LÊ PHƯƠNG TRANG
Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất cụ thể. Ngày nay quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền, bí quyết kĩ thuật, thương hiệu, uy tín... là những tài sản vô hình phổ biến của doanh nghiệp. Có thể phân biệt được một cách rõ ràng một tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp hay không thì phụ thuộc vào các đặc tính của tài sản đó. Uy tín của công ty có thể coi là một tài sản không xác định vì nó luôn gắn liền với sự tồn tại của công ty chừng nào công ty còn tồn tại. Tuy nhiên nếu công ty kí kết hợp đồng sử dụng bằng phát minh sáng chế của một công ty khác và không có ý định kéo dài hiệu lực của hợp đồng thì công ty chỉ được sử dụng bằng phát minh sáng chế này trong một thời hạn xác định. Khi đó bằng phát minh sáng chế trở thành một tài sản vô hình của công ty.
Mặc dù tài sản vô hình không có hình thái vật chất cụ thể như các trang thiết bị máy móc nhà xưởng khác của công ty nhưng nó lại rất có giá trị đối với công ty và có thể trở thành nhân tố quan trọng trong sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Ví dụ một công ty như Coca-Cola khó có thể đạt được vị trí như hiện tại nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các nhãn hiệu. Nhãn hiệu này dù không có hình thái vật chất cụ thể để có thể cầm nắm được song nó lại được thừa nhận, được nhiều người biết đến, và có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng doanh số bán hàng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì thế việc sở hữu một nhãn hiệu mạnh là điều rất có ý nghĩa đối với các công ty lớn như Coca-Cola.
-------------------------------
Tài sản vô hình xác định là loại tài sản mà giá trị của chúng có thể được định rõ thông qua những nguyên tắc của kế toán. Chúng có thể được vốn hóa trực tiếp từ những khoản chi phí đã chi ra (trường hợp phát triển nội bộ) hoặc ghi theo giá mua (trường hợp mua ngoài). Dù được hình thành từ nguồn nào thì cũng được kế toán ghi nhận là một tài sản của doanh nghiệp.
Những cơ sở để ghi nhận tài sản vô hình xác định:
- Tài sản đó phải được xác định và nhận biết một cách cụ thể
- Tài sản đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về tài sản vô hình đã quy định trong chế độ kế toán hiện hành của nước sở tại.
- Tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể chuyển giao tài sản cho bên thứ 2 một cách hợp pháp.
- Phải có bằng chứng đáng tin cậy về sự tồn tại của tài sản đó trong doanh nghiệp
- Những tài sản này thường mang lại lợi ích lớn hơn giá trị của bản thân tài sản đó (tức số chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được tài sản).
Một số tài sản vô hình xác định như:
- Tài sản vô hình liên quan tới hoạt động Marketing: thương hiệu, nhãn hiệu, logo...
- Tài sản vô hình liên quan tới kỹ thuật công nghệ: giấy đăng ký quy trình sản xuất, giấy đăng ký bản quyền, tài liệu về kỹ thuật công nghê ( những ghi chép trong phòng thí nghiệm, bí quyết kỹ thuật...)
- Những tài sản vô hình liên quan tới nghệ thuật như: Các tác phẩm hay bản quyền tác giả...
- Tài sản vô hình liên quan tới việc xử lý dữ liệu: Những phần mềm máy tính có bản quyền, cơ sở dữ liệu số, Phần mềm kiểm soát mạng tích hợp nội bộ...
- Tài sản vô hình liên quan tới công việc thiết kế kỹ thuật: Kiểu dáng công nghiệp, đăng ký bản quyền sản phẩm, bí quyết thương hiệu, bản vẽ và biểu đồ kỹ thuật, bản thiết kế, chứng nhận quyền sở hữu...
- Tài sản vô hình liên quan tới khách hàng: danh sách khác hàng, các hợp đồng với khách hàng, quan hệ khách hàng...
- Tài sản vô hình về nguồn lực: đội ngũ lao động lành nghề, hợp đồng lai động, hợp đồng liên kết v.v...
Trên thị trường chứng khoán, tài sản vô hình xác định có thể được coi là một trong những nhân tố tác động tới thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Chẳng hạn một doanh nghiệp bỏ ra lượng chi phí nhất định cho việc nghiên cứu khoa học để có thể tìm ra một bí quyết mà nhờ đó lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên đáng kể (bí quyết sản xuất nước giải khát Cocacola là một điển hình). Động thái này sẽ làm giá cổ phiếu tăng vì người nắm giữ cổ phiếu có khả năng thu được những khoản lợi tức cao hơn trước.
© saga.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét