Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

 

I. NGƯỜI XIN NHẬN CON NUÔI, TRẺ EM ĐƯỢC CHO LÀM CON NUÔI

1. Người xin nhận con nuôi

Theo Điều 35 và khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), người xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi bao gồm:

1.1. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi (danh mục các nước kèm Thông tư này). Người thuộc đối tượng này được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi.

1.2. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi:

a) Người có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên. Thời gian 06 tháng được tính theo một lần nhập - xuất cảnh Việt Nam; nếu hai vợ chồng xin nhận con nuôi thì chỉ cần một người đáp ứng điều kiện này;

b) Người có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam. Người gốc Việt Nam được hiểu theo quy định tại Thông tư số 2461/2001/TT-BNG ngày 5 tháng 10 năm 2001 của Bộ Ngoại giao, là người hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam; người có cha đẻ, mẹ đẻ hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam;

c) Người có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi.

Quan hệ họ hàng được hiểu là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là cô, cậu, dì, chú, bác với trẻ em là cháu được xin làm con nuôi (theo bên nội hoặc bên ngoại). Trường hợp người có quan hệ họ hàng là ông, bà xin nhận cháu hoặc anh, chị em xin nhận nhau làm con nuôi, thì không giải quyết.

Quan hệ thân thích là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là chồng với con riêng của vợ hoặc vợ với con riêng của chồng.

1.3. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi và cũng không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 35 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), thì chỉ được xin nhận con nuôi là trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại gia đình hoặc tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, hoặc trẻ em mồ côi đang sống tại gia đình.

1.4. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi, không phụ thuộc vào việc Việt Nam với nước ngoài nơi người đó định cư cùng hoặc không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi.

Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.

2. Trẻ em được cho làm con nuôi

Theo Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trẻ em được cho làm con nuôi bao gồm:

2.1. Trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam. Cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp được hiểu là cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập theo Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ (sau đây gọi là cơ sở nuôi dưỡng). Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho Cục Con nuôi quốc tế danh sách các cơ sở nuôi dưỡng này và danh sách trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng đó có đủ điều kiện để giới thiệu làm con nuôi.

Việc giới thiệu trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi phải tuân thủ các quy định sau:

a) Ưu tiên giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở trong nước; việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, khi không thể tìm được mái ấm gia đình cho trẻ em ở trong nước;

b) Chỉ được giới thiệu trẻ em làm con nuôi sau 30 ngày, kể từ ngày trẻ em được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng; đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì chỉ được giới thiệu làm con nuôi sau 60 ngày, kể từ ngày phát hiện trẻ em bị bỏ rơi;

c) Trẻ em bị bỏ rơi đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng chỉ được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh trở lên mà không có thân nhân đến nhận và cũng không được người trong nước nhận làm con nuôi (nội dung thông báo theo mẫu kèm Thông tư này).

2.2. Trẻ em đang sống tại gia đình được cho làm con nuôi người nước ngoài nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Đối với trẻ em có quan hệ họ hàng với người xin nhận con nuôi, thì chỉ được giải quyết cho làm con nuôi của cô, cậu, dì, chú, bác (bên nội hoặc bên ngoại) ở nước ngoài, nếu trẻ em đó bị mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị mồ côi mẹ hoặc cha, còn người kia không có khả năng lao động và không có điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em đó; trường hợp trẻ em còn cha, mẹ nhưng cả cha và mẹ đều không có khả năng lao động và không có điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em đó, thì trẻ em cũng được giải quyết cho làm con nuôi.

Trong trường hợp trẻ em tuy có quan hệ họ hàng với người xin nhận con nuôi, nhưng trẻ em đó còn cả cha và mẹ, sức khoẻ của trẻ em và của cha mẹ bình thường, cha mẹ vẫn có khả năng lao động và có điều kiện để bảo đảm chăm sóc con mình tại Việt Nam, thì không giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài.

2.3. Trẻ em khuyết tật, tàn tật, là nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác (trước đây sống tại cơ sở nuôi dưỡng hoặc sống tại gia đình) đang được chữa trị ở nước ngoài, nếu được người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhận làm con nuôi, thì được xem xét giải quyết tại Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài như đối với trẻ em không còn hộ khẩu thường trú ở trong nước.

II. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI

1. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi

Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó cần chú ý một số điểm sau:

a) Đơn xin nhận trẻ em làm con nuôi phải ghi đầy đủ theo mẫu quy định, trong đó nguyện vọng của người xin nhận con nuôi về trẻ em cần xin làm con nuôi (như số lượng trẻ, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ) phải phù hợp với giấy phép hoặc bản điều tra về hoàn cảnh gia đình, xã hội do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

b) Trong trường hợp khi nộp hồ sơ mà người xin nhận con nuôi chưa có hộ chiếu, chỉ có bản sao có công chứng giấy chứng minh nhân dân, giấy thông hành hoặc thẻ cư trú và trên các giấy tờ của Việt Nam đều ghi họ tên, ngày tháng năm sinh của người đó theo loại giấy tờ này, thì khi đến Sở Tư pháp để hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi, người xin nhận con nuôi không phải nộp bản sao hộ chiếu;

c) Đối với người xin nhận con nuôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 35 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung):

- Nếu thuộc điểm a thì phải có bản chụp thị thực nhập - xuất cảnh Việt Nam (01 lần) hoặc giấy tờ khác để chứng minh việc đã ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

- Nếu thuộc điểm b thì phải có giấy tờ phù hợp để chứng minh (có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam).

- Nếu thuộc điểm c thì phải có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của trẻ em xác nhận người đó có quan hệ họ hàng với trẻ em được xin làm con nuôi; bản chụp giấy chứng nhận kết hôn của người xin con nuôi với cha hoặc mẹ của trẻ em được xin làm con nuôi và giấy khai sinh của trẻ em đó để chứng minh quan hệ thân thích; bản chụp quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho nhận con nuôi, giấy khai sinh của con nuôi và của trẻ em được xin làm con nuôi để chứng minh người đó đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin làm con nuôi;

d) Đối với trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng, nhưng trong quá trình giải quyết hồ sơ, một trong hai bên vợ hoặc chồng chết, nếu người kia muốn tiếp tục xin nhận con nuôi, thì phải làm lại những giấy tờ nói tại các điểm a, c, và d khoản 1 Điều 41 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

2. Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người xin nhận con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 42 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó cần lưu ý một số điểm như sau:

2.1. Trước khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Con nuôi quốc tế phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc người xin nhận con nuôi thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35, khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn tại điểm 1 mục II Thông tư này.

2.2. Việc nộp hồ sơ được thực hiện như sau:

a) Người xin nhận con nuôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nộp hồ sơ xin nhận con nuôi thông qua Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hữu quan.

Người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài, nhân viên của Văn phòng con nuôi nước ngoài được uỷ quyền hợp lệ hoặc người đại diện của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phải trực tiếp nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cục Con nuôi quốc tế;

b) Người xin nhận con nuôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 35 và khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) trực tiếp nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cục Con nuôi quốc tế, nếu xin nhận trẻ em tại Việt Nam làm con nuôi hoặc tại Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, nếu xin nhận trẻ em Việt Nam ở nước ngoài làm con nuôi.

2.3. Sau khi kiểm tra thấy hồ sơ của người xin nhận con nuôi đầy đủ và hợp lệ, Cục Con nuôi quốc tế cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ (theo mẫu kèm Thông tư này) cho người nộp hồ sơ; thời gian thụ lý hồ sơ được tính kể từ ngày cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

3. Trường hợp xin đích danh

Việc xin đích danh trẻ em Việt Nam làm con nuôi chỉ được áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Người xin nhận con nuôi thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 35 và khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung);

b) Người xin nhận con nuôi quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) mà thuộc một trong các trường hợp:

- Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên;

- Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam;

- Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi.

4. Hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi

Hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài gồm các giấy tờ quy định tại Điều 44 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó cần lưu ý một số giấy tờ sau:

4.1. Đối với Giấy khai sinh của trẻ em, có thể nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao công chứng, chứng thực từ bản chính.

4.2. Đối với giấy xác nhận sức khoẻ, có thể nộp giấy do tổ chức y tế cấp huyện trở lên của Việt Nam cấp; khuyến khích nộp giấy xác nhận sức khoẻ của trẻ em do tổ chức y tế chất lượng cao hoặc tổ chức y tế cấp tỉnh trở lên cấp.

4.3. Đối với trẻ em có cha, mẹ thuộc diện không còn khả năng lao động hoặc không có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con, thì phải có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha, mẹ trẻ em.

4.4. Đối với trẻ em bị bỏ rơi, để bảo đảm nguồn gốc rõ ràng của trẻ em, cần phải có:

a) Bản tường trình của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, trong đó thể hiện rõ ràng, đầy đủ các thông tin về người phát hiện (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ liên lạc, nghề nghiệp, số chứng minh nhân dân) và chữ ký của người đó; nếu người đó không biết chữ thì phải điểm chỉ nhưng phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân và chữ ký của người viết hộ;

b) Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi, trong đó ghi rõ ngày tháng năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi, giới tính, đặc điểm nhận dạng, tài sản và các đồ vật khác của trẻ em (nếu có), có đủ chữ ký của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người lập biên bản và những người khác có liên quan, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan Công an nơi trẻ em bị bỏ rơi.

c) Giấy tờ chứng minh việc cơ sở nuôi dưỡng đã thông báo trước đó ít nhất 30 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh trở lên về việc trẻ em bị bỏ rơi;

d) Văn bản cam đoan của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng về việc sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh trở lên mà trẻ em không có thân nhân đến nhận và đồng thời cũng không được người trong nước nhận làm con nuôi.

4.5. Đối với giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, phải bảo đảm rằng:

a) Việc đồng ý của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng, cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài phải hoàn toàn tự nguyện, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; tuyệt đối nghiêm cấm việc người xin nhận con nuôi gặp gỡ, tiếp xúc với người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng, cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em để đưa ra những thoả thuận về tài chính, lợi ích vật chất khác hoặc bất kỳ mục đích vụ lợi nào để có được sự đồng ý cho trẻ em làm con nuôi;

b) Trước khi tự nguyện đồng ý cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng, cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em phải nhận thức một cách rõ ràng và đầy đủ về những hệ quả pháp lý của việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi theo hình thức trọn vẹn/vĩnh viễn và có thể dẫn đến việc chấm dứt mối quan hệ pháp lý tồn tại trước đó giữa trẻ em và cha, mẹ đẻ theo pháp luật nước ngoài; sự đồng ý này không thể bị rút lại;

c) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà không xác định được cha, mẹ đẻ do cha, mẹ cố tình giấu địa chỉ, cung cấp địa chỉ giả hoặc tuy có địa chỉ của cha, mẹ nhưng vào thời điểm xác minh, cha, mẹ có lý do chính đáng yêu cầu giữ kín thông tin hoặc cha, mẹ đã chuyển đi nơi khác không rõ địa chỉ, thì chỉ cần sự tự nguyện đồng ý của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó;

d) Trong trường hợp trẻ em được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng mà cha, mẹ đẻ chưa thể hiện rõ nguyện vọng cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, nhưng xác định được địa chỉ của cha, mẹ đẻ, thì còn phải có văn bản tự nguyện đồng ý của cha, mẹ đẻ cho con làm con nuôi người nước ngoài; nếu cha, mẹ đẻ chưa đủ 18 tuổi, thì còn phải có sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ của cha, mẹ trẻ em đó; nếu những người này không biết chữ, thì phải điểm chỉ vào văn bản tự nguyện đồng ý cho trẻ em làm con nuôi và ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân và chữ ký của người viết hộ.

5. Trình tự giới thiệu trẻ em làm con nuôi trong trường hợp xin không đích danh

Mọi trường hợp xin nhận trẻ em làm con nuôi thông qua Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam (không thuộc diện quy định tại điểm 3.1, tiểu mục 3 mục III Thông tư này) được áp dụng như trường hợp xin không đích danh theo quy định tại Điều 51 Nghị định 68/2002/NĐ-CP. Trình tự giới thiệu trẻ em làm con nuôi được thực hiện như sau:

5.1. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin nhận con nuôi, căn cứ vào danh sách trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng, đặc điểm và các điều kiện của trẻ em, nguyện vọng của người xin nhận con nuôi, Cục Con nuôi quốc tế có công văn kèm theo bản chụp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và đơn của người xin nhận con nuôi gửi Sở Tư pháp để Sở hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng xem xét giới thiệu trẻ em.

5.2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Cục Con nuôi quốc tế, Sở Tư pháp có công văn đề nghị cơ sở nuôi dưỡng xác định trẻ em có đủ điều kiện (thuộc danh sách trẻ em đã báo cáo), phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi để giới thiệu làm con nuôi và trả lời bằng văn bản cho Cục Con nuôi quốc tế, kèm theo các giấy tờ nói tại điểm 5.3, tiểu mục 3, mục III Thông tư này.

5.3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của Sở Tư pháp, cơ sở nuôi dưỡng xác định trẻ em có đủ điều kiện để giới thiệu làm con nuôi và có công văn (theo mẫu kèm Thông tư này) trả lời cho Sở Tư pháp, kèm theo các giấy tờ sau:

a) Bản chụp Giấy khai sinh (kèm 02 ảnh 9x12 hoặc 10x15) của trẻ em;

b) Bản chụp Biên bản bàn giao trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng; trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại cơ sở nuôi dưỡng thì chỉ cần bản tường trình của người phát hiện;

c) Bản chụp quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

d) Đối với trẻ em bị bỏ rơi, phải có:

- Giấy tờ chứng minh việc cơ sở nuôi dưỡng đã thông báo trước đó ít nhất 30 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh trở lên về việc trẻ em bị bỏ rơi (như báo tỉnh hoặc giấy xác nhận về việc đã đưa tin trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh).

- Văn bản của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng (theo mẫu kèm Thông tư này) khẳng định về việc sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh trở lên mà trẻ em không có thân nhân đến nhận và đồng thời cũng không được người trong nước nhận làm con nuôi.

5.4. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Sở Tư pháp, Cục Con nuôi quốc tế thông báo cho người xin nhận con nuôi về kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi (thông qua Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam).

5.5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Con nuôi quốc tế, người xin nhận con nuôi phải trả lời bằng văn bản cho Cục Con nuôi quốc tế về việc đồng ý hay không đồng ý nhận trẻ em được giới thiệu làm con nuôi (thông qua Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam).

5.6. Chỉ sau khi nhận được văn bản đồng ý của người xin nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu theo thủ tục trên đây, Cục Con nuôi quốc tế mới có Công văn gửi Sở Tư pháp để hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ cho trẻ em được giới thiệu làm con nuôi (Công văn 1); lúc này cơ sở nuôi dưỡng mới chính thức lập hồ sơ cho trẻ em.

Trong trường hợp người xin nhận con nuôi từ chối nhận trẻ em đã được giới thiệu, Cục Con nuôi quốc tế có công văn gửi Sở Tư pháp để Sở thông báo cho cơ sở nuôi dưỡng giới thiệu cho người khác; người xin nhận con nuôi chỉ được giới thiệu trẻ em khác sau 12 tháng, kể từ ngày có văn bản từ chối.

6. Thủ tục kiểm tra hồ sơ của trẻ em

6.1. Sau khi nhận đủ 04 bộ hồ sơ của trẻ em do cơ sở nuôi dưỡng chuyển đến, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra toàn bộ các giấy trong hồ sơ, thẩm tra tính hợp pháp của các giấy tờ và xác minh làm rõ về nguồn gốc của trẻ em theo quy định tại Điều 45 Nghị định 68/2002/NĐ-CP, đặc biệt lưu ý đối với những giấy tờ như đã nêu tại điểm 4 mục III Thông tư này.

Trong trường hợp yêu cầu cơ quan Công an xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 68/2002/NĐ-CP, thì Sở Tư pháp phải gửi bản chụp kết quả xác minh của cơ quan Công an kèm theo 01 bộ hồ sơ của trẻ em cho Cục Con nuôi quốc tế.

6.2. Cục Con nuôi quốc tế kiểm tra toàn bộ hồ sơ của trẻ em theo quy định tại Điều 46 Nghị định 68/2002/NĐ-CP và chỉ gửi công văn cho ý kiến đồng ý giải quyết việc người nước ngoài xin nhận trẻ em làm con nuôi (Công văn 2), kèm theo 01 bộ hồ sơ của người xin nhận con nuôi gửi Sở Tư pháp để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nếu xét thấy hồ sơ của trẻ em đã bảo đảm đầy đủ, hợp lệ theo đúng quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn tại Thông tư này.

7. Hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi

Việc hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 47 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó cần chú ý một số điểm sau:

Trường hợp có lý do chính đáng mà người xin nhận con nuôi không thể có mặt tại Việt Nam trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp để hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi, thì người đó phải có văn bản đề nghị Sở Tư pháp cho gia hạn. Nếu đồng ý cho gia hạn, Sở Tư pháp thông báo cho Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam để Văn phòng báo cho người xin nhận con nuôi; thời gian gia hạn không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của Sở Tư pháp cho phép gia hạn.

Trường hợp có lý do chính đáng mà người xin nhận con nuôi không thể có mặt tại Việt Nam trong thời hạn trên, thì người đó phải uỷ quyền bằng văn bản cho Văn phòng con nuôi nước ngoài đến Sở Tư pháp nộp lệ phí và bản cam kết (theo mẫu quy định) về việc thông báo định kỳ 06 tháng một lần cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Con nuôi quốc tế về tình hình phát triển của con nuôi trong 03 năm đầu tiên, sau đó mỗi năm tiếp theo, thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi; trong văn bản uỷ quyền người xin nhận con nuôi phải cam đoan không được từ chối nhận trẻ em đã được giới thiệu; văn bản uỷ quyền phải có chữ ký của người xin nhận con nuôi, không cần công chứng hay chứng thực.

8. Hoàn tất thủ tục xuất cảnh Việt Nam cho trẻ em

8.1. Sau khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi và việc giao nhận con nuôi đã được tiến hành tại Sở Tư pháp, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn tất thủ tục cho trẻ em xuất cảnh Việt Nam, nhập cảnh và cư trú tại nước tiếp nhận.

8.2. Trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi là trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng, thì tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu cho trẻ em phải do Giám đốc Sở Tư pháp ký xác nhận; trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi là trẻ em sống tại gia đình, thì tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu cho trẻ em phải do Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ em có hộ khẩu thường trú, ký xác nhận.

9. Cha, mẹ nuôi xin huỷ quyết định cho nhận con nuôi

Trường hợp đã có quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi và việc giao nhận con nuôi đã được tiến hành tại Sở Tư pháp nhưng trẻ em chưa xuất cảnh Việt Nam, cha mẹ nuôi có đơn xin huỷ quyết định nuôi con nuôi vì lý do chính đáng (như việc cha, mẹ nuôi đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ sức khoẻ để chăm sóc con nuôi; con nuôi mắc bệnh hiểm nghèo không thể xuất cảnh Việt Nam vì nguy hiểm đến tính mạng; con nuôi không thể hoà nhập được với cha, mẹ nuôi và đòi ở lại Việt Nam hoặc vì lý do chính đáng khác), Cục Con nuôi quốc tế có trách nhiệm báo cáo trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp để phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét giải quyết.

Nếu xét thấy lý do xin huỷ quyết định cho nhận con nuôi là chính đáng, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành huỷ/thu hồi quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi và chỉ đạo việc nhận lại trẻ em về cơ sở nuôi dưỡng hoặc về gia đình để tiếp tục nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

SOURCE: Thông tư số 08/2006/TT-BTP về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư Pháp ban hành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến