông T. đã an phận với các “bà ba” và “bà tư”, nào ngờ đầu năm 2003, ông T. từ đâu lù lù xuất hiện, gửi đơn lên tòa kiện đòi bà phải chia cho ông 1/3 mảnh vườn (1.000 m2) với lý do đây là tài sản chung của hai người.
Mỗi tòa một nhận định
Tháng 4-2006, TAND quận Ninh Kiều đã đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, nhận định ông T. không có công sức đóng góp gì trong khối tài sản chung với bà Đ. Cụ thể là ông đã bỏ mặc vợ con để đi chung sống với người khác. Vì thế, công sức tạo lập duy trì, phát triển khối tài sản chung này do bà Đ. bỏ ra, ông T. chỉ có tên trên cơ sở pháp lý nguồn gốc đất mà thôi. Vì thế, tòa quyết định chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông T. là buộc bà Đ. phải chia lại cho ông hơn 300 m2 đất.
Sau phiên sơ thẩm, cả ông T. lẫn bà Đ. đều không hài lòng và làm đơn kháng cáo. Ông T. thì muốn bà Đ. chia cho ông 1/3 mảnh vườn để có tiền dưỡng già (năm nay ông đã 77 tuổi). Ngược lại, bà Đ. bảo ông T. bỏ bà lao đao, cực khổ để đi tìm hạnh phúc mới bao năm trời nay thì làm gì có chuyện chia đất. Hơn nữa, theo bà trước khi bỏ đi, ông có làm giấy cho bà toàn quyền định đoạt nhà đất nên bây giờ xem như ông đã mất quyền đòi được chia gia sản.
Tháng 7-2006, TAND TP Cần Thơ đã xử phúc thẩm vụ án. Theo tòa, cấp sơ thẩm đã giải quyết chưa chuẩn xác, chưa triệt để việc chia tài sản chung của vợ chồng ông T. trong thời kỳ hôn nhân.
Trước hết, về mảnh vườn rộng hơn 3.000 m2, nếu cấp sơ thẩm đã xác định đây là tài sản chung thì giả sử bà Đ. đã “bán” xong theo ủy quyền của ông T., số tiền “bán” đất đó cũng vẫn là tài sản chung của hai người. Cạnh đó, khi giải quyết quan hệ chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cấp sơ thẩm cũng cần phải tính toán dứt điểm những tài sản khác của họ. Cụ thể là với căn nhà, theo tòa phúc thẩm, trong giấy tờ chủ quyền có cả tên ông T. nên nó cũng phải được coi là tài sản chung. Ngoài ra, còn những tài sản khác như xe cộ, giường tủ... cũng chưa được cấp sơ thẩm xét đến.
Từ các phân tích trên, TAND TP Cần Thơ đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của quận Ninh Kiều để xét xử lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn tiến mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét