GS LÂM QUANG THIỆP
Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2.11.2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam giai đoạn 2006-2020 nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ (TC), tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài”. Tuy nhiên, để thực hiện đào tạo theo TC ở nước ta theo lộ trình trên, có nhiều vấn đề liên quan cần được nhìn nhận lại và phải chuẩn bị chu đáo một số công việc.
Vài nét về học chế TC
Sự ra đời và lan tỏa của học chế TC
Hiện nayH, tuy “sinh sau đẻ muộn” so với châu âu, nhưng hệ thống GDĐH Hoa Kỳ phát triển mạnh và có sức hấp dẫn bậc nhất, được hình thành dựa trên những nét độc đáo của nền kinh tế - xã hội. ý tưởng về một nền GDĐH cho số đông người (đại chúng) nảy sinh đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX và trở thành hiện thực ở Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XX. Trong một nền GDĐH cho số đông người như vậy phải đảm bảo cá nhân hoá được việc học tập của từng sinh viên (SV) Với mục tiêu đó, vào năm 1872, Charle Eliot, Viện trưởng Viện Đại học Harvard đã đề xuất một quy trình đào tạo mới gọi là giải pháp mô đun hoá các môn học (học chế TC) được cung cấp trong trường ĐH để SV có thể lựa chọn một tổ hợp môn học thích hợp nhằm cấu thành một chương trình đào tạo để có thể nhận được văn bằng tốt nghiệp.
Vào đầu thế kỷ XX, học chế TC được áp dụng rộng rãi hầu như trong mọi trường ĐH ở Hoa Kỳ. Tiếp đó, nó được lan toả ra nhiều nước như: Canađa, Nhật Bản, Philippin, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, ấn Độ, Sênêgan, Môzămbích, Nigêria, Uganđa, Camơrun... Tại Trung Quốc, từ cuối thập niên 80 (thế kỷ XX) đến nay, hệ thống học chế TC cũng lần lượt được áp dụng ở nhiều trường ĐH. ở châu âu, Tuyên ngôn Boglona được đề xướng (năm 1999) đến nay đã được ký bởi Bộ trưởng của 45 nền GDĐH (mà một trong các nội dung quan trọng là triển khai áp dụng học chế TC trong toàn hệ thống GDĐH) nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ động, liên thông hoạt động học tập của SV trong khu vực châu âu và trên thế giới.
Đặc điểm của học chế TC
TC là khối lượng học tập gồm 1 tiết học lý thuyết (50 phút) trong 1 tuần và kéo dài 1 học kỳ (15-18 tuần). Thông thường, các tiết học loại khác như: Thực tập thí nghiệm, đi thực địa, vẽ, nhạc, thực hành nghệ thuật, thể dục..., cứ 3 tiết trong 1 tuần (kéo dài 1 học kỳ) được tính một TC. Ngoài ra, còn có quy định: Để chuẩn bị cho 1 tiết lên lớp, SV phải bỏ ra ít nhất 2 giờ làm việc ở ngoài lớp. Như vậy, lao động học tập của SV có một phần “nổi” tính theo tiết học ở lớp và một phần “chìm” là thời gian tự học.
Để đạt bằng cử nhân, SV thường phải tích lũy 120-136 TC (Hoa Kỳ), 120-135 TC (Nhật Bản), 120-150 TC (Thái Lan)... Đối với bằng thạc sỹ, học viên phải tích luỹ 30-36 TC (Hoa Kỳ), 30 TC (Nhật Bản), 36 TC (Thái Lan)... Theo quy ước của hệ thống TC châu âu, khối lượng lao động học tập của một SV chính quy trung bình được tính bằng 60 TC /1 năm học. Khi tổ chức giảng dạy theo TC, đầu mỗi học kỳ, SV được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ, đồng thời phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành đào tạo nào đó. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, SV có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu họ thích. SV không chỉ giới hạn học các môn chuyên môn của mình mà còn cần học các môn học khác lĩnh vực. Ví dụ: SV ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần phải học một số môn khoa học xã hội, nhân văn và ngược lại. Về kết quả học tập ĐH, hệ thống TC dùng cách đánh giá thường xuyên và đối với các chương trình đào tạo sau ĐH còn có thêm các kỳ thi tổng hợp và các luận văn.
Các ưu điểm của học chế TC
Học chế TC được truyền bá nhanh chóng và áp dụng rộng rãi nhờ có nhiều ưu điểm sau:
- Có hiệu quả đào tạo cao: Học chế TC cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích luỹ kiến thức và kỹ năng của SV để nhận được văn bằng. SV được chủ động thiết kế kế hoạch học tập cho mình, được quyền lựa chọn tiến độ học tập thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của mình. Điều đó đảm bảo cho quá trình đào tạo trong các trường ĐH trở nên mềm dẻo hơn, đồng thời cũng tạo khả năng cho việc thiết kế chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo ĐH và giữa các ngành đào tạo khác nhau. Học chế TC cho phép ghi nhận cả những kiến thức và khả năng tích luỹ được ngoài trường lớp để dẫn tới văn bằng, khuyến khích SV từ nhiều nguồn gốc khác nhau có thể tham gia học một cách thuận lợi. Về phương diện này, có thể nói, học chế TC là một trong những công cụ quan trọng để chuyển từ nền ĐH mang tính tinh hoa thành nền ĐH mang tính đại chúng.
- Có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao: Với học chế TC, SV có thể chủ động ghi tên học các học phần (HP) khác nhau dựa theo những quy định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức. Nó cho phép SV dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu. Cũng do vậy, với học chế TC, các trường ĐH có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng khi nhận được tín hiệu về nhu cầu của thị trường lao động và tình hình lựa chọn ngành nghề của SV. Học chế TC còn cung cấp cho các trường một ngôn ngữ chung, tạo thuận lợi cho SV khi cần chuyển trường cả trong nước cũng như ngoài nước.
- Đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo: Với học chế TC, kết quả học tập của SV được tính theo từng HP chứ không phải theo năm học, do đó, việc hỏng một HP nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục, SV không bị buộc phải quay lại học từ đầu. Chính vì vậy, giá thành đào tạo theo học chế TC thấp hơn so với đào tạo theo niên chế.
Nếu triển khai học chế TC, các trường ĐH lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho SV nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi; ngoài ra, SV có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học. Kết hợp với học chế TC, nếu trường ĐH tổ chức thêm những kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học tích luỹ được bên ngoài nhà trường hoặc bằng con đường tự học để cấp cho họ một TC tương đương, thì sẽ tạo thêm cơ hội cho họ đạt văn bằng ĐH. ở Hoa Kỳ, trên 1.000 trường ĐH chấp nhận cung cấp TC cho những kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ được ngoài nhà trường.
Nhược điểm của học chế TC và cách khắc phục
- Học chế TC cắt vụn kiến thức: Phần lớn các mô đun trong học chế TC được quy định tương đối nhỏ, 3 hoặc 4 TC. Do vậy, sẽ không đủ thời gian để trình bày kiến thức thực sự có đầu, đuôi theo một trình tự diễn biến liên tục. Từ đó, gây cảm giác kiến thức bị cắt vụn. Người ta khắc phục nhược điểm này bằng cách không thiết kế các mô đun quá nhỏ dưới 3 TC và trong những năm cuối, thường thiết kế các môn học /tổ chức các kỳ thi có tính tổng hợp để SV có cơ hội liên kết, tổng hợp các kiến thức đã học.
- Khó tạo nên sự gắn kết trong SV: Vì các lớp học theo mô đun không ổn định nên khó xây dựng các tập thể gắn kết chặt chẽ như các lớp theo khóa học, việc tổ chức sinh hoạt đoàn thể của SV cũng khó khăn (có người nói: Học chế TC “khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, không coi trọng tính cộng đồng”). Tuy nhiên, bằng cách xây dựng các tập thể tương đối ổn định qua các lớp, khoá học trong năm thứ nhất (khi SV học chung phần lớn các mô đun kiến thức), sắp xếp một số buổi xác định không bố trí thời khóa biểu để họ có thể cùng tham gia các sinh hoạt đoàn thể chung... thì sẽ khắc phục được nhược điểm này.
Về việc áp dụng học chế TC ở nước ta
Về áp dụng học chế TC ở Việt Nam và bản chất của học chế HP
Trước 1975, một số trường ĐH ở miền Nam đã áp dụng học chế TC như: Viện ĐH Cần Thơ (nay là ĐH Cần Thơ), Viện ĐH Thủ Đức… Vào năm 1987, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương triển khai trong các trường ĐH theo quy trình đào tạo 2 giai đoạn và mô đun hoá kiến thức. Theo đó, học chế HP ra đời và chính thức được triển khai trong toàn bộ hệ thống các trường ĐH và cao đẳng nước ta từ năm 1988 đến nay.
Học chế HP có các đặc điểm cơ bản là tích luỹ dần kiến thức. Mô đun hoá kiến thức thành các HP một cách khá trọn vẹn và không quá lớn để có thể lắp ghép với nhauH, tạo nên một chương trình đào tạo dẫn đến một văn bằng mà người học có thể tích luỹ dần trong quá trình học tập. Để đo lường kiến thức theo khối lượng lao động học tập của người học, khái niệm đơn vị học trình (ĐVHT) được đưa vào. Nhằm làm cho các chương trình đào tạo mềm dẻo, có 3 loại HP được quy định: HP bắt buộc phải học, HP lựa chọn theo hướng dẫn của nhà trường và HP tự chọn. Mỗi HP được đánh giá bằng một con điểm (tổng hợp của các đánh giá bộ phận và một kỳ thi kết thúc). Kết quả học tập chung của học kỳ, năm học (hoặc khoá học) được đánh giá bằng điểm trung bình chung; đó là điểm trung bình của các HP đã tích luỹ.
Học chế HP (Việt Nam) và TC (Hoa Kỳ)
Điểm tương đồng: Đều dựa vào sự tích luỹ dần các mô đun kiến thức để đạt được văn bằng; SV được lựa chọn một số mô đun cho chương trình học của mình; việc đánh giá kết quả học tập được thực hiện nhờ điểm trung bình chung với trọng số là số lượng TC của các mô đun.
Khác nhau: Các mô đun kiến thức trong TC được thiết kế theo trình độ năm học của SV, tạo thuận lợi cho lựa chọn và lắp ghép. Mỗi mô đun bao gồm 3 hoặc 4 TC trong khi các HP đôi khi được thiết kế theo kiểu chia cắt cơ giới, có một số HP quá dài (hơn 4 ĐVHT) hoặc quá ngắn (1 đến trên 2 ĐVHT);
- Chương trình đào tạo của Hoa Kỳ có nhiều mô đun khác nhau được đưa ra để SV lựa chọn nên mức độ tự do lựa chọn cao hơn; trong khi các chương trình đào tạo của các trường ĐH nước ta thường có rất ít mô đun để lựa chọn.
- Lớp học theo TC ở Hoa Kỳ thường được sắp xếp theo môn học, còn lớp học trong học chế HP ở Việt Nam vẫn sắp xếp theo khoá học.
- Hoa Kỳ có một hệ thống cố vấn học tập đầy đủ để tư vấn cho SV lựa chọn mô đun và thiết kế quy trình học tập, mỗi SV vào trường được gắn với một cố vấn biên tập (nước ta chưa có).
- TC ở Hoa Kỳ được quy định theo số giờ học mỗi tuần kéo dài trong một học kỳ, trong khi ĐVHT ở ta được quy định bằng tổng số 15 tiết học lý thuyết ở lớp mà không nói rõ số giờ học trong tuần. Như vậy, trong học chế TC có quy định số giờ lao động học tập tối thiểu cần thiết của SV cho một giờ lên lớp (thường là 2/1). ở Việt Nam, thực tế thời gian SV chuẩn bị cho mỗi tiết học ở lớp thường không quá 1/1. Như vậy, tính theo khối lượng lao động học tập của SV, 1 TC của Hoa Kỳ bằng khoảng 1, 5 ĐVHT của Việt Nam.
- ở các trường ĐH Hoa Kỳ, việc cung cấp thông tin về chương trình và lịch trình giảng dạy, thi, kiểm tra cho SV đầy đủ, đặc biệt thể hiện ở niên lịch giảng dạy được công bố chính thức trước mỗi năm học. Thời gian biểu học và thi đã công bố được thực hiện nghiêm chỉnh.
- Việc đánh giá kết quả học tập của SV đối với mỗi mô đun ở các trường ĐH Hoa Kỳ được thực hiện liên tục trong cả quá trình giảng dạy mô đun đó, do đó, thời gian dành để thi học kỳ cho các môn học thường chỉ có một tuần; còn ở các trường ĐH nước ta, việc đánh giá từng phần môn học ít diễn ra thường xuyên trong quá trình giảng dạy (mà chủ yếu được thực hiện vào cuối mỗi học kỳ, kéo dài trong khoảng 4 tuần).
Như vậy, qua so sánh có thể thấy, học chế HP ở Việt Nam cũng có cùng bản chất như học chế TC của Mỹ, đó là tích luỹ dần kiến thức được mô đun hoá. Nói cách khác, học chế HP ở nước ta đã chứa một số yếu tố của học chế TC của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính mềm dẻo của học chế HP (Việt Nam) chưa cao như học chế TC (Hoa Kỳ), nói cách khác, chúng ta chưa tận dụng triệt để các ý tưởng làm mềm dẻo quy trình đào tạo của học chế TC của Hoa Kỳ.
Thực hiện, mở rộng và cải tiến học chế TC ở nước ta
Để thực hiện được chủ trương về mở rộng học chế TC, chúng ta cần khẩn trương xây dựng một lộ trình chuyển đổi từ học chế HP hiện nay sang học chế TC trong toàn hệ thống GDĐH. Việc chuyển đổi sang học chế TC nhằm: Tạo một học chế mềm dẻo hướng về SV để tăng cường tính chủ động và khả năng cơ động của SV, đảm bảo sự liên thông dễ dàng trong quá trình học tập và tạo ra những sản phẩm có tính thích ứng cao với thị trường sức lao động trong nước. Đồng thời, trong xu thế toàn cầu hóa, đào tạo theo TC cho phép hệ thống GDĐH nước ta hội nhập được với khu vực và thế giới.
Để chuyển đổi sang học chế TC ở nước ta, một mặt cần phải cải tiến học chế HP tạo nên sự mềm dẻo, cơ động như TC, mặt khác, cần kết hợp một cách lô gic với việc phát triển và hiện đại hoá chương trình đào tạo, bao gồm việc đổi mới mục tiêu, nội dung đào tạo, tổ chức và quản lý lớp học, đặc biệt là cải tiến phương pháp dạy và học cũng như việc đánh giá kết quả học tập của SV. Để thực hiện, cần phát huy tối đa tính chủ động tích cực của SV, nâng cao trình độ giảng dạy và quản lý của đội ngũ giáo chức và điều kiện cơ sở vật chất (đảm bảo đầy đủ tài liệu học tập, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm...); quy định cụ thể khối lượng tài liệu học tập và tham khảo mà SV bắt buộc phải đọc đối với mỗi mô đun, HP. Ngoài ra, đề thi từng HP phải dựa vào yêu cầu của chính HP và khối lượng tài liệu quy định chứ không chỉ dựa vào những điều mà giảng viên đã trình bày ở lớp như lâu nay. Điều đó sẽ cho phép kiểm tra việc chuẩn bị ngoài giờ học của SV (so với số giờ lên lớp phải tương đương 1/1).
Như vậy, trước mắt, ngoài lộ trình cụ thể của Chính phủ, cần có lộ trình cụ thể của từng trường ĐH để thực hiện tốt việc chuyển đổi từ học chế HP sang học chế TC. Có thể khó tìm được một sự nhất trí tuyệt đối về vấn đề này nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, phải coi đây là một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện vì chỉ có như vậy mới thúc đẩy cả hệ thống GDĐH Việt Nam phát triển nhanh chóng và sớm hội nhập với khu vực và thế giới.
TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA SỐ 3/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét