Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

THỰC TRẠNG TỰ DO HÓA LÃI SUẤT TỪ KHI ÁP DỤNG CƠ CHẾ LÃI SUẤT THỎA THUẬN

Lộ trình tự do hoá lãi suất
Năm 2006, ngành ngân hàng đã có bước tiến dài về môi trường pháp lý. Cơ chế tín dụng, cơ chế bảo đảm tiền vay được hoàn thiện theo hướng một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn. Mặt khác, mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống. Chính sách tiền tệ được điều hành một cách thận trọng, linh hoạt và phù hợp với diễn biến thực tế. Chính vì vậy việc cho áp dụng lãi suất thỏa thuận, bước đột phá thực hiện tự do hóa lãi suất, lãi suất trên thị trường vẫn tương đối ổn định. Lãi suất VND có xu hướng tăng nhẹ phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Mức tăng khoảng 0,05 – 0,15%/tháng đối với các kỳ hạn, lãi suất ngoại tệ có xu hướng giảm nhẹ phù hợp với lãi suất thị trường quốc tế. Chênh lệch giữa VND và USD khá rộng, khoảng 5%/năm, nhờ đó đã hạn chế chuyển dịch từ VND sang USD.
Một tháng sau khi áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận, mục tiêu điều hành tỉ giá linh hoạt sát thực với diễn biến thị trường. Biên độ tỉ giá mua bán giao ngay giữa VND với USD so với tỉ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng được nới lỏng từ +0,1% lên +-0,25%.
Tuy được nới lỏng, song tỉ giá biến động không nhiều. Tỉ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng 1,97% so với năm 2005. Điều đó cho thấy việc điều hành tỉ giá vừa phản ánh xu hướng biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế,vừa phản ánh sát thực sức mua của VND. Cùng với việc giảm tỉ lệ kết hối từ 40% xuống còn 30% năm 2005 và giảm xuống bằng 0% năm 2006, việc đổi mới cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng thông thoáng nhất là đối với chính sách kiều hối đã góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp có quyền chủ động bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại hay để trên tài khoản theo yêu cầu kinh doanh. Ngân hàng nhà nước cũng sửa đổi bổ sung quy định về trạng thái ngoại hối của ngân hàng thương mại; sửa đổi bổ sung quyết định hoạt động của bàn thu đổi ngoại tệ…đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay. Tác động tích cực vào ổn định tỷ giá trên thị trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trong điều kiện cung cầu ngoại tệ còn mất cân đối. Việc thu hút được hơn 2,4 tỉ USD kiều hối và lượng ngoại tệ các ngân hàng thương mại mua được của khách hàng tăng khoảng 28% so với năm 2005 đã việc làm giảm tâm lý nắm giữ USD, doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ được khó khăn…
Một vấn đề được đặt ra là sau khi thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thoả thuận thì làm thế nào để ngân hàng nhà tác động có hiệu quả vào lãi suất trong nền kinh tế. Còn đối với các tổ chức tín dụng, trong quá trình hoạt động kinh doanh tiền tệ có lúc thừa vốn chưa cho vay ra được, hay thiếu vốn để cho vay. Số vốn thừa hay thiếu đó gọi là vốn khả dụng. Nếu để tỉ lệ vốn khả dụng quá lớn sẽ dẫn đến kinh doanh thua lỗ, nếu để tỷ lệ quá thấp sẽ giảm khả năng thanh toán. Vì vậy, làm thế nào để quản trị và điều hành có hiệu quả số vốn này.
Việc tác động vào lãi suất trong nền kinh tế cũng như vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng có nhiều nghiệp vụ là: cho vay tái cấp vốn, cho vay tái chiết khấu, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ SWAP… Đặc biệt có hai thị trường để tác động hữu hiệu vào cơ chế điều hành lãi suất nói trên là: thị trường mở và thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc do ngân hàng nhà nước tổ chức và vận hành. Đây cũng là thị trường mà thông qua đó, ngân hàng nhà nước can thiệp gián tiếp vào thị trường tiền tệ, tác động đến tình hình lãi suất trong nền kinh tế .
a)     Về nghiệp vụ thị trường mở (TTM)
Thị trường mở được ngân hàng nhà nước đưa vào hoạt động từ tháng 7/2000 đến năm 2003 được coi là phát triển cao và hoàn thiện một bước quá trình nghiệp vụ thị trường này. Trên cơ sở dự báo vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước đã chủ động điều hành thị trường mở để thu tiền về hay bơm tiền ra lưu thông trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường, trong đó chủ yếu là chào mua nhằm tạo diều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể mở rộng đầu tư tín dụng. Tuy mới hoạt động được hơn hai năm nhưng công cụ nghiệp vụ thị trường mở đã tỏ ra có hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ, chất lượng đã được nâng lên rõ rệt.
Tính đến đầu năm 2007, có 32 tổ chức tín dụng tham gia thị trường .Từ tháng 7/2005 đến đầu tháng 2/2007, ngân hàng nhà nước đã tổ chức được 64 phiên đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, với tổng doanh số giao dịch là 5.636 tỉ đồng, trong đó có 24 phiên thực hiện đấu thầu lãi suất, 40 phiên đấu thầu khối lượng. Tổng khối lượng giấy tờ có giá ngân hàng nhà nước đã mua lại trị giá 4.466 tỉ đồng, ngân hàng nhà nước bán ra 1.170 tỉ đồng. Lãi suất hình thành trên thị trường mở bám sát lãi suất thị trường. Lãi suất trong năm 2006 dao động trong khoảng từ 4.9%- 6.3%/năm .Đặc biệt với việc ngân hàng nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở cung ứng hơn 5.000 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng đã góp phần thực hiện, chủ trương kích cầu của Chính phủ.
Nếu tính riêng năm 2005, ngân hàng nhà nước đã tổ chức được 48 phiên giao dịch thị trường mở, với tổng khối lượng vốn chính thức giao dịch mua bán là 3833,81 tỉ đồng, trong đó mua có kì hạn 3253,81 tỉ đồng, bán hẳn 470 tỉ đồng, bán có kỳ hạn 150 tỉ đồng và mua hẳn 60 tỉ đồng .
Trong năm 2006, bằng cách tiếp tục duy trì hai phương thức giao dịch là mua có kỳ hạn và bán hẳn, ngân hàng nhà nước đã tổ chức được 85 phiên dịch thị trường mở, gấp 1,3 lần số phiên của hai năm trước đó với tổng khối lượng giao dịch là 9145.53 tỉ đồng, bằng 232.48% so với năm 2005.
Lãi suất trúng thầu trên thị trường mở trong năm 2006 bình quân khi mua vào là 4,9%/năm, tăng 0,09% so với năm 2001 và lãi suất trúng thầu bán ra là 4,7%/năm, giảm 0,54% so với năm trước. Tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp và khách hàng.
Trong 11 tháng đầu năm 2006 , bằng cách tiếp tục duy trì 2 phương thức giao dịch là mua có kỳ hạn và bán hẳn, ngân hàng nhà nước đã tổ chức được 97 phiên giao dịch thị trường mở, với tổng khối lượng trúng thầu là 14428 tỉ đồng, trong đó khối lượng giấy tờ có giá ngân hàng nhà nước mua có kì hạn là 7988,15 tỉ đồng, bán hẳn là 11340 tỉ đồng. Đây là năm có tần suất hoạt động thường xuyên hơn và sôi động nhất có kết quả đạt được cao nhất. Xu hướng đó một mặt cho thấy nghiệp vụ thị trường mở thực sự có hiệu quả trong việc tác động vào vốn khả dụng của ngân hàng nhà nước; mặt khác cũng chứng tỏ thị trường mở hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại trong việc năng động và linh hoạt trên thị trường tiền tệ.
Lãi suất trên thị trường mở cũng giảm dần, phản ánh lãi suất trong nền kinh tế. Trong phiên giao dịch tháng 1/2007, lãi suất trúng thầu xoay quanh mức 4,8%-5,0%/năm,  tháng 2/2007 thì xoay quanh mức 4,6%-4,8%/năm thì các phiên giao dịch trong tháng 5/2007 giảm xuống chỉ còn 2,3% - 2,7%/năm.
Mặc dù hoạt động của thị trường mở được đánh giá là sôi động nhất trên thị trường tiền tệ và đã có những thành công nhất định trong hơn 2 năm qua nhưng đến nay việc tổ chức và điều hành thị trường vẫn còn một số tồn tại. Ngân hàng nhà nước đã áp dụng tất cả các phương thức đấu thầu (đấu thầu khối lượng, đấu thầu lãi suất) mà quy chế cho phép. Nhưng việc chỉ đạo lãi suất và khối lượng tại các phiên đấu thầu lãi suất vẫn chưa linh hoạt khiến nhiều tổ chức tín dụng còn dự thầu với tính thăm dò, chỉ có một số ngân hàng bắt đầu có những chuyển biến trong việc đánh giá nhận định thị trường để định lãi suất đặt thầu nhằm đạt kết quả theo mong muốn khi tham gia các phiên giao dịch.
Tốc độ tăng trưởng cung ứng vốn tại nghiệp vụ thị trường mở thấp hơn so với nghiệp vụ cho vay có đảm bảo bằng giấy tờ có giá. Cụ thể là trong khi lãi suất cho vay cầm cố chỉ ở mức 4.8%/năm (được giữ nguyên từ tháng 7/2006 đến nay) thì lãi suất mua các giấy tờ có giá thời hạn 30 ngày trên thị trường mở không ngừng tăng: 4,9; 4,95; 4,99 và 5,01%/năm. Như vậy lãi suất này đã mời các tổ chức tín dụng vay cầm cố bằng giấy tờ có giá chứ không dại gì mà tham gia “mua bán “ trên thị trường mở cho… phức tạp.
Một vấn đề không có trong hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở là sự không tập trung của hệ thống chương trình phần mềm giữa trung tâm thị trường và các thành viên.Khi tham gia đấu thầu trên mạng thường khó thao tác và không thể tự khắc phục mỗi khi có sự cố .
b)     Về thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước
660262.jpg
Năm 2006 là năm thứ 11 ngân hàng nhà nước đưa vào hoạt động thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước. Trong năm 2006 qua, ngân hàng nhà nước đã tổ chức được 70 phiên đấu thầu, với tổng số kết quả trúng thầu đạt 12.410 tỉ đồng, chiếm 62% tổng nguồn vốn huy động được của kho bạc nhà nước, gấp hơn 2 lần so với kế hoạch và bằng 214,8% so với năm 2005, đạt mức cao nhất trong 11 năm qua.
Tín phiếu kho bạc qua đấu thầu tại ngân hàng nhà nước không chỉ huy động được hơn 8.400 tỉ đồng vốn, mà lãi suất thấp và chi phí huy động vốn cũng thấp. Nếu như lãi suất bán lẻ trái phiếu kho bạc trong dân hay lãi suất đấu thầu qua Trung tâm giao dịch chứng khoán lên tới 8,1% - 8,6%/năm thì lãi suất đấu thầu tín phiếu kho bạc qua ngân hàng nhà nước chỉ có 5,8% - 5,9%/năm, cao nhất cũng chỉ có 6,1%/năm. Đồng thời chỉ trong 1 - 2 ngày có ngay được 300 - 400 tỉ đồng vốn giải ngân cho các dự án của doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ vốn. Tính đến năm 2006, thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước do ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức đã đạt được thành công lớn ngoài dự kiến.
Phiên đấu thầu thứ 47 trong năm 2006 (tổ chức ngày 1/12/2006) đã có tổng số 15.051,5 tỉ đồng tín phiếu kho bạc nhà nước trúng thầu, so với dự kiến đầu năm khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng với lãi suất thấp, chi phí giảm thiểu tối đa. Năm 2006, ngân sách nhà nước huy động được gần 160.00 tỉ đồng. Đây là khoảng thời gian có khối lượng trúng thầu lớn nhất trong gần 13 năm qua kể từ năm 1994, khi thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước bắt đầu hoạt động.
Lãi suất trúng thầu tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nếu như  lãi suất trúng thầu trong quý I/2006 từ 6,1%/năm đến 6,25%/năm, bình quân 6,189%/năm trong cả quý II/2006 đều thường xuyên ở mức 6,25%/năm, đầu quý III là 6,2%/ năm thì liên tục giảm dần xuống còn 4,7%/năm cuối tháng 4/2007 và xoay quanh mức 5%/năm trong các phiên gần đây.
Việc tổ chức thành công hoạt động thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước không chỉ dừng lại ở kết quả trên, mà nó còn cho thấy sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Nhờ việc linh hoạt trong chỉ đạo lãi suất đấu thầu theo tín hiệu thị trường, không áp đặt như trước đây, linh hoạt trong đưa khối lượng tín phiếu ra đấu thầu thay cho việc cứng nhắc,… đã tạo nên sự hấp dẫn và tham gia  nhiệt tình của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cho đến năm 2006, trong tổng số 44 thành viên của thị trường thì mới chỉ 8 thành viên tham gia dự  thầu. Nhìn chung khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn dè dặt. Một  số khối lượng trúng thầu những năm trước nay đã chuyển sang đầu tư vào trái phiếu chính phủ trung và dài hạn cho Quỹ hổ trợ phát triển vay, hay gửi tại các ngân hàng thương mại có lãi suất hấp dẫn hơn. Một mặt do thị trường không sôi động, có một số phiên không có thành viên mua. Hàng hoá giao dịch trên thị trường còn nghèo nàn, kì hạn không đa dạng.

Bảng 3.22. Lãi suất thị trường liên ngân hàng

Chỉ tiêu 01/06/05 31/12/05 31/03/06 30/06/06 30/09/06 31/12/06
LSVNIBOR 1 tháng

6,57

6,71 7,30 6,68 5,36

5,20

Lãi suất TPKB 5,90 6,12 6,25 6,25 4,98

5,10

Lãi suất TTM 4,90 5,00 4,90 4,75 1,59

3,00

Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Theo số liệu trên, về cơ bản lãi suất thị trường mở và đấu thầu tín phiếu kho bạc có chiều hướng biến động cùng với lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhưng có sự chêch lệch về khoảng thời gian và mức độ  biến động. Lãi suất VNIBOR, lãi suất trúng thầu tín phiếu kho bạc và lãi suất trúng thầu mua, nghiệp vụ thị trường mở đạt mức cao cuối tháng 3/2006 ,sau đó biến động giảm dần với mức 1%-2%/năm, lớn hơn mức giảm lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại so với thời điểm 1/6/2005, các lãi suất nói trên đều giảm.
c)      Diễn biến trái chiều trên thị trường tiền tệ
Từ tháng 6/2001, lãi suất ngoại tệ đã được tự do hoá, nên theo sát diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khoảng thời gian từ thời điểm đó đến nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 4 lần giảm lãi suất chủ đạo đồng USD, từ 1.75%/năm xuống 1.25%/năm , rồi giảm xuống 1%/năm , thấp nhất trong 46 năm của lịch sử nền kinh tế Mỹ.
Ngân hàng Trung Ương Châu Âu cắt giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất trên thị trường ngân hàng Việt Nam đã có nhiều biến động. Lãi suất tiền gửi và lãi suất USD ở nước ta liên tục giảm xuống. Lãi suất USD của hầu hết các ngân hàng thương mại đã được cắt giảm mạnh. Ngân hàng Ngoại thương, ngân hàng có lượng giao dịch nhiều nhất (chiếm khoảng 65% toàn hệ thống) hiện nay có mức lãi suất kì hạn 12 tháng là 2,2%. Các ngân hàng lớn như ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Á Châu… đều giảm lãi suất huy động xuống ở mức phổ biến từ 2-2,2%/năm đối với kì hạn tiết kiệm 12 tháng, cho dù vừa qua đã có một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động ngoại tệ, nhưng nhìn chung mức lãi suất huy động ngoại tệ đang ở mức thấp trong nhiều năm gần đây .

Bảng 3.23:Lãi suất tiền gửi USD

 

2000

 

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Lãi suất tiền gửi USD cao nhất (5/năm)

6,0

4,5

2,2

2,2

2,1

2,3

2,2

Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Tuy lãi suất ngoại tệ giảm nhưng lãi suất VND torng những tháng đầu năm lại có dấu hiệu tăng nhẹ. Đặc biệt từ nữa cuối năm 2006 sau khi thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong 4 tháng đầu năm 2007 lãi suất tiền gửi ngân hàng bằng nội tệ – VNĐ tăng cao lên đến 0,7%/tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng lên tới 0,73%-0,75%/tháng, thậm chí 0,78%/tháng. Sau đó từ tháng 5/2007 lãi suất giảm xuống, giảm nhiều chủ yếu là đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh, còn các ngân hàng cổ phần lãi suất vẫn ở mức khá.
Nhận xét sự biến động trái chiều, cho ta thấy rằng hầu hết các ngân hàng thương mại nước ta tiếp tục có nhu cầu huy động tiền đồng. Đặc biệt vào thời điểm dịp tết Nguyên Đán, nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế tăng, bên cạnh đó lượng khách hàng rút tiền gửi về để phục vụ cho việc chi tiêu trong tết cũng tăng, do đó các ngân hàng phải thực hiện việc tăng lãi suất để “bù đắp” phần vốn đang thiếu hụt chuẩn bị cho những dự  án cho vay mới. Một điểm đáng chú ý nữa, cho dù lãi suất USD đang ở mức thấp, các ngân hàng thương mại đều khá “dư giả” về ngoại tệ do đang có một lượng ngoại tệ dự trữ từ trước.
Bên cạnh đó việc giảm lãi suất lần này lại đúng vào dịp cuối năm nên cung ngoại tệ tăng lên nhờ lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu và kiều hối tăng (đạt khoảng 2,4 tỉ trong năm 2006). Ngoài ra, lượng ngoại tệ của khách du lịch và người Việt Nam ở nước ngoài về quê ăn tết tăng mạnh đã góp phần làm cho cung về USD trên thị trường tiếp tục ổn định.
Việc cắt giảm lãi suất huy động USD trong thời gian qua đã khiến cho mức chênh lệch về lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng. Do đó, từ giữa năm 2005, trong năm 2006 và đến đầu năm 2007, người dân thích gửi tiết kiệm bằng VNĐ hơn vì lãi suất cao, còn các doanh nghiệp thì thích vay ngoại tệ hơn vì lãi suất thấp. Điều này còn do tác động của diễn biến tỉ giá ở mức thấp.
Về tỉ giá giữa VND/USD, năm 2005 chỉ tăng có 2,1%. Trong 9 tháng đầu năm 2006 tỉ giá ổn định, chỉ tăng có 1% nhưng trong 3 tháng cuối năm 2006 thì tăng khá. Tính chung cả năm 2006 , đồng đô la  Mỹ tăng giá 1,7% so với đồng VN. Tháng 1/2007, tỉ giá cũng chỉ tăng có 0,1%. Đây là khoảng thời gian có mức tăng giá thấp trong nhiều năm qua. Do đó nếu có gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ thì chỉ được hưởng lãi suất 2,0% - 2,5%/năm, cộng với đô la Mỹ lên giá thì tổng cộng chỉ có mức lợi tối đa là 4,0%/năm, trong đó gửi tiền VNĐ có lãi suất tới 9,0%/năm. Hay mua trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục cũng ở mức lãi suất trên 8,4%/năm. Ngược lại, vay vốn ngoại tệ được lợi hơn vì lãi suất tiền vay chỉ có 3,5% - 4,0%/năm, cộng với tỉ lệ trượt giá thì tổng cộng tối đa chỉ có 5,0%/năm, so với lãi suất vay vốn VNĐ lên tới 10%/năm. Điều này cũng giải thích tại sao trong khoảng thời gian từ giữa năm 2005, trong năm 2006 và tháng đầu năm 2007 thị trường tiền tệ diễn biến trái chiều, vốn huy động nội tệ của các ngân hàng tăng nhanh, vốn huy động ngoại tệ tăng chậm và ngược lại.
Tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2007 gần đây, lại có hiện tượng đầu tư ngoại tệ tăng nhiệt.Ngay từ  đầu tháng 5, khi chỉ số giá bốn tháng đầu năm được công bố là 5,4% thị trường có phản ứng. Tiền gửi bằng VNĐ tại các ngân hàng tuy không giảm nhưng không còn tăng cao như trước, trong khi tiền gửi bằng USD tăng khá nhanh. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục khi chỉ số giá của tháng 5 lại tăng thêm 0,9%.
Thực trạng tự do hoá lãi suất
Sự kiện đáng chú ý trong hoạt động của thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung là diễn biến của cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Những dấu hiệu của lãi suất quá cao, tín dụng “nóng” được thể hiện ở 3 mặt: thứ nhất: khối lượng tiền lưu thông và dư  nợ tín dụng tăng cao; thứ hai: lãi suất huy động vốn và cho vay vốn liên tục tăng; thứ ba: kinh doanh tiền tệ luôn sôi động.
Trong 6 tháng đầu năm 2006, dư nợ cho vay của nền kinh tế chỉ tăng 13,8% đến 30/04/2007, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng và tín dụng đã lên tới 328,490 tỉ đồng, tăng 15,3% so với 31/12/2006. Trong khi đó, tổng dư nợ tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức ngân hàng và tín dụng chỉ đạt 321,280 tỉ đồng, tăng 9,43% so với cuối năm 2006.
Các ngân hàng thương mại liên tục tung ra các chiến dịch huy động vốn với lãi suất cao , hình thức đa dạng kèm theo khuyến mãi hấp dẫn. Chiếm trên 70% thị phần huy động vốn là các ngân hàng thương mại nhà nước với mức lãi suất lên tới 0,7 – 0,72%/tháng. Chỉ vài ngày sau khi ngân hàng công thương “khai hoả” đợt phát hành kì phiếu đầu tiên của mình trong năm 2003, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã tiếp nối bằng cách tung ra một sản phẩm huy động vốn còn ấn tượng hơn với lãi suất huy động (tính theo năm) hấp dẫn hơn, đó là chứng chỉ tiền gửi. Với mức lãi suất trả trước đối với chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ cho các kì hạn từ 12 triệu đến 24 triệu quy theo lãi trả sau vào khoảng 8,4% - 9%/năm, chỉ trong vòng 20 ngày làm việc, tức là chưa đầy một nửa thời gian dự kiến phát hành, ngân hàng này đã “ẵm trọn” 3000 tỉ đồng và phải chấm dứt phát hành vì đã “hoàn thành kế hoạch” theo sự cho phép của ngân hàng nhà nước.
Nhiều tính ưu việt của chứng chỉ tiền gửi và uy tín của ngân hàng là yếu tố đóng vai trò quan trọng vào thành công, nhưng không phủ nhận lãi suất hấp dẫn của chứng chỉ tiền gửi. Sau khi ngân hàng Đầu tư và Phát triển chấm dứt phát hành chứng chỉ tiền gửi, ngày 5/3, Ngân hàng Ngoại Thương thông báo phát hành “Đợt kì phiếu đặc biệt” với lãi suất bậc thang hấp dẫn, số tiền mua kì phiếu  được phân thành các mức và càng mua nhiều được hưởng lãi suất càng cao từ 8,49%/ năm, 8,55%/năm đến 8,61%/năm đối với từng mức tiền cho kì hạn 1 năm.
Các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động vốn tuỳ thuộc vào nhu cầu vốn của họ và là quyền của họ. Tuy nhiên, một khi cuộc chiến đã được khơi ra thì dù muốn hay không muốn cũng phải theo nhưng chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu  ra trở nên đáng lo ngại. Tình trạng thiếu vốn, đặc biệt là vốn dài hạn cho các dự án lớn đã được kí kết, buộc các ngấn hàng phải gia tăng lãi suất huuy động vốn thực tế. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn vẫn có thể xảy ra khi mặt bằng lãi suất huy động vốn tăng nhanh trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tăng  chậm.
Ngay từ đầu năm nay, lãi suất huy động tiền gởi tiết kiệm đã được các ngân hàng, liêm tục điều chỉnh lãi suất cơ bản, thông tin do cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản của đồng USD lên vượt mức 4,5% hiệnnay. Song theo nhìn nhận của các chuyên gia tài chính ngân hàng thì lại  không hẳn như vậy. Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa tăng lãi suất tiền gởi bằng USD ở tất cả các kì hạn từ 0,3%/năm đến 0,85%/năm kể từ ngày 3/3. Ngân hàng Ngoại Thương  (Vietcombank) cũng quyết định tăg lãi suất tiền gởi VND lên ở tất cả kì hạn với mức tăng 0,2 - 0,6%/năm từ cuối tháng 2. Nhiều ngân hàng cũng đang rình rập điều chỉnh lãi suất huy động  tiền gởi đối với cả VNĐ và USD.
Thực tế, nhiều ngân hàng bất đắt dĩ bước vào cuộc đua này. Theo ông Sơn, phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại CP Quốc Tế (VIbank), với các ngân hàngCP mới xuất hiện trên thương trường, lãi suất là công cụ chủ yếu để huy động vốn. Các ngân hàng bạn điều chỉnh tăng lãi suất, không lẽ mình lại đứng yên.
Với việc liên tục đẩy lãi suất tăng cao như hiện nay, các ngân hàng đã tự nay mình vào tình thế khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động chung của các ngân hàng hiện nay ở mức 8,5%/năm, trong khi lãi suất cho vay ở mức hơn 9%/năm. Rõ ràng hiệu quả kinh doanh rất thấp.
Khi tăng lãi suất huy động thì đương nhiên các ngân hàng phải cho đầu ra tăng theo, theo đó các doanh nghiệp đi vay buộc lòng phải cho tăng sản phẩm đầu ra theo tỷ lệ thuận. Do vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm đi, kéo theo đó là kinh doanh dễ gặp rủi ro, và cuối cùng người cho vay là ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn. Tình trạng này sẽ dẫn tới nợ quá hạn trong các ngân hàng tăng lên. Nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng là điều tốt. Người gởi tiền được hưởng lãi suất cao cũng là điều tốt nhưng nếu lãi suất huy động tăng mà lãi suất cho vay không tăng được  thì các các trung gian tài chính cần xem xét lại.

Đề tài NCKH- Giải cấp trường - Đỗ Lương Trường

Bản quyền © Đỗ Lương Trường - SAGA, 11/2007- saga.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến