Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

Tín dụng chứng từ: Khi các bên lựa chọn áp dụng - So sánh Pháp và Việt Nam

Chuyên đề 4

SỰ ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHỨNG TỪ KHI CÁC BÊN LỰA CHỌN ÁP DỤNG

UCP thừa nhận lựa chọn áp dụng pháp luật quốc gia.

Theo giáo sư Stoufflet, « việc UCP điều chỉnh giao dịch tín dụng chứng từ không ngăn cản các bên loại trừ những quy định của UCP mà họ cảm thấy không phù hợp với lợi ích của mình. UCP đã quy định rõ ràng như vậy ». Do đó, các bên hoàn toàn có quyền không áp dụng UCP để lựa chọn hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ thư tín dụng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của mình. Pháp luật của Pháp (Phân đoạn I) và pháp luật Việt Nam (Phân đoạn II) có thừa nhận quyền lựa chọn này hay không ? Chúng ta cùng tìm câu trả lời.

I – Việc lựa chọn luật áp dụng tại Pháp

Khả năng lựa chọn.

Theo Công ước Rome, « hợp đồng do pháp luật mà các bên lựa chọn điều chỉnh » và việc lựa chọn luật áp dụng « phải rõ ràng và được quy định cụ thể trong hợp đồng » (điều 3, khoản 1). Do vậy, có thể khẳng định rằng các bên có quyền chọn luật áp dụng. Lựa chọn này phải được tôn trọng. Như chúng ta đã đề cập, thư tín dụng thực chất là một hợp đồng, các quy định trên của Công ước Rome cũng được áp dụng đối với giao dịch tín dụng chứng từ. Do đó, các bên có quyền chọn lựa một hệ thống pháp luật phù hợp với quan hệ hợp đồng và ở đây « khi tồn tại điều khoản về chọn luật áp dụng, sự lựa chọn này là bắt buộc ». Cần lưu ý rằng điều khoản này của Công ước thừa nhận các bên có quyền lựa chọn luật điều chỉnh cho toàn bộ hoặc một phần của hợp đồng.

Hiệu lực bắt buộc.

Khi các bên lựa chọn luật áp dụng thì lựa chọn đó trở thành một bộ phận của hợp đồng. Các hành vi vi phạm luật điều chỉnh tức là vi phạm hợp đồng. Thẩm phán và các bên liên quan đều chịu sự ràng buộc của luật điều chỉnh hợp đồng. Theo một số học giả, « trong hoạt động phát hành thư tín dụng, các ngân hàng thường đưa vào thư tín dụng một điều khoản dẫn chiếu áp dụng UCP nhưng không hề nhắc đến luật quốc gia điều chỉnh quan hệ tín dụng chứng từ ». Trong thực tế, việc lựa chọn pháp luật áp dụng vẫn chưa phổ biến. Chúng tôi không tìm thấy bản án nào của Pháp liên quan đến thư tín dụng chứa đựng điều khoản về dẫn chiếu luật áp dụng.

II – Việc lựa chọn luật áp dụng tại Việt Nam

Tự do lựa chọn.

Theo điều 769, khoản 1, Bộ luật dân sự, « quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác ». Trong trường hợp các bên xác định luật áp dụng thì có thể kết luận rằng các bên đã có thỏa thuận khác. Do vậy, pháp luật do các bên lựa chọn sẽ được áp dụng đối với quan hệ hợp đồng của họ. Các văn bản pháp luật khác của Việt Nam cũng thừa nhận quyền lựa chọn luật điều chỉnh.

Có thể kết luận rằng pháp luật Việt Nam cho phép các bên lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Tuy nhiên, các văn bản trên lại không quy định rõ ràng thời điểm các bên thực hiện quyền lựa chọn. Theo quan điểm của chúng tôi, các bên có thể lựa chọn luật điều chỉnh trong quá trình xác lập hợp đồng hoặc một thời gian sau đó, ví dụ khi phát sinh tranh chấp tại tòa án.

Thực tế.

Vào thời điểm hiện tại, các thư tín dụng do ngân hàng ở Việt Nam phát hành chỉ chứa đựng duy nhất điều khoản dẫn chiếu áp dụng UCP mà không đề cập đến luật điều chỉnh thư tín dụng. Dường như các ngân hàng không quan tâm đến khả năng áp dụng của pháp luật quốc gia mà cho rằng mọi vấn đề liên quan đến thư tín dụng đều được quy định trong UCP. Đó là một sai lầm bởi như chúng ta đã phân tích ở trên, có nhiều tình huống mà việc áp dụng pháp luật quốc gia là cần thiết, nhất là trong trường hợp gian lận.

Nhận xét so sánh.

Pháp luật của Pháp và Việt Nam đều cho phép các bên trong hợp đồng lựa chọn luật áp dụng. Nhận thức rõ về những khó khăn trong việc xác định luật áp dụng khi các bên không lựa chọn luật điều chỉnh, nên chăng các bên thỏa thuận trước về vấn đề này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trên thực tế, việc đặt ra vấn đề lựa chọn luật áp dụng không đơn giản. Lựa chọn luật áp dụng giúp bảo đảm tính an toàn về pháp lý trong trường hợp phát sinh tranh chấp bởi các bên liên quan đã tìm hiểu về hệ thống pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên việc đưa ra vấn đề chọn luật từ thời điểm xác lập thư tín dụng có thể gây ra sự hiểu lầm giữa các đối tác. Nếu các bên quyết định lựa chọn luật áp dụng cho giao dịch tín dụng chứng từ thì họ có thể bổ sung vào thư tín dụng điều khoản dẫn chiếu như sau : « Đối với mọi vấn đề liên quan đến thư tín dụng này mà không được quy định trong Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất thì sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy phạm thực chất của pháp luật quốc gia nơi ngân hành phát hành có trụ sở », bởi như chúng ta đã nghiên cứu, đối với hợp đồng tín dụng, ngân hàng phát hành là chủ thể thực hiện nghĩa vụ đặc thù.

Kết luận 

Theo quan điểm của chúng tôi, sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia đối với giao dịch tín dụng chứng từ là cần thiết vì những lý do mà giáo sư Legeais đã nêu. Trong đó, trường hợp gian lận có tầm quan trọng nhất bởi các vấn đề liên quan đến gian lận không được UCP quy định.

Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi có tranh chấp phát sinh, các bên có thể chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng bằng cách đưa vào thư tín dụng một điều khoản dẫn chiếu về luật áp dụng. Các bên liên quan cũng có quyền loại trừ việc áp dụng toàn bộ hoặc một số quy định của UCP mà họ cho rằng không có lợi cho quan hệ hợp đồng.

Nên chăng các cơ quan lập pháp của Pháp và Việt Nam ban hành văn bản pháp luật về giao dịch tín dụng chứng từ. Các văn bản này sẽ quy định cụ thể các vấn đề không được đề cập trong UCP.

Kết luận chung

Phần hai tập trung nghiên cứu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia đối với tín dụng chứng từ. Có một số điểm giống nhau giữa hai hệ thống pháp luật của Pháp và Việt Nam.

Pháp luật của hai nước đều thừa nhận khả năng áp dụng của pháp luật quốc gia cho dù các bên có lựa chọn hay không. Tuy nhiên, khi không có điều khoản dẫn chiếu trong hợp đồng, các thẩm phán của Pháp và Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xác định luật áp dụng cho tranh chấp thư tín dụng.

Một điểm tương đồng nữa cần lưu ý, đó là khi các bên trong giao dịch thư tín dụng không lựa chọn luật áp dụng thì việc giải quyết tranh chấp tại tòa án sẽ khá phức tạp. Do đó, các bên liên quan nên dự trù luật điều chỉnh trong quá trình xác lập thư tín dụng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều điểm khác biệt giữa pháp luật của Pháp và Việt Nam. Thẩm phán của hai nước xác định luật áp dụng trên cơ sở những tiêu chí khác nhau. Ở Pháp, đó là nguyên tắc hợp đồng có mối liên hệ mật thiết nhất với nước có trụ sở của bên thực hiện nghĩa vụ đặc thù. Ở Việt Nam, hợp đồng lại chịu sự điều chỉnh của pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng. Nên chăng pháp luật Việt Nam quy định cụ thể nơi thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, chẳng hạn như là địa điểm thực hiện nghĩa vụ đặc thù.

Xuân Quỳnh
Khoa Quốc tế ĐH Luật TPHCM
Tháng 4-2007)

SOURCE: WWW.TAND.HOCHIMINHCITY.GOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến