1. Đối tượng áp dụng:
Áp dụng cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp từ các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (dưới đây gọi tắt là Tổng công ty).
2. Phạm vi áp dụng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp:
2.1. Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhà nước 1 thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập.
2.2. Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH có 2 thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập.
2.3. Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.
2.4. Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nguyên tắc chuyển giao:
3.1. Chỉ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
3.2. Việc chuyển giao được thực hiện giữa các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh với Tổng công ty, trong đó:
a) Bên chuyển giao là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền bằng văn bản.
b) Bên nhận chuyển giao là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty hoặc người được ủy quyền bằng văn bản.
3.3. Việc tổ chức chuyển giao được thực hiện theo từng doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyển giao và sau khi có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Nội dung chuyển giao:
4.1. Đối với công ty cổ phần là giá trị cổ phần nhà nước (tính theo mệnh giá) đầu tư tại doanh nghiệp và các khoản tiền của Nhà nước còn phải thu hồi.
4.2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn là giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
5. Hồ sơ chuyển giao:
5.1. Hồ sơ chuyển giao được lập theo từng doanh nghiệp, bao gồm:
a) Báo cáo giá trị vốn (hoặc giá trị cổ phần) nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (chi tiết theo Phụ lục số 1).
b) Báo cáo số tiền nhà nước còn phải thu hồi từ doanh nghiệp (chi tiết theo Phụ lục 2).
c) Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (chi tiết theo Phụ lục số 3).
d) Danh sách và thông tin về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (chi tiết theo Phụ lục số 4).
đ) Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty (mẫu theo Phụ lục số 5).
5.2. Các tài liệu pháp lý của Công ty kèm theo hồ sơ, bao gồm:
a) Quyết định thành lập công ty, hoặc quyết định chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (bản sao).
b) Quyết định hoặc biên bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần, công ty TNHH được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao nếu có). Trường hợp chưa có các tài liệu này thì vẫn thực hiện chuyển giao và bổ sung sau khi ký biên bản.
c) Văn bản xác nhận của Hội đồng quản trị doanh nghiệp về số vốn, số cổ phần đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phiếu hoặc giấy chứng nhận cổ đông hoặc sổ cổ đông của nhà nước (đối với công ty cổ phần); giấy chứng nhận góp vốn hoặc sổ thành viên của nhà nước (đối với công ty TNHH có hai thành viên trở lên).
d) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại thời điểm gần nhất (nếu có).
đ) Danh sách Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
e) Điều lệ hiện hành về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp (bản sao).
g) Báo cáo quyết toán tài chính Quý gần nhất của doanh nghiệp.
5.3. Hồ sơ chuyển giao được lập thành 04 bộ để gửi các bên có liên quan sau khi ký Biên bản bàn giao, trong đó:
a) 01 bộ gửi cho Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh (để chuyển giao).
b) 01 bộ gửi Tổng công ty (để nhận chuyển giao).
c) 01 bộ gửi Bộ Tài chính (để giám sát).
d) 01 bộ lưu tại doanh nghiệp chuyển giao.
6. Căn cứ xác định số liệu chuyển giao:
6.1. Đối với các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành việc chuyển đổi (đã chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH) thì căn cứ xác định số liệu chuyển giao là số liệu trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp.
6.2. Đối với những doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi quy định tại điểm 8 Thông tư này: do các doanh nghiệp này chưa chính thức chuyển thành công ty cổ phần nên số liệu chuyển giao được xác định trên cơ sở số liệu vốn nhà nước theo Quyết định phê duyệt phương án chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và kết quả bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp. Đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng công ty kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh từ thời điểm định giá đến thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để xác định lại giá trị phần vốn nhà nước và điều chỉnh lại số liệu nhận chuyển giao chính thức theo quy định.
6.3. Trường hợp sau khi bàn giao, nếu số liệu có thay đổi, Tổng công ty điều chỉnh lại số liệu nhận chuyển giao chính thức và thông báo cho Bộ Tài chính và bên chuyển giao.
7. Trình tự chuyển giao:
7.1. Căn cứ Hồ sơ chuyển giao do người đại diện lập theo quy định tại Thông tư này, Vụ Tài chính kế toán hoặc Vụ Tài chính kế hoạch các Bộ, ngành (đối với doanh nghiệp trung ương), Sở Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương) thẩm định hồ sơ, số liệu, lập Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại từng doanh nghiệp (mẫu Phụ lục số 5) báo cáo lãnh đạo Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh hoặc người được uỷ quyền ký biên bản chuyển giao.
7.2. Sau khi ký Biên bản chuyển giao, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh gửi Biên bản chuyển giao (kèm theo Hồ sơ chuyển giao) cho Tổng công ty để ký nhận chuyển giao.
7.3. Khi hoàn tất chuyển giao, Tổng công ty gửi Biên bản cho bên giao (01 bản), Bộ Tài chính (01 bản) và doanh nghiệp (01 bản).
7.4. Đối với các trường hợp chưa thống nhất về hồ sơ, số liệu, trong phạm vi 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Biên bản chuyển giao, Tổng công ty phải có ý kiến bằng văn bản gửi cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh để bổ sung Hồ sơ và điều chỉnh lại số liệu chuyển giao chính thức, đồng thời thông báo cho Bộ Tài chính biết để theo dõi, giám sát.
7.5. Trường hợp cần thiết, Tổng công ty có thể phối hợp với các các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh họp, trao đổi thống nhất Biên bản và số liệu bàn giao.
8. Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hoá:
8.1. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hoá được triển khai đồng thời với tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Đối với những doanh nghiệp chuyển đổi thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty: các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, sau khi ban hành quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi doanh nghiệp và hoàn tất việc bán cổ phần lần đầu, có trách nhiệm gửi công văn thông báo (kèm theo hồ sơ chuyển giao quy định tại điểm 8.2 Thông tư này) để Tổng công ty triển khai ngay việc tiếp nhận và thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trước khi Đại hội cổ đông lần đầu như: cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp nhận hồ sơ tài liệu đăng ký quyền cổ đông, tham gia xử lý các vấn đề hậu cổ phần hóa....
8.2. Hồ sơ chuyển giao đối với những doanh nghiệp đang chuyển đổi bao gồm:
a) Quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
b) Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
c) Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá để chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
d) Kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu.
đ) Danh sách các đơn vị thành viên và phần vốn góp của công ty tại từng đơn vị thành viên (trường hợp chuyển giao công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con hoặc Tổng công ty cổ phần hóa toàn bộ).
e) Dự thảo Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty cổ phần (nếu có).
g) Các tài liệu khác (nếu có).
9. Tổ chức thực hiện:
9.1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Giám sát quá trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh về Tổng công ty.
b) Phối hợp cùng các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Tổng công ty xử lý các vấn đề còn tồn tại chưa được giải quyết liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
9.2. Các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Hoàn thành việc chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển đổi từ năm 2006 về trước trong quý II năm 2007 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại tiết b điểm 2 mục III Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP ngày 19/01/2007 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007. Đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao và đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển đổi từ ngày 01/01/2007 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành công tác chuyển giao trong thời gian 01 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
b) Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp xử lý các tồn tại liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu trước khi chuyển giao và lập hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Thông tư này.
c) Thẩm định hồ sơ, số liệu chuyển giao, lập và ký Biên bản chuyển giao (mẫu theo Phụ lục số 5) gửi Tổng công ty (để ký nhận) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
d) Chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính, Tổng công ty tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phát sinh trước thời điểm ký Biên bản chuyển giao.
đ) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Nội dung quản lý nhà nước được quy định tại Điều 161, 162, 164, 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
e) Giải quyết chế độ và bố trí công việc đối với người đại diện chuyên trách hoặc kiêm nhiệm khi không đảm nhiệm chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển giao.
g) Phối hợp, đề xuất với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước về việc cử người thay thế người đại diện phần vốn nhà nước theo đề nghị của Tổng công ty.
h) Khi chưa chuyển giao, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh không quyết định bán bớt vốn hoặc điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp.
i) Trường hợp doanh nghiệp đã đủ điều kiện mà không thực hiện chuyển giao theo quy định tại Thông tư này phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về sự chậm trễ này cũng như những phát sinh về tài chính, tổn thất có liên quan đến doanh nghiệp này.
9.3. Trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp:
a) Lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu tại các báo cáo: Báo cáo giá trị vốn (hoặc giá trị cổ phần) nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Phụ lục số 1); Báo cáo giá trị các khoản tiền nhà nước còn phải thu hồi (Phụ lục số 2); Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh (Phụ lục số 3); Báo cáo thông tin về người đại diện vốn nhà nước (Phụ lục số 4) và lập hồ sơ chuyển giao theo hướng dẫn tại Thông tư này.
b) Phối hợp với doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký lại sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp của nhà nước từ Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh về Tổng công ty.
c) Đôn đốc doanh nghiệp nộp các khoản thu về cổ phần hoá và cổ tức thuộc phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty.
d) Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cử trước đây, sau khi chuyển giao vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của Tổng công ty cho đến khi Tổng công ty có quyết định thay thế.
đ) Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì cơ quan có thẩm quyền xem xét thay thế người đại diện khác để thực hiện nhiệm vụ. Nếu cố tình chậm trễ trong việc triển khai các công việc có liên quan đến chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất phát sinh (nếu có).
9.4. Trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước:
a) Tiếp nhận, thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kể từ thời điểm nhận chuyển giao.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cử người đại diện phần vốn nhà nước bổ sung, thay thế khi cần thiết.
c) Thực hiện quyền chủ nợ trong việc theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty nộp các khoản thu về cổ phần hoá và cổ tức thuộc phần vốn nhà nước về Tổng công ty (theo ủy quyền của Bộ Tài chính) và quyết toán việc thu nộp các khoản này với Bộ Tài chính.
d) Hàng quý báo cáo Bộ Tài chính hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính về:
- Tình hình thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty.
- Tình hình bán bớt vốn nhà nước và đầu tư vốn tại các doanh nghiệp.
- Tình hình triển khai việc đưa doanh nghiệp tham gia niêm yết trên Thị trường chứng khoán.
- Tình hình thu các khoản nợ về bán cổ phần nhà nước và cổ tức thuộc phần vốn nhà nước còn phải thu phát sinh trước thời điểm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty.
- Kế hoạch tổ chức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của quý tiếp theo.
đ) Định kỳ hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính tình hình thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và việc triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
SOURCE:
THÔNG TƯ SỐ 47/2007/TT-BTC HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VỀ TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét