1. Từ 2007-2010, Hải Phòng chuyển đổi, cổ phần hóa 28 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
(Website Chính phủ) - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hải Phòng giai đoạn 2007-2010.
Theo đó, từ năm 2007-2010, 7 đơn vị được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên, gồm: Công ty Xổ số kiến thiết (năm 2007); Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, Công ty Khai thác công trình thủy lợi An Hải (năm 2008); Công ty Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Công ty Thoát nước (năm 2009).
Theo Phương án đã được phê duyệt, Công ty Nam Triệu sẽ được sắp xếp theo doanh nghiệp an ninh, quốc phòng. Năm 2008, chuyển Công ty TNHH một thành viên Thương mại quốc tế Hải Phòng thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Từ năm 2007-2009, Hải Phòng tiến hành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nhà nước trong đó Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần (gồm: Công ty Điện chiếu sáng đô thị, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng, Công ty Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng) và 10 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% tổng số cổ phần (gồm: Công ty Da giầy Hải Phòng, Công ty Thương mại dịch vụ và Xuất khẩu Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Thanh niên, Công ty Thương mại đầu tư và Phát triển đô thị, Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng, Công ty Đường bộ Hải Phòng, Công ty Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch, Công ty Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng, Công ty Môi trường đô thị và Công ty Kinh doanh nhà).
Năm 2009, chuyển 3 đơn vị sự nghiệp có thu: Công ty Bến xe khách, Công ty Công viên, Công ty Mai táng sang công ty cổ phần. Năm 2008, thực hiện sáp nhập, giao, bán, giải thể hoặc phá sản 3 công ty: Công ty Dược Hải Phòng, Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng, Công ty Phát triển khu công nghiệp Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng xây dựng Đề án thí điểm cổ phần hóa Nông trường Quý Cao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Nguồn: Quyết định 1587/QĐ-TTg
2. Trước 31/12/2007, giải quyết dứt điểm việc bàn giao vốn, tài sản cho Công ty cổ phần Phú Diễn
(Website Chính phủ) - Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa Nhà máy Quy chế cơ khí xây dựng thuộc Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam giải quyết dứt điểm việc bàn giao vốn, tài sản cho Công ty cổ phần Phú Diễn theo quy định của pháp luật trước ngày 31/12/2007. Đến thời điểm nêu trên, nếu vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao thì xử lý theo quy định của pháp luật về việc kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với số vốn, tài sản này.
Nguồn: Công văn 6791/VPCP-ĐMDN
3. Chuyển giao nguyên trạng Công ty Lâm nghiệp Sóc trăng về Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam
(Website Chính phủ) - Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý chuyển giao nguyên trạng Công ty Lâm nghiệp Sóc Trăng thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng về Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan liên quan, chỉ đạo thực hiện việc giao, nhận Công ty Lâm nghiệp Sóc Trăng về Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, tiếp tục sắp xếp lại Công ty này theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Công văn 6790/VPCP-ĐMDN
4. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc 3 tỉnh Điện Biên, Cà Mau, Đồng Tháp
(Website Chính phủ) - Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND các tỉnh Điện Biên, Cà Mau và Đồng Tháp giai đoạn 2007-2009.
* Theo Quyết định 1626/QĐ-TTg, giữ nguyên là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước công ty Xổ số kiến thiết Điện Biên. Năm 2007, chuyển Công ty Quản lý thủy nông Điện Biên và Công ty Xây dựng cấp nước Điện Biên thành công ty TNHH một thành viên, 100% vốn nhà nước. Năm 2008, Công ty TNHH Khoáng sản Điện Biên được giao cho tập thể người lao động.
Năm 2008, tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ đối với 4 công ty: Xây dựng và Quản lý đường bộ I, Xây dựng và Quản lý đường bộ II, Giống nông nghiệp, Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên; Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mường Lay. Năm 2009, cổ phần hóa nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ 3 công ty TNHH: Xây dựng và Cơ khí nông nghiệp, Sản xuất vật liệu và xây dựng Điện Biên, Bia và Kinh doanh tổng hợp tỉnh Điện Biên.
* Theo Quyết định 1627/QĐ-TTg, năm 2007-2008 Cà Mau tiến hành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp (Công ty Phát triển nhà Minh Hải, Công ty Dịch vụ Thương mại Cà Mau, Công ty Thương nghiệp Cà Mau); chuyển Công ty Xổ số kiến thiết Cà Mau thành công ty TNHH một thành viên; hợp nhất 3 công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển, Tam Giang III và 184 thành Công ty Lâm nghiệp Rừng Đước; hợp nhất 5 công ty lâm nghiệp 30/4, U Minh I, U Minh II, Trần Văn Thời, Sông Trẹm thành Công ty Lâm nghiệp Rừng Tràm. Cũng trong 2 năm này, tiến hành bán toàn bộ Nhà máy đường Thới Bình, trường hợp không thực hiện được thì chuyển sang hình thức phá sản.
Năm 2009-2010, cổ phần hóa Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau, trong đó Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ.
* Theo Quyết định 1628/QĐ-TTg, năm 2007, chuyển Công ty Thương mại-Dầu khí Đồng Tháp và Công ty Xây lắp-Vật liệu xây dựng Đồng Tháp sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Năm 2008, chuyển Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Tháp thành công ty TNHH một thành viên.
Trong năm 2007-2008, cổ phần hóa 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Thương mại-Dầu khí Đồng Tháp và 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Xây lắp-Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Năm 2009 sẽ tiến hành cổ phần hóa hai công ty mẹ là Công ty Thương mại-Dầu khí Đồng Tháp và Xây lắp-Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Nguồn: Quyết định 1626, 1627, 1628/QĐ-TTg
5. Từ 2007-2010, sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(Website Chính phủ) - Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2007-2010.
Theo đó, năm 2008-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành chuyển Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Công ty Ứng dụng và Phát triển công nghệ (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; 2 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ gồm Công ty Công nghệ điện tử, cơ khí và Môi trường (năm 2007), Công ty Công nghệ và Phát triển (năm 2008).
Đối với các công ty nhà nước thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN), trong năm 2007 thực hiện cổ phần hóa Công ty Đầu tư phát triển điện lực và Hạ tầng (PIDI); Công ty NetNam, Công ty Phát triển Công nghệ (Imtech) thực hiện cổ phần hóa trong năm 2008; các Công ty Đầu tư phát triển công trình du lịch (Detourpro), Công ty Phát triển công nghệ sinh học (Dona-Techno) cổ phần hóa trong năm 2009.
Một số công ty thuộc Viện KHCNVN được giao cho tập thể người lao động như: Công ty Vật liệu và Công nghệ (Matech), Công ty Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu khoa học và kỹ thuật (Scitechimex) trong năm 2007; Công ty Công nghệ mới (Cotec), Công ty Điện tử (Eleco), Công ty Hóa sinh và Phát triển Công nghệ mới (Vihitesco) trong năm 2008; Công ty Ứng dụng khoa học công nghệ và Chuyển giao công nghệ mới, Công ty Giám định và Chuyển giao công nghệ (ICT) và Công ty Xây dựng và Triển khai công nghệ mới trong năm 2009.
Tổng Công ty Ứng dụng công nghệ và Du lịch (Newtatco) và hai công ty thành viên trực thuộc (Công ty Phát triển công nghệ tin học và Cung ứng nhân lực, Công ty Du lịch và Thương mại) sẽ được tổ chức lại thành Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Ứng dụng công nghệ và Du lịch.
Cũng trong năm 2008, làm thủ tục phá sản đối với Công ty Điện tử và Quang học-Elopi thuộc Viện KHCNVN.
Nguồn: Quyết định số 1624/QĐ-TTg và Quyết định số 1625/QĐ-TTg
6. Chuyển Công ty Vật tư nông nghiệp Yên Bái về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam
(Website Chính phủ) - Ngày 30/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý việc chuyển Công ty Vật tư nông nghiệp Yên Bái thuộc UBND tỉnh Yên Bái về làm thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (CNTTVN).
Phó Thủ tướng giao Hội đồng quản trị Tập đoàn CNTTVN thống nhất với UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan liên quan trong việc làm lành mạnh hóa tài chính của Công ty Vật tư nông nghiệp Yên Bái và tổ chức, sắp xếp, có kế hoạch cổ phần hóa Công ty này, đảm bảo hiệu quả việc tiếp nhận thành viên mới trong chiến lược phát triển chung của Tập đoàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và Hội đồng quản trị Tập đoàn CNTTVN thực hiện việc giao, nhận Công ty này theo quy định hiện hành.
Nguồn: Công văn số 6969/VPCP-ĐMDN
7. Tổng công ty Xi măng Việt Nam đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam
(Website Chính phủ) - Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh một số nội dung của các Quyết định số 196/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chuyển Tổng công ty Xi măng Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và Quyết định số 197/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ-Tổng công ty Xi măng Việt Nam.
Theo đó, đổi tên gọi Tổng công ty Xi măng Việt Nam thành Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Công ty mẹ-Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là công ty nhà nước, có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu, biểu tượng, Điều lệ tổ chức và hoạt động; có chức năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác; giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường; trực tiếp quản lý các nguồn tài chính và cung ứng các dịch vụ tư vấn, bí quyết sản xuất kinh doanh, đào tạo... cho các công ty con.
Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh của Công ty mẹ-Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam như sau: Xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển, cảng sông, đường bộ cao tốc, đường biển, đường sắt; đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và đô thị, kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà xưởng, kho tàng, nhà ở, văn phòng; sản xuất, kinh doanh điện; trồng rừng, khai thác và chế biến cao su; xuất khẩu lao động; điều trị bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng; du lịch, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ công cộng khác.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý duy trì Công ty Xi măng Hoàng Thạch là công ty thành viên hạch toán độc lập và cổ phần hóa trong năm 2008; chuyển Công ty Tư vấn đầu tư phát triển xi măng thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vào năm 2008.
Nguồn: Quyết định số 189/2007/QĐ-TTg
8. Hàng loạt công ty dệt may sẽ IPO
Trong 3 tháng qua, một loạt các doanh nghiệp dệt may đã tiến hành đấu giá cổ phiếu lần đầu (IPO) để cổ phần hóa.
Trong 2 tháng cuối năm và quý I/2008 sẽ có thêm khoảng hơn 20 doanh nghiệp ngành dệt may IPO. Cổ phiếu dệt may có phải đang là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư?
Chỉ tính riêng 3 tháng qua đã có 4 doanh nghiệp thuộc ngành dệt may tiến hành IPO: Công ty Dệt gia dụng Phong Phú, Công ty Dệt vải Phong Phú, Tổng công ty May Việt Tiến và Tổng công ty Dệt - May Hà Nội. Sắp tới sẽ có Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Dệt Nam Định và Nhà máy Dệt Tân Tiến cũng tiến hành đấu giá trong tháng 11/2007.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đầu năm 2007 của cả nước tăng trưởng mạnh đạt 5,8 tỉ USD, dự kiến cả năm 2007 sẽ đạt 7,5 tỉ USD. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội như: Không bị áp dụng chế độ hạn ngạch vào thị trường Mỹ, vì vậy tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn phát triển hàng dệt may vào thị trường này.
Sự cạnh tranh trên thương trường dệt may sẽ phức tạp hơn nhưng sòng phẳng hơn và các sản phẩm dệt may Việt Nam trong tương lai sẽ thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trong thời gian tới như: ngành dệt may sử dụng một số nguyên phụ liệu chủ yếu như bông xơ... dựa vào nguồn nhập khẩu là chính, trong khi sản xuất trong nước về bông, xơ không đáp ứng được nhu cầu (bông chỉ đáp ứng được khoảng 5%, xơ tổng hợp khoảng 30%), cho nên các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu để đảm bảo sản xuất.
Theo đánh giá của chuyên gia, hiện các doanh nghiệp sản xuất dệt - nhuộm chưa có hiệu quả, đặc biệt là chưa làm chủ được kỹ thuật, làm chất lượng vải không ổn định. Vì vậy, chưa được khách hàng tiêu thụ sản phẩm may đánh giá để có thể trở thành nhà cung cấp vải cho các doanh nghiệp may gia công trong nước chứ chưa nói đến việc gia tăng xuất khẩu vải.
Hiện vải dệt kim trong nước mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, vải dệt thoi khoảng 30%. Cũng chính vì thế mà khách hàng Mỹ thường chỉ định nhà cung cấp vải từ các nơi (như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan...) để cung cấp cho các doanh nghiệp may Việt Nam.
Hơn nữa, từ ngày 1/6/2007, Chính phủ Mỹ bắt đầu áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu. Điều này làm cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Chính phủ Mỹ áp dụng chương trình giám sát đặc biệt, tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ gây ra tâm lý lo ngại, dè dặt cho khách hàng khi đặt hàng tại Việt Nam ngay từ đầu năm 2007. Giá đầu vào cao, chất lượng hàng dệt biến động, chính sách của Chính phủ Mỹ đối với hàng dệt may Việt Nam... sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và sự phát triển của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, theo cam kết khi gia nhập WTO, các hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về xuất khẩu, hỗ trợ vay với lãi suất thấp đối với ngành dệt may sẽ không còn. Sức ép cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng gay gắt, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào.
Chưa hết, ngành dệt - may phải cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa với hàng hoá của các nước có nhiều lợi thế hơn Việt Nam về lao động, nguyên vật liệu, thiết kế và thương hiệu như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...
Như vậy, có thể nhận định, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nguy cơ lớn, muốn tiếp tục tồn tại bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong ngành nhằm tạo các lợi thế mới trong kinh doanh.
Nguồn: VnEconomy
9. Thành lập Công ty Tài chính cổ phần VINACONEX
(Website Chính phủ)- Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam VINACONEX góp vốn thành lập Công ty Tài chính cổ phần VINACONEX theo quy định Luật Doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành về Tài chính, tín dụng.
Theo đó, Tổng công ty cổ phần VINACONEX được tham gia tối đa 40% vốn Điều lệ.
Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp phép thành lập và hoạt động cho Công ty Tài chính cổ phần VINACONEX theo quy định của luật pháp hiện hành.
Nguồn: Công văn 1877/TTg-ĐMDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét