Ngày 27/7/2006, Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành Nghị quyết 1037 quy định về giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước 01/9/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia giao dịch mà phát sinh tranh chấp, quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vì đang chờ ban hành văn bản hướng dẫn trong suốt một thời gian khá dài thì đến nay họ đã có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình.
Tuy nhiên niềm vui mừng này của những người tham gia giao dịch mà phát sinh tranh chấp không được trọn vẹn vì có những quy định trong Nghị quyết 1037 đặt họ vào tình thế rất khó thực hiện.
Trong nghị quyết 1037 quy định, đối với trường hợp nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, nay muốn đòi lại nhà thì phải có thông báo đòi nhà theo thời hạn được quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Nhưng theo thống kê thì hầu hết hồ sơ khởi kiện đối với vụ việc trên mà đương sự nộp tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh thì thông báo đòi nhà không phù hợp về hình thức.
Kể từ ngày Nghị quyết 1037 có hiệu lực, tức từ 01/9/2006 đến nay Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nhận được 70 đơn khởi kiện đòi nhà nhưng đã trả lại 24 đơn vì đương sự không thông báo đòi nhà hoặc thông báo đòi nhà không đúng hình thức mà pháp luật quy định như: Thông báo đòi nhà gửi qua đường bưu điện; thông báo bằng văn bản; thông báo đòi nhà không được bên mượn, bên thuê, bên ở nhờ ký nhận hay không được đại diện tổ dân phố, thôn, xóm … xác nhận.
Để tìm hiểu rõ hình thức và cách thức thông báo đòi nhà các đương sự nên xem xét Công văn 51/1999/KHXX ngày 08/6/1999của Tòa án nhân dân tối cao giải thích việc thông báo đòi nhà. Trong Công văn 51 có nêu rõ: Bên cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà khi muốn lấy lại nhà phải gửi cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ thông báo đòi nhà bằng văn bản bằng giấy (viết tay hoặc in) trong đó yêu cầu bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ nhà phải trả nhà…việc thông báo này phải có xác nhận của bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ hoặc có chứng nhận của đại diện tổ dân phố, thôn xóm …nơi có nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ là việc thông báo đó đã được tiến hành hợp lệ hay bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ nhà ở đã nhận được thông báo đó.
Có rất nhiều đương sự khi đến Tòa án nộp đơn đã tâm sự: “bên mượn, bên thuê, bên ở nhờ nhà của chúng tôi có ý định chiếm nhà, họ không muốn trả nhà, thậm chí khi đến đòi nhà chúng tôi còn bị họ chửi bới, xua đuổi thì làm sao chúng tôi có thể buộc họ ký nhận vào thông báo đòi nhà được”. Tâm sự này của những người nguyên đơn đi nộp đơn là có thật, họ rất khó thậm chí không thể thực hiện việc thông báo đòi nhà như quy định.
Tuy nhiên pháp luật cũng đã mở ra một cách giải quyết thứ hai, đó là nguyên đơn được mời đại diện tổ dân phố, thôn, xóm…xác nhận về việc đã thực hiện thông báo đòi nhà theo quy định. Mặc dù vậy đa số thông báo đòi nhà được đại diện tổ dân phố, thôn, xóm…xác nhận đều không được chứng thực chữ ký của đại diện tổ dân phố, thôn, xóm…. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của chính mình, nguyên đơn khi thực hiện thông báo đòi nhà nên đề nghị đại diện tổ dân phố, thôn, xóm… ký xác nhận và tới Uy ban nhân dân phường xác nhận chữ ký của người đại diện tổ dân phố, thôn, xóm…đó trong thông báo đòi nhà để thông báo này phù hợp về mặt pháp lý, tránh trường hợp giả mạo chữ ký để được thụ lý hồ sơ.
----------------------------------------------------
SOURCE: WWW.TAND.HOCHIMINHCITY.GOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét